Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau nhói sau lưng bên trái sau tim là bệnh gì?

Ngày 06/06/2023
Kích thước chữ

Đau nhói sau lưng bên trái sau tim là triệu chứng không thường gặp của một số bệnh nguy hiểm. Vì vậy, hầu hết mọi người đều cảm thấy vô cùng lo lắng khi gặp hiện tượng này. Để biết triệu chứng này “cảnh báo” vấn đề sức khỏe nào, mời bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây!

Đau nhói sau lưng bên trái sau tim thường là triệu chứng của một số bệnh khá nguy hiểm. Đây là tình trạng không thường xuyên xảy ra, nếu bạn đang gặp tình trạng thì nên thận trọng. Vậy đau nhói ở vị trí phía sau lưng và bên trái sau tim là triệu chứng của bệnh gì? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Đau nhói sau lưng bên trái sau tim là triệu chứng bệnh gì?

Đau lưng bên trái có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Nhưng đau nhói sau lưng bên trái và sau tim có thể do những nguyên nhân phổ biến sau đây: 

Chấn thương cơ hoặc xương

Ở vị trí sau lưng bên trái sau tim cũng có những cơ hoặc xương như các vị trí khác trên cơ thể. Khi chấn thương cơ hoặc xương, vùng sau lưng bên trái sẽ xuất hiện những cơn đau. Cơn đau có thể kéo dài nhanh chóng rồi chấm dứt hoặc đau âm ỉ. Cảm giác đau sẽ tăng lên khi chạm vào hoặc khi vận động. Đau do chấn thương cơ hoặc xương thường không xuất hiện thêm các triệu chứng khác sau vài ngày đau. Trong trường hợp đau do gãy xương cần được điều trị sớm để tăng khả năng liền xương. 

Đau thắt vùng ngực

Đau thắt ngực xảy ra khi cơ tim không nhận đủ máu giàu oxy. Nguyên nhân có thể do hẹp hoặc tắc một hoặc nhiều động mạch vành gây thiếu máu cục bộ. Đau thắt vùng ngực không phải bệnh mà là triệu chứng của một bệnh lý về tim như bệnh mạch vành hoặc vi mạch vành. Triệu chứng để bạn nhận biết cơn đau thắt ngực thường gồm: 

  • Ngực nặng như bị ai bóp nghẹt hoặc đau ngực. Cảm giác đau có thể lan ra vùng vai, cánh tay, cổ, hàm, bụng hoặc lưng.
  • Cảm thấy người mệt mỏi, khó thở.
  • Khi ăn thấy khó tiêu.
dau-nhoi-sau-lung-ben-trai-sau-tim-1.jpg
Đau nhói sau lưng bên trái sau tim xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

Triệu chứng ung thư phổi

Đau nhói ở vị trí sau vùng lưng bên trái và sau tim cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi. Khối u ở phổi phát triển có thể gây ra những triệu chứng khác ngoài triệu chứng đau nhói như: 

  • Người bệnh cảm thấy khó thở và ho rất nhiều.
  • Cảm giác đau nhói gia tăng khi người bệnh ho hoặc thở sâu.
  • Ho ra máu lẫn đờm.
  • Bệnh nhân thở khò khè.
  • Người mệt mỏi thường xuyên và sụt cân nhanh.
  • Có những thay đổi về giọng nói.
  • Bệnh nhân có cảm giác khó nuốt.
  • Hạch cổ sưng lên kèm theo triệu chứng đau đầu.

Theo thống kê, có khoảng 25% người bị ung thư phổi có triệu chứng đau nhói này. Nguyên nhân có thể do ung thư di căn tạo áp lực lên cột sống và các dây thần kinh xung quanh. Ngoài ung thư phổi, ung thư vú di căn cũng có thể gây nên triệu chứng trên. 

Báo hiệu cơn nhồi máu cơ tim

Khi dòng máu chứa oxy đến cơ tim bị tắc nghẽn hoàn toàn một cách đột ngột, hiện tượng nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra. Nếu lưu lượng máu đến tim không được phục hồi nhanh chóng, cơ tim sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn và cướp đi tính mạng của người bệnh. Triệu chứng của nhồi máu cơ tim ngoài đau nhói sau lưng bên trái sau tim còn có:

  • Cảm giác đau lan lên phía trên bả vai, cổ, hàm, cánh tay, lưng.
  • Vùng lưng trái, cổ, hàm hoặc bụng dưới có cảm giác tê.
  • Chóng mặt, khó thở là triệu chứng người bệnh có thể gặp phải.
  • Cơ thể đổ mồ hôi lạnh.
  • Đi kèm là cảm giác buồn nôn.

Viêm màng ngoài tim

Khi bao quanh trái tim có một túi chứa đầy dịch, tim sẽ bị nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn khác. Đây là nguyên nhân gây ra cảm giác đau nhói ở vùng ngực. Cảm giác đau nhói sẽ lan đến vai trái, ra sau lưng thậm chí đau cả bụng. Nếu không chữa trị sớm có thể dẫn đến vỡ động mạch, đe dọa đến tính mạng.

dau-nhoi-sau-lung-ben-trai-sau-tim-2.jpg
Triệu chứng này thường là biểu hiện của bệnh lý khá nguy hiểm

Tắc nghẽn động mạch phổi

Động mạch phổi bị tắc nghẽn (hay còn gọi là thuyên tắc phổi) hoặc bị chặn do các cục máu đông ở động mạch bị vỡ và bị kẹt tại động mạch phổi cũng gây nên triệu chứng đau thắt ở vùng sau lưng bên trái sau tim. 

Đĩa đệm cột sống vùng gần tim bị thoát vị

Đau nhói sau lưng bên trái sau tim cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống ở vùng ngực. Khi vòng xơ (các sợi bên ngoài của đĩa đệm ngực) bị rách, lớp dịch bên trong có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Các rễ thần kinh ở gần đó có thể bị viêm và đau. Khi đó, người bệnh không chỉ có cảm giác đau sau lưng bên trái sau tim mà cơn đau còn lan khắp cơ thể. Bệnh nhân có thể bị đau một hoặc cả 2 chân, dẫn đến tê chân, yếu cơ, co cứng một hoặc cả 2 chân. 

Về cơ bản, đau nhói ở vùng lưng bên trái phía sau tim là triệu chứng của những bệnh khá nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy cảm giác đau kéo dài trên 3 ngày bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. 

Cần làm gì khi đau nhói sau lưng bên trái sau tim?

Chăm sóc tại nhà và điều chỉnh lối sống

Nếu nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhói do lối sống thiếu khoa học; cảm giác đau xuất hiện nhẹ và thời gian đau ngắn, bạn có thể chăm sóc tại nhà và điều chỉnh lại lối sống sao cho khoa học. Một số việc bạn nên làm như: 

  • Tập luyện nhẹ nhàng, vận động với mức độ thích hợp. Một số bộ môn như thiền, yoga cũng rất phù hợp với các triệu chứng đau nhức. 
  • Hãy duy trì một khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý trong ngày, tránh căng thẳng, mệt mỏi. 
  • Xây dựng thực đơn khoa học với những thực phẩm lành mạnh sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, thuốc lá, các đồ uống có cồn và chất kích thích khác.
  • Dùng túi chườm nóng đúng cách sẽ giúp cơn đau thuyên giảm đáng kể. Tuy nhiên khi sử dụng bạn cần dùng đúng cách, chọn sản phẩm túi chườm y tế chất lượng để phòng ngừa nguy cơ bị bỏng.
dau-nhoi-sau-lung-ben-trai-sau-tim-3.jpg
Chăm sóc tại nhà, duy trì lối sống lành mạnh để giảm đau nhức

Nếu đau nhói sau lưng bên trái sau tim xảy ra thường xuyên và kéo dài liên tục trong nhiều ngày, đặc biệt khi cảm giác đau nhói gia tăng, bạn nên đến khám bác sĩ để được chẩn bệnh chính xác. Khi nhận thấy các triệu chứng nặng dưới đây, người bệnh cần được đưa đi khám ngay lập tức: 

  • Đau nhói nặng gây khó thở.
  • Người bệnh thấy buồn nôn hoặc nôn.
  • Cảm giác đau đớn lan trên diện rộng và có dấu hiệu gia tăng.
  • Người bệnh toát mồ hôi lạnh và thiếu tỉnh táo.
dau-nhoi-sau-lung-ben-trai-sau-tim-4.jpg
Chườm nóng hoặc spa trị liệu giúp giảm đau

Một số phương pháp chữa trị có thể được áp dụng

Trong trường hợp đã đi khám bác sĩ và xác định được chính xác nguyên nhân gây đau nhói, cách xử lý sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để giảm triệu chứng đau nhói như: 

  • Thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn. 
  • Thuốc làm tan cục máu đông.
  • Thuốc chống đau thắt ngực.
  • Chất làm loãng máu giúp phá vỡ hoặc làm tan các cục máu đông trong động mạch. 
  • Điều trị các nhiễm trùng bằng thuốc chống nấm hoặc kháng sinh trong trường hợp viêm màng phổi và viêm ngoài màng tim. 

Các bác sĩ cũng có thể chỉ định các thủ thuật điều trị phù hợp với từng bệnh như: 

  • Can thiệp động mạch vành qua tim.
  • Dẫn lưu dịch lòng ở nơi bị viêm (viêm phổi, viêm màng ngoài tim).
  • Phẫu thuật khi nguyên nhân gây đau đến từ các bệnh lý nguy hiểm. Ví dụ phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư, phẫu thuật mở ngực để điều trị phình động mạch chủ, phẫu thuật bắt cầu mạch vành,...

Tóm lại, dù đau lưng bên trái phía trên hay đau nhói sau lưng bên trái sau tim thường là biểu hiện của các tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn cần được theo dõi và thăm khám kịp thời. Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn biết nguyên nhân gây đau nhói để chủ động thăm khám sức khỏe khi cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin