Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Răng bị đen ở mặt trong do đâu? Can thiệp như thế nào?

Ngày 07/05/2024
Kích thước chữ

So với những vết đen xuất hiện ở bên ngoài thì răng bị đen ở mặt trong là tình trạng phổ biến hơn, bắt gặp ở 50 - 60% người trưởng thành. Vậy vì sao lại có hiện tượng này và làm cách nào để khắc phục hiệu quả?

Răng bị đen ở mặt trong tuy không ảnh hưởng quá nhiều đến tính thẩm mỹ nhưng nếu bạn không can thiệp thì hiện tượng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đáng ngại. Đặc biệt là khi những mảng tối màu do chết tủy, sâu răng gây ra.

Những nguyên nhân chính khiến răng bị đen ở mặt trong

Dưới đây là một số nguyên nhân chính yếu dẫn đến hiện tượng răng bị đen ở mặt trong:

Sự tích tụ của cao răng (vôi răng)

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng này. Trong trường hợp bạn vệ sinh không thường xuyên hoặc sai cách hoặc răng mọc chen chúc, khấp khểnh thì mảng bám thức ăn vẫn còn tồn ứ ở mặt trong của răng. Dần dần, chúng sẽ bị vôi hóa và hình thành lớp cao răng cứng, nằm áp sát men răng. Qua thời gian, vôi răng chuyển từ màu vàng sang nâu đậm rồi hóa đen. Và nếu không loại bỏ sớm thì hệ quả tiếp theo sẽ là sâu răng, viêm nướu, hôi miệng,...

Răng bị đen ở mặt trong do đâu? Can thiệp như thế nào? 1
Sự xuất hiện của cao răng là nguyên nhân hàng đầu khiến răng bị đen ở mặt trong

Sâu răng

Khi bạn có thói quen ăn đồ ngọt hoặc lười chải răng hằng ngày thì những mảng thức ăn còn tồn đọng sẽ trở thành nguồn thức ăn của vi khuẩn hoại sinh trong khoang miệng. Quá trình phân giải các thành phần này của vi khuẩn sẽ sinh ra axit, gây hỏng men răng. Vậy nên vi khuẩn lại càng được dịp xâm lấn sâu, hình thành những chấm đen trên mặt trong của răng.

Sau một thời gian, các chấm đen sẽ trở nên to hơn, hõm sâu và hình thành các hốc, lỗ. Không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, tính thẩm mỹ mà còn gây bội nhiễm và ảnh hưởng tiêu cực đến tủy răng.

Răng chết tủy

Tủy chính là nơi nuôi dưỡng răng, chúng được bảo vệ bởi men răng và ngà răng nhưng khi các yếu tố gây hại đi qua hai hàng rào bảo vệ này thì tủy răng sẽ bị tấn công. Ban đầu là viêm nhiễm, sau đó dần dà sẽ dẫn đến tình trạng răng chết tủy khi không được can thiệp sớm. Lúc này, vấn đề sức khỏe trên cũng biểu hiện ra bên ngoài bằng hiện tượng răng có màu xám đen.

Răng bị nhiễm màu

Đôi khi những vết đen ở mặt trong của răng đơn thuần chỉ là sự bám dính của đồ uống, thức ăn có màu tối. Phổ biến nhất là chocolate, cà phê, trà,... Ngoài ra việc hút thuốc lá thường xuyên cũng dẫn đến hệ quả tương tự.

Ảnh hưởng của thuốc

Nhiều loại thuốc kháng sinh đi kèm tác dụng phụ là hủy hoại men răng. Khi đó, răng sẽ nhanh bị xỉn màu, đặc biệt nhạy cảm trước nhiệt độ, các yếu tố gây hại. Và trước tác động của những nhân tố này thì răng càng ngày càng có màu sậm hơn, thậm chí xuất hiện nhiều vết màu nâu đen trên bề mặt.

Răng bị đen ở mặt trong do đâu? Can thiệp như thế nào? 2
Việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh cũng liên quan đến tình trạng này

Nếu không can thiệp, răng bị đen mặt trong sẽ gây ra hậu quả gì?

Khi răng bị đen ở mặt trong mà không được can thiệp thì chúng có thể dẫn đến những hệ lụy sau:

  • Hôi miệng: Sâu răng, cao răng, chết tủy,... đều là “thủ phạm” gây hôi miệng. Đặc biệt với cao răng huyết thanh, dù bạn có đánh răng sạch sẽ thì cũng không thể loại bỏ chúng. Vậy nên hiện tượng hôi miệng vẫn xuất hiện và khiến bạn gặp nhiều cản trở trong giao tiếp.
  • Viêm lợi: Phần đa các trường hợp răng bị đen đều liên quan đến sự hiện diện của vi khuẩn gây hại trên cung hàm. Tác nhân này sẽ gây viêm, thâm và tụt lợi. Khi đó thì không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà răng còn bị lung lay, dễ gãy rụng khi va chạm cơ học.
  • Nhiễm trùng: Ổ viêm khi không được xử lý triệt để, hiện tượng áp xe xương ổ răng là điều rất dễ xảy ra. Trong trường hợp này bạn có thể phải đối diện với nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Răng bị đen ở mặt trong do đâu? Can thiệp như thế nào? 4
Răng bị đen mặt trong nếu không can thiệp có thể dẫn đến hôi miệng, viêm lợi, áp xe xương ổ răng,...

Khắc phục răng đen mặt trong như thế nào?

Để khắc phục tình trạng răng đen mặt trong, bạn hãy làm theo hướng dẫn sau:

Can thiệp tại nhà

Trong trường hợp răng bám màu đen do lớp vôi mỏng hoặc nhiễm màu từ đồ ăn, thức uống, bạn có thể sử dụng các biện pháp đơn giản và hiệu quả như:

  • Đánh răng với muối tinh để loại bỏ mảng bám và ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
  • Trộn muối với chanh theo tỉ lệ tương đương và chà nhẹ lên mặt trong của răng để làm sạch bề mặt, loại bỏ một phần cao răng.
  • Pha baking soda với nước chanh thành hỗn hợp sền sệt rồi dùng như kem đánh răng, duy trì mỗi tuần 1 lần.

Can thiệp chuyên sâu

Trong trường hợp vôi răng quá nhiều, răng sâu hoặc chết tủy thì bạn có thể tham khảo một số giải pháp sau:

  • Lấy cao răng: Đây là cách làm cực nhanh gọn và hiệu quả giúp bạn loại bỏ lớp vôi răng màu đen bám ở mặt trong răng. Quy trình thực hiện không có gì phức tạp, kết quả sẽ thấy ngay sau khoảng 1 giờ can thiệp.
  • Trám răng: Được áp dụng trong trường hợp răng bị sâu đen. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ đề xuất một phương pháp trám phù hợp nhưng nguyên tắc cơ bản là làm vệ sinh, sau đó dùng vật liệu để lấp đầy các khoang bị sâu nhằm chặn đứng nguy cơ xâm hại của mảng bám và vi khuẩn. Trong trường hợp răng sâu nặng đến mức gây viêm, chết tủy thì cần chữa tủy trước khi can thiệp theo cách này.
  • Bọc răng sứ: Nếu răng không chỉ sâu đen mặt trong mà còn ảnh hưởng đến cả mặt ngoài, đường viền thì bọc răng sứ là cách can thiệp hiệu quả nhất. Khi đó, mão răng sứ sẽ ôm lấy trụ răng thật và bảo vệ kết cấu này trước các yếu tố nguy cơ. Từ đó giúp phục hình răng, phục hồi chức năng ăn nhai và chặn đứng rủi ro sâu răng tái diễn.
Răng bị đen ở mặt trong do đâu? Can thiệp như thế nào? 3
Lấy cao răng là cách can thiệp đơn giản nhưng mang đến hiệu quả cao đối với tình trạng răng đen mặt trong

Cách ngăn ngừa hiệu quả tình trạng răng đen mặt trong

Để ngăn ngừa tình trạng răng bị đen mặt trong thì bạn cần ghi nhớ những điểm mấu chốt sau:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách bằng bàn chải mềm và kem đánh răng chứa flour ngày 2 lần: Buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng thêm nước súc miệng để nâng cao hiệu quả làm sạch sau mỗi lần chải răng.
  • Sau khi ăn nên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám.
  • Hạn chế sử dụng đồ ngọt, đồ ăn, thức uống có màu đậm và nói không với việc hút thuốc lá.
  • Uống ít nhất 2l nước mỗi ngày. Đây cũng là cách giúp rửa trôi vụn thức ăn, hỗ trợ hoạt động của tuyến nước bọt, từ đó gia tăng hiệu quả làm sạch răng miệng.
  • Khám răng định kỳ 6 tháng/lần trong trường hợp răng hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu răng bị sâu, viêm lợi thì nên thăm khám 3 tháng/lần để khắc phục triệt để các vấn đề nói trên.

Khi làm theo hướng dẫn trên đây thì đảm bảo hiện tượng răng bị đen ở mặt trong sẽ không có cơ hội tìm đến bạn. Sau cùng, chúc bạn áp dụng thành công và sở hữu một hàm răng sáng đẹp, luôn chắc khỏe! Trân trọng!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin