Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Thai kỳ nguy cơ cao: Yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ

Mang thai và sinh con là một đặc quyền riêng của người phụ nữ. Tuy nhiên, có không ít mẹ bầu do chưa được trang bị kiến thức hoặc chủ quan nên không thăm khám tiền sản hay sàng lọc thai nhi… mà rơi vào tình trạng thai kỳ nguy cơ cao. Điều này khiến cho cả thai phụ và thai nhi có nguy cơ cao gặp phải nhiều rủi ro trong thời kỳ thai nghén cũng như chuyển dạ.

Thai kỳ nguy cơ cao là thai kỳ có nhiều nguy cơ dẫn đến kết cục không tốt cho cả mẹ và thai nhi. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của thai kỳ nguy cơ cao là gì? Làm thế nào để phòng ngừa thai kỳ nguy cơ cao? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây nhé!

Các yếu tố dẫn đến thai kỳ nguy cơ cao

Thai kỳ nguy cơ cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoẻ của thai phụ và thai nhi, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của cả hai mẹ con. Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ với tỷ lệ tương đối cao, khoảng 20% trên tổng các thai kỳ. Vậy nguyên nhân của thai kỳ nguy cơ cao là gì? Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, các chuyên gia đã thống kê các yếu tố nguy cơ của thai kỳ nguy cơ cao và phân thành 5 nhóm như sau:

Yếu tố nguy cơ có liên quan đến thai phụ

Thai kỳ nguy cơ cao có thể xảy ra ở những thai phụ:

  • Thai phụ dưới 18 tuổi: Có nguy cơ sinh non, sinh khó, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị tử vong cao hơn so với những thai kỳ khác.
  • Thai phụ trên 35 tuổi: Có nguy cơ sinh khó, bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi, trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh và có tỷ lệ tử vong cao.
  • Thai phụ suy dinh dưỡng hoặc béo phì: Nguy cơ gặp rủi ro trong quá trình mang thai và chuyển dạ, sinh khó

Ngoài ra, những thai phụ có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống bia rượu, sử dụng các chất kích thích, sống trong môi trường độc hại, tiếp xúc với hóa chất… cũng có khả năng cao rơi vào tình trạng thai kỳ nguy cơ cao.

Thai kỳ nguy cơ cao: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa  1
Thai phụ sử dụng bia rượu trong thai kỳ có khả năng rơi vào tình trạng thai kỳ nguy cơ cao

Yếu tố liên quan đến bệnh lý nền của thai phụ

Thai phụ mắc phải một trong số các bệnh lý nền dưới đây trước khi mang thai sẽ dẫn đến thai kỳ nguy cơ cao, cụ thể là:

  • Tăng huyết áp: Làm tăng nguy cơ tiền sản giật và sản giật, từ đó đe dọa đến tính mạng của cả hai mẹ con.
  • Bệnh thận: Tăng nguy cơ cao huyết áp mãn tính và dẫn đến tiền sản giật hay sản giật.
  • Bệnh tim mạch: Có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của cả 2 mẹ con.
  • Bệnh lý nội tiết như tiểu đường dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thai suy dinh dưỡng, thai nhi to bất thường hoặc thai chết lưu.
  • Bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mẹ bầu và thai nhi như bệnh ung thư, bệnh thiếu máu, bệnh nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính, bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục, bệnh lý liên quan đến não bộ, bệnh lý ngoại khoa…

Yếu tố nguy cơ có liên quan đến tiền sử thai sản của thai phụ

Nếu thai phụ có tiền sử liên quan đến thai sản như bất thường ở tử cung, sảy thai, thai chết lưu, tiền sản giật, bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con… thì sẽ có nguy cơ cao lặp lại các tình trạng trên trong lần mang thai tiếp theo.

Yếu tố nguy cơ liên quan đến các bất thường xảy ra trong thai kỳ

Một số vấn đề bất thường phát sinh trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi, cụ thể là:

  • Mẹ bầu mắc bệnh sốt rét;
  • Tiền sản giật hoặc sản giật;
  • Giảm tiểu cầu tự miễn trong thai kỳ;
  • Tiểu đường thai kỳ;
  • Tăng huyết áp thai kỳ;
  • Nhiễm trùng tiết niệu;
  • Thai chết lưu;
  • Ngôi thai bất thường;
  • Thai suy dinh dưỡng hoặc thai to;
  • Song thai hoặc đa thai…
  • Nhau tiền đạo;
  • Nhau bong non;
  • Nhau cài răng lược…
Thai kỳ nguy cơ cao: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa  2
Ngôi thai bất thường cũng là một yếu tố gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

Yếu tố nguy cơ có liên quan đến các vấn đề xã hội

Thai kỳ nguy cơ cao có thể liên quan đến một số vấn đề xã hội như:

  • Giao thông không thuận lợi;
  • Hạn chế về trình độ văn hoá;
  • Không được tiếp cận với các tiến bộ trong việc tầm soát trước sinh và tiền sản…

Triệu chứng của thai kỳ nguy cơ cao

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo thai kỳ nguy cơ cao mà mẹ bầu nên biết, bao gồm:

  • Đau bụng âm ỉ kéo dài;
  • Đau nhức đầu, chóng mặt;
  • Ngất xỉu;
  • Đau tức ngực, tim đập nhanh;
  • Sốt cao;
  • Buồn nôn, nôn ói nghiêm trọng hơn triệu chứng của ốm nghén;
  • Không cảm thấy thai nhi chuyển động;
  • Chảy máu âm đạo bất thường.
Thai kỳ nguy cơ cao: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 3
Đau bụng âm ỉ là một dấu hiệu cảnh bảo thai kỳ nguy cơ cao mà thai phụ nên biết

Nếu thai phụ có một trong các biểu hiện trên thì cần nhanh chóng đến bệnh viện gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bởi, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, thai kỳ nguy cơ cao có thể gây ra những hậu quả nặng nề như:

  • Thai chết lưu;
  • Sảy thai;
  • Suy thai cấp hoặc mãn tính;
  • Thai nhi kém phát triển;
  • Trẻ sinh ra bị dị tật, chậm phát triển hoặc mắc các bệnh lý di truyền bẩm sinh.

Phòng ngừa thai kỳ nguy cơ cao như thế nào?

Những thai phụ rơi vào tình trạng thai kỳ nguy cơ cao cần được chăm sóc và quản lý thai kỳ chặt chẽ bởi bác sĩ nhằm hạn chế các biến chứng cũng như đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Vậy làm thế nào để phòng ngừa tình trạng thai kỳ nguy cơ cao?

Các chuyên gia đã chia sẻ với mẹ bầu một số biện pháp để có một thai kỳ an toàn và khoẻ mạnh, hỗ trợ cho quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi, cụ thể là:

  • Chuẩn bị thật kỹ cho thai kỳ: Trước khi mang thai, chị em phụ nữ nên khám tiền sản trước, tham gia vào các lớp học tiền sản và nhận sự tư vấn của bác sĩ khi có kế hoạch mang thai, đặc biệt là những người phụ nữ có tiền sử mắc bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Chị em phụ nữ cần tìm hiểu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa về chế độ ăn uống khoa học khi mang thai để đảm bảo cung cấp đầy các chất dinh dưỡng cần thiết cho chính bản thân và thai nhi.
  • Bổ sung axit folic: Axit folic là một dưỡng chất cực kỳ quan trọng và cần thiết để giúp hệ thần kinh trung ương của thai nhi phát triển bình thường và tránh các dị tật bẩm sinh tại ống thần kinh. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng axit folic cần bổ sung trong quá trình mang thai sao cho phù hợp.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Chị em phụ nữ cần xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng hợp lý, không sử dụng bia rượu, chất kích thích hoặc hút thuốc lá, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thăm khám định kỳ: Thai phụ cần thăm khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt là thai phụ đang trong tình trạng thai kỳ có nguy cơ cao để được theo dõi, chăm sóc, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời.
Thai kỳ nguy cơ cao: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa  4
Mẹ bầu cần phải đi khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ

Trên đây là những thông tin cơ bản về yếu tố nguy cơ và triệu chứng của tình trạng thai kỳ nguy cơ cao mà thai phụ cần biết. Bên cạnh đó, Nhà thuốc Long Châu cũng chia sẻ với mẹ bầu một số biện pháp nhằm phòng ngừa tình trạng thai kỳ nguy cơ cao để có một thai kỳ khoẻ mạnh và vượt cạn thành công.

Xem thêm: Các giai đoạn phát triển của thai nhi và những điều cần biết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.