Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng phải làm sao?

Ngày 01/09/2023
Kích thước chữ

Bào thai bị suy dinh dưỡng dẫn đến rất nhiều biến chứng có hại đối với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ trong suốt năm đầu đời. Vậy bào thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng phải làm sao?

Thai chậm tăng trưởng còn gọi là suy dinh dưỡng bào thai, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về thể lực và trí não của trẻ như vàng da, kém phát triển trí tuệ, còi xương và các bệnh lý khác về máu cho thai nhi... Đây là bệnh lý phức tạp và dẫn đến nhiều nguy cơ có hại cho mẹ và thai nhi. Trong các giai đoạn phát triển của bào thai, thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng là do đâu? Có nguy hiểm không? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về vấn đề này.

Suy dinh dưỡng bào thai là gì?

Để trả lời thắc mắc thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng phải làm sao, bạn nên tìm hiểu về tình trạng thai chậm tăng trưởng hay còn gọi là suy dinh dưỡng bào thai. Đây là tình trạng bé trai vừa sinh ra nhẹ hơn 2,5kg hoặc bé gái nhẹ hơn 2,4kg. Sự thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng xảy ra ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, khiến bé bị nhẹ cân dưới tiêu chuẩn khi sinh ra dù được mẹ sinh đủ tháng.

Tình trạng bào thai bị suy dinh dưỡng khiến trẻ sinh ra dễ mắc các bệnh mạn tính như sa sút trí lực, chậm phát triển não bộ, hen suyễn, rối loạn hô hấp, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim, thiếu máu hoặc các dị tật bẩm sinh.

Thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng phải làm sao? 1
Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai thì khi sinh ra dễ mắc các bệnh mạn tính

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai bao gồm:

Tuổi tác của người mẹ

Tuổi tác là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai và sinh con khỏe mạnh của người phụ nữ. Khi tuổi tác của mẹ quá cao sẽ làm giảm khả năng huy động và vận chuyển chất dinh dưỡng đến thai nhi và làm tăng nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, thấp lùn, chậm lớn, còi cọc… sau khi sinh ra.

Mang thai sau 35 tuổi, nguy cơ mẹ bị sảy thai, sinh non rất cao trong khi trẻ dễ mắc các dị tật bẩm sinh.

Sức khỏe của người mẹ

Sức khỏe của mẹ giữ vai trò quyết định đến sức khỏe của thai nhi. Theo thống kê, có đến hơn 64% trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ không khỏe mạnh đều bị suy dinh dưỡng bào thai. Đặc biệt, nếu mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng thì bé sẽ cực kỳ chậm phát triển trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đến giai đoạn tuần thứ 20, hiện tượng thai dị dạng, suy dinh dưỡng bào thai xuất hiện do vi trùng có thể xâm nhập nhau thai và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.

Dinh dưỡng của người mẹ

Thông qua máu truyền trong nhau thai, cơ thể mẹ cung cấp dinh dưỡng nuôi bé. Do đó, yếu tố quan trọng nhất quyết định trẻ có bị suy dinh dưỡng bào thai hay không là chế độ dinh dưỡng cho mẹ trong thời gian mang thai.

Đối với mẹ và bé, tất cả các chất dinh dưỡng đều quan trọng. Tuy nhiên, có 6 vi chất bao gồm axit folic (vitamin B9), vitamin D, sắt, canxi, i-ốt và DHA giữ vai trò chính trong sự hình thành và phát triển ổn định của thai nhi.

Điều kiện lao động của mẹ khi mang thai

Trong quá trình mang thai, mẹ dành phần lớn năng lượng của mẹ cho việc phát triển thai nhi và dự trữ năng lượng để sinh sữa cho con bú. Thai nhi sẽ không phát triển toàn diện nếu mẹ tiêu hao quá nhiều năng lượng trong khi lao động nên không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai.

Thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng phải làm sao? 2
Nếu mẹ tiêu hao nhiều năng lượng khi lao động sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi

Nhau thai phát triển kém

Nhau thai có nhiệm vụ truyền dinh dưỡng, oxy và máu từ cơ thể mẹ để nuôi em bé và kiểm soát quá trình vận chuyển hormon đến bào thai.

Nếu bánh nhau kém phát triển trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa này, dẫn đến không được cung cấp đủ nguồn sống cần thiết cho thai nhi, gây suy dinh dưỡng bào thai.

Bệnh từ nhau thai

Tình trạng suy dinh dưỡng bào thai còn do bệnh từ nhau thai như những tổn thương ở bánh nhau có thể gây rối loạn dòng chảy của máu, cản trở tuần hoàn máu của mẹ và bé. Thai nhi không phát triển được do những tổn thương của nhau thai làm giảm hiệu suất trao đổi dinh dưỡng giữa mẹ và con, dễ bị lưu thai, sảy thai hoặc sinh ra trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai.

Bổ sung canxi sớm

Nhiều mẹ bầu thường bổ sung canxi cho thai nhi khá sớm vì muốn con có bộ xương chắc khỏe. Tuy nhiên, do bé chưa thể hấp thu được hết nên điều này gây ra chứng dư thừa canxi, lắng đọng lại bánh nhau thai sẽ gây tắc nghẽn, làm chậm quá trình trao đổi chất. Bào thai không nhận đủ dinh dưỡng, dẫn đến kém phát triển và gây suy dinh dưỡng bào thai.

Thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng có nguy hiểm không?

Tình trạng thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng khá phức tạp và dẫn đến nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi. Hiện tại, khi đã được chẩn đoán bằng các phương tiện hiện đại như siêu âm, monitor... về tình trạng thai 37 tuần chậm tăng trưởng, bác sĩ sản khoa có thể chỉ định mổ lấy thai nhằm đảm bảo an toàn cho thai, tránh sang chấn tổn thương cho não của bé.

Hiện tại, chưa có những phác đồ điều trị cụ thể cho thai chậm tăng trưởng. Bác sĩ sẽ quyết định bảo tồn thai hay chấm dứt thai kỳ sớm hơn ngày sinh dự đoán tùy theo diễn biến thai kỳ. Để hạn chế tình trạng này, tốt nhất mẹ bầu cần khám kiểm tra sức khỏe trước mang thai và tuân thủ lịch khám thai - chăm sóc thai định kỳ để có thể chăm sóc mẹ và bé an toàn.

Cách phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai

Suy dinh dưỡng bào thai chủ yếu do cơ thể mẹ không hấp thu đủ dinh dưỡng và không được nghỉ ngơi hiệu quả. Do đó, các mẹ bầu hãy lưu ý những vấn đề sau để phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai:

Lên kế hoạch sinh nở

Để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất khi mang thai, phụ nữ nên thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đẻ con không quá sát nhau và đẻ trong độ tuổi từ 18 - 35 tuổi.

Khám thai định kỳ

Để phát hiện sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai ở trẻ, mẹ nên khám ít nhất mỗi tháng 1 lần trong 6 tháng đầu của thai kỳ. Sang 3 tháng cuối thai kỳ, để đảm bảo trẻ khi sinh ra tăng trưởng khỏe mạnh, mẹ nên khám thai ít nhất 2 lần/tháng.

Thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng phải làm sao? 3
Mẹ bầu nên khám thai định kỳ để tránh tình trạng thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng

Ăn uống đầy đủ

Mẹ bầu phải ăn các món gồm cơm, canh, xào, món mặn kèm theo trái cây tráng miệng để cung cấp đầy đủ 5 nhóm chất dinh dưỡng gồm đạm, tinh bột, béo, vitamin và khoáng chất.

Tăng cân lành mạnh

Mẹ bầu có cân nặng bình thường trước khi mang thai, trong 3 tháng đầu thai kỳ, nên tăng từ 0,5 - 1,8kg. Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ nên tăng tiếp 4 - 5kg và trong tam cá nguyệt cuối cùng, mẹ nên tăng 5 - 6kg. Như vậy, trong suốt thai kỳ, để bé khỏe mạnh, mẹ chỉ cần tăng từ 10 - 12kg.

Nghỉ ngơi đầy đủ

Khi mang thai, mẹ cần nghỉ ngơi tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế suy nghĩ nhiều, dẫn đến stress.

Tránh xa chất kích thích

Mẹ hãy tự bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi bằng cách tránh xa rượu, bia, ma túy và đặc biệt là khói thuốc lá vì ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch, hệ hô hấp và thần kinh của thai nhi.

Sử dụng thực phẩm bổ sung: Do nhu cầu cần nhiều dinh dưỡng, để ngăn ngừa dị tật thai nhi, mẹ bầu nên uống thêm các viên uống bổ sung sắt, acid folic, vitamin D, vitamin A và kẽm trong thai kỳ.

Tóm lại, mẹ bầu nên thường xuyên khám thai định kỳ để theo dõi quá trình tăng trưởng của thai nhi. Nếu bác sĩ chẩn đoán thai 37 tuần bị suy dinh dưỡng thì cần tuân theo những chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin