Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý

Ngày 04/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo các khảo sát tại Việt Nam, khoảng 70 - 90% phụ nữ sau khi sinh trải qua tình trạng rụng tóc. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ tới bạn đọc những nguyên nhân gây ra hiện tượng rụng tóc sau sinh, dấu hiệu nhận biết và biện pháp cải thiện.

Sau khi sinh, nhiều bà mẹ gặp phải tình trạng rụng tóc nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến hói đầu. Hiện tượng rụng tóc sau sinh này gây ra không ít lo âu và tự ti cho các bà mẹ. Vậy những nguyên nhân nào gây ra tình trạng rụng tóc sau khi sinh? Và làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này?

Rụng tóc sau sinh là gì?

Rụng tóc sau sinh là hiện tượng tóc rụng nhiều xảy ra vài tháng sau khi sinh, do sự biến đổi hormone trong và sau quá trình mang thai.

Tóc mọc từ các lỗ chân lông nhỏ trên da đầu (gọi là nang tóc). Tóc phát triển và rụng theo chu kỳ, gồm ba giai đoạn lặp lại trong suốt cuộc đời:

  • Giai đoạn Anagen: Đây là giai đoạn tóc phát triển mạnh mẽ, kéo dài từ 2 đến 8 năm. Khoảng 85% - 90% tóc của mỗi người luôn ở giai đoạn này vào bất kỳ thời điểm nào.
  • Giai đoạn Catagen: Đây là giai đoạn chuyển tiếp ngắn, kéo dài khoảng 2 tuần, trong đó các nang tóc bắt đầu co lại.
  • Giai đoạn Telogen: Đây là giai đoạn nghỉ ngơi, kéo dài khoảng 3 tháng. Sau giai đoạn nghỉ ngơi, tóc sẽ rụng đi để nhường chỗ cho tóc mới mọc.
Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý 1
Nhiều chị em phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng rụng tóc

Nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng rụng tóc sau sinh, trong đó phổ biến nhất là những yếu tố dưới đây:

  • Thay đổi nội tiết tố: Estrogen đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tóc. Trong thời kỳ mang thai, nồng độ estrogen tăng cao, thúc đẩy nhiều nang tóc bước vào giai đoạn tăng trưởng, làm cho tóc trở nên dài và dày hơn. Sau khi sinh, nồng độ estrogen giảm trở lại mức bình thường, khiến nhiều nang tóc bước vào giai đoạn nghỉ ngơi. Trong giai đoạn này, tóc ngừng phát triển và sau khoảng 100 ngày, tóc bắt đầu rụng.
  • Thiếu máu và thiếu sắt: Việc không bổ sung đủ sắt và protein có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, làm suy yếu sự phát triển của tóc.
  • Nấm da đầu: Nhiễm nấm da đầu có thể gây ra các mảng đỏ, vảy khô kèm ngứa và rụng tóc. Điều trị sớm và đúng cách có thể giúp tóc mọc trở lại.
  • Sử dụng hóa chất: Các sản phẩm chăm sóc tóc chứa hóa chất mạnh hoặc việc uốn, tẩy tóc có thể gây hư tổn, làm tóc trở nên xơ rối và dễ rụng.
  • Rối loạn tâm lý: Sau khi sinh, sự thay đổi về tâm sinh lý kết hợp với áp lực từ việc chăm sóc con cái, gia đình và công việc có thể gây ra căng thẳng và stress kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe tóc.
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Sau khi sinh, dinh dưỡng tập trung vào việc cung cấp cho sữa mẹ, khiến cơ thể người mẹ thường bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của tóc.
Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý 2
Nguyên nhân gây ra rụng tóc sau sinh rất đa dạng

Dấu hiệu nhận biết rụng tóc sau sinh

Rụng tóc sau sinh là hiện tượng phổ biến mà nhiều phụ nữ trải qua. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết tình trạng này:

  • Rụng tóc nhiều hơn bình thường: Bạn sẽ nhận thấy số lượng tóc rụng hàng ngày tăng lên đáng kể so với trước khi sinh.
  • Tóc thưa đi: Phụ nữ bị rụng tóc sau sinh sẽ có biểu hiện tóc trở nên mỏng và thưa hơn, đặc biệt rõ rệt ở vùng đỉnh đầu, hai bên trán và đường ngôi tóc. Khi buộc tóc hoặc cột đuôi ngựa, bạn có thể nhận thấy búi tóc nhỏ hơn và ít dày hơn.
  • Rụng tóc không đồng đều: Thay vì rụng toàn bộ đầu, tóc thường rụng tập trung ở một số vùng nhất định, tạo ra những mảng tóc thưa. Những vùng bị ảnh hưởng rõ rệt có thể bao gồm đỉnh đầu, đường ngôi tóc, và phía trước trán.
  • Tóc rụng sau khi gội đầu hoặc chải tóc: Lượng tóc rụng sẽ nhiều hơn sau mỗi lần gội đầu hoặc chải tóc.
  • Tóc rụng bám vào gối, quần áo và đồ vật xung quanh: Sau khi ngủ dậy, bạn sẽ thấy tóc rụng vương vãi trên gối hoặc chăn, tóc rụng bám vào quần áo. Tóc rụng cũng có thể dễ dàng nhận thấy trên sàn nhà, đặc biệt là trong nhà tắm hoặc nơi bạn thường xuyên chải tóc.
  • Tình trạng kéo dài: Rụng tóc sau sinh có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng ở những phụ nữ sau khi sinh con. Nếu không có biện pháp can thiệp, tình trạng này có thể kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Kết cấu tóc thay đổi: Tóc trở nên yếu và dễ gãy, không chỉ rụng nhiều, bạn còn có thể nhận thấy tóc trở nên yếu hơn, dễ gãy và xơ rối. Bên cạnh đó, tóc có thể trở nên khô, mất đi độ bóng và không còn mượt mà như trước.

Nếu bạn gặp phải những dấu hiệu này và lo lắng về tình trạng rụng tóc sau sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia tóc để được tư vấn và xác định nguyên nhân cụ thể.

Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý 3
Chị em cần đi thăm khám khi có biểu hiện rụng tóc sau sinh

Biện pháp xử lý rụng tóc sau sinh

Rụng tóc sau sinh là một vấn đề phổ biến và thường có thể tự phục hồi sau một thời gian. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lấy lại mái tóc chắc khỏe, suôn mượt như trước. Đặc biệt, mất cân bằng thần kinh nội tiết có thể làm rối loạn quá trình mọc tóc, khiến tóc mới mọc ít và nhanh rụng. Điều này dẫn đến tình trạng tóc thưa dần, và nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tế bào mầm tóc có thể bị teo và ngừng mọc. Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ phục hồi tóc sau sinh hiệu quả:

  • Cân bằng thần kinh nội tiết: Phụ nữ sau sinh cần giữ tinh thần thoải mái và chủ động giảm stress bằng cách nhờ người thân (chồng, ông bà nội ngoại, anh chị em) hỗ trợ chăm sóc em bé. Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách đọc sách, thiền định, xông hơi, xem phim, nghe nhạc, tập yoga. Nói chuyện với người thân, bạn bè hoặc tham gia các nhóm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc em bé và giảm căng thẳng.
  • Chăm sóc tóc đúng cách: Tránh buộc tóc quá chặt và không chải tóc khi còn ướt cũng là biện pháp cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh. Sử dụng lược răng thưa để chải tóc và massage da đầu thường xuyên để cải thiện lưu lượng máu. Hạn chế sử dụng máy sấy tóc, để tóc khô tự nhiên và tránh tạo kiểu bằng nhiệt độ cao hoặc hóa chất. Có thể cân nhắc cắt tóc ngắn để giảm tải cho tóc.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ không chỉ giúp cơ thể phục hồi nhanh và sản xuất nhiều sữa mà còn hỗ trợ sự phục hồi của tóc, giảm tình trạng rụng tóc sau sinh. Tăng cường các thực phẩm giàu protein, omega-3, kẽm, chất béo và vitamin nhóm B trong chế độ ăn uống. Những thực phẩm như thịt nạc, các loại hạt, tôm, cá hồi, trái cây và rau xanh đều rất tốt cho tóc.
  • Chăm sóc tóc bằng phương pháp dân gian: Gội đầu bằng vỏ bưởi, bồ kết hoặc ủ tóc bằng dầu dừa, nha đam là những phương pháp dân gian được nhiều bà mẹ tin dùng để điều trị rụng tóc sau sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các tế bào mầm tóc nằm sâu bên trong nang tóc mới là yếu tố quyết định sự phát triển và vẻ đẹp của tóc. Do đó, chăm sóc bên ngoài chỉ giúp tóc mềm mượt hơn, không thể ngăn rụng tóc hay thúc đẩy tóc mọc lại hoàn toàn.
Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý 4
Áp dụng những biện pháp trên giúp cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh

Hy vọng rằng những thông tin chia sẻ trong bài viết của Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng rụng tóc sau sinh. Nếu bạn đang gặp vấn đề này thì không cần quá lo lắng, hãy đi thăm khám và kiên nhẫn áp dụng các biện pháp đã đề cập để nhanh chóng khôi phục mái tóc chắc khỏe và suôn mượt.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Phạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin