Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu?

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các chuyên gia Sản khoa thường khuyến cáo cần phải bổ sung axit folic cho bà bầu trong suốt thai kỳ. Vậy axit folic là gì? Và có tác dụng gì đối với sức khoẻ của mẹ và thai nhi? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây

Mang thai là giai đoạn đặc biệt và làm thay đổi cả thể chất lẫn tinh thần của người phụ nữ. Đây là giai đoạn sức khoẻ của người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của con. Do vậy, các thai phụ thường được khuyên nên ăn đầy đủ và đa dạng các nhóm chất, đặc biệt cần bổ sung các vitamin và khoáng chất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Trong số các khoáng chất cần được bổ sung trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai, axit folic là chất thường xuyên được các chuyên gia thường xuyên nhắc tới. Vậy tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu?

Axit folic là gì?

Axit folic (hay có tên gọi khác là folat hoặc vitamin B9 là một loại khoáng chất quan trọng không chỉ với phụ nữ mang thai mà cả tất cả mọi người. Loại khoáng chất này có nhiều trong các thực phẩm tự nhiên, được biết đến với vai trò quan trọng trong sự phát triển và phân chia tế bào ở người và hình thành các tế bào máu.

Tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu? 01
Axit folic là khoáng chất quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi

Tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, axit folic là khoáng chất cần được bổ sung trước và trong khi mang thai. Bởi khi bị thiếu hụt axit folic có thể dẫn tới các dị tật ống thần kinh nguy hiểm, “đeo bám” trẻ suốt đời như vô não, nứt đốt sống,... Đặc biệt, trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu lượng axit folic trong cơ thể mẹ không đủ để truyền cho thai nhi sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các dị tật như hở hàm ếch, Down, khiếm khuyết ống thần kinh,...

Tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu? 03
Nứt đốt sống là một trong những dị tật ống thần kinh nguy hiểm

Bên cạnh đó, axit folic còn tham gia vào quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu khoẻ mạnh; dự phòng thiếu máu; sản sinh, tái tạo hoạt động của ADN. Có thể thấy, axit folic có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Tuy nhiên, dù có nhiều công dụng với sức khoẻ, nhưng các chị em cũng không thể quá lạm dụng axit folic. Liều lượng được khuyến cáo là khoảng 400mcg. Tuy nhiên liều lượng này cũng sẽ có sự thay đổi tuỳ thuộc vào cân nặng của thai phụ và từng giai đoạn. Liều lượng cụ thể như sau:

  • Phụ nữ chuẩn bị có thai bổ sung 400mcg/ngày.
  • Phụ nữ có thai cần bổ sung 600mcg/ngày.
  • Phụ nữ sau khi sinh và đang cho con bú cần bổ sung 500mcg/ngày.

Trường hợp thai nhi bị dị tật bẩm sinh về ống thần kinh như nứt đốt sống hoặc thiếu một phần não, mẹ bầu sẽ cần phải bổ sung 4000mcg axit folic mỗi ngày.

Những thực phẩm giàu axit folic

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, các loại rau màu xanh thẫm như rau ngót, cải ngọt, bông cảnh xanh, cải xoăn, bắp cải, đậu Hà Lan,...; gan động vật; lòng đỏ trứng; hạt nảy mầm như mầm giá đỗ, mầm lúa mạch; các loại hoa quả có múi như cam, quýt, bưởi,...; thực phẩm đã qua chế biến như bánh mì, ngũ cốc,...; sữa và các sản phẩm từ sữa;... đều là những thực phẩm giàu axit folic.

Tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu?  02
Cải rau xanh thẫm, gan động vật,... là những thực phẩm giàu axit folic

Một điểm cần ghi nhớ là axit folic rất nhạy cảm với nhiệt độ và dễ bị phân huỷ dưới tác động của nhiệt độ, tia cực tím, oxy hoá. Bởi vậy, trong quá trình chế biến, nếu các thực phẩm chứa axit folic nấu ở nhiệt độ cao và nhiều nước có tới 50 - 90%, thậm chí là 100% khoáng chất này sẽ bị tiêu diệt.

Ngoài ra, khi để thức ăn ở ngoài ánh sáng quá lâu cũng khiến lượng axit folic trong thực phẩm bị hao hụt. Do vậy, để đảm bảo đủ hàm lượng axit folic cần thiết, phụ nữ mang thai cần phải áp dụng chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây, khi mua thực phẩm về cần chế biến ngay và ăn ngay sau khi nấu.

Tác dụng phụ của axit folic

Hầu hết các trường hợp bổ sung axit folic đều an toàn và không xuất hiện các dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, ít gặp chứ không phải không có. Axit folic sẽ gây ra một số tác dụng tiêu cực tới sức khoẻ con người khi bị lạm dụng. Những tác dụng phụ có thể xuất hiện gồm:

  • Buồn nôn, nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Phù các bộ phận của cơ thể;
  • Đau bụng;
  • Đau họng;
  • Tức ngực;
  • Phát ban, bong tróc da, da sưng đỏ, phồng rộp,...;
  • Dễ cáu gắt.

Bên cạnh đó, khi phụ nữ mang thai quá lạm dụng axit folic khiến cơ thể bị dư thừa, rất dễ rơi vào tình trạng kháng insulin. Từ đó dẫn tới một số rối loạn chuyển hoá khác như béo phì, rối loạn dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp,... Đối với trẻ sơ sinh, nếu bổ sung quá nhiều axit folic có thể khiến não bộ chậm phát triển. Với những người bị rối loạn co giật, axit folic khiến các cơn co giật trở nặng hơn. Hơn nữa, bổ sung quá nhiều axit folic có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư.

Một vài lưu ý khi bổ sung axit folic cho bà bầu

Để không gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn khi bổ sung axit folic, phụ nữ mang thai cần lưu ý một số điều sau:

  • Không tự ý bổ sung axit folic mà cần phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Bởi bác sĩ là người có chuyên môn và biết rõ cụ thể từng người bị thiếu bao nhiêu axit folic, liều lượng bổ sung cần thiết là bao nhiêu.
  • Khi uống axit folic nên uống với nhiều nước.
  • Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm bổ sung aixt folic chung với nước trà. Bởi trà cản trở sự hấp thụ axit folic vào cơ thể.
  • Không sử dụng axit folic chung với thuốc kháng axit trị viêm loét dạ dày - tá tràng.
  • Trong trường hợp đi phân màu đen sau khi uống sản phẩm chứa axit folic và sắt, không cần quá lo lắng bởi đây là dấu hiệu không đáng lo ngại.
Tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu? 05
Bà bầu không nên tự ý bổ sung axit folic tránh dư thừa

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ cần có được bổ sung đầy đủ 500mcg axit folic mỗi ngày cũng như các khoáng chất khác để có thể đáp ứng được nhu cầu nuôi dưỡng thai nhi. Đồng thời giảm thiểu tối đa các nguy cơ mắc phải dị tật ống thần kinh như nứt ống đốt sống, vô não,...; hội chứng Down; sứt môi - hở hàm ếch;... Mẹ bầu cũng cần ghi nhớ không nên bổ sung quá nhiều axit folic để tránh bị ảnh hưởng với các tác dụng phụ không mong muốn.

Trên đây Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp thắc mắc: "Tại sao phải bổ sung axit folic cho bà bầu?", đồng thời cung cấp một số thông tin quan trọng về axit folic và cách sử dụng để có được hiệu quả tốt nhất. Mong rằng những thông tin trên đây sẽ hữu ích với mọi người.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin