Tác hại của ăn thô và những điều cần biết trước khi quyết định ăn thô
Ngày 17/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Việc ăn thô ngày càng trở nên phổ biến với niềm tin rằng nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện tiêu hóa và giúp hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, chế độ ăn thô cũng tiềm ẩn nhiều tác hại và rủi ro mà người thực hiện cần phải nhận thức rõ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về những tác hại của ăn thô và một số thông tin liên quan nhé!
Phương pháp ăn thô khuyến khích việc tiêu thụ thực phẩm chưa qua chế biến, nấu chín, nhằm giữ nguyên giá trị dinh dưỡng tự nhiên trong thực phẩm. Mặc dù ăn thô có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe như giảm cân, cải thiện hệ tiêu hóa nhưng không phải ai cũng phù hợp với chế độ ăn này. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chủ đề tác hại của ăn thô cũng như những điều cần biết trước khi quyết định áp dụng chế độ ăn này.
Tìm hiểu về chế độ ăn thô
Ăn thô, hay còn gọi là chế độ ăn sống, là một hình thức ăn uống mà thực phẩm được tiêu thụ ở trạng thái tự nhiên, không qua chế biến hoặc nấu chín. Những người theo chế độ ăn thô tin rằng ăn thực phẩm ở dạng nguyên thủy sẽ giữ lại được nhiều enzyme, vitamin và khoáng chất, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sau đây là ba hình thức ăn thô phổ biến hiện nay được nhiều người áp dụng:
Ăn thô thuần chay: Là một chế độ ăn uống trong đó người theo chỉ tiêu thụ các loại thực phẩm từ thực vật không có nguồn gốc từ động vật, không qua chế biến nhiệt độ cao.
Ăn thô chay: Tương tự như chế độ ăn thô thuần chay thì ăn thô chay cũng không tiêu thụ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, chế độ này lại có thể sử dụng các sản phẩm từ trứng và sữa không chế biến qua nhiệt độ cao.
Ăn tạp thô: Đây là hình thức ăn thô bao gồm cả thực phẩm từ động vật và thực vật, nhưng vẫn tuân theo nguyên tắc không chế biến nhiệt độ cao. Điều này có thể bao gồm thịt sống, cá sống, trứng sống, sữa tươi cùng với các loại rau, củ, quả.
Những tác hại của ăn thô mà bạn nên biết
Bên cạnh những lợi ích tiềm năng của chế độ ăn thô như tăng cường hệ tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân nhưng việc tuân theo chế độ ăn này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và tác hại mà không phải ai cũng biết. Từ nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, vấn đề về tiêu hóa cho đến những rủi ro về an toàn thực phẩm, ăn thô có thể mang lại nhiều thách thức cho sức khỏe nếu không được thực hiện đúng cách. Dưới đây là một số tác hại của ăn thô mà bạn nên biết.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Ăn thô dẫn đến thiếu các dinh dưỡng như protein, vitamin B12, sắt, canxi,... Do có một số chất dinh dưỡng cần phải qua quá trình nấu chín mới dễ hấp thụ vào cơ thể. Ví dụ như cà chua nấu chín cung cấp lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh, dễ hấp thụ hơn so với cà chua sống. Các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt thường cần qua chế biến hoặc nấu chín để loại bỏ các chất ức chế enzyme và phytate, giúp cơ thể hấp thụ khoáng chất như sắt và kẽm tốt hơn.
Dễ bị ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm sống có thể chứa vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E. coli và Listeria. Những vi khuẩn này thường bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín. Thực phẩm sống, đặc biệt là thịt và cá, có thể chứa ký sinh trùng như giun đũa và giun móc, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ngoài ra, một số thực phẩm thô chứa độc tố tự nhiên cần được nấu chín để loại bỏ. Ngộ độc thực phẩm là một trong những tác hại của ăn thô mà nhiều người mắc phải.
Gặp khó khăn về vấn đề tiêu hóa
Thực phẩm thô thường chứa nhiều chất xơ. Mặc dù chất xơ có lợi cho tiêu hóa và sức khỏe ruột, nhưng tiêu thụ quá nhiều chất xơ trong một thời gian ngắn có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Bên cạnh đó, một số loại thực vật chứa các chất kháng dinh dưỡng như phytates và oxalates, có thể cản trở sự hấp thu khoáng chất như sắt, kẽm và canxi. Khi thực phẩm không được nấu chín, những chất này không bị phá hủy và có thể gây khó khăn cho hệ tiêu hóa.
Tiêu hao năng lượng nhanh
Chế độ ăn thô thường thiếu các nguồn protein và chất béo dồi dào, những chất dinh dưỡng này rất cần thiết để cung cấp năng lượng và duy trì cơ bắp. Chất béo và protein có hàm lượng calo cao hơn so với carbohydrate, do đó khi thiếu chúng, cơ thể phải sử dụng nhiều năng lượng hơn từ các nguồn khác.
Một số điều cần lưu ý trước khi quyết định áp dụng chế độ ăn thô
Với sự tập trung vào thực phẩm chưa qua chế biến và giàu dinh dưỡng tự nhiên, ăn thô đã thu hút nhiều người tìm kiếm lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, việc chuyển sang một chế độ ăn uống mới mẻ và khác biệt như vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trước khi bạn quyết định áp dụng chế độ ăn thô, có một số yếu tố quan trọng cần xem xét để đảm bảo rằng bạn có thể duy trì nó một cách bền vững và an toàn:
Tìm hiểu kĩ càng về chế độ ăn thô, lợi ích cũng như những tác hại của ăn thô. Đọc sách, tham gia các diễn đàn hoặc tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu chế độ ăn thô, đặc biệt nếu bạn có các vấn đề sức khỏe hoặc đang mang thai.
Rửa sạch tất cả các loại rau củ quả trước khi ăn để loại bỏ vi khuẩn và ký sinh trùng. Chú ý đến việc bảo quản thực phẩm để tránh nhiễm khuẩn.
Nếu bạn mới bắt đầu, hãy thử áp dụng dần dần. Bắt đầu với một vài bữa ăn thô mỗi tuần và sau đó tăng dần tần suất. Điều này giúp cơ thể dần thích nghi và giảm thiểu các vấn đề tiêu hóa.
Theo dõi phản ứng của cơ thể khi áp dụng chế độ ăn thô. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy xem xét điều chỉnh chế độ ăn và tham khảo ý kiến chuyên gia.
Chế độ ăn thô, mặc dù mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác hại nếu không được thực hiện đúng cách. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng, nguy cơ nhiễm khuẩn và các vấn đề tiêu hóa là những thách thức cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Trước khi quyết định áp dụng chế độ ăn thô, việc tìm hiểu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến chuyên gia là rất quan trọng. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về chủ đề tác hại của ăn thô cũng như một số vấn đề liên quan.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.