Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn ngôn ngữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn ngôn ngữ dysarthria là một rối loạn ngôn ngữ vận động gặp phải do nhiều nguyên nhân thần kinh khác nhau. Khi gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ này, người bệnh sẽ gặp bất thường về tốc độ, sức mạnh, độ chính xác, âm sắc hoặc thời gian kiểm soát lời nói.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn ngôn ngữ là gì?

Rối loạn ngôn ngữ (dysarthria) là một rối loạn ngôn ngữ vận động, trong đó, người bệnh gặp phải các vấn đề chủ yếu về lời nói không rõ ràng (bao gồm bất thường về tốc độ, sức mạnh, độ chính xác, âm sắc và thời gian để phát ra lời nói). Người bệnh vẫn hiểu được ngôn ngữ nói và viết, chỉ gặp khó khăn trong việc nói chuyện.

Lời nói được hình thành nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều hệ thống khác nhau. Rối loạn ngôn ngữ dysarthria là một rối loạn ngôn ngữ đặc biệt liên quan đến yếu cơ. Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ dysarthria, bao gồm tổn thương não, tổn thương dây thần kinh hoặc do một số loại thuốc.

Rối loạn ngôn ngữ dysarthria có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, bao gồm bị kỳ thị, sợ xã hội sau khi mắc chứng khó nói sau đột quỵ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Rối loạn ngôn ngữ

Triệu chứng chính của rối loạn ngôn ngữ dysarthria là chứng khó nói, hay lời nói không rõ ràng, bạn có thể cảm thấy khó hiểu bản thân đang nói gì. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Khó di chuyển miệng, lưỡi hoặc môi;
  • Nói ngọng hoặc chậm;
  • Khó kiểm soát âm lượng giọng nói, khiến bạn nói quá to hoặc quá nhỏ;
  • Sự thay đổi trong giọng nói, có thể là giọng mũi, giọng nói căng thẳng hoặc đơn điệu;
  • Ngập ngừng khi nói chuyện hoặc nói từng đoạn ngắn thay vì câu đầy đủ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Rối loạn ngôn ngữ

Rối loạn ngôn ngữ dysarthria có thể ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tâm lý xã hội của người bệnh. Người bệnh cho biết họ bị kỳ thị, thay đổi nhận dạng bản thân và rối loạn xã hội do chứng khó nói (dysarthria) sau đột quỵ.

Ở trẻ em, các vấn đề về hành vi và thiếu khả năng tiếp cận giáo dục có thể dẫn đến giảm cơ hội việc làm trong tương lai.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy sự thay đổi trong lời nói của bạn. Đặc biệt quan trọng hơn, nếu bạn đột ngột bị khó nói (rối loạn ngôn ngữ dysarthria) kèm theo các triệu chứng như:

  • Miệng bị méo sang một bên;
  • Cảm thấy yếu tay hoặc chân;
  • Đột ngột thay đổi lời nói.

Các dấu hiệu trên có thể là dấu hiệu của đột quỵ, cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.

rlnn4.png
Rối loạn ngôn ngữ có thể là một dấu hiệu của đột quỵ

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Rối loạn ngôn ngữ

Các rối loạn thần kinh khác nhau có thể gây ra rối loạn ngôn ngữ dysarthria, có thể phát sinh từ nhiều vị trí khác nhau ở trục thần kinh, bao gồm:

  • Vỏ não;
  • Hạch nền;
  • Tiểu não;
  • Nhân dây thần kinh sọ;
  • Dây thần kinh ngoại biên;
  • Rối loạn vận động của lưỡi, thanh quản và hầu.

Các tình trạng hoặc bệnh lý có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ dysarthria gồm:

  • Tổn thương các dây thần kinh sọ số V, VII, IX, XI và XII.
  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xơ cứng cột bên nguyên phát.
  • Bệnh Parkinson hay bệnh Huntington.
  • Đột quỵ tiểu não, khối u hoặc bệnh thoái hóa.
  • Chấn thương sọ não nặng, bệnh đa xơ cứng và bệnh xơ cứng cột bên teo cơ.

Ngoài ra, các nguyên nhân nhiễm trùng như bệnh Creutzfeldt–Jakob, hoặc ngộ độc kim loại nặng, rượu, ma túy cũng có thể dẫn đến chứng rối loạn ngôn ngữ dysarthria.

Ngoài các nguyên nhân thần kinh, các nguyên nhân không liên quan thần kinh như sứt môi, khối u thanh quản cũng gây khó khăn cho việc phát âm. Tuy nhiên đây không được xem là một rối loạn ngôn ngữ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc Rối loạn ngôn ngữ?

Cả người lớn và trẻ em, bất kể giới tính nào cũng có thể mắc chứng rối loạn ngôn ngữ dysarthria. Tỷ lệ mắc rối loạn ngôn ngữ dysarthria hiện tại vẫn chưa được biết, chúng thay đổi tùy theo nguyên nhân cơ bản. 

Ví dụ đối với bệnh Parkinson, khoảng 90% người bệnh sẽ phát triển rối loạn ngôn ngữ này trong thời gian mắc bệnh. 

rlnn5.png
Khoảng 90% người bệnh Parkinson sẽ phát triển rối loạn ngôn ngữ dysarthria

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Rối loạn ngôn ngữ

Bất kể bạn gặp nguyên nhân nào gây tổn thương hệ thần kinh, chúng đều là tăng khả năng mắc rối loạn ngôn ngữ dysarthria, ví dụ như:

  • 90% người bệnh Parkinson sẽ phát triển rối loạn ngôn ngữ dysarthria;
  • 24% người bệnh đột quỵ mắc chứng khó nói;
  • 70% người bệnh xơ cột bên teo cơ sẽ mắc rối loạn ngôn ngữ dysarthria;
  • 31,5% trẻ em mắc bệnh thần kinh cơ gặp chứng rối loạn ngôn ngữ dysarthria;
  • 10% đến 60% người bệnh chấn thương sọ não mắc rối loạn ngôn ngữ dysarthria.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Rối loạn ngôn ngữ

Để chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ dysarthria, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám lâm sàng sau đó đề nghị các cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán. Việc khám lâm sàng sẽ bao gồm khám toàn diện, khác lời nói và vận động miệng, khám hệ thống thần kinh của bạn.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu;
  • Hình ảnh học như chụp MRI hoặc CT-scan;
  • Đo điện cơ, kiểm tra chức năng cơ;
  • Đánh giá chức năng phổi cũng được thực hiện nếu nghi ngờ hội chứng Guillain-Barré.

Phương pháp điều trị Rối loạn ngôn ngữ

Mục tiêu điều trị rối loạn ngôn ngữ dysarthria là tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi giao tiếp, hỗ trợ người bệnh phát triển các phương pháp bù đắp cho các rối loạn giao tiếp.

Đồng thời tư vấn và giáo dục những người trong môi trường của người bệnh (người thân, bạn bè) về việc hỗ trợ giao tiếp, giảm sự cô lập và đáp ứng mong muốn, nhu cầu của người bệnh.

Các liệu pháp điều trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến rối loạn ngôn ngữ dysarthria. Bao gồm:

  • Trị liệu nhắm vào hệ thống lời nói;
  • Chiến lược truyền thông;
  • Thích ứng môi trường;
  • Tăng cường giao tiếp (ACC);
  • Can thiệp y tế/ phẫu thuật.
rlnn6.png
Chỉ định phẫu thuật có thể được thực hiện tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến rối loạn ngôn ngữ

Cụ thể các phương pháp có thể bao gồm:

  • Bài tập để tăng cường các cơ sử dụng cho việc nói.
  • Thiết lập các cuộc trò chuyện, có thể nói chậm lại, lặp lại các cụm từ, giao tiếp bằng mắt và nét mặt cũng giúp ích.
  • Không gian trò chuyện yên tĩnh, chỗ ngồi thận mật và tương tác trực tiếp.
  • Sử dụng các thiết bị như bảng, bút, giấy hoặc các thiết bị phóng đại âm thanh.
  • Điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật tùy thuộc vào nguyên nhân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Rối loạn ngôn ngữ

Chế độ sinh hoạt:

Nếu bạn mắc rối loạn ngôn ngữ dysarthria, những gợi ý sau để bạn có thể cải thiện khả năng giao tiếp của mình:

  • Nói chậm rãi: Bạn hãy nói chậm rãi để người nghe có thể dễ hiểu hơn.
  • Khởi đầu: Hãy khởi đầu bằng một từ hoặc một cụm từ ngắn trước khi nói bằng câu dài hơn.
  • Kiểm tra lại: Hãy hỏi lại người nghe có hiểu những gì bạn nói hay không.
  • Nói ngắn gọn: Nếu bạn mệt mỏi, hãy nói ngắn gọn để có thể dễ hiểu cho người nghe.
  • Ghi chép: Hãy mang theo điện thoại, bút và giấy nhỏ bên mình, chúng có thể hữu ích cho bạn.
  • Ngôn ngữ hình thể: Hãy giao tiếp thông qua cả ánh mắt và cử chỉ.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

rlnn7.png
Mang theo giấy và bút có thể hữu ích cho người bệnh mắc chứng rối loạn ngôn ngữ dysarthria

Phương pháp phòng ngừa Rối loạn ngôn ngữ hiệu quả

Không có phương pháp cụ thể nào để ngăn ngừa rối loạn ngôn ngữ dysarthria nói chung, với các nguyên nhân đã được biết, bạn hầu như không thể ngăn ngừa được chúng. Quan trọng là nếu bạn lần đầu tiên gặp phải tình trạng khó nói, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị thích hợp, vì trường hợp cấp tính có thể là dấu hiệu của đột quỵ não. 

Đối với rối loạn ngôn ngữ dysarthria tiến triển trên các bệnh lý có sẵn (xơ cứng cột bên, bệnh Parkinson), việc lập một kế hoạch điều trị sớm sẽ giúp ích cho quá trình điều trị chứng khó nói.

Các câu hỏi thường gặp về Rối loạn ngôn ngữ

Tôi có cần chụp CT-scan sọ não nếu gặp phải chứng rối loạn ngôn ngữ dysarthria không?

Có thể, nếu triệu chứng khó nói của bạn khởi phát đột ngột, kèm theo các rối loạn thần kinh khác, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT-scan nếu nghi ngờ bạn bị đột quỵ.

Tôi nên làm gì nếu người nhà của tôi bị khó nói (rối loạn ngôn ngữ dysarthria) sau đột quỵ?

Nếu thành viên trong gia đình hoặc bạn bè của bạn mắc chứng khó nói, các gợi ý sau có thể giúp bạn giao tiếp tốt hơn với người đó:

  • Cho người thân không gian để nói chuyện;
  • Không sửa lỗi hoặc cắt ngang lời nói;
  • Hãy nhìn người thân của bạn khi giao tiếp;
  • Hãy cầm sẵn giấy và bút;
  • Nói chuyện một cách bình thường, khuyến khích người đó nói chuyện càng nhiều càng tốt.

Tôi nên làm gì khi mắc rối loạn ngôn ngữ dysarthria và cảm thấy khó chịu khi nói quá chậm?

Bạn không cần phải lo lắng, việc nói chậm và ngắt quãng để đảm bảo người khác có thể hiểu lời nói của bạn là một việc nên làm. Không nên vội vàng vì có thể khiến lời nói của bạn càng khó hiểu hơn.

Bao lâu thì chứng rối loạn ngôn ngữ của tôi sẽ cải thiện?

Rối loạn ngôn ngữ dysarthria là tình trạng mãn tính có thể kéo dài hơn 5 năm. Tuy nhiên, chứng khó nói sẽ được coi là ổn định nếu bạn mắc các nguyên nhân không tiến triển và sự hồi phục sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu bạn bị khó nói sau đột quỵ, nghiên cứu cho thấy rằng, khoảng một nửa số người bệnh sẽ hồi phục.

Tôi có cần phẫu thuật nếu gặp phải rối loạn ngôn ngữ dysarthria hay không?

Không hẳn, vì việc chỉ định phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu bạn bị liệt dây thanh, tạo hình thanh quản có thể là một lựa chọn điều trị.

Nguồn tham khảo
  1. Dysarthria: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK592453/
  2. What to know about dysarthria: https://www.medicalnewstoday.com/articles/327362
  3. Dysarthria (difficulty speaking): https://www.nhs.uk/conditions/dysarthria/
  4. Dysarthria: https://www.msdmanuals.com/home/brain,-spinal-cord,-and-nerve-disorders/brain-dysfunction/dysarthria
  5. Dysarthria (Slurred Speech): https://www.webmd.com/brain/dysarthria-speech

Các bệnh liên quan

  1. U sao bào

  2. Suy tim sung huyết

  3. Bệnh gan sung huyết

  4. Bệnh thoái hóa tinh bột

  5. U nguyên bào thận

  6. Hội chứng Churg-Strauss

  7. Não chấn thương mãn tính

  8. Suy tim giai đoạn cuối

  9. Viêm gân nhị đầu vai

  10. Vỡ mạch máu não