Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không? Cách điều trị sỏi túi mật 7mm

Ngày 13/08/2023
Kích thước chữ

Sỏi túi mật được hình thành từ sự lắng đọng bất thường của thành phần dịch mật và có hình dạng kích thước không giống nhau, dựa vào đặc điểm của sỏi mà có thể có những cách thức điều trị khác nhau. Vậy sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Túi mật có chức năng cô đặc và lưu trữ dịch mật được gan tiết ra. Sau khi thức ăn có dầu mỡ được hấp thu thì túi mật co bóp và đẩy dịch mật xuống tá tràng để tiêu hóa chất béo. Hiện nay ở nước ta do đời sống kinh tế và xã hội ngày càng phát triển nên hình thái sỏi mật cũng có sự thay đổi theo. Tỷ lệ sỏi đường mật trong và ngoài gan có xu hướng giảm trong khi tỷ lệ sỏi túi mật ngày càng tăng. Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Nguyên nhân và dấu hiệu của sỏi túi mật

Sỏi túi mật là tình trạng trong túi mật hình thành những tinh thể rắn do sự mất cân bằng của các thành phần bên trong dịch mật. Sỏi túi mật có kích thước đa dạng, nếu kích thước nhỏ thì không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng những viên sỏi lớn có thể gây ra tắc nghẽn và liên quan đến một số bệnh lý nguy hiểm như thủng túi mật, viêm túi mật và thậm chí là ung thư túi mật.

Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không? Cách điều trị sỏi túi mật 7mm 1
Sỏi túi mật là tình trạng trong túi mật hình thành những tinh thể rắn

Trước khi giải đáp cho thắc mắc sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin về nguyên nhân cũng như dấu hiệu của sỏi túi mật mà bạn cần nắm rõ để chủ động phòng bệnh:

Nguyên nhân dẫn đến sỏi túi mật

Có 3 nguyên nhân chính có thể dẫn đến sỏi túi mật:

  • Cholesterol trong dịch mật: Dịch mật có khả năng hòa tan cholesterol và tham gia hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa. Nếu cholesterol quá nhiều, dẫn đến dư thừa, không được hòa tan hết sẽ gây ra hình thành sỏi.
  • Bilirubin trong dịch mật: Biliburin trong gan có thể được sản xuất quá nhiều do một số bệnh lý như nhiễm trùng, xơ gan, rối loạn lipid máu, dẫn đến hình thành sỏi túi mật.
  • Sỏi mật hình thành do dịch mật cô đặc.

Bên cạnh những nguyên nhân có thể gây ra sỏi túi mật, dưới đây là một số yếu tố nguy cơ mà bạn cần tham khảo:

  • Sỏi túi mật thường gặp ở nữ giới vì liên quan đến kích thích tố nữ như progesterone (làm giảm sự co bóp của túi mật), estrogen (làm tăng cholesterol và giảm acid mật hòa tan cholesterol gây lắng đọng dịch mật).
  • Người mắc một số bệnh lý như béo phì thừa cân, đái tháo đường, bệnh đường ruột như Crohn, xơ gan, thiếu máu tán huyết.
  • Người thực hiện giảm cân cấp tốc khiến kìm hãm cơ chế sản xuất mật làm quá trình kết tủa cholesterol diễn ra nhanh hơn.
  • Người sử dụng thuốc giảm cholesterol, thuốc tránh thai hoặc sử dụng các liệu pháp thay thế hormone.
Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không? Cách điều trị sỏi túi mật 7mm 2
Người mắc bệnh béo phì là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc sỏi túi mật

Những dấu hiệu điển hình khi bị sỏi túi mật

Đa số bệnh nhân không có biểu hiện gì và thường được tình cờ phát hiện trong quá trình thăm khám sức khỏe và được chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng. Khoảng 20 - 30% bệnh nhân có triệu chứng:

  • Đau bụng: Đau quặn từng cơn riêng biệt, đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm làm cho bệnh nhân thức giấc, có thể co thắt đột ngột xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, dầu mỡ. Cơn đau thường xuất hiện ở giữa bụng vùng thượng vị hoặc bên phải phần trên vùng hạ sườn phải ổ bụng. Có trường hợp đau lan ra sau lưng và lên trên vai phải.
  • Các triệu chứng khác có thể có như là: Đau lưng, buồn nôn và nôn, đầy bụng khó tiêu, chán ăn, sợ mỡ,...

Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không?

Thực chất, sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không phụ thuộc vào hình dạng và kích thước của sỏi hình thành như thế nào. Sỏi được chia làm 2 loại là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Có nhiều hình dạng như hình tròn, bầu dục,... tùy theo cấu tạo. Về kích thước có thể chia sỏi làm 3 loại:

  • Sỏi nhỏ: Đường kính sỏi dưới 1cm.
  • Sỏi vừa: Đường kính sỏi từ 1 - 2cm.
  • Sỏi to: Đường kính sỏi trên 2cm.

Vậy sỏi túi mật 7mm có đường kính dưới 1cm là sỏi có kích thước nhỏ. Nếu sỏi chưa gây ra triệu chứng cho bệnh nhân thì vẫn chưa nguy hiểm và có thể trì hoãn phẫu thuật. Thông thường, mức độ nguy hiểm của sỏi túi mật được xác định chủ yếu qua biểu hiện và biến chứng do sỏi gây ra. Vì thế, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật khi sỏi gây ảnh hướng đến sức khỏe người bệnh. Do vậy nhiều trường hợp sỏi chỉ nhỏ vài mm có chỉ định phẫu thuật, trong khi có người sỏi lớn đến vài chục mm vẫn có thể theo dõi thêm.

Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không? Cách điều trị sỏi túi mật 7mm 3
Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người

Sỏi túi mật 7mm cần điều trị khi nào?

Nếu sỏi túi mật 7mm không xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, viêm gây sốt thì bệnh nhân không cần điều trị. Vì sỏi thường được phát hiện tình cờ và người bệnh mang sỏi đã chung sống nhiều năm với sỏi không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, ở một số trường hợp cần thiết cần phải can thiệp cắt túi mật như là :

  • Bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khi mắc sỏi túi mật cần can thiệp phẫu thuật trước khi mang thai, để đề phòng khi túi mật viêm đúng vào thời kỳ mang thai sẽ làm cho việc điều trị trở nên khó khăn.

Hiện tại, đối với sỏi túi mật có triệu chứng, có 2 phương thức điều trị là không phẫu thuật và can thiệp phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật:

Đối với những trường hợp không cần phẫu thuật, bác sĩ có thể chị định cho bệnh nhân điều trị sỏi túi mật 7mm bằng một số phương pháp dưới đây:

  • Uống thuốc tan sỏi.
  • Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng, làm tan sỏi và lấy sỏi qua da.
  • Lấy sỏi túi mật bằng phương pháp nội soi.

Kết quả điều trị của các phương pháp trên còn hạn chế, vẫn còn khả năng để lại sỏi. Khi sỏi chưa được lấy hết dễ tiến triển thành các biến chứng như viêm đường mật, viêm túi mật cấp, viêm gan cấp, viêm tụy cấp..., nặng hơn là viêm phúc mạc mật có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, khi uống thuốc tan sỏi còn gây nhiều tác dụng phụ cho gan, tim, thận,...

Nhìn chung, các phương thức điều trị này đều có nguy cơ tái phát. Theo thống kê khi để lại túi mật thì tỷ lệ sỏi tái phát sau 3 năm là 62% và sau 5 năm lên tới 91%. Khiến bệnh nhân phải điều trị nhiều lần, gây tốn kém về thời gian và kinh phí.

Sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không? Cách điều trị sỏi túi mật 7mm 4
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị sỏi túi mật không cần phẫu thuật

Phẫu thuật:

Hiện tại, phương pháp điều trị phẫu thuật cho sỏi túi mật là cắt túi mật nội soi. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: Điều trị triệt để được sỏi túi mật, không tái phát, tính thẩm mỹ cao, thời gian nằm viện sau mổ chỉ từ 3 - 5 ngày, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.

Khi đã có triệu chứng, bệnh nhân cần đến viện sớm để phẫu thuật vì khi túi mật không viêm dễ phẫu thuật hơn và ra viện sớm hơn túi mật đã viêm nhiều lần.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi để giải đáp cho thắc mắc sỏi túi mật 7mm có nguy hiểm không. Hi vọng với những thông tin trên, bạn có thể hiểu hơn về căn bệnh này, cũng như chủ động trong việc theo dõi sức khỏe của bản thân và gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm