Tạng tỳ là gì? Chức năng và các bệnh lý thường gặp ở tạng tỳ
Ngày 17/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tạng tỳ là một trong “ngũ tạng” đóng vai trò quan trọng với sức khỏe con người. Đây là cơ quan chủ vận hóa thức ăn nên khi mắc bệnh thường có triệu chứng đặc trưng ở đường tiêu hóa. Ngay bây giờ mời bạn tìm hiểu về chức năng của tạng tỳ và những bệnh thường gặp ở tạng này nhé!
Trong học thuyết Tạng phủ, ngũ tạng bao gồm: Tâm, can, tỳ, phế, thận. Mỗi tạng lại có chức năng khác nhau và bất cứ vấn đề nào xảy ra ở các tạng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Trong phạm vi bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về chức năng của tạng tỳ, các bệnh thường gặp cũng như cách để tạng tỳ luôn khỏe mạnh.
Tạng tỳ có chức năng gì?
Tạng tỳ trong Đông y là một trong “ngũ tạng” của cơ thể. Trong Y học hiện đại, tạng tỳ chính là lá lách. Đây là một cơ quan có dạng hình tháp có 3 mặt, 3 bờ, một đỉnh, một đáy. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, lá lách dài từ 7 - 14cm, nặng 150 - 200g.
Chức năng của tạng tỳ trong Đông y
Mỗi cơ quan trong cơ thể đều có chức năng riêng, không bị lệ thuộc duy nhất vào một tạng nào. Nhưng chức năng của tất cả các tạng đều ảnh hưởng đến việc các cơ quan trong cơ thể thực hiện chức năng của mình. Trong Đông y, tạng tỳ có những chức năng cụ thể như:
Tạng tỳ là một cơ quan đặc biệt nằm bên trái của vị, có chức năng “công năng vận hóa” tức là vận chuyển, chuyên chở và tiêu hóa, hấp thụ thức ăn. Thức ăn được dạ dày tiêu hóa, tạng tỳ sẽ hấp thụ, vận chuyển chất dinh dưỡng lên phế. Phế sẽ đưa dinh dưỡng vào tâm mạch để nuôi dưỡng não, cân, tứ chi, tạng phủ.
Tạng tỳ vận chuyển nước đến các tổ chức trong cơ thể rồi nước được chuyển xuống thận, ra bàng quang và bài tiết ra ngoài. Sự vận hóa của tỳ kết hợp với khí hóa của thận và túc giáng của phế giúp vận chuyển và chuyển hóa nước trong cơ thể.
Tạng tỳ thống huyết hay quản lý và khống chế huyết. Tỳ khí khỏe mạnh, khí huyết lưu thông sẽ thúc đẩy nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh.
Trong Đông y, tỳ chủ tứ chi, cơ nhục. Tỳ khí đầy đủ giúp tứ chi linh hoạt, cơ nhục khỏe mạnh.
Tỳ vinh nhuận ra môi, khai khiếu ra miệng. Tạng tỳ khỏe mạnh chúng ta ăn ngon miệng, tỳ hư ăn uống kém, miệng nhạt. Tạng tỳ khỏe mạnh đôi môi hồng hào, còn ngược lại, môi màu thâm xám.
Chức năng của tạng tỳ trong Y học hiện đại
Trong Y học hiện đại, tạng tỳ hay lá lách có những chức năng như:
Tham gia sản xuất hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu khi con người ở giai đoạn bào thai. Sau khi chào đời và trưởng thành, lá lách có nhiệm vụ sản xuất các tế bào lympho.
Lá lách phá hủy các tế bào máu già cỗi đồng thời giữ lại protein, sắt và các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo ra các tế bào máu mới.
Lá lách co vào hay giãn ra tham gia vào quá trình điều hòa khối lượng máu trong hệ tuần hoàn.
Lá lách loại bỏ, thanh lọc các tác nhân lạ và vi khuẩn ở máu để chống nhiễm trùng cho cơ thể.
Làm sao để biết tạng tỳ của bạn có khỏe không?
Muốn biết tạng tỳ có khỏe mạnh hay không, bạn có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau:
Môi hồng hào là tạng tỳ khỏe. Ngược lại, môi nhợt nhạt, hay bong da nứt nẻ là biểu hiện của tạng tỳ yếu. Ngoài ra, người có tạng tỳ yếu còn thường xuyên bị sưng nướu, hôi miệng, hay chảy nước dãi.
Mũi khô, khứu giác kém nhạy bén, chảy nhiều nước mũi, chảy máu mũi, đỏ mũi, đầu mũi đau cũng là triệu chứng cảnh báo tỳ vị không ổn định.
Tạng tỳ yếu cũng dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến gan và gây ra các biểu hiện mắt mỏi, mắt nhìn mờ, mặt bị sưng.
Tỳ vị yếu khiến thận khí không đầy đủ gây ra chứng ù tai thậm chí điếc tai đột ngột.
Các bệnh thường gặp liên quan đến tạng tỳ
Một số vấn đề sức khỏe thường gặp liên quan đến tạng tỳ như:
Tỳ khí hư do thiếu hụt dinh dưỡng, lao động quá sức với các biểu hiện lâm sàng như: Cơ bắp teo nhão, chân tay yếu, tiêu hóa kém, phân nóng rát, lưỡi bệu nhạt, ăn kém, thở hụt hơi, ngại nói, người mệt mỏi, da mặt trắng bệch hoặc vàng.
Tạng tỳ giảm chức năng vận hóa, người bệnh gặp triệu chứng đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, lưỡi nhợt nhạt.
Tỳ hư không thông huyết gây rong kinh, đại tiện ra máu.
Tạng tỳ bị tổn thương do ăn quá nhiều đồ lạnh hoặc tỳ khí tổn thương gây ra các triệu chứng như: Đau bụng khi trời lạnh, chân tay lạnh, người lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì.
Tạng tỳ bị hàn thấp do ăn đồ lạnh, gặp mưa lạnh, nhiễm lạnh làm mất chức năng vận hóa của tạng tỳ gây ra các biểu hiện: Chướng bụng đầy hơi, người mệt, buồn nôn, đại tiện phân lỏng, phụ nữ ra nhiều khí hư trắng, tiểu ít, không cảm thấy khát…
Tỳ nhiệt, cam tích gây đầy bụng, buồn nôn, người mệt mỏi, đau quặn bụng từng cơn, phân có bọt, sốt, miệng đắng, mụn nhọt nhiều.
Nếu tỳ hư do nhiễm giun, người bệnh sẽ gặp triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ hơi.
Tỳ khí suy yếu làm giảm trương lực cơ, tứ chi mệt mỏi, có thể gây sa trực tràng, sa dạ dày, sa sinh dục.
Làm thế nào để tạng tỳ luôn khỏe mạnh?
Đông y có một số bài thuốc giúp tạng tỳ khỏe mạnh mà bạn có thể tham khảo để áp dụng hàng ngày như:
Làm ấm tạng tỳ bằng cách ăn lá tần bì: Tần bì là một vị thuốc có tác dụng thông tam tiêu, làm ấm tỳ vị, tốt cho người có tỳ vị yếu và lạnh. Bạn có thể sử dụng loại lá này làm rau trộn (cùng tương, dấm, muối, hành, tỏi, hạt tiêu, gừng…), chiên, xào, gói bánh, nấu nước uống.
Huyệt công tôn ở chân có liên quan đến tỳ ở chân. Ấn huyệt công tôn cũng có thể khắc phục các vấn đề liên quan đến tạng tỳ. Huyệt này nằm cạnh bên bàn chân, cách sau mắt cá chân khoảng 5cm. Nếu ấn vào xương ngón chân sau mắt cá thấy đau có nghĩa là bạn tìm đúng vị trí của huyệt này.
Củ từ tốt cho thận, phổi và tiêu hóa. Táo tàu ích khí bổ tỳ vị. Bạn có thể nấu cháo củ từ táo tàu để chữa ăn kém, tiêu chảy, tỳ yếu.
Củ mài hay hoài sơn là thực phẩm đồng thời là vị thuốc tốt cho tạng tỳ. Bạn có thể dùng thân củ mài để hấp, xào, nấu cháo đều được.
Tóm lại, tạng tỳ là một tạng quan trọng trong “ngũ tạng” của cơ thể. Tạng tỳ cũng giống như các tạng khác, có thể bị tổn thương, suy yếu và không đảm bảo các chức năng khiến sức khỏe suy giảm. Vì vậy, việc chăm sóc để tạng tỳ luôn khỏe mạnh là việc mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần lưu ý.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.