Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Học tập là phương pháp chính giúp trẻ phát triển về trí tuệ và tinh thần. Tuy nhiên, học nhiều cũng sẽ đem lại nhiều tác hại đối với sức khỏe của trẻ. Vậy tác hại của việc học quá nhiều là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng ép buộc con trẻ học quá nhiều với mong muốn trẻ có thể phát triển kiến thức toàn diện. Tuy nhiên, điều này lại vô tình phản tác dụng khiến trẻ em gặp phải các vấn đề về sức khỏe và tinh thần. Biết được những tác hại của việc học quá nhiều sẽ giúp bậc phụ huynh định hướng và giúp con phát triển lành mạnh.
Tác hại đầu tiên thường gặp nhất đó là tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ nhỏ. Hiện nay, các bệnh lý về mắt nói chung và cận thị nói riêng đang ngày càng trở nên phổ biến ở đối tượng trẻ nhỏ.
Khi học quá nhiều với tần suất sử dụng mắt cường độ cao thường xuyên, trẻ sẽ tăng nguy cơ bị mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị…
Các nhà khảo sát ghi nhận tỷ lệ học sinh, sinh viên mắc tật khúc xạ đang ngày càng tăng nhanh, trong đó riêng cận thị chiếm tới 15% - 45%. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng tới quá trình học tập của trẻ về tương lai.
Thời gian dành cho học tập quá nhiều đồng nghĩa thời gian vui chơi và nghỉ ngơi sẽ giảm đi. Khi trẻ nhỏ chưa quen với cường độ học tập nặng, trẻ có thể trở nên mệt mỏi, uể oải và chán ăn. Điều này sẽ khiến cơ thể mất năng lượng, dễ bị suy nhược.
Ngoài ra, các hoạt động vui chơi và thể dục thể thao cũng bị cắt giảm khiến trẻ kém khỏe mạnh, gầy yếu hơn so với bạn đồng trang lứa.
Stress giờ đây không chỉ là vấn đề của người trưởng thành mà đã trở thành vấn đề mà nhiều trẻ em phải đối mặt với áp lực học tập quá nhiều. Stress là thuật ngữ để chỉ tình trạng tinh thần bị kích thích, đồng thời cơ thể cũng phản ứng lại để đương đầu với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống.
Căng thẳng ngắn hạn có thể mang lại lợi ích khi kích thích trí não và cơ thể hoàn thành công việc trước mắt. Ngược lại, stress dài hạn sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống và sức khỏe.
Vì vậy, phụ huynh cần chú ý tới tâm sinh lý của con, đặc biệt trong giai đoạn tuổi dậy thì. Tránh ép buộc trẻ học quá mức để rồi “xôi hỏng bỏng không”.
Khi trẻ học quá nhiều, thay vì phát triển trí não thì điều này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Nếu trẻ phải nạp một lượng kiến thức lớn trong một thời gian ngắn, não bộ có thể gặp tình trạng quá tải.
TÌnh trạng này biểu hiện với các triệu chứng như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, trẻ dễ cáu gắt, tư duy chậm chạp hay thậm chí là suy giảm trí nhớ.
Ngoài ra, trẻ không có nhiều thời gian để hoạt động thể thao và ăn uống hợp lý cũng là nguồn cơn gây hại cho trí óc, khiến trẻ bị suy giảm tư duy, khó ghi nhớ được kiến thức mới. Chính điều này có thể gây nên tình trạng “học trước quên sau” ở trẻ.
Quá trình học tập là một quá trình trau dồi kiến thức và kỹ năng lâu dài. Vì vậy, kết quả học tập chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất khi trẻ có niềm vui và sự háo hức trong học tập. Chính niềm vui và sự hứng thú trong quá trình luyện tập, học hỏi sẽ là động lực thúc đẩy giúp trẻ đi nhanh hơn, học được nhiều hơn, chủ động thực hành kiến thức đã học.
Ngược lại, nếu trẻ học trong tâm thế bắt buộc từ phụ huynh và nhà trường, trẻ có thể sinh trạng thái ghét học và không muốn trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết. Đồng thời, trẻ sẽ gặp phải áp lực tinh thần và suy nhược sức khỏe toàn diện.
Nguyên nhân do trẻ bị ép buộc học mà không hiểu hết ý nghĩa và tác dụng của việc học, khiến việc đi học trở thành nghĩa vụ cần hoàn thành mà không phải niềm vui trẻ muốn thực hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập trên lớp của trẻ mà còn tác động tiêu cực tới thói quen học tập và định hướng trong tương lai của trẻ.
Áp lực học tập và tinh thần căng thẳng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Biểu hiện đầu tiên đó là tình trạng thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc ở trẻ. Bên cạnh đó, lịch học tập dày đặc cũng cắt giảm thời gian ngủ của trẻ khiến trẻ rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng.
Như ta đã biết, giấc ngủ là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe, đặc biệt là năng suất của não bộ. Chính vì vậy, nếu trẻ bị thiếu ngủ thường xuyên có thể khiến thành tích học tập của trẻ đi xuống, trẻ gặp phải tình trạng tư duy chậm chạp, lờ đờ hay uể oải.
Hiện nay, tình trạng trẻ em phải đi học quá nhiều với lịch trình học tập dày đặc đã trở nên phổ biến. Điều này không chỉ gặp ở đối tượng trẻ thi chuyển cấp mà còn ở lứa học sinh cấp 1 hay cấp 2.
Đồng thời, nền kinh tế đi lên khiến nhiều bậc phụ huynh muốn đầu tư vào giáo dục cho con trẻ với mong muốn phát triển kỹ năng và kiến thức toàn diện cho trẻ. Chính sự kỳ vọng này đã khiến trẻ em phải học quá nhiều, đồng nghĩa thời gian vui chơi, thư giãn và nghỉ ngơi không được ưu tiên và bị cắt giảm.
Áp lực học tập có thể là nguồn động lực giúp trẻ nỗ lực mỗi ngày với mục tiêu đạt kết quả học tập tốt. Tuy nhiên, áp lực học tập cần được cân bằng với những giờ phút giải tỏa, thư giãn theo đúng độ tuổi của trẻ em.
Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về tác hại của việc học quá nhiều mà phụ huynh nên biết. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Học tập là một quá trình trau dồi kiến thức, kỹ năng lâu dài. Đồng thời, trên con đường này, trẻ sẽ phát triển và khám phá tiềm năng của bản thân. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi “Liệu học nhiều có tốt không?” không có câu trả lời chính xác. Phụ huynh và con trẻ cần cân bằng giữa việc học cùng với thời gian thư giãn, vui chơi và nghỉ ngơi để đạt được hiệu quả tốt nhất trên chặng đường học tập lâu dài.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.