Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Quả bồ hòn có ăn được không? Một số lưu ý khi sử dụng quả bồ hòn

Ngày 28/12/2023
Kích thước chữ

Quả bồ hòn được xem như một loại dược liệu quý, được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Vì thế mà nhiều người nghi vấn quả bồ hòn có ăn được không? Nó có ích cho sức khỏe của con người hay không? Và công dụng chính của quả bồ hòn là gì?

Những sản phẩm làm từ quả bồ hòn ngày càng nhiều và được xem là sản phẩm sạch cho người người tiêu dùng. Vì thế mà nhiều người quan tâm đến vấn đề quả bồ hòn có ăn được không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây!

Thành phần trong quả bồ hòn

Quả bồ hòn được xem là dược liệu quý bởi chúng có chứa nhiều hợp chất quan trọng. Trong đó phải kể đến hai thành phần là saponin và dầu béo.

  • Saponin: Là một hợp chất vô định hình, có màu hơi trắng đục, khi thủy phân thì saponin tách thành tinh thể arabinoza và sapogenin. Nó chiếm khoảng 18% trong quả bồ hòn và là chất tẩy rửa tự nhiên. Vì vậy nên saponin có khả năng tẩy rửa cực mạnh, được sử dụng để giặt quần áo, lau chùi nồi chảo, lau sàn nhà và nhiều ứng dụng khác.
  • Dầu béo: Là một thành phần quan trọng khác, đóng vai trò trong việc cung cấp độ ẩm và chăm sóc da. Nó chiếm khoảng 9 đến 10% trong quả bồ hòn. Và thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc tóc và da.
Quả bồ hòn có ăn được không? Một số lưu ý khi sử dụng quả bồ hòn 1
Saponin và dầu béo là hai thành phần chủ yếu có trong quả bồ hòn

Ngoài ra, quả bồ hòn còn chứa chất tannin và flavonoid. Đây là những hợp chất có vai trò chống oxy hóa, chống ô nhiễm và bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do.

Quả bồ hòn có ăn được không?

Vậy thì quả bồ hòn có ăn được không? Vì là một loại dược liệu nên nhiều người thường lầm tưởng quả bồ hòn có thể ăn được. 

Tuy nhiên, bảng thành phần hóa học của quả bồ hòn chứa nhiều saponin, một hợp chất có khả năng tạo bọt và có tính chất tẩy rửa mạnh. Saponin cũng có đặc tính diệt khuẩn, giúp làm sạch và kháng khuẩn. Vì vậy, khi saponin lọt vào cơ thể qua đường ăn uống, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như co thắt dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác.

Quả bồ hòn có ăn được không? Một số lưu ý khi sử dụng quả bồ hòn 2
Quả bồ hòn có ăn được không là thắc mắc của nhiều người

Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, quả bồ hòn không nên được ăn trực tiếp. Thay vào đó, nó có thể được sử dụng để chiết xuất thành các bài thuốc, kem đánh răng hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác mà không gây hại cho cơ thể khi sử dụng theo đúng liều lượng và cách thức chiết xuất phù hợp.

Gợi ý một số cách sử dụng quả bồ hòn trong đời sống

Sau khi đã biết rõ quả bồ hòn có ăn được không, nhiều người thắc mắc về công dụng của loại quả này. Thực tế, quả bồ hòn được ứng dụng nhiều vào trong đời sống hằng ngày.

Giặt quần áo tự nhiên

Nguyên liệu: 5 quả bồ hòn.

Cách thực hiện:

  • Giặt máy: Đặt bồ hòn vào túi vải, sau đó đặt túi vào máy giặt cùng quần áo dơ. Chọn chế độ giặt thông thường, có thể thêm nước ấm nếu cần thiết. Khi quá trình giặt kết thúc, giữ lại túi bồ hòn để sử dụng trong khoảng 4 lần giặt tiếp theo.
  • Sử dụng giặt tay: Cho bồ hòn vào thau cùng nước ấm, khuấy đều để saponin tiết ra nhiều hơn. Bỏ quần áo vào ngâm trong khoảng 10 phút. Bắt đầu quá trình giặt bằng tay, tập trung vào các khu vực cần làm sạch. Sau đó, xả sạch quần áo bằng nước sạch.
Quả bồ hòn có ăn được không? Một số lưu ý khi sử dụng quả bồ hòn 3
Sử dụng quả bồ hòn để giặt quần áo cho gia đình

Rửa chén bằng quả bồ hòn

Nguyên liệu: 4 quả bồ hòn.

Cách thực hiện: Bỏ bồ hòn vào túi vải, ngâm vào nước ấm và khuấy đều để tạo nước rửa chén tự nhiên.

Sử dụng bồ hòn làm kem cạo lông

Nguyên liệu:

  • 25g quả bồ hòn;
  • ½ muỗng cà phê axit citric;
  • Dầu olive/dầu dưỡng ẩm/tinh dầu thiên nhiên.

Cách thực hiện:

  • Nấu sôi 500ml nước, sau đó thêm 50g bồ hòn vào nước đun sôi và khuấy đều trong khoảng 15 - 20 phút. Khuấy đều sẽ giúp saponin và các chất có trong bồ hòn tiết ra nhiều hơn.
  • Sau khi nấu sôi bồ hòn, thêm axit citric vào nồi và khuấy đều. Để hỗn hợp nguội. Lọc hỗn hợp bồ hòn qua rây để loại bỏ cặn bồ hòn, chỉ giữ lại dung dịch.
  • Trong một tô, pha hỗn hợp bồ hòn đã lọc với một lượng nhỏ dầu olive, dầu dưỡng ẩm, hoặc tinh dầu thiên nhiên khác. Khuấy đều hỗn hợp cho đến khi nó trở nên đặc hơn và sử dụng.
Quả bồ hòn có ăn được không? Một số lưu ý khi sử dụng quả bồ hòn 5
Chăm sóc da bằng thành phần tự nhiên có trong quả bồ hòn

Sử dụng quả bồ hòn để dọn dẹp nhà cửa

Nguyên liệu:

  • 25g quả bồ hòn;
  • ½ muỗng cà phê axit citric;
  • 250ml giấm;
  • Một ít dầu tinh dầu thiên nhiên (tràm trà, bạch đàn,...).

Cách thực hiện:

  • Nấu sôi dung dịch bồ hòn trong khoảng 15 - 20 phút. Thêm axit citric vào nồi, khuấy đều. Để nguội dung dịch và lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ cặn bồ hòn.
  • Thêm giấm và ít tinh dầu vào dung dịch, sau đó khuấy đều. Dùng dung dịch bồ hòn để lau sàn nhà, bề mặt đồ nội thất và các khu vực khác trong nhà.

Một số lưu ý khi sử dụng quả bồ hòn

Khi dùng quả bồ hòn, cần lưu ý một số điều sau:

  • Không sử dụng thuốc mỡ bồ hòn cho việc chữa bỏng da, có thể tăng nguy cơ mủ nổi và gây nhiễm trùng cho vết thương.
  • Tránh nước bồ hòn tiếp xúc trực tiếp với mắt, nó có thể gây kích ứng và đỏ mắt. Cần hạn chế sự tiếp xúc này để bảo vệ mắt khỏi tác động có thể gây hại.
  • Ngừng sử dụng ngay khi xuất hiện các triệu chứng phản ứng phụ như: Phát ban, ngứa, đỏ da và nên đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức.
  • Phụ nữ mang thai trong các tháng đầu nên hạn chế sử dụng bồ hòn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và thai nhi.
Quả bồ hòn có ăn được không? Một số lưu ý khi sử dụng quả bồ hòn 4
Cần chú ý an toàn khi sử dụng quả bồ hòn

Bài viết đã tổng hợp và chia sẻ những thông tin liên quan đến quả bồ hòn và quả bồ hòn có ăn được không. Hy vọng những gì mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp ích cho bạn. Nếu muốn biết thêm nhiều thông tin khác về sức khỏe thì hãy truy cập vào website của Nhà thuốc Long Châu thường xuyên nhé.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin