Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đột quỵ thiếu máu cục bộ là gì? Những vấn đề cần biết về đột quỵ thiếu máu cục bộ

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đột quỵ là một bệnh lý tổn thương não do tổn thương mạch máu gây nên. Đột quỵ gồm đột quỵ do xuất huyết và đột quỵ do nhồi máu. Trong đó, đột quỵ do nhồi máu hay còn được biết đến với tên gọi đột quỵ thiếu máu cục bộ chiếm hơn 80% các trường hợp đột quỵ. Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu và việc phát hiện kịp thời là rất quan trọng. Biết và hành động sớm có thể làm giảm tổn thương não và các biến chứng khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đột quỵ thiếu máu cục bộ là gì?

Đột quỵ được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa vào năm 1989 là “Hội chứng thiếu sót chức năng não, thường là khú trú hơn lan tỏa, xảy ra đột ngột, tồn tại quá 24 giờ hoặc gây tử vong trong vòng 24 giờ đã loại trừ các nguyên nhân do chấn chấn thương sọ não”. 

Trong đó, đột quỵ thiếu máu cục bộ hay đột quỵ do nhồi máu não được hiểu là sự thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tổn thương não bộ do có sự bít tắc mạch máu nuôi não. Đây là loại đột quỵ phổ biến hơn so với đột quỵ do xuất huyết não (chiếm khoảng 80% trường hợp đột quỵ). Sự bít tắt này có thể do sự nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến hình thành cục máu đông hoặc do cục máu đông được hình thành từ mạch máu to hơn trôi đến mạch máu có kích thước nhỏ hơn và gây tắc mạch. 

Khi mạch máu bị bít tắc, máu không thể mang oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào não làm các tế bào não tổn thương và biểu hiện đột quỵ trên lâm sàng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ thiếu máu cục bộ

FAST là cụm từ giúp nhận diện sớm một tình trạng đột quỵ. Trong đó, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu lâm sàng của bệnh lý này:

F-Face: Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt ở người bị đột quỵ với méo miệng, nhân trung bị lệch. Các đặc điểm này thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười hoặc không thể giữ nước trong miệng lúc đánh răng buổi sáng.

A-Arm: Miêu tả sự khó cử động hoặc không thể cử động tay chân (yếu hay liệt một bên cơ thể). Người mắc bệnh không thể nhấc tay, chân như bình thường. Trong một số trường hợp, dấu hiệu chỉ đơn giản là rối loạn cảm giác ½ người.

S-Speech: Miêu tả sự khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường.

T-Time: Các triệu chứng trên xảy ra đột ngột và khi xuất hiện các triệu chứng trên, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Đột quỵ thiếu máu cục bộ là gì? Những vấn đề cần biết về đột quỵ thiếu máu cục bộ 4
F.A.S.T là bốn đặc điểm dễ nhớ giúp nhận điện và xử lý đột quỵ nhanh chóng

Ngoài ra, người mắc đột quỵ còn gặp một số triệu chứng không đặc hiệu khác như hoa mắt, mất thăng bằng, ù tai, đau đầu, buồn nôn,...

Sự khác biệt giữa đột quỵ do nhồi máu não và đột quỵ do xuất huyết não là các triệu chứng diễn ra ít rầm rộ hơn về cả thời gian lẫn mức độ nặng của triệu chứng kể trên.

Tác động của đột quỵ thiếu máu cục bộ đối với sức khỏe

Đột quỵ ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động và sinh hoạt của người mắc. Làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đột quỵ thiếu máu cục bộ

Không thể phục phục hồi khả năng vận động, nằm liệt giường cùng với các biến chứng khác, thậm chí là tử vong,... là những biến chứng có thể gặp ở một bệnh nhân đột quỵ không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ bản thân hay người thân mắc đột quỵ, bạn phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị ngay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ thiếu máu cục bộ

Nguyên nhân của đột quỵ do nhồi máu não hay đột quỵ thiếu máu cục bộ là do huyết khối lấp mạch hoặc tắc mạch làm giảm lưu lượng máu đến não. 

Trong trường hợp huyết khối lấp mạch làm lưu lượng máu đến não bị tắc nghẽn thường xảy ra do bệnh xơ vữa động mạch, bóc tách động mạch, loạn sản sợi cơ hoặc tình trạng viêm mạch mạn tính. 

Trong trường hợp tắc mạch, các cục máu đông được hình thành từ nơi khác trong cơ thể, khi di chuyển đến các mạch máu nhỏ hơn ở não và bị tắc lại (thông thường nhất, nguồn gốc của cục máu đông là từ van tim hoặc buồng tim có hoạt động bất thường). Thường gặp nhất là cục máu đông hình thành trong tâm nhĩ do rung nhĩ, sau đó di chuyển vào động mạch cảnh rồi di chuyển đến mạch não và gây tắc mạch. 

Nguyên nhân của đột quỵ ảnh hưởng đến cả tiên lượng và kết cục của người mắc bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đột quỵ thiếu máu cục bộ?

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ năm nếu được xem xét riêng biệt với các bệnh tim mạch khác. Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 795.000 bệnh nhân bị đột quỵ hàng năm và tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ tăng theo tuổi. Nguy cơ mắc tất cả các loại đột quỵ trong đời ở phụ nữ cao hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đột quỵ thiếu máu cục bộ

Tình trạng làm ảnh hưởng đến sự thông thoáng mạch máu là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ thiếu máu cục bộ.

Những yếu tố sau góp phần hình thành huyết khối và các mảng xơ vữa mạch máu:

  • Bệnh tăng huyết áp;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Bệnh rối loạn lipid máu;
  • Bệnh rung nhĩ;
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm;
  • Bệnh rối loạn đông máu;
  • Béo phì;
  • Hút thuốc lá;
  • Uống rượu;
  • Tiền sử gia đình có người đột quỵ sớm.
Đột quỵ thiếu máu cục bộ là gì? Những vấn đề cần biết về đột quỵ thiếu máu cục bộ 5
Bệnh đái tháo đường làm tổn thương thành mạch máu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đột quỵ thiếu máu cục bộ

Chẩn đoán đột quỵ có thể được thực hiện chính xác dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Nhưng để xác định nguyên nhân gây ra đột quỵ cần một số cận lâm sàng về hình ảnh học hỗ trợ:

  • CT Scan: Chụp CT sọ não có thể giúp phân biệt đột quỵ do thiếu máu cục bộ với các vấn đề khác gây chết mô não, chẳng hạn như xuất huyết hoặc khối u não.
  • MRI: Trong khi CT được dùng trong những giờ đầu tại các cơ sở y tế tuyến đầu nhằm loại trừ nhanh chóng tình trạng xuất huyết não để kịp thời điều trị thuốc tiêu sợi huyết, chụp MRI là cách tốt nhất để ước lượng thời điểm đột quỵ do thiếu máu cục bộ bắt đầu và chẩn đoán xuất huyết não.

Các xét nghiệm khác được sử dụng để xác định nguyên nhân hay nguồn gốc huyết khối có thể bao gồm:

  • ECG: Điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim và các buồng tim.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim để kiểm tra tim xem có cục máu đông trong các buồng tim hoặc bất thường khác không.
  • Chụp động mạch cảnh: Chụp động mạch để xem động mạch nào bị tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn nghiêm trọng mức nào.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm sinh hóa máu các vấn đề đông máu, kiếm huyết tế bào máu,…
Đột quỵ thiếu máu cục bộ là gì? Những vấn đề cần biết về đột quỵ thiếu máu cục bộ 6
Hình ảnh học giúp phát vị trí tổn thương trên não

Phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ hiệu quả

Mục tiêu của điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính là bảo tồn mô não ở những vùng giảm tưới máu còn có khả năng hồi phục (vùng xám). Mô não ở vùng này được bảo tồn bằng cách cố gắng khôi phục lưu lượng máu đến và cải thiện lưu lượng tuần hoàn bàng hệ. Việc khôi phục lưu lượng máu chỉ có thể giảm ảnh hưởng của tình trạng thiếu máu cục bộ đến mức tối thiểu nếu được thực hiện nhanh chóng. 

Những điều trị sau đây có thể được xem xét khi một bệnh nhân mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ:

Điều trị tiêu sợi huyết

AHA/ASA khuyến cáo sử dụng alteplase tiêm tĩnh mạch (IV) cho những bệnh nhân khởi phát triệu chứng đột quỵ nhồi máu trong vòng 3 giờ trước khi nhập viện. Hiện nay một số nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian điều trị tiêu sợi huyết có thể được kéo dài lên 4,5 giờ đối với một số ít trường hợp đặc biệt.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đưa ra các chống chỉ định của phương pháp tiêu huyết khối qua tĩnh mạch bao gồm xuất huyết nội đang tiến triển, phẫu thuật nội sọ gần đây hoặc chấn thương đầu nghiêm trọng, các tình trạng nội sọ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, tăng huyết áp nghiêm trọng không kiểm soát được, xuất huyết nội sọ hiện tại, xuất huyết dưới nhện và tiền sử bị đột quỵ gần đây. Vì các trường hợp này không được hưởng lợi từ việc tiêm alteplase mà còn tăng nguy cơ chuyển dạng xuất huyết.

Điều trị lấy huyết khối cơ học

Việc sử dụng phương pháp lấy huyết khối cơ học nên được xem xét ở tất cả các bệnh nhân, ngay cả khi người đó đã được điều trị tiêu sợi huyết. Trong những năm gần đây, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong chăm sóc đột quỵ cấp tính, trong đó có điều trị lấy huyết khối. Nhiều thử nghiệm năm 2015 cho thấy phẫu thuật lấy huyết khối nội mạch trong sáu giờ đầu tiên tốt hơn nhiều so với chăm sóc y tế tiêu chuẩn ở những bệnh nhân bị tắc mạch lớn. 

Thử nghiệm DAWN cho thấy những lợi ích đáng kể của việc lấy huyết khối nội mạch ở bệnh nhân tắc mạch lớn (động mạch thuộc hệ tuần hoàn trước). Thử nghiệm này cũng đã mở rộng cửa sổ điều trị lên tới 24 giờ.

Huyết áp

Các hướng dẫn đề nghị quản lý huyết áp dưới 180/105 mmHg trong 24 giờ đầu sau khi tiêm alteplase. Một khuyến nghị mới là hạ huyết áp ban đầu xuống 15% ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý đi kèm như suy tim hoặc bóc tách động mạch chủ.

Việc điều trị hạ huyết áp nghiêm ngặt không có lợi ích gì trong việc ngăn ngừa tử vong ở bệnh nhân có huyết áp dưới 220/120 mmHg không được tiêm alteplase qua đường tĩnh mạch và không có bệnh lý đi kèm cần giảm huyết áp. Điều này áp dụng trong 48 đến 72 giờ đầu tiên sau cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính. Đối với những bệnh nhân có huyết áp lớn hơn hoặc bằng 220/120 mmHg không được tiêm alteplase qua đường tĩnh mạch, hướng dẫn cho thấy có thể giảm HA 15% trong 24 giờ đầu, mặc dù lợi ích là không chắc chắn.

Các lựa chọn hạ huyết áp bao gồm các thuốc điều trị hạ huyết áp đường tiêm như labetalol, nicardipin. Nên tránh hạ huyết áp đột ngột vì áp lực tưới máu não cũng phụ thuộc vào việc duy trì áp lực mạch máu ngoại vi.

Nhiệt độ

Cần tránh tăng thân nhiệt trên 38 độ C vì một nghiên cứu hồi cứu gần đây đã chứng minh mối liên quan giữa nhiệt độ cao nhất trong 24 giờ đầu lớn hơn 39 độ làm tăng nguy cơ tử vong tại bệnh viện ở những bệnh nhân đột quỵ. Lau mát hay thuốc hạ sốt (như paracetamol) có thể được sử dụng trong một số trường hợp.

Glucose

Duy trì lượng glucose máu trong khoảng 140 - 180 mg/dl trong 24 giờ đầu. Bệnh nhân có đường huyết dưới 60 mg/dL nên được bổ sung glucose để đạt được mức đường huyết bình thường vì não cần glucose để chuyển hóa năng lượng. Tăng đường huyết ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu cục bộ cũng làm tăng tỷ lệ tử vong trong 30 ngày đầu vì khi tăng đường huyết, tình trạng nhiễm toan dễ xảy ra và gây tổn thương não nhiều hơn.

Dinh dưỡng

Nên khuyến khích bệnh nhân ăn sớm bằng đường miệng ngay khi có thể. Đối với bệnh nhân khó nuốt, có thể sử dụng ống thông mũi dạ dày để thúc đẩy việc nuôi ăn qua đường ruột. Cho ăn sớm đã được chứng minh là làm giảm tuyệt đối nguy cơ tử vong.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến đột quỵ thiếu máu cục bộ

Để hạn chế diễn biến xấu của đột quỵ nhồi máu, bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh, một tinh thần lạc quan, thoải mái,... Duy trì hoạt động trị liệu về vận động và ngôn ngữ. Đặc biêt, uống thuốc phòng ngừa tái phát đột quỵ là điều quan trọng trong bệnh lý này. Việc sử dụng thuốc phòng ngừa đột quỵ tái phát rất quan trọng và khá phức tạp nên bạn cần gặp trực tiếp bác sĩ để được hướng dẫn chính xác nhất.

Đột quỵ thiếu máu cục bộ là gì? Những vấn đề cần biết về đột quỵ thiếu máu cục bộ 7
Cần dùng thuốc phòng ngừa đột quỵ thứ phát ở những bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não

Phương pháp phòng ngừa đột quỵ thiếu máu cục bộ hiệu quả

Có rất nhiều điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị đột quỵ nhồi máu não hay đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Mặc dù điều này không đồng nghĩa là bạn có thể ngăn ngừa đột quỵ xảy xa nhưng nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

Cải thiện lối sống: Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày có thể cải thiện tình trạng sức khỏe nói chung và bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn.

Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích: Hút thuốc thụ động hay chủ động, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích đều có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Quản lý các bệnh mạn tính: Các bệnh mạn tính ảnh hưởng xấu đến tim mạch có thể kể đến như béo phì, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, huyết áp cao, tiểu đường, rung nhĩ,... Quản lý tốt các bệnh lý đi kèm này, bạn có thể giảm được các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đột quỵ.

Khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe - đặc biệt là những vấn đề góp phần gây ra đột quỵ - trước khi bạn cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ.

Nguồn tham khảo
  • Ischemic stroke: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499997/
  • Ischemic stroke: https://www.healthline.com/health/stroke/cerebral-ischemia#causes
  • Ischemic Stroke: https://emedicine.medscape.com/article/1916852-overview
  • Ischemic Stroke: https://medlineplus.gov/ischemicstroke.html
  • Ischemic stroke: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24208-ischemic-stroke-clots

 

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh não Wernicke

  2. Tật không có hàm

  3. Viêm võng mạc sắc tố

  4. Rối loạn chức năng não sau hóa trị

  5. Mụn bọc

  6. Giác mạc hình chóp

  7. Nhồi máu não

  8. Ung thư mũi

  9. Sán não

  10. Áp lực nội sọ