Tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa? Những điều cần biết khi tiêm vắc xin cúm mùa
Ngày 27/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra và dễ trở thành dịch bệnh. Hiện nay vắc xin cúm đã được chứng minh hiệu quả trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như các biến chứng có thể xảy ra ở một số đối tượng. Vậy tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa?
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở khắp các nơi gây ra. Bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe ở một số người. Tiêm ngừa vắc xin cúm mùa là một trong những cách ngăn ngừa và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra một cách hiệu quả. Tuy nhiên nhiều người thắc mắc rằng tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa? Hãy cùng chúng tôi tìm lời giải đáp thông qua bài viết dưới đây nhé.
Vì sao cần tiêm vắc xin cúm mùa?
Vắc xin cúm mùa là sinh phẩm có chứa kháng nguyên của virus cúm, tăng khả năng bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi nguy cơ lây nhiễm virus cúm, ngăn ngừa mắc cúm và các biến chứng có thể xảy ra. Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm như virus cúm A (H1N1 hoặc H3N2), virus cúm B, virus cúm C gây ra. Mỗi chủng virus cúm có rất nhiều nhóm kháng nguyên và chúng thường xảy ra các đột biến qua mỗi năm, từ đó hình thành nên nhiều nhóm virus nhỏ, dẫn đến cấu trúc kháng nguyên của virus cúm lưu hành thay đổi liên tục qua mỗi năm.
Đối với một số trường hợp như người bị suy giảm hệ miễn dịch, người già, trẻ em dưới 5 tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai thì cúm mùa có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng hoặc thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy việc tiêm vắc xin cúm mùa là vô cùng cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm cũng như hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa?
Vì cấu trúc kháng nguyên của virus cúm lưu hành thay đổi liên tục qua mỗi năm nên vắc xin cúm cũng được nghiên cứu và thay đổi hàng năm (chu kỳ một năm hai lần) với thành phần kháng nguyên theo dự đoán của chủng cúm lưu hành trong năm tới. Vậy tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa và cụ thể tiêm phòng cúm cho trẻ vào tháng mấy?
Vì nước ta là quốc gia nhiệt đới nên virus cúm mùa có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt là vào tháng 3 - 4 hoặc tháng 9 - 10 mỗi năm. Cúm mùa có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân do khí hậu thay đổi. Trên thực tế virus cúm mùa phát triển và biến đổi qua từng năm nên việc tiêm phòng vắc xin năm trước sẽ không thể bảo vệ cơ thể trước những chủng virus mới của năm sau. Chính vì thế, thời điểm thích hợp để tiêm phòng vắc xin cúm mùa, đặc biệt là trẻ là khoảng 2 tuần hoặc 1 tháng trước thời điểm dịch cúm xuất hiện. Bởi sau khi tiêm vắc xin, cơ thể cần khoảng 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm.
Những đối tượng nên và không nên tiêm phòng vắc xin cúm mùa
Bên cạnh vấn đề tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa để đạt hiệu quả thì chúng ta cũng cần lưu ý những đối tượng nên và không nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa như:
Đối tượng nên tiêm phòng
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ thì trẻ em trên 6 tháng tuổi và người lớn nên được tiêm phòng cúm mỗi năm. Đặc biệt đối với nhóm người có nguy cơ gặp biến chứng cao của cúm như: Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính (bệnh tim, phổi, đái tháo đường, thận mạn tính) và nhân viên y tế.
Đối tượng không nên tiêm phòng
Vắc xin cúm mùa không được khuyến cáo tiêm phòng cho những đối tượng như: Trẻ em dưới 6 tháng tuổi, người bị dị ứng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin (bao gồm thuốc kháng sinh, gelatin hoặc thành phần khác của vắc xin).
Vắc xin cúm mùa gồm những loại nào?
Hiện nay vắc xin cúm mùa đang được lưu hành 4 loại tại Việt Nam bao gồm: Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip Tetra (Pháp).
Vắc xin Influvac Tetra (Hàn Quốc)
Đây là loại vắc xin do hãng Abbott (Hà Lan) nghiên cứu và sản xuất, có hiệu quả bảo vệ lên đến 80%, giúp phòng bệnh cúm mùa do 4 chủng virus cúm gây ra gồm virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2) và 2 chủng virus cúm B là Yamagata và Victoria. Vắc xin Influvac Tetra được chỉ định tiêm phòng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.
Vắc xin cúm GC Flu (Hàn Quốc)
Vắc xin GC Flu được nghiên cứu và sản xuất bởi hãng Green Cross Corporation - Hàn Quốc), đây là loại vắc xin chứa các kháng nguyên phân tách từ 4 chủng cúm là cúm A (H1N1), cúm A (H3N2) và 2 chủng virus cúm B là Yamagata và Victoria, giúp phòng ngừa bệnh cúm mùa hiệu quả. Vắc xin cúm GC Flu (Hàn Quốc) được tiêm phòng rộng rãi cho trẻ em từ 36 tháng tuổi và người lớn.
Vắc xin cúm Ivacflu-S (Việt Nam)
Vắc xin cúm Ivacflu-S (Việt Nam) được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế IVAC, đây là loại vắc xin bất hoạt giúp phòng ngừa virus cúm mùa hiệu quả. Vắc xin cúm mùa Ivacflu-S được chỉ định tiêm phòng cho người từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi, đặc biệt không tiêm cho phụ nữ đang mang thai.
Vắc xin cúm Vaxigrip Tetra (Pháp)
Đây là loại vắc xin bất hoạt được nghiên cứu và sản xuất bởi Tập đoàn Dược phẩm hàng đầu Sanofi Pasteur (Pháp). Tương tự như các loại vắc xin kể trên, vắc xin Vaxigrip Tetra cũng giúp phòng ngừa virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2) và 2 chủng virus cúm B là Yamagata và Victoria. Vắc xin Vaxigrip Tetra được chỉ định tiêm ngừa cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.
Lưu ý cách chăm sóc sau tiêm vắc xin cúm mùa
Hầu hết các phản ứng sau tiêm sẽ xảy ra trong vòng 30 phút kể từ thời điểm tiêm phòng vì vậy sau khi tiêm vắc xin cúm mùa, người tiêm nên ở lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm. Sau khi về nhà chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau khi tiêm vắc xin cúm mùa như:
Tiếp tục theo dõi các phản ứng sau tiêm khoảng từ 24 - 48 giờ;
Cho người tiêm mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát;
Uống nhiều nước và duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý;
Tránh chạm vào vị trí tiêm, không được chườm nóng, xoa dầu, đắp khoai tây hay áp dụng các bài thuốc dân gian vào vị trí tiêm vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện bất thường thì cần đưa người tiêm đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Bệnh cúm mùa có thể xuất hiện quanh năm tuy nhiên bệnh phát triển mạnh vào mùa đông - xuân vì vậy việc tiêm phòng vắc xin cúm mùa là vô cùng cần thiết để phòng tránh bệnh. Hy vọng thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn trả lời được thắc mắc tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa. Hãy chủ động tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bạn nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.