Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Sấu ngâm có tác dụng gì và cách ngâm sấu không nổi váng

Ngày 27/04/2023
Kích thước chữ

Sấu có thể được dùng trong chế biến món ăn và làm nước giải khát. Một ly nước sấu mát lạnh xua đi cái nóng mùa hè và cung cấp nhiều vitamin. Theo dõi bài viết để biết cách ngâm sấu vừa ngon vừa không nổi váng.

Còn gì bằng một ly nước sấu chua ngọt mát lạnh ngày hè. Quả sấu giòn ngấm đường, nước chua ngọt, xen lẫn chút cay cay của gừng. Bổ sung ngay món nước giải khát vào thực đơn mùa hè của gia đình ngay nhé.

Nước sấu có tác dụng gì?

Sấu là loại trái cây chứa nhiều nước, axit hữu cơ, protein, gluxit, canxi, sắt, vitamin C,… Nhờ vậy có một số tác dụng cho cơ thể.

Giải nhiệt cơ thể

Sấu là loại trái cây có vị chua, là một trong những nguyên liệu dùng để pha chế thức uống giải nhiệt rất tốt trong những ngày hè oi bức, giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả, chữa nhiệt miệng và đau ngứa cổ họng. Tương tự, bạn có thể ăn quả sấu chín hoặc thêm đường, muối để làm dịu vị chua của sấu. 

Chữa ho

Nếu bạn hay trẻ nhỏ hay bị ốm vặt khi thời tiết thay đổi như ho thì sấu là một loại trái cây chữa bệnh rất hiệu quả mà bạn có thể sử dụng. Theo đông y, sấu ngâm muối hoặc sấu tươi sắc lấy nước là bài thuốc chữa ho rất hiệu quả. Tác dụng sẽ tăng lên nếu bạn dùng hoa sấu hấp với mật ong. 

Sấu ngâm có tác dụng gì và cách ngâm sấu không nổi váng 1
Sấu ngâm giúp chữa ho, ốm vặt khi thời tiết thay đổi

Tăng cường hệ tiêu hoá

Một công dụng của quả sấu khá phổ biến là cải thiện hệ tiêu hóa rất tốt. Theo các chuyên gia, vị chua của sấu kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giúp đào thải chất độc ra ngoài hiệu quả. Để phát huy tối đa tác dụng này, bạn có thể uống nước sấu ngâm đường hoặc nấu canh ăn.

Là thức uống giải rượu

Nước sấu là thức uống giúp giải rượu hiệu quả. Bạn có thể giảm cảm giác khó chịu và lượng cồn trong bụng bằng những cách uống sấu ngâm đường hoặc gừng, sấu sắc nước uống.

Tốt cho phụ nữ mang thai

Khi mang thai ba tháng đầu, phụ nữ thường bị ốm nghén khiến cơ thể mệt mỏi. Có nhiều cách để cải thiện tình trạng này, trong đó có cách sử dụng quả sấu. Uống nước sấu trong giai đoạn này giảm ốm nghén, cải thiện thể trạng cho mẹ bầu, khiến tinh thần thoải mái và tràn đầy năng lượng hơn. 

Ngoài uống nước sấu, mẹ bầu có thể dùng chế biến thành nhiều món ăn khác như sấu om vịt, sấu xào tôm chua,… Tuy nhiên, các mẹ lưu ý không nên ăn quá nhiều mà cân bằng với các chất dinh dưỡng khác.

Sấu ngâm có tác dụng gì và cách ngâm sấu không nổi váng 2
Sấu ngâm có thể giúp mẹ bầu giảm cơn ốm nghén khó chịu

Hỗ trợ giảm cân

Giảm cân là một trong những lợi ích của quả sấu mà ít người biết đến. Uống nước sấu hỗ trợ giảm cân vì quả sấu có chứa nhiều axit hữu cơ có tác dụng làm sạch ruột, ngăn đường hấp thụ vào máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đốt cháy mỡ thừa. Không chỉ vậy, các hoạt chất chứa trong quả sấu còn kích thích hệ tiêu hóa, canxi được hấp thụ tối đa, giúp cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh.

Cách ngâm sấu đơn giản tại nhà

Cách chọn mua sấu ngâm chất lượng

Để làm một hũ sấu ngâm chất lượng thì nên chọn mua những quả sấu tươi còn nguyên cuống. Quả sấu tươi có màu xanh đẹp mắt, không bị thâm, chọn sấu không quá non cũng không quá già, cùi dày, hạt nhỏ. Chọn những quả có đồng đều, không bị dập nát nhiều. Không chọn những quả bị trầy xước, dập nát hoặc hư hỏng.

Nguyên liệu:

  • 1kg sấu;
  • 1 đường;
  • 2 - 3 củ gừng.

Sơ chế sấu

Dùng dao cạo bỏ lớp vỏ ngoài của sấu. Lưu ý cạo xong cho ngay vào thau nước muối pha loãng để sấu không bị thâm.

Sau khi cạo, bạn rửa qua một lần và dùng dao khứa thành hình xoắn ốc quanh quả sấu. Làm theo cách này giúp sấu ngấm đường nhanh hơn. Tuy nhiên, cần thực hiện cẩn thận để vỏ không bị nứt và hạt không xuất hiện. Đối với sấu non, bạn không cần khứa. 

Nếu muốn ngâm sấu dùng được lâu hơn thì bạn không cần khứa mà để nguyên quả ngâm. 

Sau khi ngâm nước muối, sấu rửa lại với nước sạch. Để sấu giữ được độ giòn và ngon, sau khi rửa sạch thì chần qua nước sôi cho đến sấu chuyển sang màu. Sau đó đổ ra rổ cho ráo nước. Việc chần qua nước sôi giúp sấu giòn hơn khi ngâm với đường và không nổi bọt trên bề mặt. 

Cách chế biến

Hiện nay có 2 cách ngâm đường, vẫn đảm bảo được chất lượng, giữ được vị giòn, ngon. 

  • Bạn cho sấu vào hũ thủy tinh sau đó cho 1 lượng đường vào. Cứ 1 lớp đường là 1 lớp sấu. 
  • Đậy kín nắp hũ thủy tinh và để nơi khô thoáng khoảng 1 ngày cho đường tan hết và ngấm vào sấu. Bạn có thể thấy lượng đường không hòa tan chìm xuống đáy bình. 
  • Bạn bắt đầu đổ hết nước trong bình vào nồi. Sau đó, thêm chút muối và đun sôi, cho gừng đập dập vào nồi. Nước sấu đun sôi khoảng 3 phút thì tắt bếp, đợi nước nguội thì đổ lại vào bình và tiếp tục ngâm sấu.

Thành phẩm

Ngâm sấu khoảng 3 - 4 ngày là có thể dùng được. Mỗi lần dùng bạn chỉ cần lấy khoảng 2 muỗng cà phê nước sấu và 2 - 3 quả sấu cho vào ly, thêm đá và nước lọc vào khuấy đều là có thể thưởng thức.

Sấu ngâm có tác dụng gì và cách ngâm sấu không nổi váng 3
Cách ngâm sấu khá đơn giản, có thể làm ngay tại nhà để giải nhiệt cơ thể

Cách bảo quản sấu

Để nước sấu ngâm phát huy hết tác dụng và không gây tác dụng phụ thì chỉ uống trong một thời gian nhất định. Thông thường ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, sấu ngâm có thể bảo quản và sử dụng trong vòng 3 - 6 tháng.

Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì hạn sử dụng lâu hơn, khoảng 6 - 8 tháng. Tuy nhiên, để giữ được hương vị và chất dinh dưỡng của nước sấu, tốt nhất bạn nên sử dụng nước sấu càng sớm càng tốt sau khi chế biến.

Lưu ý khi sử dụng sấu ngâm

Sau khi biết cách ngâm sấu và bảo quản, bạn phải lưu ý những điểm sau để sử dụng hiệu quả và phát huy hết công dụng của loại thực phẩm này.

  • Người mắc các bệnh như viêm loét dạ dày, tá tràng không nên ăn, uống nước sấu, đặc biệt là sấu tươi. Vì sấu tươi có chứa vị chua, không tốt cho cơ thể người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
  • Không nên ăn sấu khi đang đói, tăng axit dạ dày dẫn đến đau dạ dày. 
  • Trẻ em dưới 12 tuổi cũng nên hạn chế hoặc tránh dùng nước sấu. Do hệ tiêu hóa của trẻ còn nhạy cảm nên hàm lượng axit trong quả sấu sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của trẻ. 
  • Mỗi ngày chỉ nên uống 1 ly nước sấu, không nên uống quá nhiều và uống nhiều ngày liên tiếp sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì làm tăng lượng đường trong máu tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì hay bệnh tim. 
  • Để ngâm sấu dùng quanh năm, bạn nên bảo quản sấu trong ngăn mát của tủ lạnh.
  • Có thể dùng sấu chế biến thành nhiều món ăn khác để tận dụng được nguồn dinh dưỡng từ quả sấu.

Hy vọng những thông tin trên giúp bạn biết công dụng, cách ngâm sấu cũng như bảo quản để sử dụng lâu dài nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe. 

Xem thêm: Cà chua có tác dụng gì? Có nên ăn hạt cà chua không? 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin