Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tầm soát và kiểm soát sớm bệnh võng mạc đái tháo đường: Lời khuyên từ chuyên gia

Ngày 15/05/2024
Kích thước chữ

Hiện nay, đái tháo đường đang dần trở nên phổ biến. Mọi người, bao gồm thân nhân và bệnh nhân cần thực hiện tốt việc quản lý đái tháo đường nhằm tiến tới quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường. Bởi vì, những người mắc bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có nhiều khả năng phát triển thành nhiều bệnh lý nặng nề hơn, bao gồm võng mạc đái tháo đường.

Quản lý đái tháo đường bao gồm nhiều cách, từ kiểm soát huyết áp, mỡ máu đến chỉ số đường huyết. Việc kiểm soát này sẽ làm chậm tiến triển của bệnh mắt, đặc biệt ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán bị đái tháo đường.

Lợi ích của việc phát hiện bệnh sớm võng mạc đái tháo đường và kiểm soát bệnh sớm

Khám mắt định kỳ để phát hiện sớm bệnh võng mạc giúp ngăn ngừa tới 98% mất thị lực do bệnh võng mạc đái tháo đường.

Phát hiện và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường sớm giúp tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh.

Khám mắt định kỳ không chỉ giúp người bệnh yên tâm sống vui, lạc quan hơn, mà còn giúp điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.

Điều trị sớm bệnh võng mạc đái tháo đường có thể làm giảm 90% tình trạng mất thị lực nghiêm trọng.

Tầm soát và kiểm soát sớm bệnh võng mạc đái tháo đường: Lời khuyên từ chuyên gia1
Phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc đái tháo đường giúp giảm 90% tình trạng mất thị lực

Tại sao bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cần được khám mắt ngay tại thời điểm chẩn đoán?

Có tới 1/5 số bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có bệnh lý võng mạc ở thời điểm chẩn đoán đái tháo đường lần đầu.

Vì bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có thể đã mắc bệnh nhiều năm mà không được chẩn đoán, và có nguy cơ cao mắc bệnh tại thời điểm chẩn đoán nên cần được khám mắt tại bác sĩ nhãn khoa ngay.

Tại sao người bệnh đái tháo đường khi mang thai cần kiểm tra mắt chặt chẽ hơn?

Phụ nữ bị đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 có thể có biến chứng võng mạc từ trước. Và khi mang thai bệnh có thể tiến triển nhanh chóng, biến chứng nặng hơn.

Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có thể không cần khám mắt khi mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 từ trước và có dự định mang thai nên được khám mắt trước khi mang thai và được tư vấn về nguy cơ tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường.

Khi mang thai, nên khám mắt trong ba tháng đầu với lịch tái khám tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc nếu đã có bệnh.

Tầm soát và kiểm soát sớm bệnh võng mạc đái tháo đường: Lời khuyên từ chuyên gia2
Phụ nữ mang thai có thể tiến triển bệnh nhanh chóng, biến chứng nặng hơn

Kiểm soát sớm, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng như thế nào?

Phòng ngừa bệnh tiến triển bằng cách:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và mỡ máu.
  • Không hút thuốc, ăn uống lành mạnh, hoạt động mỗi ngày.
  • Khám mắt định kỳ với bác sĩ nhãn khoa để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.

Làm sao để biết là mình có đang bị bệnh?

Đi khám bác sĩ nhãn khoa để soi đáy mắt hoặc chụp ảnh đáy mắt.

  • Soi đáy mắt: Khi thăm khám, người bệnh sẽ được tra thuốc giãn đồng tử. Thuốc nhỏ có thể làm tầm nhìn gần bị mờ trong khoảng vài giờ sau đó.
  • Chụp hình màu võng mạc: Giúp tầm soát, chẩn đoán và theo dõi bệnh võng mạc. Đây là phương pháp phổ biến được khuyến cáo áp dụng tại các bệnh viện.
  • Chụp mạch huỳnh quang: Kỹ thuật này cần tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch trên cánh tay. Ảnh chụp võng mạc sẽ cho thấy các vùng mạch máu bị rò rỉ và lưu thông kém.
  • Chụp cắt lớp OCT: Kỹ thuật giúp xác định lượng dịch rò rỉ vào mô võng mạc. Chụp mạch OCT cũng có thể được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị.
Tầm soát và kiểm soát sớm bệnh võng mạc đái tháo đường: Lời khuyên từ chuyên gia3
Người bệnh và người nghi ngờ mắc bệnh nên khám bác sĩ nhãn khoa để soi đáy mắt hoặc chụp ảnh đáy mắt

Người bệnh đái tháo đường cần đi khám mắt như thế nào, khi nào, bao lâu tái khám?

Người mắc đái tháo đường tuýp 2 cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi có chẩn đoán bệnh đái tháo đường, và nếu tình trạng mắt ổn định thì cần tái khám ít nhất một lần mỗi năm kể từ đó trở đi.

Người đái tháo đường tuýp 1 khi đã mắc bệnh từ 5 năm cần được khám mắt.

Người bệnh đái tháo đường khi mang thai cần khám mắt trước hoặc trong 3 tháng đầu thai kỳ, sau đó được theo dõi mỗi 3 tháng và trong 1 năm sau sinh tùy theo mức độ bệnh lý võng mạc.

Nếu không phát hiện bệnh võng mạc trong một hoặc nhiều lần khám mắt hàng năm, có thể cân nhắc khám 2 năm một lần. Nếu có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh võng mạc, tái khám ít nhất một lần mỗi năm. Nếu bệnh võng mạc đang tiến triển hoặc gây ra các vấn đề về thị lực, thì cần tái khám thường xuyên hơn.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám mắt?

Đừng tự lái xe, hãy đi cùng người thân để được hỗ trợ vì sau khi khám mắt, người bệnh có thể bị nhìn mờ vài tiếng.

Mang theo kính râm khi đi khám.

Nếu có đeo kính áp tròng thì mang theo cả dung dịch dành cho kính áp tròng.

Ăn, uống như bình thường.

Có giải pháp điều trị nào giúp giảm tiến triển bệnh hay không?

Chẩn đoán sớm và điều trị đúng lúc có thể phòng ngừa đến 98% nguy cơ mất thị lực.

Nhằm ngăn chặn tiến triển bệnh, bên cạnh việc kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp, thì có thuốc đường uống giúp giảm tiến triển bệnh võng mạc đái tháo đường.

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy thuốc này ngoài việc giúp giảm tiến triển bệnh, còn làm giảm nhu cầu điều trị với liệu pháp xâm lấn như laser quang đông hay phẫu thuật cắt dịch kính. Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

Tầm soát và kiểm soát sớm bệnh võng mạc đái tháo đường: Lời khuyên từ chuyên gia4
Thuốc đường huyết hỗ trợ giảm tiến triển bệnh võng mạc đái tháo đường

Tác hại của việc phát hiện trễ và điều trị muộn bệnh võng mạc đái tháo đường?

Phát hiện trễ và không điều trị kịp thời bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dẫn đến suy giảm thị lực và mù lòa.

Khi người bệnh bị suy giảm thị lực, các hoạt động hàng ngày đều trở nên khó khăn. Những hoạt động như lái xe, làm việc và nấu ăn hoặc dọn dẹp nhà cửa đều bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, điều trị võng mạc đái tháo đường giai đoạn muộn gặp phải các khó khăn như kỹ thuật điều trị phức tạp, kết quả có thể không cải thiện tốt, chi phí tốn kém.

Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn muộn

Điều trị bằng Laser

Còn được gọi là laser quang đông, sử dụng trong điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường tiến triển. Giống như các thủ thuật khác, laser quang đông cũng có rủi ro. Người bệnh có thể mất tầm nhìn bên, khả năng nhìn màu và nhìn ban đêm. Trong quá trình điều trị, mắt có thể bị châm chích hoặc khó chịu. Tầm nhìn sẽ bị mờ cho đến hết ngày, vì vậy cần có người thân đi cùng để trợ giúp. Người bệnh có thể cần điều trị nhiều lần.

Tiêm thuốc vào trong nhãn cầu

Người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ ngắn hạn, thường sẽ hết sau một hoặc hai ngày. Tuy nhiên, nếu cảm thấy đau mắt hoặc các vấn đề thị lực nặng hơn sau tiêm thì cần liên hệ với bác sĩ nhãn khoa ngay.

Phẫu thuật cắt dịch kính

Hầu hết người bệnh về nhà trong ngày phẫu thuật, vì vậy hãy đi cùng người thân. Sau phẫu thuật, mắt có thể bị sưng và đỏ trong vài tuần. Trong quá trình mắt lành lại, có thể bị đau mắt và nhìn mờ hơn so với trước khi phẫu thuật. Nếu cần cắt dịch kính ở cả hai mắt, người bệnh sẽ chỉ được phẫu thuật cho một mắt. Bác sĩ sẽ lên lịch phẫu thuật cho mắt thứ hai sau khi mắt thứ nhất hồi phục.

Tầm soát và kiểm soát sớm bệnh võng mạc đái tháo đường: Lời khuyên từ chuyên gia5
Bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định cho bệnh nhân phương pháp phù hợp nhất

Bệnh võng mạc đái tháo đường đang dần phổ biến ở các nước đang phát triển và dần trở thành nguyên nhân chính gây mù lòa ở người. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, những tổn thương của bệnh ở đáy mắt sẽ rất nặng nề như phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc,… dẫn đến mù lòa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm