Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm mũi họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 13/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm mũi họng thường là tình trạng viêm cấp tính đường hô hấp trên với các biểu hiện thường gặp gồm có các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, đau đầu hoặc đau nhức mỏi toàn thân,... Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm virus, và một số các nguyên nhân khác như dị ứng, kích ứng đường hô hấp với hóa chất hoặc không khí ô nhiễm.

Viêm mũi họng là một trong những dạng bệnh lý hô hấp trên rất thường gặp, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Căn bệnh tuy không nguy hiểm những thường dễ lây lan và gây nhiều triệu chứng khó chịum, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống. Hiểu về nguyên nhân, cách điều trị khi bị viêm mũi họng sẽ giúp mỗi bạn chủ động trong phòng và điều trị. Khi đó, bệnh sẽ không phải là nỗi ám ảnh mỗi khi thời tiết chuyển mùa nữa.

Viêm mũi họng là gì?

Viêm mũi họng hay còn gọi là cảm lạnh, đây là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở vùng mũi, hầu họng bao gồm các triệu chứng phổ biến như: Đau họng, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, có hoặc không kèm theo đau nhức cơ thể,… 

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm mũi họng như: Nhiễm vi khuẩn, virus, siêu vi, dị ứng phấn hoa, thời tiết, hoá chất độc hại, môi trường khói bụi ô nhiễm,... Đây là một loại bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có khả năng tự khỏi mà không cần điều trị (thường tự khỏi sau khoảng 10 - 14 ngày). 

Nguyên nhân gây viêm mũi họng

Viêm mũi họng là bệnh hô hấp gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau như: Vi khuẩn, vi rút và cả các yếu tố thời tiết, môi trường nên bệnh viêm mũi họng là một bệnh rất phổ biến.

Nhiễm trùng virus

Virus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mũi họng. Cúm, cảm lạnh và một số loại virus khác tấn công niêm mạc trong họng, khiến cho niêm mạc sưng đỏ và gây ra các triệu chứng như đau họng và nghẹt mũi.

Nhiễm khuẩn

Vi khuẩn cũng có thể gây ra viêm mũi họng, đặc biệt là trong các trường hợp viêm họng cấp tính do Streptococcus pyogenes. Những loại vi khuẩn này thường gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn và thường cần phải điều trị bằng kháng sinh.

Dị ứng

Phản ứng dị ứng với phấn hoa, bụi, hoặc các chất kích thích khác có thể kích thích niêm mạc trong họng, gây ra viêm mũi họng. Những người có dị ứng nặng thường gặp phải tình trạng này vào mùa xuân hoặc mùa hè khi phấn hoa hoặc bụi bay.

Hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc

Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc cũng có thể làm kích thích niêm mạc trong họng, dẫn đến viêm mũi họng.

Khí hậu khô hanh

Môi trường khô hanh có thể làm khô niêm mạc trong họng và mũi, dễ gây kích ứng và viêm mũi họng.

Những điều cần biết về viêm mũi họng
Viêm mũi họng là bệnh như thế nào

Tiếp xúc với hóa chất độc hại

Tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong môi trường như khói xăng, hoặc trong quá trình làm việc cũng có thể gây ra viêm mũi họng.

Hệ miễn dịch suy yếu

Hệ miễn dịch yếu có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và gây ra viêm mũi họng. Sử dụng quá mức giọng nói: Sử dụng giọng nói quá mức, đặc biệt là trong môi trường ồn ào, có thể gây căng cơ họng và viêm mũi họng.

Khi nắm rõ các nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng, chúng ta có thể có các giải pháp phòng ngừa thích hợp, hiệu quả để giảm khả năng lây nhiễm bệnh.

Triệu chứng của viêm mũi họng

Viêm mũi họng là một tình trạng phổ biến khi niêm mạc trong họng và mũi trở nên viêm và sưng đỏ. Các triệu chứng của viêm mũi họng dễ nhận biết và khá đặc trưng, bệnh thường kéo dài trong vòng 1 tuần. Khi mắc phải viêm mũi họng, cơ thể thường phản ứng bằng cách thay đổi niêm mạc trong họng và mũi, gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh viêm mũi họng:

Họng sưng đau: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm mũi họng. Niêm mạc trong họng bị kích thích và sưng lên, gây ra cảm giác đau hoặc khó chịu khi nuốt hoặc nói. Tình trạng sưng đỏ của niêm mạc trong họng là một biểu hiện của viêm nhiễm hoặc có thể là do phản ứng của cơ thể đối với vi rút, vi khuẩn hoặc dị ứng.

Khàn tiếng: Do niêm mạc trong họng bị sưng phồng và viêm, tiếng nói có thể trở nên khàn hoặc không rõ ràng. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể để bảo vệ niêm mạc và ngăn chặn vi rút hoặc vi khuẩn tiếp tục xâm nhập.

Viêm nang họng: Có thể xuất hiện viêm nang họng, biểu hiện bởi những điểm trắng hoặc màu đỏ trên niêm mạc. Đây là dấu hiệu của vi khuẩn hoặc virus đang gây ra viêm nhiễm.

Sổ mũi, đau mũi: Một số người có thể gặp phải sổ mũi hoặc đau mũi, đặc biệt là khi viêm mũi họng là do vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra.

Sốt ho: Ho có thể là một phản ứng phụ của viêm mũi họng, trong đó niêm mạc trong họng hoặc ống họng bị kích thích. Trong những trường hợp nhiễm trùng nặng, cơ thể có thể phản ứng bằng cách tăng nhiệt độ, gây ra cảm giác sốt.

Khó chịu hoặc đau tai: Do các ống tai có thể bị kẹt hoặc tắc nghẽn do sưng đỏ trong họng, gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau tai.

Những điều cần biết về viêm mũi họng
Những triệu chứng của viêm mũi họng

Việc nhận biết và hiểu rõ về các triệu chứng này là quan trọng để có thể đưa ra quyết định về liệu pháp và điều trị phù hợp. Trong trường hợp nhẹ, viêm mũi họng có thể được giảm bớt triệu chứng bằng cách uống nước nhiều, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể hoặc sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp bệnh kéo dài hơn và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cách điều trị viêm mũi họng

Viêm mũi họng thường được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

Viêm mũi họng không nhất thiết phải điều trị bằng kháng sinh. Nếu có các triệu chứng bệnh như: Sổ mũi hoặc đau mũi, ho, sốt và khó chịu hoặc đau tai có thể dùng thuốc giảm các triệu chứng đó.

Trong trường hợp viêm mũi họng do nhiễm trùng vi khuẩn như viêm họng cấp tính do streptococcus, hoặc xuất hiện các tình trạng bội nhiễm, dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể cho dùng cùng với các thuốc giảm triệu chứng để cho cơ thể thấy thoải mái hơn.

Sử dụng xịt họng hoặc viên hít hơi có chứa các thành phần giảm đau và làm dịu niêm mạc, giúp giảm triệu chứng. Sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm như paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau và giảm sưng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với trẻ nhỏ, không nên sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng viêm mũi họng ở người lớn, thay vào đó có thể sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ điều trị như: Xịt mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, siro ho, dầu thoa,…

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng nên áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà để giảm bớt triệu chứng và giảm sự phụ thuộc vào thuốc. Những biện pháp này có thể bao gồm súc miệng bằng nước muối sinh lý, xông hơi, uống nước ấm pha mật ong, sử dụng máy tạo độ ẩm, ngậm miếng chanh pha mật ong, và tạo điều kiện cho cơ thể nghỉ ngơi đủ để hồi phục và tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm triệu chứng một cách nhanh chóng.

Những điều cần biết về viêm mũi họng
Cách điều trị viêm mũi họng

Tóm lại, viêm mũi họng thường không phải là bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe nếu được chăm sóc và điều trị tốt. Việc áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà không chỉ giúp giảm triệu chứng của bệnh mà còn giảm sự phụ thuộc vào thuốc. Tuy nhiên không nên chủ quan nếu triệu chứng bệnh nặng, kéo dài, đặc biệt là ở trẻ nhỏ thì cần đi khám và điều trị sớm.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm