Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Răng hàm lung lay phải làm sao?

Ngày 28/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Răng hàm lung lay đau nhức khiến bạn khó chịu ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và thậm chí dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn cho cả hàm và xương xung quanh. Vậy khi xuất hiện tình trạng răng hàm lung lay phải làm sao?

Răng hàm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ăn nhai thực phẩm, hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng tối đa. Nhưng khi răng hàm gặp vấn đề gây tình trạng răng hàm lung lay, đau nhức phải làm sao?

Răng hàm lung lay là gì?

Răng hàm lung lay là tình trạng khi răng bị mất đi sự ổn định và đứng vững trong xương hàm. Răng không giữ được vị trí ban đầu của mình và có thể di chuyển, lung lay hoặc thậm chí là bị lệch khỏi vị trí bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm va chạm mạnh vào khung hàm, viêm nha chu, sâu răng, tiêu xương răng, nghiến răng quá mức, thậm chí là do các vấn đề liên quan đến nội tiết tố hoặc loãng xương.

rang-ham-lung-lay-phai-lam-sao 1.jpg
Răng hàm lung lay không giữ được vị trí ban đầu của mình

Răng hàm lung lay không chỉ gây đau nhức mà còn ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ và tự tin trong giao tiếp của người bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm để ngăn chặn tình trạng lung lay này trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời giữ cho răng và hàm ổn định và khỏe mạnh hơn.

Nguyên nhân gây ra tình trạng răng hàm lung lay

Răng lung lay và đau nhức có nguyên nhân đa dạng, từ những tác động bên ngoài đơn giản đến các vấn đề bên trong nghiêm trọng. Ví dụ, khi bị va chạm mạnh vào khung hàm, răng có thể bị tổn thương và trở nên dễ lung lay hơn. Cắn phải vật quá cứng hoặc bị va đập làm yếu đi răng và gây đau nhức.

Viêm nha chu là một vấn đề phổ biến khiến răng lung lay. Khi bị viêm nha chu, nướu có thể rút khỏi răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể làm mất mô liên kết và xương, gây ra tình trạng lung lay. Các triệu chứng bao gồm sưng đau nướu, chảy máu, và tiêu xương ổ răng.

Sâu răng cũng là một nguyên nhân phổ biến gây đau nhức răng. Sâu khiến tổn thương lan xuống tủy xương và gây viêm nhiễm, khiến răng trở nên nhạy cảm và đau đớn. Điều này thường xảy ra ở người trưởng thành.

Bệnh tiêu xương răng cũng có thể làm răng lung lay. Nó làm giảm chiều cao và độ rộng của thành xương, không còn khả năng nâng đỡ nướu răng, khiến răng dễ bị lung lay và đau nhức.

Nghiến răng khi ngủ thường xuyên cũng có thể gây hại, khiến răng và men răng bị hư hại. Áp lực lên răng khiến chúng lung lay và gây tổn thương cho các mô xung quanh.

Thay đổi nội tiết tố, như khi mang thai, cũng có thể ảnh hưởng tới nướu răng và các mô xương xung quanh. Sự tăng của estrogen và progesterone khiến nướu trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương và nhiễm trùng, góp phần làm răng trở nên lung lay.

Cuối cùng, loãng xương là một tình trạng khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Khi xương hàm trở nên xốp hơn, phần nâng đỡ răng cũng suy yếu, khiến răng dễ bị lung lay và thậm chí rụng.

rang-ham-lung-lay-phai-lam-sao 2.jpg
Loãng xương cũng gây răng dễ bị lung lay và thậm chí rụng

Nhận biết và giải quyết nguyên nhân cụ thể là quan trọng để điều trị và ngăn chặn tình trạng răng lung lay và đau nhức.

Răng hàm lung lay phải làm sao?

Tình trạng lung lay răng có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và việc xác định nguyên nhân chính là bước quan trọng để xử lý tình trạng này. Điều quan trọng là cần tới bác sĩ nha khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Răng lung lay do tác động ngoại lực: Trong trường hợp răng vẫn khỏe mạnh và không có vấn đề bệnh lý nha khoa, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ chuyên dụng để nẹp cố định răng vào xương ổ răng. Quá trình này giúp răng ổn định trở lại và không cần phải nhổ răng.

Răng lung lay đau nhức do viêm nha chu: Để xử trí hiệu quả, bác sĩ sẽ làm sạch vôi răng, loại bỏ cao răng và vi khuẩn. Đồng thời, bác sĩ xử lý bề mặt chân răng để nướu có thể gắn lại. Qua thời gian, răng sẽ ổn định trở lại mà không cần phải nhổ bỏ.

Răng lung lay do tiêu hoặc thoái hóa xương: Bác sĩ có thể sử dụng mảnh xương từ vùng khác trên cơ thể hoặc vật liệu ghép xương đặc biệt để sửa lại phần xương bị tổn thương. Đây là lựa chọn bảo tồn, không đòi hỏi phải nhổ răng.

Răng lung lay do nghiến răng quá nhiều: Bác sĩ có thể chỉnh lại khớp cắn cho bệnh nhân bằng cách định hình lại bề mặt cắn của răng, giảm áp lực lên răng mà không cần phải nhổ bỏ răng.

Phương pháp chủ yếu khi răng bị lung lay là bảo tồn răng. Nhổ răng chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ uy tín trong những trường hợp nặng, viêm nhiễm không thể phục hồi bằng các phương pháp trên.

Sau khi nhổ răng, bệnh nhân có thể được phục hình răng bằng cầu răng sứ hoặc cấy ghép implant. Mặc dù chi phí có thể cao hơn, nhưng lựa chọn này sẽ ngăn ngừa nhiều biến chứng do mất răng gây ra và khôi phục chức năng ăn nhai cũng như sức khỏe toàn diện.

Biện pháp phòng ngừa răng hàm lung lay

Để tránh lo lắng về tình trạng răng hàm đau nhức và lung lay, mọi người có thể tự bảo vệ bằng cách:

Vệ sinh hàng ngày: Súc miệng bằng nước muối, đánh răng đúng cách, nhẹ nhàng với bàn chải lông mềm, ít nhất là 2 lần mỗi ngày.

rang-ham-lung-lay-phai-lam-sao 3.jpg
Súc miệng bằng nước muối ngăn ngừa răng hàm lung lay

Loại bỏ thức ăn dư thừa: Sử dụng chỉ nha khoanước súc miệng để làm sạch thức ăn bám vào chân răng.

Chế độ ăn uống: Xây dựng chế độ ăn giàu vitamin C và canxi để hỗ trợ sức khỏe xương và răng.

Ngăn ngừa nghiến răng khi ngủ: Đối với người mắc chứng này, sử dụng máng chống nghiến có thể giúp.

Hạn chế hút thuốc lá và cồn: Điều này giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và tổng thể cơ thể.

Sử dụng thuốc cẩn thận: Cần thận khi sử dụng các loại thuốc tây, kháng sinh vì chúng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng.

Uống đủ nước: Điều này giúp tránh tình trạng khô miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây hại cho nướu răng.

Kiểm tra định kỳ: Đi khám răng miệng mỗi 6 tháng một lần để phát hiện sớm các vấn đề về răng và có phương pháp điều trị kịp thời.

Khi gặp tình trạng răng hàm lung lay và đau nhức, bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và phương án điều trị tích cực. Nhổ răng chỉ được xem xét khi các phương pháp bảo tồn không hiệu quả và chỉ là lựa chọn cuối cùng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm