Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Tại sao lại bị rong kinh? Nguyên nhân và ảnh hưởng của rong kinh đến sức khỏe

Ngày 04/07/2024
Kích thước chữ

Rong kinh là tình trạng không hiếm gặp nhưng nhiều phụ nữ còn chủ quan, không thăm khám và điều trị kịp thời. Vậy tại sao lại bị rong kinh? Khi bị rong kinh phụ nữ nên làm gì?

Theo thống kê, có khoảng 10% tỷ lệ nữ giới bị rong kinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng hậu quả chung đều là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh sản và tâm lý của nữ giới. Việc tìm hiểu tại sao lại bị rong kinh và cần làm gì khi bị rong kinh là điều vô cùng cần thiết.

Rong kinh là hiện tượng gì? Dấu hiệu nhận biết rong kinh

Rong kinh là gì? Đây là tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn và kéo dài hơn bình thường. Với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, chu kỳ kinh sẽ thường kéo dài trong 28 - 30 ngày. Thời gian hành kinh thường từ 3 - 5 ngày. Lượng máu kinh bị mất trong mỗi lần hành kinh khoảng 50 - 80ml.

Tuy nhiên, ở những phụ nữ bị rong kinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài hơn 7 ngày, lượng máu kinh bị mất nhiều hơn 80ml. Dựa trên số lần thay băng vệ sinh và lượng máu kinh chảy ra băng, phụ nữ có thể đánh giá lượng máu kinh nhiều hay ít, có đang bị chảy nhiều bất thường hay không. Ngoài ra, khi bị rong kinh, phụ nữ cũng thường bị chảy nhiều máu vào ban đêm và máu kinh đông thành những cục lớn. Bên cạnh đó, khi bị rong kinh, nữ giới cũng thường xuyên cảm thấy đau bụng, cảm giác đau bụng kinh kéo dài hơn trong các chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Tại sao lại bị rong kinh? Cách nhận biết và việc cần làm khi bị rong kinh 1
Rong kinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của nữ giới

Căn bệnh này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục nữ, gây ra các bệnh lý phụ khoa. Vì chảy nhiều máu nên nữ giới cũng có những triệu chứng mệt mỏi, khó thở, kiệt sức, làm việc nhanh mệt… điển hình của thiếu máu. Hiếm gặp, có những phụ nữ gặp tình trạng da xanh nhợt nhạt, rụng tóc nhiều, muốn ăn những thứ không phải đồ ăn như tóc, giấy…

Tại sao lại bị rong kinh? Đâu là nguyên nhân thường gặp?

Tại sao lại bị rong kinh? Nguyên nhân bị rong kinh thường gặp nhất đều liên quan đến hormone, bệnh lý, thuốc và tâm lý. Cụ thể là:

Nguyên nhân liên quan đến hormone

Nếu trong cơ thể nữ giới có sự cân bằng giữa hormone Estrogen và Progesterone, chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể diễn ra bất thường gây rong kinh. Các hormone này có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự dày lên và bong ra của lớp niêm mạc bên trong tử cung vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Khi các hormone này bị mất cân bằng, niêm mạc tử cung bị phát triển quá mức hoặc bong ra quá mức dẫn đến những ngày kinh kéo dài và lượng máu kinh chảy nhiều.

Các vấn đề thường liên quan đến mất cân bằng hormone ở nữ giới là thừa cân béo phì, buồng trứng đa nang, bệnh tuyến giáp, kháng insulin… Rong kinh giai đoạn tiền mãn kinh thường liên quan đến rối loạn chức năng buồng trứng. Nếu trứng không rụng đúng kỳ kinh, cơ thể phụ nữ cũng không thể sản xuất đủ lượng hormone Progesterone, dẫn đến mất cân bằng hormone và gây rong kinh.

Tại sao lại bị rong kinh? Cách nhận biết và việc cần làm khi bị rong kinh 2
Rong kinh có thể xuất hiện cùng triệu chứng đau bụng kéo dài

Tại sao lại bị rong kinh? Nguyên nhân bệnh lý

Tại sao lại bị rong kinh? Liệu tình trạng này có liên quan đến bệnh lý nghiêm trọng nào không? Khi nữ giới bị rong kinh, họ có thể được nghi ngờ mắc một số bệnh lý như:

  • U xơ tử cung - tình trạng xuất hiện khối u xơ lành tính ở tử cung thường khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài.
  • Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau bụng dưới, chảy máu nhiều và dài ngày.
  • Polyp tử cung lành tính cũng khiến phụ nữ gặp phải tình trạng rong kinh dài ngày.
  • Tình trạng rối loạn đông máu di truyền như bệnh Von Willebrand cũng là nguyên nhân gây chảy máu kinh bất thường.
  • Ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng… cũng là những bệnh lý nghiêm trọng của nữ giới, có một trong các triệu chứng điển hình là rong kinh.

Nguyên nhân liên quan đến tránh thai

Một số phụ nữ bị rong kinh sau khi áp dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai, cấy que tránh thai hoặc rong kinh sau khi uống thuốc tránh thai hàng ngày. Sau khi đặt vòng tránh thai, lớp nội mạc tử cung có thể dày thêm nên lượng máu kinh chảy ra trong mỗi kỳ đèn đỏ sẽ nhiều hơn. Khi cấy que tránh thai hay dùng thuốc tránh thai, hormone tránh thai sẽ được phóng thích vào cơ thể, ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Khi nồng độ hormone nữ giới thay đổi, chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể gặp bất thường với triệu chứng điển hình là rong kinh.

Nguyên nhân liên quan đến thai kỳ

Một số phụ nữ bị rong kinh do những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến thai kỳ. Có những phụ nữ đang mang thai bị rong kinh là dấu hiệu cảnh báo mang thai ngoài tử cung, sảy thai. Có những phụ nữ bị rong kinh sau sinh mổ như một biến chứng hậu sản. Tất cả những trường hợp này cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh.

Tại sao lại bị rong kinh? Cách nhận biết và việc cần làm khi bị rong kinh 3
Tại sao lại bị rong kinh? Nguyên nhân có thể do bệnh lý, tránh thai hoặc thai kỳ

Rong kinh do tác dụng phụ của thuốc

Sau khi sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh, phụ nữ có triệu chứng rong kinh. Nguyên nhân được xác định là do tác dụng phụ của một số thành phần có trong thuốc. Tác dụng phụ này thường gặp nhất với thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm, thuốc nội tiết…

Rong kinh nguy hiểm thế nào?

Việc tìm hiểu tại sao lại bị rong kinh thực sự cần thiết vì nó liên quan đến phương pháp điều trị tình trạng này. Tại sao rong kinh lại cần điều trị sớm? Bị rong kinh có nguy hiểm không? Rong kinh diễn ra trong thời gian dài có thể kéo theo các vấn đề về sức khỏe như:

  • Người bệnh bị mất nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt có thể dẫn đến thiếu máu với triệu chứng: Người nhanh mệt, đuối sức, da xanh xao, khó thở, ngất xỉu…
  • Triệu chứng đau bụng dữ dội có thể ảnh hưởng đến học tập, công việc, các hoạt động hàng ngày của phụ nữ.
  • Rong kinh khiến máu ứ đọng lâu trong tử cung có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh phụ khoa. Vi khuẩn đi từ âm đạo lên vòi tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng có thể làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nữ giới.
  • Rong kinh liên quan đến các bệnh lý giới tính nữ như: Buồng trứng đa nang, viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây vô sinh, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Tại sao lại bị rong kinh? Cách nhận biết và việc cần làm khi bị rong kinh 4
Rong kinh cần được điều trị càng sớm càng tốt

Cần làm gì khi bị rong kinh?

Nếu phát hiện ra mình đang bị rong kinh, phụ nữ nên làm ngay những việc sau:

  • Đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám, giúp tìm nguyên nhân tại sao lại bị rong kinh chính xác và được tư vấn cách điều trị phù hợp.
  • Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và tin tưởng, lạc quan vào kết quả điều trị. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc như: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm steroid (NSAID), thuốc tránh thai để giảm chảy máu kinh, thuốc bổ sung hormone Progesterone, thuốc bổ sung sắt phòng thiếu máu. Có trường hợp rong kinh do bệnh lý yêu cầu cần thực hiện phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… tùy từng bệnh.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng, lao động quá sức, vận động mạnh sẽ làm tăng chảy máu.
  • Giữ tinh thần lạc quan, giảm căng thẳng, lo lắng, nhất là khi đã đi khám và tìm ra nguyên nhân.
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên, vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng ngừa viêm nhiễm, bệnh phụ khoa.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng để phòng ngừa thiếu máu, mệt mỏi, kiệt sức. Những thực phẩm giàu kẽm, sắt, vitamin B6 rất tốt cho phụ nữ bị rong kinh.

Để biết chính xác tại sao lại bị rong kinh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, từ đó xác định nguyên nhân, tránh để tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản. Nguyên nhân, tình trạng rong kinh ở mỗi người sẽ khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau. Vì vậy, cách tốt nhất để khắc phục tình trạng rong kinh hiệu quả là đi khám sớm để được tư vấn cách điều trị phù hợp bởi bác sĩ chuyên khoa. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin