Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sự cần thiết của thuốc giảm ho cho người ung thư phổi

Ngày 27/03/2022
Kích thước chữ

Thực hiện các biện pháp giảm ho cho người bị ung thư phổi là một trong những mục tiêu điều trị cần được quan tâm sớm để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Do đó thuốc giảm ho cho người ung thư phổi thật sự cần thiết trong quá trình điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

Ở giai đoạn đầu bệnh ung thư phổi thường không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nặng hơn, có thể xuất hiện các triệu chứng như: Ho dai dẳng, đau ngực, đặc biệt là khi hít thở sâu, thở khò khè hoặc khó thở, ho ra máu hoặc ho có đờm lẫn máu, mệt mỏi…

Ho là gì?

Ho là một trong những phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm đáp ứng với các kích thích tại đường hô hấp. Đường hô hấp rất nhạy cảm và có thể bị kích thích bởi dịch tiết, viêm nhiễm, mùi hương, chất gây dị ứng, hay quá nhiều bụi hoặc khói thuốc.

Sự cần thiết của thuốc giảm ho cho người ung thư phổi

Ho là cách cơ thể làm sạch đường hô hấp

Ho là cách giúp cơ thể làm sạch các chất bẩn trong đường hô hấp và bảo vệ phổi không bị nhiễm trùng bởi các tác nhân xâm nhập như dị vật, virus, vi khuẩn... Mắc bệnh ung thư và điều trị ung thư đều có thể gây triệu chứng ho.

Ho được chia ra làm 2 loại:

  • Ho cấp tính: Ho cấp tính là tình trạng cơn ho bắt đầu đột ngột và kéo dài dưới 3 tuần, nó cũng được gọi là ho ngắn hạn.
  • Ho kéo dài (mãn tính): Là tình trạng cơn ho kéo dài hơn 8 tuần ở người lớn và hơn 4 tuần ở trẻ em.

Ho có chứa dịch nhầy hoặc chất tiết của đường hô hấp được gọi là ho có đờm. Ngược lại, nếu ho không kèm theo đờm thì gọi là ho khan.

Ho ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe bệnh nhân ung thư phổi

Khoảng 65% số bệnh nhân ung thư phổi biểu hiện ban đầu với ho. Thông thường là ho khan, ho dai dẳng kéo dài, một số có khạc đờm hoặc ho ra máu.

Ho nặng hoặc ho mãn tính có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì nó làm gián đoạn giấc ngủ và rối loạn sinh sinh hoạt của người bệnh. Ho còn gây ra các vấn đề như nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, mất kiểm soát bàng quang và căng cơ. Đặc biệt đối với những người bị ung thư đã di căn xương, ho nặng còn có thể gây gãy xương sườn.

Ho là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư phổi gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và tâm lý của người mắc. Do đó, sử dụng thuốc trị ho hay thực hiện các liệu pháp giảm ho cho người bị ung thư phổi là vấn đề cần được quan tâm sớm.

Sự cần thiết của thuốc giảm ho cho người ung thư phổi

Bệnh nhân ung thư phổi nếu ho nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Các loại thuốc giảm ho cho bệnh nhân ung thư phổi

Giảm thiểu tác dụng phụ của ho là một yếu tố quan trọng trong chăm sóc và điều trị ung thư. Giảm ho giúp giảm bớt các triệu chứng, đau đớn về thể chất cũng như căng thẳng tinh thần cho bệnh nhân. Do đó, đây là một trong những nội dung chính của chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư phổi.

Ngoài các phương pháp giảm ho đơn giản tại nhà thì thông thường bệnh nhân ung thư phổi cần phải sử dụng kết hợp với thuốc tây y. Mỗi loại thuốc ho tác động theo các cơ chế khác nhau, phụ thuộc vào thành phần hoạt chất. Dưới đây là một số nhóm thuốc giảm ho nhanh có thể được các bác sĩ chỉ định:

Thuốc giảm ho

Nhóm thuốc giảm ho có chức năng ức chế khu vực trung tâm, làm giảm phản xạ ho và giúp giảm ho hiệu quả. Một số tên thuốc giảm ho phổ biến sử dụng cho người bị ung thư phổi có thể kể đến như:

  • Codein: Là một loại thuốc giảm đau nhưng codein còn được sử dụng để điều trị ho nhẹ, ho gió, ho khan. Tuy nhiên với các trường hợp bị ho ở giai đoạn mãn tính nó thường không hiệu quả. Codein có tác dung gây nghiện nên tránh sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 1 tuổi, người bị suy hô hấp, bệnh gan,...
  • Pholcodin: Giống codein, pholcodin có tác dụng gây nghiện, giảm đau và ức chế nhẹ trung tâm hô hấp. Thuốc dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ, giúp giảm những tín hiệu của thần kinh gửi đến cơ quan trung ương do cơn ho. Pholcodin không sử dụng cho người bị hen suyễn, mẫn cảm với thành phần của thuốc.
  • Dextromethorphan: Khác với codein, dextromethorphan không có tác dụng giảm đau và không gây nghiện. Theo đó loại thuốc này sẽ được sử dụng để chữa trị các căn bệnh kho khan mãn tính lâu năm. Tuy dùng thuốc này hạn chế được tác dụng phụ hơn codein nhưng cũng cần tránh sử dụng cho đối tượng có tiền sử suy hô hấp, bị hen và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Sự cần thiết của thuốc giảm ho cho người ung thư phổi

Phụ nữ có thai không nên sử dụng thuốc giảm ho có chứa Codein

Thuốc long đờm

Thuốc long đờm có tác dụng làm làm tăng lượng chất nhầy do làm tăng sự tiết dịch, do đó tăng thể tích, khối lượng đờm. Từ đó làm cho đờm loãng ra để giúp cho người bệnh ung thư phổi dễ khạc được ra ngoài hơn khi ho. Tác dụng chính của nhóm thuốc này là đánh tan những chất nhầy tồn đọng ở trong đường hô hấp. Các loại thuốc thuộc nhóm này thường được biết đến như:

  • Acetylcystein: Loại thuốc này giúp hỗ trợ đờm nhanh long ra khỏi ngoài đường hô hấp. Người có tiền sử hen suyễn hoặc đang bị hen suyễn không nên sử dụng acetylcystein.
  • Carbocistein: Các thành phần có trong carbocistein làm cho đờm dày hơn, từ đó giúp người bệnh dễ khạc được ra ngoài.
  • Eprazinon: Thuốc có tác dụng trong việc làm loãng đờm nhanh chóng.

Thuốc long đờm không có tác dụng vào cơ chế gây ho, không cắt cơn ho nên không phải là thuốc chống ho.

Thuốc kháng Histamin

Thuốc kháng Histamin làm giảm phóng thích Histamin, chống dị ứng đồng thời có tác dụng làm dịu cổ họng, giảm ho và an thần cho người bệnh ung thư phổi. Nhóm thuốc này có khả năng làm giảm tắc nghẽn và giảm lượng chất tiết trong phổi. Loại thuốc khi sử dụng dễ gây buồn ngủ nên các chuyên gia khuyến cáo nên dùng vào buổi tối trước khi ngủ.

Thuốc kháng Histamin còn làm khô quánh đặc dịch tiết, khó tống đờm, có thể hình thành cục đờm tắc nghẽn vì vậy không nên dùng trong trường hợp ho có đờm, người hen suyễn.

Thuốc thông mũi 

Công dụng đặc biệt của thuốc thông mũi là giúp làm các mạch máu trong phổi và trong mũi hẹp lại (teo) làm giảm tắc nghẽn.

Thuốc kháng sinh

Ngoài các nhóm thuốc trên, bệnh nhân ung thư phổi có thể được chỉ định dùng kháng sinh giảm viêm nhiễm như erythromycin. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số kháng sinh đi kèm như amoxicillin, cephalexin để ngăn ngừa bội nhiễm phổi.

Sự cần thiết của thuốc giảm ho cho người ung thư phổi

Ngoài thuốc giảm ho, nhóm thuốc khánh sinh cũng có tác dụng lớn với người bị ung thư phổi

Bên cạnh các cách giảm ho cho bệnh nhân ung thư phổi bằng thuốc tây y, các chuyên gia cũng khuyến khích người bệnh nên kết hợp sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên giúp cải thiện triệu chứng bệnh, ức chế sự phân chia của tế bào ung thư và hạn chế di căn.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc giảm ho cho bệnh nhân ung thư phổi

Các loại thuốc ho không có nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Các hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc sẽ được thông báo nếu thuốc gây tác dụng phụ.

Một số triệu chứng bệnh nhân có thể gặp sau khi sử dụng thuốc giảm ho: Cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, buồn ngủ, táo bón, rối loạn tiêu hóa, nổi mày đay… Do đó người bệnh không được tự ý sử dụng các loại thuốc giảm ho mà cần được tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Điều trị giảm ho là phương thức chăm sóc giảm nhẹ cần thiết cho người bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều trường hợp tử vong không phải do khối u mà do sức đề kháng yếu, không chịu đựng được các tác dụng phụ của liệu pháp điều trị tây y. Do đó, bệnh nhân cần gặp chuyên gia hoặc bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất, an toàn, tiện lợi vừa giúp giảm ho vừa hỗ trợ điều trị ung thư phổi hiệu quả.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin