Gãy xương chậu là tình trạng nguy hiểm khi có lực tác động lớn gây ra tình trạng nứt vỡ cấu trúc xương. Lúc này những biện pháp sơ cứu cần thực hiện đúng và sớm nhất để tránh tổn thương cho thần kinh, mạch máu và cũng như các mô xơ xung quanh.
Mỗi một dạng gãy xương chậu sẽ có cách sơ cứu khác nhau. Nhà thuốc Long Châu sẽ trình bày phương pháp sơ cứu gãy xương chậu đúng cách mà bạn cần nắm rõ.
Những ảnh hưởng của tình trạng gãy xương chậu
Gãy xương chậu là một loại chấn thương vô cùng nguy hiểm và phức tạp. Những biến chứng có thể gặp khi bị gãy xương chậu như sau.
Tổn thương đến xương khớp
Gãy khung chậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đai chậu, mang lại nguy cơ trật khớp mu cũng như gãy cánh xương cùng rất cao.
Tổn thương hệ tiết niệu
Do phía trong khu vực xương chậu có chứa hệ thống hệ tiết niệu nên khi gãy xương chậu chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến hệ cơ quan này. Hậu quả chính là chấn thương hệ tiết niệu, nguy hiểm nhất là xảy ra ở khu vực niệu đạo và bàng quang.
Tổn thương cơ quan sinh dục
Xương chậu bao bọc hầu hết cơ quan sinh sản, do đó khi bị gãy xương chậu sẽ gây ra nhiều tổn thương tới các cơ quan sinh sản ở bên trong.
Tổn thương đến hệ thống trực tràng
Hệ thống trực tràng cũng là một trong những tạng nằm bên trong khung chậu, xương hông. Do đó nên khi bị gãy, hệ thống này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, làm tăng thêm nguy cơ nhiễm khuẩn thậm chí gây tử vong.
Tổn thương đến các cơ quan khác trong ổ bụng
Gãy xương chậu sẽ gây ra ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong khu vực ổ bụng, thường gặp nhất là tổn thương gan hoặc tá tràng (chiếm khoảng 17%).
Tóm lại, gãy xương chậu có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là làm tăng thêm nguy cơ tử vong do ảnh hưởng tới các cơ quan bên trong cơ thể. Chính vì vậy, khi không may bị gãy xương chậu, cần lập tức đưa người bệnh tới các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng nề có thể xảy ra.
Gãy xương chậu gây ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể
Dấu hiệu của người bị gãy xương chậu
Dấu hiệu phát hiện nạn nhân bị chấn thương nứt gãy xương chậu là nạn nhân không thể đi hoặc thậm chí là đứng, mặc dù phần chân dường như không bị thương. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cảm thấy đau và nhức ở vùng hông, háng hoặc lưng, đau tăng dần theo chuyển động. Khó hoặc đau khi đi tiểu, tiểu ra máu. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu khác như:
- Da ẩm, lạnh và nhợt nhạt.
- Môi hoặc móng tay chuyển thành màu tái xanh (nếu bệnh nhân có làn da sẫm màu thì những khu vực này chuyển sang màu xám).
- Mạch đập nhanh và yếu, huyết áp giảm xuống dưới mức trung bình.
- Tăng thông khí, thở nhanh sâu, thở chậm nông, hổn hển, khó khăn.
- Buồn nôn hoặc là ói mửa.
- Đồng tử người bệnh giãn rộng, ánh mắt thất thần, nhìn sững.
- Cơ thể yếu ớt, mệt mỏi.
- Thường cảm thấy chóng mặt, đôi khi ngất xỉu.
- Có những thay đổi về mặt tinh thần hoặc hành vi, có thể nhận thấy là lú lẫn, thường xuyên lo lắng, kích động, bứt rứt.
Người bị gãy xương chậu sẽ có cảm giác đau vùng hông lưng
Các bước sơ cứu gãy xương chậu đúng cách
Thứ tự các bước sơ cứu gãy xương chậu như sau:
- Để bệnh nhân nằm ngửa, đầu bằng hoặc là đầu thấp để giảm thiểu sốc. Giữ cho chân thẳng, phẳng. Hoặc để bệnh nhân thoải mái hơn thì gấp nhẹ đầu gối và dùng vật mềm như đệm hoặc quần áo gấp để đặt dưới đầu gối, giúp đỡ bớt sức nặng của chân.
- Đặt vật mềm ở giữa các điểm xương đầu gối và mắt cá chân của bệnh nhân. Buộc 2 vòng băng to bản ở khu vực khung chậu. Băng cố định hai chân của bệnh nhân tại các vị trí: băng số 8 xung quanh mắt cá chân và bàn chân; băng rộng bản ở phần đầu gối.
- Gọi cấp cứu hoặc là dịch vụ y tế chuyên nghiệp để được trợ giúp khẩn cấp kịp thời.
- Cách xử lý nạn nhân bị sốc: nới lỏng áo chật để giúp bệnh nhân thoải mái, tuy nhiên vẫn cần giữ ấm để tránh nhiễm lạnh; không nên cho nạn nhân ăn hay uống, lập tức sơ cứu các tổn thương khác nếu có. Không nâng cao chân bệnh nhân.
- Trong quá trình sơ cứu cần theo dõi và ghi lại những dấu hiệu sinh tồn cơ bản như: Ý thức, nhịp thở, nhịp mạch cho đến khi đội cấp cứu tới.
Các bước sơ cứu gãy xương chậu đúng cách
Những điều cần lưu ý khi sơ cứu gãy xương chậu
- Không nên cho nạn nhân ăn hoặc uống vì có thể cần phải gây mê.
- Giữ cho các cử động của nạn nhân ở mức tối thiểu để tránh di lệch cũng như làm trầm trọng thêm thương tích.
- Không băng bó chân nạn nhân lại với nhau vì điều này làm tăng thêm cơn đau. Chỉ nên bao quanh khung chậu bằng đệm mềm, ví dụ như quần áo hoặc khăn tắm.
- Để ổn định tình trạng bệnh cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi. Người bệnh cần lưu ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động hàng ngày.
Gãy xương chậu cần lưu ý không băng bó chân nạn nhân lại với nhau
Chế độ ăn uống sinh hoạt cho người bị gãy xương chậu
Bổ sung thêm những thực phẩm giàu canxi, vitamin D, sắt và các loại khoáng chất tốt cho sức khỏe, giúp thúc đẩy quá trình tái tạo xương, tăng cường sức đề kháng. Có thể bổ sung thêm các loại viên uống bổ sung giúp cơ thể chữa lành tốt hơn.
Nên tránh những thực phẩm khó tiêu hóa, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn. Đảm bảo thời gian nghỉ ngơi bất động theo đúng yêu cầu từ bác sĩ. Sau khi sức khỏe đã ổn định, vị trí gãy không còn cảm giác đau, khó chịu thì người bệnh nên luyện tập vận động nhẹ nhàng, từ từ, chậm rãi với nạng.
Người bị gãy xương chậu cần chú ý đến chế độ ăn uống để mau hồi phục
Trên đây chính là cách sơ cứu gãy xương chậu đúng cách. Sau khi đã thực hiện các bước sơ cứu trên, người thân cần lập tức gọi cấp cứu để nhận được sự hỗ trợ và điều trị tốt nhất.
Xem thêm:
Bị gãy xương chậu bao lâu thì lành?
Gãy xương chậu có mang thai được không?
Thảo My
Nguồn tham khảo: Tổng hợp