Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Sâu ngà răng là gì? Có cách nào chữa khỏi được không?

Ngày 25/05/2024
Kích thước chữ

Sâu ngà răng là một tình trạng khá phổ biến xảy ra sau khi men răng bị sâu và bắt đầu gây cảm giác ê buốt, đau nhức rất khó chịu cho người bệnh. Ở giai đoạn này, nếu không được điều trị, tình trạng có thể tiến triển nặng, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm tình trạng sâu ngà răng? Các phương pháp điều trị hiệu quả là gì?

Sâu răng là căn bệnh phổ biến và dễ mắc, không chỉ xảy ra ở trẻ em mà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Sâu ngà răng là giai đoạn sau khi men răng bị sâu. Sâu răng gây ê buốt, khó chịu, nếu không được điều trị đúng cách còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi răng bị sâu ngà thì cần phải có biện pháp điều trị thích hợp.

Tìm hiểu về tình trạng sâu răng

Cấu trúc của một chiếc răng từ ngoài vào trong bao gồm các lớp: Lớp ngoài cùng là lớp mô cứng gọi là men răng, sau đó là lớp ngà răng và lớp trong cùng là lớp mô mềm hay còn gọi là tủy răng.

Sâu răng là hiện tượng phá hủy cấu trúc của răng, tạo ra các lỗ sâu trên bề mặt và dần dần phá hủy cấu trúc bên trong của răng, gây đau nhức, ê buốt và khó chịu cho người bệnh.

sau-nga-rang-la-gi-co-cach-nao-chua-khoi-duoc-khong 1.jpg
Sâu răng là hiện tượng phá hủy cấu trúc của răng, tạo ra các lỗ sâu trên bề mặt

Nguyên nhân gây sâu răng là do thực phẩm chứa nhiều đường, sau khi ăn đồ ngọt không vệ sinh răng miệng đúng cách. Thức ăn có đường trong miệng có thể tạo thành acid,  cùng với các vi khuẩn trong khoang miệng có thể phá hủy cấu trúc răng.

Sâu răng gồm 2 giai đoạn là sâu men răng và sâu ngà răng:

  • Giai đoạn sâu men răng: xuất hiện ở các hố, rãnh mặt nhai hoặc xung quanh rìa miếng trám cũ. Triệu chứng là những đốm trắng trên bề mặt răng, chưa có lỗ sâu và không có dấu hiệu đau nhức, ê buốt hay khó chịu. Giai đoạn này có thể khó phát hiện.
  • Giai đoạn sâu ngà răng: Nếu sâu men không được điều trị thì đây là giai đoạn tiếp theo của sâu răng. Dấu hiệu lâm sàng của sâu ngà răng là lỗ sâu có thể nhìn thấy được và mô răng bị đổi màu nâu hoặc đen. Có thể khó chịu, ê buốt khi tiếp xúc với các kích thích như nóng, lạnh hoặc ăn đồ ngọt.

Biến chứng sâu ngà răng là gì?

Nếu sâu ngà răng không được điều trị đúng cách, sâu răng sẽ ăn sâu vào tủy răng, gây viêm tủy cấp, kèm theo đau nhức dữ dội, đau nhức vùng thái dương, chán ăn, mất ngủ.

Sâu ngà răng có thể gây viêm nhiễm tủy răng lâu ngày, dẫn đến hoại tử gây biến chứng mô quanh cuống, viêm quanh cuống, đau dữ dội, sưng nướu, má và góc hàm.

Sâu ngà răng có thể khiến nhiễm trùng lan sang các mô xung quanh, gây áp xe, u nang quanh cuống và viêm tủy xương hàm. Trong trường hợp răng hàm trên, chân răng sát xoang hàm có thể gây viêm xoang.

Sâu ngà răng trở nên nguy hiểm khi nhiễm trùng lan rộng dẫn đến viêm tấy lan tỏa, nhiễm trùng máu hoặc lan đến trung thất… , có thể nguy hiểm đến tính mạng.

sau-nga-rang-la-gi-co-cach-nao-chua-khoi-duoc-khong 2.jpg
Sâu ngà răng trở nên nguy hiểm khi nhiễm trùng lan rộng

Điều trị sâu ngà răng như thế nào?

Điều trị phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn sâu ngà răng, bao gồm các phương pháp:

  • Nếu là sâu ngà nông: Có thể hàn ở giai đoạn này bằng các vật liệu hàn như GIC và Composite. Tuy nhiên, răng vẫn cần được theo dõi sau khi hàn xem còn đau, khó chịu, ê buốt nhiều không để xem xét có phải điều trị tủy răng hay không.
  • Nếu sâu ngà răng sâu: Các vật liệu có tính sinh học cao như Ca(OH)2, MTA…, có thể dùng để hàn che tủy và theo dõi từ 1 tuần đến 6 tháng nếu răng không đau thì có thể lấy bớt phần chất hàn bên trên và hàn vĩnh viễn.
  • Điều trị nội nha: Áp dụng cho những trường hợp sâu răng tiến triển thành viêm tủy. Nó bao gồm việc loại bỏ tủy răng tổn thương, tạo hình, bơm rửa làm sạch ống tủy sau đó sẽ trám bít kín hệ thống ống tủy để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và bảo tồn các mô răng còn lại.
  • Bọc răng sứ, inlay/onlay, veneer…, được sử dụng khi răng bị sâu nặng, lỗ sâu răng to, vỡ mẻ nhiều hoặc khi răng đã được điều trị tủy và hàn răng mà đôi khi không đảm bảo được chức năng ăn nhai, thẩm mỹ thì cần phải bọc răng để bao phủ toàn bộ thân răng.
  • Nhổ răng: Phù hợp với những trường hợp răng sâu quá nặng và các phương pháp điều trị trên không thể cứu được răng nên buộc phải nhổ bỏ răng. Và thay thế răng giả bằng cấy ghép răng implant hoặc làm cầu răng để đảm bảo chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ.
sau-nga-rang-la-gi-co-cach-nao-chua-khoi-duoc-khong 3.jpg
Nhổ răng phù hợp với những trường hợp răng sâu quá nặng

Bật mí các cách phòng bệnh sâu răng

Bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau để phòng tránh sâu răng:

  • Hạn chế ăn đồ ăn có đường, bánh kẹo ngọt và không ngậm kẹo khi ngủ. Nếu ăn đồ ngọt thì cần phải đánh răng ngay sau khi ăn.
  • Vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng ngay sau bữa ăn, đánh răng đúng cách để đảm bảo loại bỏ hết mảng bám trên răng, dùng chỉ nha khoa đúng cách, dùng nước súc miệng hàng ngày và lấy cao răng định kỳ.
  • Tăng cường các chất chống sâu răng như dùng kem đánh răng có fluor, súc miệng nước fluor 0.2% mỗi tuần một lần.
  • Một khi đã phát hiện được sâu men thì cần phải điều trị sớm bằng cách trám bít hố rãnh ở mặt nhai, hàn lại các lỗ sâu.
  • Răng cần được thăm khám định kỳ để phát hiện sâu răng và điều trị kịp thời.

Qua nội dung trên hy vọng các bạn đã hiểu đầy đủ những kiến ​​thức liên quan về sâu ngà răng cũng như cách điều trị sâu ngà răng. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu sâu răng nào, hãy đến gặp nha sĩ ngay để được kiểm tra và chẩn đoán tình trạng răng của bạn nhé.

Xem thêm: Các phương pháp điều trị khi răng cửa bị sâu bên trong

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.