Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu bong gân chân đúng cách

Ngày 06/06/2022
Kích thước chữ

Bong gân chân là tình trạng dây chằng hay gân bị kéo căng đột ngột quá mức hoặc bị rách gây ra đau, giảm hoặc mất vận động tại khớp. Vị trí bong gân tại chân thường rất đa dạng, dưới đây là cách sơ cứu đúng cách bạn đọc có thể tham khảo.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ bị bong gân trong bất kỳ tình huống nào đó. Nguyên nhân của bong gân chân cũng rất phổ biến như bệnh nhân bị tai nạn trong sinh hoạt hoặc lao động, bệnh nhân phải mang vác các vật quá nặng gây áp lực lên chân hoặc có thể do thao tác làm việc có tính chất lặp đi lặp tại khiến cho các khớp tại chân mất kiểm soát… Dù là nguyên nhân nào, bong gân chân luôn khiến cho người mắc phải cảm giác khó chịu do đau đớn và hạn chế sự đi lại.

Chân là bộ phận phải di chuyển rất nhiều trong sinh hoạt hằng ngày. Khi bị bong gân bộ phận này, người bệnh không nên quá nôn nóng cũng như cố gắng hoạt động. Dưới đây là cách sơ cứu đúng cách, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và quay trở lại với công việc thường ngày.

Ai dễ bị bong gân chân?

Khi biết được đối tượng có nguy cao bị bong gân chân, họ sẽ có tâm lý cũng như phần nào đó cẩn thận cũng như trang bị bảo hộ tốt nhất, giúp hạn chế nguy cơ bong gân chân xảy ra:

  • Những vận động viên thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, vận động viên tennis… có nguy cơ bị bong gân bàn chân, cổ chân và gối vì có xu hướng phải chạy liên tục và nhảy cao lên khi thi đấu.
  • Những vận động viên thể hình, vận động viên tennis cũng có nguy cơ bị bong gân chân do áp lực cân nặng đè lên chân và gối liên tục.
  • Những môn thể thao đối kháng như võ thuật rất dễ va chạm và có nguy cơ bong gân không chỉ chân mà còn ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.
  • Những môn đòi hỏi sức bền như chạy và đi bộ cũng có nguy cơ bong gân ở bàn chân, cổ chân và khớp gối hoặc thậm chí cả khớp háng do họ phải vận động chân liên tục.
  • Nguy cơ bong chân chân cũng có thể xảy ra khi những vận động viên trên không khởi động kĩ hoặc vận động quá mạnh, sử dụng những loại giày không phù hợp với tính chất từng bộ môn…
  • Bên cạnh đó, người thừa cân béo phì cũng có nguy cơ rất dễ bị bong gân chân do áp lực cân nặng đè lên đôi chân.
  • Không những thế, những người có bệnh lý về vấn đề tập trung và sự cân bằng có nguy cơ chấn thương chân cao hơn.
  • Môi trường xung quanh không thuận lợi như ẩm ướt và trơn trượt khiến bạn cũng thuộc nhóm có nguy cơ bị dễ chấn thương bong gân chân hơn khi di chuyển, đi lại.
Sơ cứu bong gân chân đúng cách1 Vận động viên là đối tượng có nguy cơ cao bị bong gân châ

Các vị trí bong gân ở chân thường gặp

Chân là bộ phận di chuyển là đi lại cũng như có tần xuất cử động nhiều nhất trong ngày. Do đó, chân cũng là bộ phận rất dễ bị các chấn thương như bong gân, dưới đây là những bộ phận bong gân chân phổ biến:

Bong gân cổ chân

Bong gân cổ chân là loại bong gân rất phổ biến. Chấn thương thường gặp nhất là kiểu vẹo trong, khi bệnh nhân tiếp đất sai tư thế. Bộ phận dễ bị tổn thương nhất là phức hợp mắt cá ngoài - chiếm 85%, bao gồm: Dây chằng sên mác trước, dây chằng mác gót và dây chằng sên mác sau. Một số bệnh nhân có dây chằng rất yếu, do đó có nhiều khả năng bị bong gân cổ chân hơn nữa. Bên cạnh đó, các vận động viên cũng là đối tượng có nguy cơ cao khi 1/4 số ca chấn thương thể thao là do bị bong gân cổ chân.

Sơ cứu bong gân chân đúng cách2 Bong gân cổ chân là loại bong gân rất phổ biến

Bong gân tại gối

Gối có hệ thống dây chằng phong phú và rất quan trọng được kể đến là dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài. Bong gân tại gối được biết là tổn thương giãn dây chằng vùng quanh đầu gối. Đây thuộc dạng tổn thương rất phổ biến nhất đối với nhiều vận động viên chơi các môn thể thao bằng chân, có nhiều động tác xoắn vặn lặp lại hoặc phải va chạm mạnh như bóng đá.

Bong gân gót chân

Bong gân gót chân là dạng chấn thương thường gặp và không chỉ ở với đối tượng thường xuyên luyện tập thể thao. Bong gân gót chân xuất hiện khi cơ bị kéo giãn hoặc bị đứt một phần, toàn bộ một hoặc nhiều dây chằng. Ngoài ra, những đối tượng thường xuyên sử dụng giày cao gót hoặc mang giày thể thao không vừa hoặc không đúng mục đích sử dụng… cũng rất dễ dẫn tới bong gót gân.

Bong gân mắt cá chân

Bong gân mắt cá chân là một dạng chấn thương đối với xương mắt cá chân và các dây chằng xung quanh. Chấn thương thường bị kéo căng hoặc rách dẫn đến sưng, bầm tím và khó chịu trong đi lại. Bong gân mắt cá chân rất phổ biến và thường gặp phải đặc biệt đối với những người thường xuyên tập luyện thể dục và vận động viên thể thao.

Sơ cứu bong gân chân đúng cách

Sau khi bị chấn thương bong gân chân dù là cơ quan nào như: Mắt cá chân, gối, cổ chân… cũng nên thực hiện những cách sơ cứu sau đây:

  • Bước 1 - Nghỉ ngơi: Bệnh nhân nên nhanh chóng nghỉ ngơi, ngừng ngay những vận động đang thực hiện.
  • Bước 2 – Thực hiện chườm lạnh: Mặc dù lúc chườm lạnh hoặc xịt lạnh có thể gây ra cảm giác khó chịu, tuy nhiên, đối với chấn thương bong gân chân, việc chườm lạnh ngay lập tức sẽ giúp cho việc giảm đau cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi sau này. Người bệnh lưu ý tuyệt đối không nên chườm nóng, xoa các loại dầu, thuốc rượu không rõ nguồn gốc… bởi có thể sẽ khiến các khớp sưng to hơn và tình trạng bong gân chân trở nên trầm trọng hơn.
  • Bước 3 – Sử dụng băng ép: Người bệnh có thể sử dụng băng ép ngay khi bị chấn thương. Bằng cách dùng băng thun nhẹ nhàng, không ép quá chặt cũng không quá lỏng.
  • Bước 4 – Nâng giữ vùng bị chấn thương lên cao hơn so với tim.
Sơ cứu bong gân chân đúng cách3 Sơ cứu bong gân chân đúng cách

Sau khi thực hiện 4 bước sơ cứu cơ bản, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau trong trường hợp người bệnh rất đau, thuốc chống viêm trong trường hợp người bệnh có biểu hiện sưng viêm to, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những loại thuốc giảm đau chống viêm trên tùy theo mức độ của chấn thương và có thể sử dụng ở dạng viên uống hoặc thuốc dạng bôi tại chỗ.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Sơ cứuBong gân