Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tác dụng của việc dạy trẻ giao tiếp bằng mắt

Ngày 09/10/2024
Kích thước chữ

Giao tiếp bằng mắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt là trong việc tiếp thu các kỹ năng ngôn ngữ. Theo nghiên cứu mới, cha mẹ thường xuyên tương tác với trẻ thông qua giao tiếp bằng mắt và phát âm khi trẻ được một tuổi sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn khi chúng được hai tuổi. Sự tương tác tự nhiên này tạo nền tảng thiết yếu cho giao tiếp, cho phép trẻ nắm bắt các tín hiệu phi ngôn ngữ ngay cả trước khi trẻ bắt đầu nói.

Tương tác với trẻ em thông qua giao tiếp bằng mắt và phát âm thúc đẩy khả năng tiếp thu ngôn ngữ sớm, tạo cho trẻ nền tảng vững chắc cho việc học trong tương lai. Mặc dù giao tiếp bằng mắt chỉ là thực hành đơn giản, có thể thực hiện bất cứ đâu, khi nào nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn, có thể định hình đáng kể khả năng giao tiếp của trẻ khi chúng lớn lên.

Giao tiếp bằng mắt và sự phát triển kỹ năng của trẻ

Trước khi trẻ có thể giao tiếp bằng lời nói, trẻ học thông qua các phương tiện phi ngôn ngữ, chẳng hạn như ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những trẻ thường xuyên sử dụng giao tiếp bằng mắt để giao tiếp với người chăm sóc sẽ phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Trẻ một tuổi kết hợp giao tiếp bằng mắt với phát âm cho thấy vốn từ vựng phát triển hơn so với những trẻ không thường xuyên giao tiếp bằng mắt.

Tác dụng của việc dạy trẻ giao tiếp bằng mắt 1
Giao tiếp bằng mắt giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn

Nghiên cứu này khuyến khích người chăm sóc hãy chú ý hơn đến những nỗ lực giao tiếp phi ngôn ngữ của trẻ. Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã quan sát các tương tác giữa trẻ 11 - 12 tháng tuổi và người chăm sóc trẻ, lưu ý cách giọng nói, cử chỉ và giao tiếp bằng mắt góp phần vào quá trình tiếp thu ngôn ngữ. Tiến sĩ Ed Donnellan, nhà nghiên cứu chính của Đại học Sheffield nhấn mạnh rằng, các nghiên cứu trước đây chưa xem xét tất cả các yếu tố này cùng nhau.

Nghiên cứu mới được tiến hành bao gồm việc quay video người chăm sóc và trẻ sơ sinh của họ trong môi trường gia đình, qua đó cho phép các nhà nghiên cứu phân tích các tương tác chơi tự nhiên. Thông qua việc mã hóa phản ứng từ cả trẻ sơ sinh và người chăm sóc, nghiên cứu đã cung cấp những thông tin có giá trị về cách giao tiếp sớm tác động đến sự phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ ra sao.

Các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu cha mẹ hoàn thành một bảng câu hỏi về khả năng nói một số từ nhất định của con họ, bao gồm các danh mục như động vật, thực phẩm và thói quen hàng ngày. Sau khi có được kết quả, các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình thống kê và phát hiện ra rằng, yếu tố dự báo tốt nhất về vốn từ vựng ở trẻ 2 tuổi là liệu trẻ có giao tiếp bằng mắt khi phát âm hay không khi được khoảng một tuổi hay không. Và nếu cha mẹ luôn chủ động phản hồi những nỗ lực giao tiếp này của trẻ, kỹ năng ngôn ngữ của chúng còn đạt hiệu quả hơn rất nhiều.

Đến 19 tháng tuổi, thống kê cho thấy trẻ có vốn từ vựng trung bình khoảng 100 từ. Phát hiện này chứng minh rằng trẻ sơ sinh bắt đầu giao tiếp trước khi chúng có khả năng nói, đây là cơ hội cho người chăm sóc tương tác có ý nghĩa với trẻ, giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ nhanh hơn.

Nhóm nghiên cứu kết luận, sự phát triển ngôn ngữ là nỗ lực hợp tác giữa trẻ nhỏ và người chăm sóc. Người chăm sóc cần chú ý đến sở thích của trẻ và tham gia vào các cuộc trò chuyện kích thích việc học ở trẻ. Điều quan trọng cần nhớ là những tương tác này hoàn toàn có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu, dù là ở nhà, trên xe hơi hay trong các hoạt động thường ngày như giờ ăn hoặc giờ chơi. Giao tiếp bằng mắt và trò chuyện không yêu cầu các thiết bị đặc biệt hoặc thời gian gì nên người chăm sóc dễ dàng hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ trẻ trong suốt cả ngày.

Tác dụng của việc dạy trẻ giao tiếp bằng mắt 2
Giao tiếp bằng mắt với trẻ trong mọi hoạt động thường ngày

McGillion hy vọng rằng, nghiên cứu này sẽ dẫn đến các nghiên cứu sâu hơn ở các độ tuổi khác nhau, vì sự phát triển của trẻ là một quá trình năng động phát triển theo thời gian. Nghiên cứu hiện tại chỉ mới tập trung vào năm đầu đời, trong khi ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ vẫn tiếp tục phát triển vượt xa giai đoạn này.

Làm thế nào để giao tiếp bằng mắt với trẻ?

Giao tiếp bằng mắt với con là một phần thiết yếu trong quá trình phát triển sớm, giúp xây dựng kỹ năng giao tiếp và củng cố mối quan hệ cha mẹ - con cái. Là cha mẹ, hãy chú ý đến cách con bạn giao tiếp để từ đó có thể đáp ứng nhu cầu của con. Trẻ sơ sinh giao tiếp không chỉ bằng cách khóc mà còn bằng cách quay đi, nhìn bạn hay không phản ứng với âm thanh. Mỗi hành động đều mang một thông điệp. Hãy xem những tín hiệu này như một cuộc trò chuyện, phản ứng như bạn sẽ làm với người lớn. Ví dụ, nếu con bạn giật mình vì tiếng động, bạn có thể nói: "Tiếng động đó có làm con sợ không?".

Ngay từ những ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh đã bắt đầu nhận ra khuôn mặt, đặc biệt là khuôn mặt của mẹ. Khi mới chỉ bốn ngày tuổi, trẻ sơ sinh đã có thể nhận ra khuôn mặt của mẹ. Giao tiếp bằng mắt đặc biệt quan trọng trong thời gian cho con bú. Điều này là do trẻ sơ sinh chỉ có thể tập trung vào các vật cách xa từ 8 đến 15 inch, cùng khoảng cách với khuôn mặt của bạn khi bạn bế trẻ. Khi trẻ “khóa mắt” với người chăm sóc trong khi bú, trẻ đang phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội của mình. Tương tác này củng cố mối liên hệ giữa bạn và bé, cho thấy bạn đang chia sẻ sự chú ý và nhận thức với bé.

Tác dụng của việc dạy trẻ giao tiếp bằng mắt 3
Trò chuyện giúp trẻ kích thích phát triển ngôn ngữ một cách hiệu quả

Từ 8 đến 15 tháng tuổi, trẻ sơ sinh phát triển các kỹ năng cao hơn trong việc hướng sự chú ý. Ví dụ, trẻ sẽ bắt đầu sử dụng mắt để bạn hiểu chúng bằng cách nhìn vào một vật thể hoặc đồ chơi mà trẻ muốn rồi nhìn lại bạn. Đây được gọi là cái nhìn ba chiều, trong đó trẻ kết nối ba thứ thông qua giao tiếp bằng mắt: bạn, vật thể và chính trẻ. Khi trẻ nhìn bạn, sau đó nhìn vào vật thể và nhìn lại bạn, điều đó cho thấy trẻ hiểu rằng trẻ có thể ảnh hưởng đến hành động của bạn. Đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, đánh dấu sự chuyển đổi từ người quan sát thụ động sang người tham gia tích cực vào quá trình giao tiếp với bạn.

Tương tác trực tiếp với trẻ hiệu quả hơn nhiều so với việc thu hút trẻ thông qua video hoặc âm thanh. Trẻ sơ sinh học giao tiếp phi ngôn ngữ bằng cách quan sát và phản hồi lại biểu cảm khuôn mặt và hành động của người chăm sóc. Mỗi khi trẻ phát ra âm thanh, hãy thưởng cho trẻ bằng một nụ cười, nựng nịu hoặc một phản hồi tích cực nào đó mà trẻ thích. Sự khuyến khích này sẽ thúc đẩy trẻ phát ra nhiều âm thanh và chuyển động hơn, qua đó càng củng cố thêm mối liên kết giữa bạn và con. Chẳng mấy chốc, bé yêu của bạn sẽ phát ra những âm thanh vui vẻ để thu hút sự chú ý của bạn vì chúng biết rằng điều đó ngay lập tức sẽ nhận được phản hồi từ bạn.

Có phải giao tiếp bằng mắt luôn đem lại hiệu quả tích cực không?

Dạy trẻ cách sử dụng giao tiếp bằng mắt phù hợp là một phần quan trọng trong quá trình phát triển xã hội của trẻ. Giao tiếp bằng mắt, khi được sử dụng đúng cách, giúp trẻ tự tin tương tác và kết nối với người khác. Nó tăng cường khả năng giao tiếp hiệu quả của trẻ, giúp trẻ tự tin hơn trong các tình huống xã hội. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải dạy trẻ rằng giao tiếp là sự cân bằng và trẻ không cần phải duy trì giao tiếp bằng mắt liên tục để trở thành người giao tiếp tốt.

Có phải giao tiếp bằng mắt luôn đem lại hiệu quả tích cực không? Mặc dù giao tiếp bằng mắt là một công cụ có giá trị trong giao tiếp nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tích cực như vốn có. Có một số tình huống mà giao tiếp bằng mắt kéo dài hoặc quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực không mong muốn, đặc biệt là khi giao tiếp với trẻ nhỏ. Do vậy, cha mẹ cần sử dụng giao tiếp bằng mắt một cách phù hợp với trẻ.

Tác dụng của việc dạy trẻ giao tiếp bằng mắt 3
Cha mẹ cần lựa chọn phương pháp giao tiếp phù hợp với trẻ

Trong các cuộc trò chuyện kéo dài, việc chúng ta duy trì giao tiếp bằng mắt liên tục có thể dẫn đến sự khó chịu hoặc căng thẳng cho người đối diện, đặc biệt là trẻ em. Khi chúng cảm thấy như mình đang bị "nhìn chằm chằm" thì sẽ có cảm giác ngượng ngùng hoặc khó chịu. Thay vì thúc đẩy sự kết nối, giao tiếp bằng mắt trong trường hợp này có thể dẫn đến tác dụng ngược lại, khiến người nghe cảm thấy bị soi mói hoặc lo lắng.

Ngay cả đối với người nói, việc duy trì giao tiếp bằng mắt trong thời gian dài có thể khiến ánh mắt của bạn không tự nhiên. Vì thế, hãy hướng trẻ thay đổi ánh mắt giữa các bộ phận khác nhau trên khuôn mặt của người nghe, chẳng hạn như mũi, miệng hoặc trán, điều này có thể giúp trẻ cảm thấy bớt căng thẳng hơn trong khi vẫn duy trì sự tương tác.

Dành thời gian chất lượng cho con cái là một trong những cách tốt nhất để giúp bé học hỏi và phát triển. Sự chú ý, giao tiếp bằng mắt và phản ứng của bạn sẽ dạy bé cách giao tiếp, ngay cả trước khi bé bắt đầu nói. Khi bé lớn lên, những tương tác ban đầu này sẽ trở thành nền tảng cho ngôn ngữ và sự phát triển xã hội. Bạn càng giao lưu với bé nhiều, bé sẽ càng học được cách giao tiếp bằng mắt và hành động, từ đó xây dựng mối liên kết bền chặt có lợi cho cả cha mẹ và con cái.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin