Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Sự thay đổi trong giai đoạn tuổi dậy thì ở nam và nữ

Ngày 14/08/2024
Kích thước chữ

Tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ có nhiều thay đổi lớn về mặt tâm sinh lý ở cả nam và nữ. Theo đó, tuổi dậy thì ở nam và nữ cũng có nhiều thay đổi về mặt thể chất và những ảnh hưởng khác nhau ở mỗi giới. Bài viết sau đây sẽ hiểu rõ hơn về sự khác nhau này.

Khi trẻ bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, việc thay đổi sẽ gây ra không ít khó khăn cho các con. Vì thế cha mẹ cần hiểu rõ hơn về những biến đổi của bé trai và bé gái, nhằm hỗ trợ con vượt qua giai đoạn này để phát triển một cách tốt nhất.

Tuổi dậy thì là gì?

Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, hoàn thiện các chức năng của các cơ quan và tăng trưởng kích thước cơ thể để trở thành một người trưởng thành.

Dậy thì ở nữ giới sẽ diễn ra khoảng từ 8 đến 13 tuổi, trong khi đó nam giới thường từ 9 đến 14 tuổi. Tuy vậy, mỗi đứa trẻ sẽ phải trải qua giai đoạn này ở những độ tuổi khác nhau tùy thuộc vào yếu tố di truyền hoặc các yếu tố khác từ bên ngoài môi trường và điều kiện dinh dưỡng.

Sự thay đổi trong giai đoạn tuổi dậy thì ở nam và nữ 1
Giai đoạn tuổi dậy thì làm trẻ thay đổi rõ rệt về cơ thể và tâm sinh lý

Những dấu hiệu nhận biết tuổi dậy thì ở nam và nữ

Sau đây là những thay đổi quan trọng khi trẻ trong giai đoạn tuổi dậy thì ở nam và nữ mà phụ huynh cần chú ý:

Dấu hiệu dậy thì ở nữ

Dấu hiệu được thấy rõ nhất ở nữ là việc ngực bắt đầu phát triển. Đầu vú trở nên to ra và mềm mại hơn, thông thường sẽ phát triển một bên trước. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như:

  • Kinh nguyệt: Dấu hiệu này thường xuất hiện khi trẻ đạt độ tuổi từ 12 đến 14, tuy nhiên có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào môi trường phát triển.
  • Lông trên cơ thể: Xuất hiện ngay sau giai đoạn ngực bắt đầu phát triển.
  • Mồ hôi và mùi cơ thể bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
  • Da mặt trở nên bóng dầu kèm với đó là mụn trứng cá bắt đầu xuất hiện.
  • Chiều cao và trọng lượng cơ thể tăng lên nhanh chóng, tình trạng này kéo dài trong vài năm.
  • Thay đổi vóc dáng, mỡ bắt đầu xuất hiện nhiều ở cánh tay, đùi, lưng. Ngoài ra vòng eo dần thu hẹp lại.
  • Tâm trạng, tính tình thay đổi.

Giai đoạn tuổi dậy thì ở nữ thường kéo dài trong 4 năm. Sau dậy thì, nữ giới sẽ sở hữu vòng 1 đầy đặn, bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ đồng thời ngừng phát triển chiều cao.

Sự thay đổi trong giai đoạn tuổi dậy thì ở nam và nữ 2
Mụn trứng cá thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn dậy thì ở nữ

Dấu hiệu dậy thì ở nam

Ở giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, tinh hoàn của nam giới sẽ to lên, da bìu mỏng và đỏ lên, lông bắt đầu mọc từ gốc dương vật. Ngoài ra còn bao gồm các dấu hiệu khác như:

  • Lông vùng kín phát triển dày và xoăn, ngoài ra có thể xuất hiện lông dưới cánh tay.
  • Bắt đầu có sự xuất hiện của râu quanh miệng và cằm.
  • Có thể xảy ra tình trạng xuất tinh khi ngủ hay còn được gọi là mộng tinh.
  • Giọng nói trở nên trầm ấm hơn.
  • Lỗ chân lông to ra, da đổ dầu và xuất hiện mụn.
  • Cơ thể phát triển mạnh mẽ, chiều cao trung bình tăng từ 7 - 8 cm mỗi năm kèm theo phát triển về cơ bắp.

Ở độ tuổi 18, nam giới sẽ hoàn toàn trưởng thành. Dấu hiệu dậy thì thành công là bộ phận sinh dục trưởng thành như người lớn.

Những dấu hiệu bất thường cha mẹ cần chú ý khi trẻ ở tuổi dậy thì

Phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế nếu thấy trẻ có những biểu hiện sau trong giai đoạn tuổi dậy thì:

  • Xuất hiện dấu hiệu dậy thì sớm khi trẻ chưa đạt 8 tuổi hoặc muộn khi trẻ đã qua 14 tuổi.
  • Khi thấy trẻ không tăng trưởng chiều cao hoặc những đặc điểm giới tính xuất hiện tình trạng bất thường.
  • Chậm phát triển thể chất dù đã đủ tuổi.
  • Thay đổi đột ngột về thói quen ăn uống, có thể do rối loạn ăn uống.
  • Xuất hiện các trạng thái cảm xúc như tự ti về cơ thể, trầm cảm, hiếu chiến, chán nản không muốn đi học hoặc không muốn giao tiếp.

Cách phòng tránh tình trạng dậy thì sớm và muộn ở trẻ

dậy thì sớm hay muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy để ngăn chặn tình trạng này, phụ huynh cần thực hiện các cách sau:

Phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm

  • Không ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường và dầu mỡ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống với nhiều hoa quả và rau củ.
  • Hạn chế sử dụng những sản phẩm có thành phần nội tiết tố cao, thực phẩm chức năng hay kem dưỡng da có chứa hormone.
  • Tăng cường vận động, thể dục thể thao mỗi ngày.
  • Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc từ 8 tiếng mỗi ngày
  • Tránh tiếp xúc hình ảnh, phim không phù hợp với lứa tuổi.

Phòng ngừa tình trạng dậy thì muộn

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển của trẻ, lưu ý không nên để trẻ thiếu chất dinh dưỡng quan trọng nào.
  • Nếu thấy xuất hiện vấn đề về sức khỏe di truyền hoặc mạn tính, lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Tránh để trẻ ăn quá ít gây ra tình trạng cơ thể thiếu chất.
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm ngọt, đồ ăn nhanh.
  • Tránh để trẻ quá tập trung vào tivi hoặc chơi game dễ gây ra tình trạng bỏ bữa ăn khiến cân nặng không cân đối.
Sự thay đổi trong giai đoạn tuổi dậy thì ở nam và nữ 3
Dinh dưỡng rất quan trọng trong việc phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm và muộn ở trẻ

Như vậy việc hiểu rõ tuổi dậy thì ở nam và nữ là điều rất quan trọng, giúp phụ huynh có thể hỗ trợ và hướng dẫn con mình tốt hơn trong quá trình chuyển đổi này. Ngoài ra cần phải chú ý đến các dấu hiệu dậy thì để xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh giúp trẻ phát triển một cách toàn diện và tự tin hơn. Luôn đồng hành và lắng nghe con trong suốt quá trình dậy thì để giúp con vượt qua mọi khó khăn ba mẹ nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin