Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phù thũng là gì? Tại sao bạn bị phù thũng?

Ngày 09/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phù thũng đề cập đến tình trạng sưng phù do chất lỏng dư thừa tích tụ trong mô cơ thể. Chúng thường xuất hiện ở da nhưng cũng có thể xảy ra ở não, phổi, tim và các cơ quan khác. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra phù như suy tim, mang thai, bệnh gan và thuốc. Điều trị phù thũng bao gồm điều trị nguyên nhân gây phù, thay đổi chế độ ăn và thuốc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phù thũng là gì?

Phù thũng là tình trạng phù nề gây ra bởi dư thừa dịch ở các mô trong cơ thể. Phù thường xảy ra ở da, đặc biệt là ở bàn tay, cánh tay, mắt cá chân, cẳng chân và bàn chân. Tuy nhiên, phù thũng cũng có thể ảnh hưởng đến cơ, ruột, phổi, tim, mắt và não.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Phù thũng

Các triệu chứng phù thũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nhưng sưng, căng và đau là những triệu chứng phổ biến cần chú ý. Bạn có thể phát hiện bản thân mình bị phù khi:

  • Da sưng, căng và sáng bóng;
  • Da lõm xuống sau khi bạn ấn vào trong vài giây;
  • Phù mắt cá chân, mặt hoặc mắt;
  • Tăng cân hoặc giảm cân;
  • Giảm lượng nước tiểu;
  • Bất thường về thị giác;
  • Ho hoặc khó thở;
  • Đau nhẹ hoặc cảm giác đau ở vùng bị phù.

Các triệu chứng phụ thuộc vào loại phù thũng mà bạn đang mắc phải và bộ phận cơ thể bị tác động.

PHÙ THŨNG 4.jpg
Phù lõm khi ấn xuống

Phân loại phù thũng

Có nhiều loại phù thũng, dựa vào sự khác nhau của triệu chứng có thể giúp chỉ ra tình trạng sức khỏe mà bạn đang mắc phải:

  • Phù ngoại biên: Thường xuất hiện tình trạng phù ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, bàn tay và cánh tay. Các triệu chứng gồm sưng, căng và khiến bạn khó chuyển động.
  • Phù phổi: Xảy ra khi chất lỏng dư thừa tích tụ trong phổi, gây tình trạng khó thở.
  • Phù não: Xảy ra khi não của bạn bị dịch tích tụ xung quanh não gây tăng áp lực bên trong sọ. Phù não có thể xảy ra vì nhiều lý do, có thể gây đe dọa tính mạng. Các triệu chứng gợi ý: Đau đầu, đau cổ hoặc cứng cổ, mất thị lực toàn bộ hoặc một phần, thay đổi ý thức hoặc tình trạng thức tỉnh, buồn nôn, nôn, chóng mặt.
  • Phù hoàng điểm: Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh võng mạc đái tháo đường. Phù xảy ra ở điểm vàng - bộ phận giúp mắt bạn nhìn rõ chi tiết các vật. Nếu có tình trạng phù hoàng điểm bạn sẽ có những thay đổi về tầm nhìn và thay đổi trong việc nhìn màu sắc.
  • Phù ấn lõm: Với loại phù này thường gặp xảy ra trong tình trạng phù ngoại biên. Khi bạn dùng ngón tay ấn và giữ trên da vùng bị phù thì sẽ để lại vết lõm tại chỗ đó. Vết lõm này có thể tự biến mất hoặc không.
  • Phù mắt: Đề cập đến tình trạng viêm và tích tụ dịch quanh mắt, thường là tạm thời.

Phù thũng có thể xảy ra ở những vị trí khác, nhưng những dạng được liệt kê trên là phổ biến nhất. 

PHÙ THŨNG 5.jpg
 Phù phổi triệu chứng có thể giúp chỉ ra tình trạng sức khỏe

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Phù thũng (nếu có)

Phù thũng nếu không được điều trị có thể gây ra:

  • Sưng đau, càng phù sẽ càng đau nhiều hơn;
  • Cứng khớp và đi lại khó khăn;
  • Da căng, ngứa;
  • Nhiễm trùng vị trí phù;
  • Tuần hoàn máu tại chỗ phù kém;
  • Giảm tính đàn hồi của mạch máu và khớp;
  • Loét da.

Bất kỳ tình trạng nào kể trên cũng cần được điều trị để ngăn chặn phù thũng nghiêm trọng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Phù thũng có thể chỉ ra rằng bạn đang mắc một vấn đề sức khỏe nào đó. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng phù cũng khác nhau vì vậy hãy đi khám bác sĩ khi bạn có bất kỳ một tình trạng sưng, căng da không giải thích được. Chẩn đoán chính xác và kịp thời nguyên nhân gây ra giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của bạn.

Nếu phù thũng xảy ra cùng lúc với đau ngực hoặc khó thở thì hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân và gọi cấp cứu ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý đe dọa tính mạng.

PHÙ THŨNG 6.jpg
Phù hoàng điểm là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh võng mạc đái tháo đường

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Phù thũng

Phù thũng có thể là hậu quả của các tình trạng bệnh lý về tuần hoàn, nhiễm trùng, chết mô, suy dinh dưỡng, quá tải lượng dịch của cơ thể và các vấn đề về rối loạn điện giải. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây phù thũng gồm:

Suy tim

Nếu một hoặc cả hai buồng tim không thể bơm máu bình thường máu sẽ tích tụ ở các chi và gây phù thũng.

Bệnh thận hoặc tổn thương thận

Khi thận bị rối loạn chức năng chúng có thể không thể loại bỏ dịch và natri ra khỏi máu. Điều này sẽ gây tăng áp lực lên các mạch máu khiến dịch rò rỉ ra ngoài mạch máu. Thường gây phù ở chân và mắt.

Bệnh gan

Xơ gan sẽ làm tổn thương và khiến gan suy giảm chức năng. Điều này dẫn đến những thay đổi trong việc tiết hormone và các chất điều hòa dịch, giảm sản xuất protein. Dẫn đến rò rỉ dịch ra khỏi mạch máu đến các mô xung quanh.

Ngoài ra xơ gan cũng làm tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa - một tĩnh mạch lớn mang máu từ ruột, lách và tụy về gan. Điều này có thể gây phù ở chân và khoang bụng.

Thuốc

Một số loại thuốc cũng có thể làm bạn bị phù thũng. Gồm: thuốc giãn mạch, thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn kênh canxi, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), estrogen, thuốc hóa trị, thuốc điều trị đái tháo đường như thiazolidinediones.

Mang thai

Khi bạn có thai, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone kích thích cơ thể giữ nước gây tình trạng phù ở mặt, tay, chân và bàn chân. Hoặc khi bạn nằm ở tư thế nghiêng, lúc này tử cung bạn đang giãn có thể đè lên tĩnh mạch chủ dưới làm tắc nghẽn tĩnh mạch đùi cũng sẽ gây tình trạng phù thũng.

Ngoài ra, khi có thai máu bạn sẽ dễ đông hơn bình thường. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, đây là một nguyên nhân tiềm ẩn khác có thể gây phù.

Sản giật do tình trạng tăng huyết áp có sẵn hoặc do huyết áp cao do mang thai cũng có thể gây phù.

Dinh dưỡng

Một số yếu tố trong dinh dưỡng có thể gây nguy cơ phù thũng ở bạn:

  • Ăn quá nhiều muối (nhất là những người dễ bị phù);
  • Suy dinh dưỡng, được cho là có liên quan đến tình trạng giảm protein trong máu;
  • Giảm vitamin B1, B6 và B5.

Đái tháo đường

Một số biến chứng có thể gặp của bệnh đái tháo đường gồm bệnh tim mạch, suy thận cấp, suy gan cấp, bệnh lý ruột mất protein. Những biến chứng này cùng với một số loại thuốc điều trị đái tháo đường có thể gây phù thũng.

Tổn thương não

Một số tình trạng có thể gây phù não gồm:

  • Chấn thương đầu: Một cú đánh vào đầu có thể dẫn đến tụ dịch trong não.
  • Đột quỵ: Đột quỵ lớn có thể dẫn đến phù não, nhất là đột quỵ xuất huyết não.
  • Khối u não: Khi não có khối u, dịch sẽ tích tụ xung quanh khối u này nhất là khi chúng tạo ra các mạch máu mới.

Dị ứng

Một số loại thức ăn và vết côn trùng cắn có thể gây phù mặt hoặc da ở những người bị dị ứng hoặc tăng nhạy cảm với các tác nhân này. Phù nặng có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ.

Sưng hầu họng có thể làm tắc nghẽn đường thở của bạn, khiến bạn không thể thở được. Đây là một tình trạng cần cấp cứu y tế.

Vấn đề tại tứ chi

Một số nguyên nhân tại tay chân có thể gây phù thũng gồm cục máu đông, suy tĩnh mạch, u nang hoặc phù bạch huyết.

Các tình trạng khác

Một số tình trạng có thể gây phù thũng gồm bất động lâu ngày, bỏng và cháy nắng, nhiễm trùng, trước và trong thời kỳ hành kinh, thuốc tránh thai, mãn kinh, bệnh tuyến giáp. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc Phù thũng?

Phù thũng có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, nhưng thường gặp ở những người có thai và người lớn từ 65 tuổi trở lên. Những người mắc bệnh tim mạch, xơ gan, thận có nguy cơ cao gây phù thũng cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Phù thũng

  • Ngồi hoặc đứng lâu quá một chỗ: Do lực hút của Trái Đất, dịch sẽ kéo xuống bàn chân và chân.
  • Hút thuốc lá.
  • Mắc bệnh viêm gan siêu vi mạn tính.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Phù thũng

Để chẩn đoán tình trạng phù thũng của bạn, bạn sẽ được bác sĩ khám vùng bị phù và các dấu hiệu khác gợi ý nguyên nhân gây ra phù. Các xét nghiệm sẽ được chỉ định nhằm giúp xác định chẩn đoán như siêu âm tim nếu nghi ngờ suy tim, xét nghiệm chức năng gan nếu nghi ngờ xơ gan, soi đáy mắt nếu nghi ngờ có bệnh võng mạc đái tháo đường…

Phương pháp điều trị Phù thũng

Việc điều trị cũng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây phù thũng. Một số nguyên nhân bạn không cần điều trị thì phù thũng cũng tự khỏi như do kinh nguyệt, do cháy nắng tuy nhiên đa số các trường hợp bạn cần phải được điều trị để giảm tình trạng phù thũng.

Thuốc lợi tiểu là thuốc giúp loại bỏ dịch dư thừa trong cơ thể bằng cách tăng sản xuất nước tiểu. Nếu tình trạng phù thũng của bạn kéo dài không tự khỏi thì bác sĩ có thể chỉ định thuốc lợi tiểu cho bạn nhằm giảm tình trạng phù thũng gây khó chịu cho bạn.

Quan trọng nhất vẫn là điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý gây ra phù thũng nhằm giảm phù và tránh tái phát.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Phù thũng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục mỗi ngày;
  • Giảm cân;
  • Nâng cao chân khi nằm hoặc ngồi;
  • Mang vớ áp lực nếu bạn phải đứng lâu;
  • Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, xen kẽ các khoảng thời gian vận động;
  • Tránh cháy nắng, tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao;
  • Ngừng hút thuốc lá nếu bạn có bệnh lý phổi.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Giảm lượng muối ăn hàng ngày;
  • Bổ sung đủ các chất;
  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày.

Phương pháp phòng ngừa Phù thũng hiệu quả

Bạn có thể không ngăn ngừa tình trạng phù thũng nếu nguyên nhân gây phù là do bệnh lý như suy tim, bệnh gan, bệnh thận. Tuy nhiên bạn vẫn có thể áp dụng một số cách dưới đây:

  • Giảm lượng muối ăn;
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Nâng cao chân khi nằm;
  • Mang vớ áp lực;
  • Không ngồi hoặc đứng yên một chỗ quá lâu, nên đứng dậy và đi lại thường xuyên;
  • Tránh nhiệt độ quá cao như nước sôi;
  • Mặc ấm khi trời lạnh.
PHÙ THŨNG 7.jpg
Không ngồi một chỗ quá lâu

Các câu hỏi thường gặp về Phù thũng

Phù thũng ảnh hưởng đến tôi như thế nào?

Phù thũng sẽ làm các bộ phận của bạn tăng kích thước, điều này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Do đó cần điều trị giảm phù sớm tránh khó chịu cho bạn.

Phù thũng có phải bệnh lý nguy hiểm không?

Phù thũng đa phần là nhẹ và có thể tự khỏi thông qua thay đổi trong sinh hoạt và chế độ ăn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, do đó bạn cần đi khám ngay nếu có tình trạng phù thũng.

Bao lâu sau điều trị tôi sẽ khỏi?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra phù thũng, tình trạng phù này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Phù thường kéo dài trong vài ngày. Trong hai ngày đầu tiên, bạn sẽ sưng phù nhiều nhất và sau đó sẽ bắt đầu giảm dần. Nếu tình trạng phù thũng không mất sau vài ngày điều trị, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về kế hoạch điều trị của bạn.

Tôi không được ăn gì khi bị phù thũng?

Muối khiến cơ thể bạn giữ nước, từ đó nước sẽ rò rỉ vào các mô và gây phù thũng. Do đó hãy giảm muối trong bữa ăn hàng ngày để giảm tình trạng phù của bạn.

Làm thế nào để tôi phòng ngừa phù thũng?

Nếu bạn đang mắc bệnh lý như suy tim, xơ gan, bệnh thận… hãy điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý này để tránh xuất hiện phù thũng. Nếu nguyên nhân do ăn quá nhiều muối, hãy điều chỉnh chế độ ăn giảm muối thì ngăn ngừa phù. Ngoài ra, vận động thường xuyên, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu khiến phù chân. 

Nguồn tham khảo
  1. Everything you need to know about edema: https://www.medicalnewstoday.com/articles/159111
  2. Edema: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12564-edema 
  3. Edema - Symptoms and causes - Mayo Clinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/edema/symptoms-causes/
  4. Edema: Types, Causes, Symptoms, and Treatment: https://www.webmd.com/heart-disease/heart-failure/edema-overview
  5. Edema: Causes, Treatment, Symptoms, and More: https://www.healthline.com/health/edema

Các bệnh liên quan