Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tại sao phụ nữ mắc nhiều hậu di chứng đau tim hơn nam giới?

Ngày 20/05/2023
Kích thước chữ

Những phụ nữ trẻ từng bị đau tim có nhiều hậu quả xấu hơn và có nhiều khả năng phải quay lại bệnh viện trong năm sau cơn đau tim hơn so với nam giới ở cùng độ tuổi.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm nay trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu VIRGO, cung cấp thông tin quan sát về việc điều trị và kết quả của các cơn đau tim ở những người từ 18 đến 55 tuổi.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét thông tin sức khỏe của 2.985 - 2.009 phụ nữ và 976 nam giới. Độ tuổi trung bình là 47.

Kết quả cho thấy với những lần nhập viện do mọi nguyên nhân trong vòng một năm sau khi xuất viện, gần 35% phụ nữ phải nhập viện trở lại, so với 23% ở nam giới. Nguyên nhân tái nhập viện phổ biến nhất là đau tim và đau ngực. Ngoài ra, phụ nữ bị đau tim có nhiều hậu quả xấu hơn nam giới.

Nhận thức về việc khám tim

Những phụ nữ trong nghiên cứu có tỷ lệ mắc các bệnh lý đồng mắc cao hơn, bao gồm béo phì, suy tim sung huyết, đột quỵ trước đó và bệnh thận.

Những phụ nữ trẻ có nhiều khả năng là người có thu nhập thấp, có tiền sử trầm cảm và có tình trạng sức khỏe kém hơn đáng kể so với nam giới trong nghiên cứu.

Phụ nữ cũng có xu hướng đợi tình trạng bệnh chuyển biến xấu mới tìm đến sự chăm sóc y tế.

Có nhiều lý do khiến phụ nữ trì hoãn việc tìm kiếm sự chăm sóc cho các triệu chứng đau tim hơn so với nam giới. Góp phần trong đó là vai trò dựa trên giới tính như chăm sóc và trách nhiệm gia đình.

Ngoài ra, phụ nữ ít có khả năng cho rằng các triệu chứng bệnh trạng của mình là do tim gây ra. Điều này có thể là do mức độ nhận thức về bệnh tim mạch ở phụ nữ còn thấp. Trong một cuộc khảo sát năm 2019, chưa đến một nửa số phụ nữ biết rằng bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

tai-sao-phu-nu-mac-nhieu-hau-di-chung-dau-tim-hon-nam-gioi-2.png
Phụ nữ vẫn còn nhận thức thấp về nguy hiểm của bệnh tim so với nam giới

Sức khỏe tim mạch và yếu tố dân tộc

Những phụ nữ trong nghiên cứu có nhiều khả năng mắc:

  • Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI), xảy ra khi tim không nhận đủ oxy.
  • Nhồi máu cơ tim với động mạch vành không tắc nghẽn (MINOCA).

Những phụ nữ mắc MINOCA có nhiều khả năng là người da đen không phải gốc Tây Ban Nha, hút thuốc, có trình độ học vấn thấp hơn, có tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành trước đây thấp nhất và có mức độ hài lòng với điều trị thấp nhất so với những người mắc bệnh động mạch vành tắc nghẽn.

Họ có thời gian nằm viện dài hơn và ít được điều trị y tế theo hướng dẫn, bao gồm sử dụng aspirin, statin, thuốc chẹn beta và thuốc ức chế men chuyển angiotensin.

Bệnh tim ở phụ nữ

Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ.

Các yếu tố nguy cơ truyền thống về huyết áp cao, cholesterol, đái tháo đường, hút thuốc và tiền sử gia đình thường xuất hiện muộn hơn ở phụ nữ so với nam giới, nhưng có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng xuất hiện sớm. Các yếu tố rủi ro khác phổ biến hơn ở phụ nữ bao gồm bệnh tự miễn dịch và một số loại bệnh mạch máu. Ngoài ra còn có các yếu tố tâm lý xã hội và nhân khẩu học khiến việc đảm bảo đánh giá và tái khám nhanh chóng trở nên khó khăn hơn.

Tại sao phụ nữ mắc nhiều hậu di chứng đau tim hơn nam giới? 2
Phụ nữ bị đau tim có nhiều hậu quả xấu hơn nam giới

Có ba loại bệnh tim chính mà phụ nữ thường gặp phải:

  • Bệnh động mạch vành. Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này sau khi mãn kinh do thay đổi nội tiết tố.
  • Chứng loạn nhịp tim, khi tim đập không đều. Nó có thể đập quá chậm, quá nhanh hoặc có những bất thường khác.
  • Suy tim - xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để nuôi các cơ quan trong cơ thể.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ cụ thể đối với phụ nữ và có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch ở phụ nữ. Những yếu tố này bao gồm tiền sử kết quả thai kỳ bất lợi (tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, sinh non), mãn kinh sớm và hội chứng buồng trứng đa nang. Các yếu tố làm tăng rủi ro khác phổ biến hơn bao gồm các rối loạn viêm như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp và hóa trị hoặc xạ trị ung thư vú.

Biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia, có nhiều cách bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim:

  • Kiểm soát huyết áp.
  • Giữ mức chất béo trung tính và cholesterol trong tầm kiểm soát.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Có một chế độ ăn uống với nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế uống rượu, hút thuốc.
  • Kiểm soát căng thẳng.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường nếu bạn mắc phải.
  • Ngủ đủ giấc.

Chính vì vậy, phòng ngừa nhồi máu cơ tim là điều cần thiết. Nếu bạn từng bị đau tim hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, bạn cần tuân theo sát sao ý kiến của bác sĩ để đảm bảo dùng đúng loại thuốc và có lối sống lành mạnh cho tim.

Tại sao phụ nữ mắc nhiều hậu di chứng đau tim hơn nam giới? 3
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim là điều cần thiết, tránh nguy cơ mắc bệnh tim cùng các hậu di chứng khác

Nếu bạn đã từng bị đau tim, hãy cùng bác sĩ theo dõi chặt chẽ sau khi xuất viện. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào như đau ngực hoặc khó thở, hoặc các triệu chứng giống như khi bạn bị đau tim, cần đến gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Phụ nữ trẻ cũng bị đau tim. Nếu bạn có các triệu chứng mà bạn nghĩ có thể liên quan đến cơn đau tim, ngay cả khi bạn không chắc chắn, đừng chậm trễ việc đi khám kiểm tra.

Các yếu tố tâm lý xã hội như trầm cảm và lo lắng có thể là những yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim ở phụ nữ hơn nam giới. Việc giải quyết và điều trị những rủi ro tâm lý xã hội này là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Hà My

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin