Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốc nhiễm khuẩn và mức độ nguy hiểm không phải ai cũng biết

Ngày 20/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chắc hẳn nhiều người từng nghe qua về hội chứng sốc nhiễm khuẩn nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của nó. Đây là biến chứng nặng của nhiễm trùng, xuất hiện rất nhanh và có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không kịp thời điều trị. Những thông tin tổng quan dưới đây hy vọng giúp bạn có thêm kiến thức để chủ động bảo vệ bản thân trước mối nguy hiểm này.

Sốc nhiễm khuẩn là giai đoạn nặng nhất của quá trình liên tục bắt đầu từ việc đáp ứng viêm hệ thống nguyên nhân do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Khi chuyển sang giai đoạn sốc nhiễm khuẩn, người bệnh đã bị nhiễm trùng huyết kèm theo tụt huyết áp và rối loạn chức năng tim mạch.

Nguyên nhân gây sốc nhiễm khuẩn

  • Nhiễm trùng nặng tại một cơ quan bất kỳ nào đó trong cơ thể.
  • Nhiễm trùng nặng ở đường tiêu hóa.
  • Bị tắc sỏi túi mật, sỏi đường mật khiến túi mật hoặc đường dẫn mật bị viêm, từ đó gây nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng ngoài da như: Lở loét, mụn nhọt, ổ áp xe… là những trường hợp nhiễm trùng nặng dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm khuẩn.
  • Xâm nhập vào cơ thể thông qua những tổn thương ở đường tiêu hóa.
  • Nhiễm trùng do thực hiện các thủ thuật như: Nong cổ tử cung, niệu đạo hoặc đặt ống thông tiểu hay nội soi màng bụng, phế quản.
  • Với nữ giới, việc nạo phá thai không đảm bảo vệ sinh tuyệt đối hay những ca đẻ khó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn huyết gây ra sốc nhiễm trùng.
Sốc nhiễm khuẩn và mức độ nguy hiểm không phải ai cũng biết
Nhiễm trùng nặng ở đường tiêu hóa là một trong nhiều nguyên nhân gây sốc nhiễm khuẩn

Dấu hiệu sốc nhiễm trùng

Tùy tình trạng mỗi người mà những dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn sẽ thể hiện khác nhau. Cụ thể:

  • Rét run, sốt cao hoặc thân nhiệt hạ một cách đột ngột.
  • Giãy giụa, mất định hướng, thở nhanh, mạch đập nhỏ, nhanh và khó bắt hoặc rối loạn vận mạch.
  • Đi tiểu ít do bị sốt hoặc mạch máu tại thận bị tác động gây suy giảm áp lực lọc ở cầu thận hoặc suy thận cấp.
  • Da và các đầu chi bị lạnh vì co mạch ngoại biên. Bên cạnh đó móng tay, mũi, tai, chân tím tái và có biểu hiện sốc lạnh.
  • Trường hợp nặng còn nhận thấy da bị hoại tử, dùng tay nhấn vào sẽ thấy da đổi màu nhưng không thể hồi phục lại ngay do trụy mạch ngoại biên trước khi xuất hiện mảng xám.
  • Một số trường hợp bị đau cơ nặng nề, chuột rút, đau lan tỏa, thiếu oxy tổ chức.

Có thể thấy triệu chứng của sốc nhiễm trùng khá đa dạng. Do đó cần đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường để thăm khám và can thiệp kịp thời. Việc tự chẩn đoán bệnh cũng như tự ý mua thuốc về uống là cấm kỵ.

Sốc nhiễm khuẩn và mức độ nguy hiểm không phải ai cũng biết 1
Đi tiểu ít là biểu hiện ở người bị sốc nhiễm khuẩn do thận bị tác động

Sốc nhiễm khuẩn có nguy hiểm không?

Sốc nhiễm khuẩn có thể gây ra hàng loạt các biến chứng rất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng như: Khó thở, rối loạn tâm thần, đông máu bất thường, suy tim, suy thận, suy gan, suy hô hấp, đột quỵ, mất một phần ruột hoặc mất các phần trên tứ chi do hoại tử… Ở giai đoạn này, tiên lượng bệnh đã khá nặng, tỷ lệ tử vong cao lên tới 20 - 50%.

Các biến chứng người bệnh có thể gặp phải cũng như hiệu quả điều trị sẽ phụ thuộc vào các yếu tố gồm:

  • Tuổi tác.
  • Thời gian kể từ thời điểm bị sốc nhiễm khuẩn đến khi được điều trị.
  • Nguyên nhân, nguồn gốc của nhiễm trùng huyết trong cơ thể.
  • Các tình trạng sức khỏe từng mắc.

Việc chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn hiện nay gặp nhiều khó khăn do không có một xét nghiệm đặc hiệu nào để chẩn đoán nhiễm trùng nặng. Mặt khác, với tâm lý chủ quan người bệnh thường lơ là nên chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn tức đã nhiễm trùng nặng nên tỷ lệ tử vong cao.

Chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn

Trên lâm sàng

Hỏi bệnh: Trường hợp bệnh nhân không còn tỉnh táo, bác sĩ có thể yêu cầu người thân cung cấp các thông tin để hỗ trợ cấp cứu như:

  • Tiền sử: Suy giảm miễn dịch, bệnh mãn tính, tiêm phòng…
  • Các yếu tố nguy cơ như: Suy dinh dưỡng, sơ sinh thiếu tháng, có các dẫn lưu hoặc thủ thuật can thiệp...
  • Triệu chứng khởi phát: Nhằm xác định ổ nhiễm trùng nguyên phát và định hướng tác nhân bao gồm: Nhiễm trùng hô hấp, da, tiêu hóa, tiết niệu...

Khám lâm sàng

  • Nhận thấy các dấu hiệu của hội chứng đáp ứng viêm toàn thân: Nhiệt độ, mạch, huyết áp, nhịp thở.
  • Dấu hiệu sốc: Các dấu hiệu sớm của sốc (sốc còn bù) như: Thay đổi về tinh thần (kích thích quấy khóc, mệt mỏi nhưng vẫn tỉnh), huyết áp tăng nhẹ hoặc trong giới hạn bình thường, mạch nhanh nhẹ hoặc bình thường, tiểu giảm dưới 1 ml/kg/h, refill dưới 2 giây.
  • Phát hiện các ổ nhiễm khuẩn ở da, phổi, tai mũi họng, vết mổ, nước tiểu.
  • Ban chỉ điểm của nhiễm khuẩn gồm: Ban xuất huyết hoại tử, hồng ban, bầm máu.
Sốc nhiễm khuẩn và mức độ nguy hiểm không phải ai cũng biết 2
Phát hiện các ổ nhiễm khuẩn ở da ở bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn

Cận lâm sàng

Các kỹ thuật xét nghiệm cần thực hiện để giúp chẩn đoán sốc nhiễm trùng gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • Cấy mẫu bệnh phẩm ổ nhiễm khuẩn nghi ngờ như: Đờm, mủ, nước tiểu, phân…;
  • Cấy máu;
  • Xét nghiệm CRP và và Procalcitonin;
  • Chụp X-quang phổi;
  • Siêu âm ổ bụng;
  • CT Scan…

Chẩn đoán xác định

Khi có đủ 3 tiêu chuẩn sau:

  • Nhiễm khuẩn nặng xác định được nguồn gốc nhiễm khuẩn.
  • Có rối loạn chức năng của ít nhất một cơ quan.
  • Hạ huyết áp không đáp ứng với bù dịch.

Chẩn đoán phân biệt

  • Sốc giảm thể tích: Mất máu hoặc mất nước;
  • Sốc tim;
  • Sốc phản vệ.

Chẩn đoán mức độ nặng

  • Trường hợp có tiến triển thành suy đa tạng là yếu tố tiên lượng nặng.
  • Lactat máu tăng dần và tụt huyết áp không đáp ứng với thuốc vận mạch.
Sốc nhiễm khuẩn và mức độ nguy hiểm không phải ai cũng biết 3
Sốc nhiễm khuẩn là một cấp cứu y khoa cần nhập viện sớm

Điều trị sốc nhiễm khuẩn

Sốc nhiễm khuẩn là một cấp cứu y khoa nên người bệnh nhập viện càng muộn thì khả năng tử vong càng cao. Chính vì vậy khi có các trường hợp sốc nhiễm khuẩn, các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân một cách nhanh chóng để đưa ra biện pháp xử trí kịp thời giúp người bệnh thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm. Các phương pháp xử trí bao gồm:

  • Bồi phụ thể tích dịch;
  • Dùng thuốc vận mạch;
  • Dùng kháng sinh;
  • Dùng hydrocortison;
  • Kiểm soát đường máu;
  • Điều trị dự phòng các biến chứng;
  • Thở máy;
  • Lọc máu liên tục.

Những thông tin trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu thêm về tình trạng sốc nhiễm khuẩn và mức độ nguy hiểm của nó. Cơ hội sống sót của người bệnh sẽ phụ thuộc vào nguồn lây nhiễm, thời gian được điều trị sau khi bắt đầu có các triệu chứng và số lượng cơ quan đã bị ảnh hưởng. Do đó, nếu thấy nhận thấy người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ sốc nhiễm khuẩn cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được các bác sĩ can thiệp kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm