Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Sự hình thành và phát triển răng ở trẻ nhỏ là vấn đề mà hầu hết các bậc làm cha mẹ đều quan tâm. Trong đó, thắc mắc "Răng sữa có chân không?" là một câu hỏi rất phổ biến.
Răng sữa là hệ răng đầu tiên trong giai đoạn những năm đầu đời của một đứa trẻ. Hàm răng sữa mọc đầy đủ sẽ có 20 chiếc răng, bao gồm răng cửa sữa, răng hàm nhỏ, răng nanh và cuối cùng là răng hàm lớn. Cùng với quá trình trẻ lớn lên, những chiếc răng sữa sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Thời gian thay răng ở mỗi trẻ sẽ khác nhau phụ thuộc vào từng cơ địa.
Trên thực tế, cũng giống như răng vĩnh viễn, răng sữa có chân răng để giúp chúng đứng vững trên cung hàm. Tuy nhiên, khi trẻ bước vào độ tuổi thay răng, thường chân của những răng sữa có xu hướng tự tiêu để mầm răng vĩnh viễn có không gian mọc lên. Đó là lý do vì sao khi nhổ răng sữa cho trẻ chúng ta thường không nhìn thấy chân răng khiến nhiều người thắc mắc răng sữa có chân không.
Cấu tạo của một chiếc răng sữa ở trẻ nhỏ gồm có phần thân răng nằm trên nướu, phần chân răng (tùy vị trí sẽ có răng chỉ có một chân, có răng nhiều hơn) nằm bên dưới giúp răng được cố định trên cung hàm. Chân răng sữa không có nhiều khác biệt so với chân răng vĩnh viễn. Bên trong răng sữa chứa tủy, giúp răng sữa được nuôi dưỡng trong quá trình răng tồn tại.
Chân răng sữa trông khá mảnh và nhỏ hơn so với thân răng, tất nhiên cũng sẽ nhỏ hơn so với chân răng vĩnh viễn. Mặt ngoài chân răng sữa không có men răng lẫn ngà răng, chỉ có lớp xi măng răng bao bên ngoài và tiếp xúc với xương hàm nên chân răng sữa thường là yếu và dễ bị tổn thương hơn so với chân răng vĩnh viễn. Nếu không được chăm sóc, bảo vệ, răng sữa rất dễ bị đứt gãy, bể vỡ. Một số trường hợp còn sót chân răng sữa sau khi nhổ răng này. Theo bác sĩ nha khoa, do chân răng sữa có khả năng tự tiêu khi răng vĩnh viễn mọc lên nên trường hợp bị sót cũng không gây ảnh hưởng cho sức khỏe răng miệng của bé. Tuy nhiên, trường hợp sót chân răng sữa bên trong cung hàm thì nên trẻ đi thăm khám và làm một số xét nghiệm (chụp phim X quang cung hàm răng) để bác sĩ nha khoa kiểm tra tình hình răng miệng, khi cần thiết sẽ loại bỏ sớm phần chân răng còn sót lại để không ảnh hưởng răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí.
Như vậy, với thắc mắc răng sữa có chân không thì câu trả lời là răng sữa cũng có chân như răng vĩnh viễn, có răng có 1 chân và có răng nhiều chân hơn (răng hàm), tùy vào vị trí của răng.
Trong quá trình trẻ phát triển, mọc răng thì răng sữa chính là hệ răng đầu tiên của chúng. Răng sữa thường sẽ xuất hiện đầu tiên ở giai đoạn trẻ bú mẹ. Đến khoảng 2 tuổi là hàm răng trẻ đã gần như mọc đầy đủ bộ răng sữa theo thứ tự từ răng cửa, răng hàm nhỏ, răng nanh và cuối cùng là răng hàm lớn.
Trong khi đó, răng vĩnh viễn là những chiếc răng tồn tại mãi, không thay mới. Khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ thay thế răng sữa tự rụng đi. Một số trường hợp phải nhổ răng sữa để răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí, đều đẹp. Độ tuổi 6 - 12 là giai đoạn trẻ thay dần toàn bộ răng sữa để răng vĩnh viễn xuất hiện thay thế. Tùy thuộc cơ địa của trẻ mà thời gian thay răng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn mốc này.
Dựa trên một số đặc điểm dưới đây, bạn có thể biết được giữa răng sữa và răng vĩnh viễn có gì khác nhau:
Số lượng răng là điểm khác nhau rõ nhất giữa răng sữa và răng vĩnh viễn. Hàm răng sữa ở trẻ nhỏ chỉ có 20 chiếc răng, bao gồm 4 răng cửa sữa, 4 răng cửa bên, 4 răng nanh và 8 chiếc răng hàm. Trong khi đó, răng vĩnh viễn có tổng cộng 28 chiếc răng (không bao gồm răng khôn), gồm có 4 răng cửa giữa, 4 răng cửa bên, 4 răng nanh và 16 răng hàm.
Như vậy, khi chưa tính răng khôn thì số lượng răng vĩnh viễn đã nhiều hơn so với răng sữa. Tùy từng người có mọc đủ 4 chiếc răng khôn hay không thì số lượng răng vĩnh viễn còn nhiều hơn răng sữa nữa.
Răng sữa có cấu tạo phần men răng và ngà răng mỏng hơn răng vĩnh viễn, sức đề kháng kém hơn. Đó là lý do vì sao răng sữa rất dễ bị ăn mòn bởi tác động từ bên ngoài. Bên cạnh đó, cấu tạo của buồng tủy răng sữa lớn hơn răng vĩnh viễn nên khi răng sữa bị sâu sẽ có nguy cơ tiến triển nhanh vào phần tủy răng.
Do những đặc trưng về cấu tạo của răng sữa mà bạn thấy trẻ nhỏ thường hay bị các vấn đề về răng miệng so với người trưởng thành. Trẻ nhỏ dễ bị sâu răng, gây đau nhức răng dẫn đến biếng ăn, ăn kém ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe răng miệng mà còn đến sức khỏe thể chất. Bác sĩ nha khoa khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm khi phát hiện tình trạng sâu răng để điều trị kịp thời.
Màu sắc răng sữa và răng vĩnh viễn cũng khác biệt rõ rệt, bạn có thể quan sát phân biệt bằng mắt thường. Răng sữa thông thường bề ngoài sẽ có màu trắng đục, trong khi đó răng vĩnh viễn màu trong hơn và vàng hơn.
Hình dáng cấu tạo giữa răng sữa và răng vĩnh viễn cũng khác biệt nhau. Thân răng sữa thông thường có tỷ lệ chiều ngang lớn hơn so với chiều dài nên bạn sẽ thấy răng sữa to hơn răng vĩnh viễn.
Chân răng sữa dài hơn và mảnh hơn so với răng vĩnh viễn. Răng sữa hàm trên có 3 chân, trong khi răng sữa hàm dưới là 3 chân và chân răng sữa thường dang rộng.
Còn răng vĩnh viễn lúc vừa mọc lên sẽ có các núm nhỏ trên rìa cắn, tuy nhiên những núm này sẽ từ từ mất đi trong quá trình ăn nhai.
Nhiều cha mẹ có quan niệm răng sữa rồi cũng sẽ tự rụng (hoặc nhổ đi) để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn, là những chiếc răng sẽ gắn bó đến suốt đời nên mới cần quan tâm chăm sóc. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Răng sữa cũng cần được chăm sóc như răng vĩnh viễn, bởi nếu răng sữa bị tổn thương, hư, sâu mà không điều trị kịp có thể sẽ khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng không chỉ răng miệng và còn là sức khỏe tổng thể.
Theo bác sĩ nha khoa, để răng vĩnh viễn mọc lên thuận lợi và đều đẹp, cha mẹ cần giữ gìn răng sữa cho trẻ để chúng không bị nhổ bỏ sớm trước thời điểm răng vĩnh viễn mọc thông qua một số việc như sau:
Trẻ nhỏ không thể tự đánh răng cho mình, hoặc nếu có thể tự đánh cũng không thể đánh răng sạch sẽ, đúng cách. Do đó, để giúp phòng chống sâu răng cho trẻ, cha mẹ nên đánh răng cho trẻ 2 lần/ngày hoặc kiểm tra răng trẻ sau khi trẻ tự đánh răng. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ mảng bám thức ăn còn sót lại. Bên cạnh đó, không để trẻ ăn nhiều đồ ngọt vào buổi tối trước khi đi ngủ vì rất dễ gây sâu răng.
Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị sâu răng phải đưa trẻ đến phòng khám nha khoa càng sớm càng tốt. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tránh cho tình trạng lỗ sâu răng xâm lấn vào bên trong buồng tủy.
Răng sữa nếu nhổ sớm có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cung hàm, làm biến dạng xương hàm non nớt của trẻ, làm lệch mầm răng vĩnh viễn, xương ổ răng và nướu phủ lập chỗ nhổ. Hậu quả là khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp phải tình trạng mọc lệch lạc, xấu xí và gây đau đớn cho trẻ do chúng phải xé nướu để trồi lên. Chưa kể, răng vĩnh viễn có thể mọc rất trễ khiến những răng khác bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng răng hô, răng móm,… thường gặp.
Định kỳ khám răng cho trẻ là một trong những việc cha mẹ nhất định phải làm để giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh lý sâu răng, điều trị kịp thời và hiệu quả.
Tóm lại, răng sữa có chân không thì câu trả lời là có và chúng cũng cần được chăm sóc không khác gì răng vĩnh viễn để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần nhớ rằng sức khỏe răng miệng cũng quan trọng như sức khỏe tổng thể, khi mắc bệnh răng miệng sẽ kéo theo sức khỏe trẻ bị ảnh hưởng theo, trẻ biếng ăn, thiếu chất, sức đề kháng kém và nhiều vấn đề đáng quan tâm khác.
Xem thêm: Tình trạng răng bị mảng bám vàng do đâu?
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.