Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Rối loạn ngôn ngữ: Phân loại rối loạn ngôn ngữ thường gặp hiện nay

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ

Một người có thể mắc rối loạn ngôn ngữ nếu gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý nghĩa của mình thông qua lời nói và chữ viết cử. Vậy rối loạn ngôn ngữ là gì? Các cách phân loại rối loạn ngôn ngữ?

Rối loạn ngôn ngữ là bệnh lý có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày của người bệnh. Do đó, người bệnh cần phải hiểu và phân loại rối loạn ngôn ngữ một cách chính xác để có hướng điều trị hiệu quả.

Rối loạn ngôn ngữ là gì?

Rối loạn ngôn ngữ (DLD) hay còn được gọi là suy giảm ngôn ngữ cụ thể, chậm phát triển ngôn ngữ hoặc chứng khó phát triển ngôn ngữ. Đây là một chứng rối loạn giao tiếp khi người bệnh gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý nghĩ của mình thông qua lời nói, chữ viết hoặc thậm chí là cử chỉ. Những khó khăn về ngôn ngữ này không được giải thích bởi các nguyên nhân khác chẳng hạn như mất thính giác hoặc chứng tự kỷ, thiếu khả năng tiếp xúc với ngôn ngữ.

Bệnh lý trên có thể ảnh hưởng đến khả năng nói, nghe, đọc và viết của người bệnh. Từ đó gây cản trở tới quá trình học, hiểu và sử dụng ngôn ngữ của người mắc phải. Đây là một trong những chứng rối loạn phát triển phổ biến nhất. Nhiều khảo sát đã cho thấy cứ trong 14 trẻ em ở trường mẫu giáo sẽ có 1 bé mắc phải bệnh này và tồn tại đến tuổi trưởng thành.

Phân loại rối loạn ngôn ngữ

Phân loại rối loạn ngôn ngữ tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí tổn thương trên hệ thần kinh trung ương. Phân loại rối loạn ngôn ngữ thường gặp bao gồm:

Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt - rối loạn ngôn ngữ Broca

Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt hay rối loạn ngôn ngữ Broca là chứng mất ngôn ngữ không lưu loát, trong đó khả năng nói tự nhiên bị giảm đi rõ rệt và mất cấu trúc ngữ pháp bình thường. Cụ thể, người bệnh sẽ bỏ qua các từ liên kết giữa các câu và các liên từ thường được sử dụng như "và", "nhưng", "hoặc" khi nói hay viết. Khả năng lặp lại các cụm từ cũng bị suy giảm ở những bệnh nhân mắc chứng mất ngôn ngữ Broca. Trong chứng mất ngôn ngữ Broca, khả năng hiểu vẫn còn nguyên vẹn.

Rối loạn ngôn ngữ: Phân loại rối loạn ngôn ngữ thường gặp hiện nay 2
Phân loại rối loạn ngôn ngữ căn cứ vào nguyên nhân và vị trí tổn thương trên hệ thần kinh trung ương

Bệnh nhân mắc chứng mất ngôn ngữ Broca thường gặp nhiều khó khăn về khi giao tiếp do không thể sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt suy nghĩ hoặc cảm xúc của mình. Họ có thể hiểu được những gì người khác nói nhưng lại gặp khó khăn khi nói chuyện, bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu của mình thông qua ngôn ngữ. Theo nghĩa này, giao tiếp bằng miệng chỉ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng, bệnh còn ảnh hưởng đến có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ viết và ký hiệu.

Vị trí tổn thương của bệnh là tại phần nắp trán, vùng vỏ não vận động, tiểu thùy đỉnh dưới, thể vân ngoài, hồi trán giữa, bao trước bên và toàn bộ chất trắng từ dưới vỏ cho tới chất trắng quanh não thất.

Rối loạn ngôn ngữ tiếp thu - rối loạn ngôn ngữ Wernicke

Rối loạn ngôn ngữ tiếp thu rối loạn ngôn ngữ Wernicke hay là tình trạng người bệnh gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ. Tuy nhiên tốc độ, cách phát âm, nhịp điệu và ngữ pháp của người nói vẫn bình thường.

Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng rối loạn ngôn ngữ Wernicke là đột quỵ do thiếu máu cục bộ ảnh hưởng đến thùy thái dương sau của bán cầu. Người bệnh khi mắc rối loạn ngôn ngữ Wernicke thường sẽ bộc lộ những khó khăn này trước bốn tuổi.

Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ

Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ là thể nặng nề nhất trong phân loại rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh bị mất tất cả các chức năng nói bao gồm chức năng ngôn ngữ cảm giác và ngôn ngữ vận động.

Rối loạn ngôn ngữ: Phân loại rối loạn ngôn ngữ thường gặp hiện nay 3
Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ khiến bệnh nhân mất toàn bộ chức năng nói

Vị trí tổn thương là một vùng lớn tại trung tâm nói ở vùng trước và sau rãnh vỏ não Rolando. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do nhồi máu não toàn bộ động mạch não giữa bán cầu ưu thế.

Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não

Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ não là một trong những loại chứng rối loạn ngữ ít phổ biến hơn so với rối loạn ngôn ngữ Broca và rối loạn ngôn ngữ của Wernicke. Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ não bao gồm các loại rối loạn ngôn ngữ được hình thành do chấn thương hoặc từ nhiều kết nối tích hợp các vùng ngôn ngữ trong não. Có ba loại chứng mất ngôn ngữ xuyên vỏ não chính: Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não, rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ não và rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ não hỗn hợp.

Trong đó, rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não có nhiều điểm tương tự như rối loạn ngôn ngữ Broca, được đặc trưng chủ yếu bởi tình trạng khó khăn trong việc diễn tả ngôn ngữ một cách lưu loát. Biểu hiện điển hình của bệnh là tình trạng thay đổi cách phát âm và giai điệu lời nói trở nên lộn xộn.

Tuy nhiên, những người mắc chứng mất ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não vẫn có khả năng thông hiểu và lặp lại khá tốt. Ví dụ, người mắc chứng mất ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não sẽ dễ dàng lặp lại câu “Tôi khát” nếu được yêu cầu làm như vậy.

Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não nhẹ có thể gây ra dạng nói ngập ngừng được gọi là lời nói điện báo. Vị trí tổn thương có thể nằm bất cứ đâu trên thùy trán bên trái.

Rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ não

Trong rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ não, người bệnh không thể hiểu được những gì người khác nói nhưng có thể nói trôi chảy, lời nói vẫn giữ được tính lưu loát tốt, lặp lại tốt. Cụ thể là người bệnh vẫn có thể nói ra những câu dài rõ ràng, trôi chảy, đúng ngữ pháp nhưng họ không thể hiểu nghĩa của câu đó và trả lời không tương xứng với câu hỏi.

Rối loạn ngôn ngữ: Phân loại rối loạn ngôn ngữ thường gặp hiện nay 4
Người bệnh không thể hiểu được ý nghĩa của lời nói nhưng vẫn có thể nói trôi chảy

Loại chứng mất ngôn ngữ này là do chấn thương ở chỗ nối thái dương – đỉnh – chẩm phía sau hồi thái dương trên và chồng chéo lên vùng sang thương của rối loạn ngôn ngữ Wernicke.

Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ não hỗn hợp

Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ não hỗn hợp là sự phối hợp của rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ não và rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não. Trong đó, người bệnh vừa giảm lưu loát trong lời nói, vừa giảm tỷ lệ thông hiểu tuy nhiên khả năng lặp lại vẫn còn tốt.

Trong loại chứng mất ngôn ngữ hiếm gặp này, các vùng ngôn ngữ chính (của Broca và Wernicke) thường không bị tổn thương nhưng các vùng xung quanh (vùng liên kết ngôn ngữ) lại bị tổn thương.  Điều này khiến khu vực ngôn ngữ của Broca và Wernicke bị cô lập phần nào với phần còn lại của hệ thống ngôn ngữ, do đó cản trở việc tạo ra lời nói tự phát và khả năng hiểu ngôn ngữ nói và viết. Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất ngôn ngữ xuyên vỏ não hỗn hợp là đột quỵ đầu nguồn của các vùng liên kết ngôn ngữ do hẹp động mạch cảnh trong nghiêm trọng.

Phân loại rối loạn ngôn ngữ rất đa dạng, tùy thuộc vào vùng tổn thương cũng như là các biểu hiện của bệnh. Việc hiểu đúng và phân loại chính xác được bệnh sẽ giúp việc điều trị thuận lợi và đạt hiệu quả.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin