Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

PT% là gì? Chỉ số này có ý nghĩa như thế nào đối với người bị rối loạn đông máu?

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ

Đông máu là một quá trình sinh lý quan trọng được hình thành mỗi khi cơ thể bị tổn thương. Nếu quá trình đông máu không được diễn ra bình thường, có thể dẫn đến tử vong do mất máu quá nhiều. Xét nghiệm PT là một trong những xét nghiệm quan trọng giúp kiểm tra sự bất thường đối với khả năng đông máu của cơ thể. Cùng tìm hiểu cụ thể hơn về nội dung PT% là gì qua bài viết sau đây.

Chỉ số PT% mang một ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ phát hiện những vấn đề liên quan đến quá trình đông máu. Trong đó, đối tượng gặp phải những rối loạn về máu hoặc đang theo dõi tác dụng của các loại thuốc chống đông máu thường được chỉ định loại xét nghiệm này. Vậy PT% là gì? Cách thức này thực hiện và ý nghĩa của xét nghiệm này là như thế nào?

Tìm hiểu về quá trình đông máu

Để hiểu thêm PT% là gì, chúng ta hãy cùng khái quát lại những thông tin liên quan đến quá trình đông máu của cơ thể.

Đông máu là hiện tượng thay đổi trạng thái vật lý của máu, chuyển từ dạng lỏng sang dạng rắn thông qua sự tạo thành sợi huyết, từ đó làm hạn chế việc chảy máu ra ngoài mạch và bảo vệ vùng tổn thương thành mạch. Để duy trì sự ổn định đối với trạng thái lỏng của máu khi lưu thông, sự cân bằng giữa hệ thống chống đông máu và đông máu là yếu tố hàng đầu. Bất cứ sự mất cân bằng nào trong quá trình đông máu – chống đông đều có thể dẫn đến nguy cơ tắc mạch hoặc chảy máu.

pt-la-gi-chi-so-nay-co-y-nghia-nhu-the-nao-doi-voi-nguoi-bi-roi-loan-dong-mau 1
Quá trình đông máu bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mất máu quá mức

Rối loạn đông máu có thể gây ra bởi việc thiếu hụt yếu tố đông máu gây xuất huyết mất kiểm soát, hoặc do thiếu chất ức chế đông máu gây hiện tượng tắc mạch và cản trở lưu thông. Vì thế, xét nghiệm đông cầm máu là rất cần thiết khi đánh giá khả năng đông máu, đặc biệt là ở những người có biểu hiện của rối loạn đông máu.

Xét nghiệm PT% là gì?

Tổng quan về PT%

Chỉ số PT% là gì và được đánh giá như thế nào? Trước hết, chúng ta cần biết rằng khi bị thương và chảy máu, theo phản ứng tự nhiên của cơ thể, các quy trình tạo ra các cục máu đông để cầm máu sẽ diễn ra theo từng bước. PT liên quan đến việc đánh giá một loại protein do gan sản xuất đó là prothrombin, đây là yếu tố tham gia vào một giai đoạn nhất định của quá trình đông máu. 

Xét nghiệm thời gian prothrombin (PT - Prothrombin Time), sử dụng mẫu máu để đo thời gian hình thành cục máu đông. Chỉ số được tính theo hai cách: Bằng giây hoặc bằng %. Hai giá trị này nghịch với nhau. 

Giá trị PT bình thường cho thấy lượng protein được sản xuất cho quá trình đông máu ở mức bình thường. Thời gian PT kéo dài khi tính theo giây hoặc tỷ lệ PT% giảm cho thấy tình trạng rối loạn đông máu. Nguyên nhân có thể do một trong những yếu tố sau: Thiếu yếu tố đông máu, thiếu vitamin K, các bệnh về gan, sử dụng thuốc kháng vitamin K. Bên cạnh đó, điều này có thể cho thấy có nguy cơ xuất huyết trong của đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày).

pt-la-gi-chi-so-nay-co-y-nghia-nhu-the-nao-doi-voi-nguoi-bi-roi-loan-dong-mau 2
PT% là gì?

Chỉ định xét nghiệm PT

Xét nghiệm PT có thể được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Chảy máu không rõ nguyên nhân: Xét nghiệm PT thường được chỉ định kết hợp cùng với xét nghiệm PTT – thời gian Thromboplastin từng phần ở những đối tượng bị chảy máu không rõ nguyên nhân. Việc kết hợp 2 loại xét nghiệm trên giúp đánh giá đầy đủ những nguyên nhân khả thi gây rối loạn đông máu. Cụ thể hơn, quá trình đông máu có thể được hình thành từ con đường nội sinh hoặc ngoại sinh, cả hai nhánh này sẽ cùng nhập vào con đường chung để hoàn tất quá trình đông máu sau cùng. Xét nghiệm PT giúp đánh giá con đường ngoại sinh và con đường chung, còn xét nghiệm PTT giúp đánh giá con đường nội sinh và con đường chung.
  • Phẫu thuật: Xét nghiệm PT có thể được chỉ định đối với bệnh nhân chuẩn bị thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Điều này giúp phòng ngừa khả năng mất máu quá nhiều trong quá trình phẫu thuật, cũng như để có sự chuẩn bị tốt cho người bệnh.
  • Đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông: Xét nghiệm PT có thể sẽ được kết hợp thực hiện thường xuyên để đảm bảo duy trì hiệu quả tác động của thuốc, đồng thời phát hiện kịp thời nếu có những tác dụng phụ xảy ra (ví dụ: Xuất huyết). Trong trường hợp này, thời gian prothrombin thường được hiển thị dưới dạng tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (INR).
  • Kiểm tra bệnh gan: Thời gian đông máu kéo dài hơn bình thường có thể do gan không sản xuất đủ lượng protein đông máu. Vì thế, PT cao thường có nghĩa là gan bị tổn thương nghiêm trọng hoặc xơ gan. Đây cũng là một trong những xét nghiệm được sử dụng để sàng lọc đối với những người đang chờ ghép gan. Đây là bước sàng lọc thuộc vào mô hình cho bệnh gan giai đoạn cuối (MELD - hệ thống tính điểm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh gan mãn tính).
pt-la-gi-chi-so-nay-co-y-nghia-nhu-the-nao-doi-voi-nguoi-bi-roi-loan-dong-mau 3
Xét nghiệm PT giúp theo dõi hiệu quả điều trị đối với những thuốc chống đông

Ngoài ra, những đối tượng sau đây cũng có thể cần cân nhắc để chỉ định kiểm tra chỉ số PT. Cụ thể, những trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu của rối loạn chảy máu như sau: Thường xuyên chảy máu cam, thiếu máu mạn tính, rong kinh – cường kinh, dễ bầm tím, chảy máu nướu răng, phát hiện máu trong nước tiểu hoặc trong phân, sưng hoặc đau ở khớp. Kiểm tra thời gian prothrombin là bước đầu tiên để xác định các vấn đề tiềm ẩn đối với khả năng đông cầm máu.

Tiến hành xét nghiệm PT

Cần lưu ý gì trước khi thực hiện xét nghiệm PT?

Những yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm PT% là gì? Chúng ta cần lưu ý đến những thực phẩm tiêu dùng và thuốc có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của chỉ số PT%.

  • Thực phẩm chứa lượng lớn vitamin K có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Một số thực phẩm chẳng hạn như gan, bông cải xanh, đậu xanh, trà xanh, cải xoăn, củ cải xanh và thực phẩm làm từ đậu nành có thể ảnh hưởng đến giá trị PT. Vì thế, tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ cho bạn biết trước những thực phân nên tránh sử dụng trước khi xét nghiệm.
  • Các loại thuốc chống đông máu, một số thuốc tránh thai, an thần có thể làm thay đổi các chỉ số xét nghiệm liên quan đến quá trình đông máu. Vì vậy, người bệnh cần cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc, vitamin, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về việc có nên ngừng thuốc hay không để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
pt-la-gi-chi-so-nay-co-y-nghia-nhu-the-nao-doi-voi-nguoi-bi-roi-loan-dong-mau 4
Xét nghiệm PT có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng

Lấy máu cho xét nghiệm PT

Đây là một thủ tục ngoại trú thường được thực hiện tại phòng thí nghiệm chẩn đoán. Máu sẽ được lấy từ tĩnh mạch, thường là ở cánh tay hoặc bàn tay của bạn. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ thêm hóa chất đặc hiệu vào máu và tiến hành phân tích tự động trên máy. Hầu hết xét nghiệm PT được thực hiện trong vài phút, gây ra ít hoặc không gây đau đớn.

Tóm lại, chỉ số PT% giúp đánh giá khả năng đông máu, nhằm phát hiện được những bất thường của sự thiếu hụt của các yếu tố đông máu. Đây cũng là xét nghiệm định kỳ đối với những người đang sử dụng thuốc chống đông máu. Bài viết trên vừa mang đến những thông tin liên quan cho thắc mắc PT% là gì, hy vọng có thể cập nhật thêm những kiến thức bổ ích cho bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin