Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh

Ngày 10/12/2023
Kích thước chữ

Baby Blues và trầm cảm sau sinh là hội chứng tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hay nhầm lẫn về hai hội chứng trên. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh.

Sau khi sinh người mẹ có thể gặp không ít vấn đề về sức khỏe tâm lý, thể chất trong đó thường gặp là hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh. Đây là hai hội chứng có khá nhiều biểu hiện tương đồng gây nhầm lẫn trong việc xác định và điều trị bệnh. Vậy làm thế nào để phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh?

Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh bằng triệu chứng

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh. Một số các triệu chứng được sử dụng để phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh bao gồm:

Hội chứng Baby Blues

Baby Blues là hội chứng để ám chỉ đến một khoảng thời gian ngắn sau khi sinh, phụ nữ xuất hiện cảm giác buồn bã, mệt mỏi, căng thẳng và thường xuyên thay đổi tâm trạng. Hiện có tới 80% phụ nữ sau sinh mắc phải hội chứng Baby Blues, song, hầu hết không hiểu về nó hoặc nghĩ đây là trạng thái tinh thần bình thường phải trải qua.

Các triệu chứng thường thấy của hội chứng Baby Blues như:

  • Khóc hàng tiếng đồng hồ trong ngày, khóc không thể giải thích được vì những tác nhân nhỏ.
  • Tâm trạng thay đổi nhanh chóng đặc biệt là tức giận, ủ rũ, cáu kỉnh hay lo lắng.
  • Cảm thấy bản thân không có mối liên kết với con.
  • Thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, kiệt sức, không muốn ăn uống.
Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh 3
Khóc nhiều, khóc không có nguyên do là biểu hiện thường gặp của người mắc hội chứng Baby Blues

Hội chứng Baby Blues không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Các biểu hiện của hội chứng chỉ kéo dài trong khoảng vài ngày đến 1 tuần sau khi sinh, đôi khi có thể kéo dài đến 2 tuần.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là tình trạng phụ nữ sau sinh bị rối loạn tâm trạng cực đoan liên quan đến suy nghĩ, cảm xúc, tâm lý và hành vi. Người bệnh thường có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán, trống rỗng, mệt mỏi, lo sợ con mình bị hại hay bản thân mình có thể sẽ làm hại em bé.

Bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ người nào tuy nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ lần đầu sinh con. Hiện nay, có khoảng 10 - 20% phụ nữ sau khi sinh rơi vào tình trạng trầm cảm, trong đó có 15% trường hợp xuất hiện trầm cảm trong 3 tháng đầu sau sinh và 15 - 25% xảy ra trong năm đầu sau sinh.

Biểu hiện thường gặp của trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Khóc nhiều, dễ cáu gắt, khó chịu và tức giận.
  • Ít nói chuyện, thường xuyên ở một mình, xa lánh người thận và bạn bè.
  • Mệt mỏi quá mức, mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều.
  • Thay đổi cảm xúc, chán nản, bồn chồn, ủ rũ, lo âu, cảm giác mình không phải là một người mẹ tốt.
  • Không có mối liên kết với em bé hoặc cảm thấy em bé dường như không phải là con của mình.
  • Giảm trí nhớ, chậm chạp, giảm khả năng suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra quyết định.
  • Xuất hiện suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé, thường nghĩ về cái chết.
Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh 1
Trầm cảm sau sinh là bệnh lý có thể kéo dài trong vòng 1 tháng hoặc cả năm

Trầm cảm sau sinh là bệnh lý xuất hiện trong vòng 1 tháng sau sinh và có thể kéo dài đến nhiều tháng hoặc cả năm. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, cần phải sử dụng các biện pháp can thiệp như sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý để điều trị bệnh.

Điều trị trầm cảm sau sinh

Theo các nghiên cứu, trầm cảm sau sinh là căn bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe, tinh thần thậm chí là tính mạng của người bệnh cũng như của trẻ. Một số các biện pháp giúp cải thiện và điều trị bệnh bao gồm:

Tư vấn tâm lý

Tư vấn tâm lý là biện pháp điều trị trầm cảm sau sinh được ưu tiên lựa chọn khi bệnh đang ở giai đoạn nhẹ. Việc trao đổi tình trạng bệnh của bản thân với bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ hữu ích trong việc vượt qua các chướng ngại tâm lý trong cuộc sống.

Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh 2
Việc phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh giúp tìm được các biện pháp điều trị thích hợp 

Thông qua trị liệu, người bệnh có thể tìm ra những cách tốt hơn để đối phó với cảm xúc của mình, giải quyết vấn đề, đặt ra các mục tiêu thực tế và phản ứng với các tình huống theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, động viên từ gia đình cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Gia đình, bạn bè và những người thân có thể là nhân tố chính trong quá trình điều trị trầm cảm sau sinh. Người thân nên quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ người bệnh, để ý các dấu hiệu bất thường và đảm bảo người bệnh uống thuốc đầy đủ.

Điều trị bằng thuốc

Tùy vào tình trạng bệnh mà người bệnh sẽ được sẽ chỉ định điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm phù hợp. Các thuốc này sẽ tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh để điều chỉnh tâm trạng và cải thiện tình trạng bệnh. Một số thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để điều trị bệnh bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptylin, Clomipramin, Imipramin,...): Nhóm thuốc này tác động lên nồng độ của Serotonin và nồng độ của Norepinephrine.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (Fluoxetin, Sertraline, Paroxetine,...): Các thuốc này dung nạp khá tốt và khá an toàn khi cho con bú vì lượng thuốc bài tiết qua sữa mẹ ít.
  • Ngoài ra còn các loại thuốc khác được sử dụng trong điều trị trầm cảm sau sinh như Selegiline, Benzodiazepine, Mirtazapine,...

Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng cho trẻ thông qua bú sữa mẹ. Do đó, cần phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, không được sử dụng thuốc chống trầm cảm bừa bãi.

Biện pháp kiểm soát hội chứng Baby Blues

Để kiểm soát hội chứng Baby Blues, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ sau sinh nên lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn, dành thời gian chăm sóc và giải tỏa áp lực tinh thần. Những biện pháp hiệu quả giúp cải thiện hội chứng trên bao gồm:

Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh 5
Ngủ đủ giấc là biện pháp hiệu quả để cải thiện hội chứng Baby Blues

  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ, ngủ không ngon là một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng Baby Blues. Việc nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp giải tỏa tâm trạng, cải thiện tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể và làm giảm các biểu hiện của hội chứng.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn hợp lý, cân bằng đồng thời bổ sung thêm các thực phẩm giàu magie và omega 3, vitamin B sẽ giúp hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện những giảm thiểu cảm xúc tiêu cực.
  • Chia sẻ nhiều hơn: Người mắc hội chứng có thể tâm sự với gia đình hoặc bạn bè nghe để chia sẻ được nỗi niềm, tâm trạng của bạn.

Việc phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh giúp người bệnh hiểu và có cách điều trị hợp lý. Nếu phát hiện được các bất thường về tâm lý sau sinh hãy đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị sớm nhất.

Xem thêm: Chứng sợ chó (Cynophobia) là gì? Nguyên nhân và biểu hiện

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin