Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Rỉ ối tuần 38 có phải dấu hiệu sắp sinh không? Cần làm gì trong trường hợp này?

Ngày 23/08/2023
Kích thước chữ

Rỉ ối không phải là tình trạng hiếm gặp và có thể gặp ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Rỉ ối nếu không được theo dõi sát sao và kiểm soát tốt, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi.

Rỉ ối là tình trạng xuất hiện nước ối chảy ra ngoài âm đạo. Càng về cuối thai kỳ, tỷ lệ gặp tình trạng rỉ ối càng cao. Vậy, rỉ ối tuần 38 có phải dấu hiệu sắp sinh không? Cần làm gì trong trường hợp này? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

Nước ối là gì?

Nước ối là dịch lỏng bao quanh thai nhi trong tử cung. Nước ối rất quan trọng đối với sức khỏe của thai nhi bằng việc đệm cho thai nhi khỏi các chấn thương cơ học, tác động vật lý, giúp ngăn chặn sự chèn ép của dây rốn và tạo không gian cho thai nhi tự do vận động và phát triển. 

Ngoài ra, với tác dụng kìm khuẩn, nước ối giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn môi trường trong ối, giữ môi trường trong tử cung vô trùng. Lượng nước ối tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ là sản phẩm trao đổi nước giữa mẹ, thai nhi, rau thai và được duy trì trong một phạm vi nhất định. Sự rối loạn của quá trình điều hòa này có thể dẫn đến tình trạng đa ối hoặc thiểu ối, trong đó thể tích nước ối là quá nhiều hoặc quá ít. Những rối loạn này có thể là do tình trạng bất thường của thai nhi hoặc mẹ bầu.

Rỉ ối tuần 38 có phải dấu hiệu sắp sinh không? Cần làm gì trong trường hợp này? 1
Mẹ bầu cần chú ý tình trạng rỉ ối trong thai kỳ 

Quá trình hình thành nước ối

Điều hòa sản sinh nước ối là quá trình bao gồm cả sự bài tiết nước ối và tái hấp thu nước ối.

Sản xuất

Nước và các chất hòa tan tự do đi qua da thai nhi và có thể khuếch tán qua màng ối và màng đệm. Do đó, nước ối trong giai đoạn đầu của thai kỳ giống huyết tương của thai nhi và mẹ nhưng có nồng độ protein thấp hơn.

Vào tam cá nguyệt thứ hai, da của thai nhi trở nên sừng hóa, khiến nước không thể khuếch tán được nữa. Vào thời điểm này, thai nhi góp phần tạo nên nước ối hầu như chỉ thông qua việc đi tiểu bắt đầu từ tuần thứ 12 – 14. Theo thời gian, thai nhi sản xuất trung bình từ 500 đến 700 ml/ngày và giảm nhẹ sau 40 tuần mang thai.

Tái hấp thu nước ối

Nước ối được loại bỏ bởi ít nhất ba cơ chế:

  • Con đường chính là thông qua việc bào thai nuốt, được quan sát thấy ngay từ tuần thứ 16. Thai nhi nuốt từ 200 đến 450 ml/ngày trong thời gian đủ tháng. Chất lỏng này được hấp thu qua hệ tiêu hóa của thai nhi và được lọc qua thận hoặc được chuyển vào máu mẹ qua rau thai.
  • Con đường thứ hai là bằng đường hô hấp. Hoạt động hô hấp của thai nhi được quan sát sớm nhất là khi thai được 11 tuần. Ở thời điểm đủ tháng, lưu lượng hít vào của thai nhi là khoảng 200 ml/kg/ngày, lên tới 600 – 800 ml/ngày.
  • Nước ối cũng có thể vận chuyển qua màng ối thông qua khoảng kẽ gian bào giữa các tế bào biểu mô ối và có thể được điều chỉnh bởi nồng độ prolactin trong nước ối.
Rỉ ối tuần 38 có phải dấu hiệu sắp sinh không? Cần làm gì trong trường hợp này? 3
Điều hòa sản sinh nước ối là quá trình bao gồm cả sự bài tiết nước ối và tái hấp thu nước ối

Chẩn đoán rỉ ối

Một số phương pháp có thể chẩn đoán rỉ ối:

  • Soi buồng ối: Khi cổ tử cung đã mở được 2 – 3 cm, đưa đèn soi vào thấy màng ối còn hoặc đã rách và có nước ối chảy ra từ buồng tử cung.
  • Test Nitrazine: Nitrazine là giấy chứa chất chỉ thị màu Natri dinitrophenylazonaphthol di – sulfonate, giấy nitrazine có thể thay đổi màu dựa theo sự thay đổi pH. pH của dịch âm đạo từ 4,5 – 5,5 và của nước ối là từ 7 – 7,5. Nếu có nước ối trong đường âm đạo, dịch âm đạo sẽ trở nên kiềm hóa và làm đổi màu giấy thử từ màu vàng cam sang màu xanh.
  • Test kết tinh hình lá dương xỉ: Chất nhầy cổ tử cung khi đem trải lên lam kính để khô ngoài không khí sẽ có được tinh thể hình lá cây dương xỉ.
  • Test DAO (diamin oxidase): Do rau thai tiết ra, khi màng ối vỡ, nước ối sẽ chảy ra âm đạo và test sẽ dương tính.
  • Test AFP (alpha – fetoprotein): AFP được sản xuất bởi tế bào gan của thai nhi và noãn hoàng, nó xuất hiện trong dịch ối suốt thai nghén. Nếu test AFP dương tính, chứng tỏ có hiện tượng rỉ ối.
Rỉ ối tuần 38 có phải dấu hiệu sắp sinh không? Cần làm gì trong trường hợp này? 2
Quá trình hình thành nước ối diễn ra như thế nào? 

Rỉ ối tuần thứ 38 có phải dấu hiệu sắp sinh?

Thai nhi được xem là đủ tháng khi tuổi thai (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối) trong khoảng 37 – 42 tuần. Nếu thai khi sinh dưới 37 tuần là non tháng, còn nếu trên 42 tuần là trẻ già tháng.

Khi có tình trạng rỉ ối tuần 38, các mẹ bầu thường lo lắng xem đó có phải dấu hiệu của việc sắp sinh hay không. Trong phần lớn các trường hợp, sau khi vỡ ối sẽ có chuyển dạ tự nhiên. Thời gian từ khi vỡ ối đến cho đến khi chuyển dạ gọi là thời gian tiềm tàng. Đối với trường hợp thai gần đủ tháng hay đủ tháng thì thời gian này ít hơn 24 giờ. Trong trường hợp thai non tháng thì giai đoạn này diễn ra lâu hơn.

Vì vậy, khi có hiện tượng rỉ ối tuần 38, mẹ bầu cũng nên chuẩn bị sẵn các đồ cần thiết và tinh thần vì việc chuyển dạ có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.

Diễn biến và biến chứng của rỉ ối tuần thứ 38

Rỉ ối tuần 38 nếu như không kiểm tra kỹ và kiểm soát tốt, việc nhiễm trùng ối có thể là một biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Nhiễm trùng ối là nhiễm trùng nước ối và màng ối. Màng ối có tác dụng ngăn cản không cho vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo, âm hộ lên. Khi màng ối vỡ và nước ối bị rỉ, tác dụng bảo vệ này không còn nữa, sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng ối. Tỷ lệ nhiễm trùng ối càng cao khi thời gian vỡ ối càng lâu.

Rỉ ối trong thời gian dài có thể dẫn đến việc thể tích nước ối giảm xuống dưới mức cho phép. Khi lượng nước ối xuống thấp, kèm theo việc thai to khi đủ tháng tuổi, việc chèn ép dây rốn có thể xảy ra, lâu dài có thể dẫn đến suy thai.

Rỉ ối tuần 38 có phải dấu hiệu sắp sinh không? Cần làm gì trong trường hợp này? 4
Rỉ ối tuần 38 của thai kỳ có thể là dấu hiệu sớm của chuyển dạ 

Dấu hiệu chuyển dạ

Trong thời kỳ mang thai, các cơn gò tử cung có thể đã diễn ra, đặc biệt là về cuối thai kỳ. Những cơn gò này được gọi là cơn co thắt Braxton Hicks và thường không gây đau đớn.

Các cơn co thắt có xu hướng trở nên dài hơn, mạnh hơn và thường xuyên hơn khi quá trình chuyển dạ diễn ra. Trong chuyển dạ, các cơ co thắt và cơn đau tăng lên. Khi đặt tay lên bụng, bạn sẽ cảm thấy nó cứng hơn.

Các cơn co thắt có vai trò đẩy em bé xuống và mở cổ tử cung, sẵn sàng cho em bé đi qua.

Mẹ bầu cần làm gì khi rỉ ối tuần thứ 38 của thai kỳ?

Thai nhi được 38 tuần tuổi là đã đủ tháng. Vì vậy, khi gặp tình trạng rỉ ối tuần 38 của thai kỳ, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn đồ cần thiết cho việc đi sinh, một tâm trạng thoải mái và nhập viện ngay vì quá trình chuyển dạ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Khi vào viện, các thai phụ sẽ được làm các kiểm tra cần thiết khác để đánh giá mức độ rỉ ối và quá trình chuyển dạ.

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin về tình trạng rỉ ối tuần 38 của thai kỳ. Qua đó hy vọng giúp mọi người hiểu hơn về các hiện tượng này để có thể kịp thời thăm khám, chẩn đoán đúng tình trạng của thai phụ.

Xem thêm: Siêu âm có phát hiện rỉ ối không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin