Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Thế nào là dấu hiệu tuyến giáp có vấn đề?

Ngày 14/02/2024
Kích thước chữ

Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết quan trọng nhất của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh năng lượng và quá trình trao đổi chất của cơ thể thông qua chức năng sản xuất hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, các thông tin cơ bản về tuyến giáp vẫn là sự thiếu hụt kiến thức ở hầu hết mọi người và đặc biệt là các dấu hiệu tuyến giáp có vấn đề. Do đó, việc hiểu rõ các thông tin về tuyết giáp và nhận biết các dấu hiệu bất thường là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nếu bạn đang gặp phải các thắc mắc xung quanh câu hỏi “Thế nào là dấu hiệu tuyến giáp có vấn đề?”. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về tuyến giáp cùng các triệu chứng báo hiệu tuyến giáp đang gặp vấn đề để bạn có thể nhận biết và thăm khám bác sĩ kịp thời.

Tổng quan về tuyến giáp

Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ có hình dạng giống cánh bướm nằm dưới da, ở phía trước cổ, ở hai bên và trước khí quản. Một tuyến giáp khỏe mạnh thường không được nhìn thấy từ bên ngoài (không có khối u trên cổ) và bạn không thể cảm nhận được khi ấn ngón tay vào phía trước cổ.

the-nao-la-dau-hieu-tuyen-giap-co-van-de 1
Tuyến giáp là gì?

Cấu tạo của tuyến giáp

Tuyến giáp được ghi nhận có kích thước dài khoảng 2 inch, tạo thành từ các tế bào nang tuyến giáp (thyrocytes), có khả năng tạo thành và lưu trữ hormone tuyến giáp (chủ yếu là T3, T4) và tế bào C tiết ra hormone calcitonin. Cấu tạo của tuyến giáp bao gồm hai phần chính: Hai nửa thùy (trái và phải), cùng với một eo tuyến nối hai thùy lại với nhau.

Vai trò của tuyến giáp đối với cơ thể

Sản xuất và bài tiết hormone

Là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, tuyến giáp là nơi sản xuất và giải phóng các hormone đóng vai trò điều hòa sự trao đổi chất, bao gồm:

  • Thyroxine (T4): Là hormone chính mà tuyến giáp tạo ra và giải phóng. Mặc dù tuyến giáp sản xuất hầu hết loại hormone này nhưng không có nhiều sự ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp giải phóng T4 vào máu, T4 có thể chuyển đổi thành T3 thông qua một quá trình gọi là khử iốt.
  • Triiodothyronine (T3): Tuyến giáp sản xuất lượng hormone T3 ít hơn T4. Tuy nhiên, T3 lại có tác động lớn hơn đến quá trình trao đổi chất so với T4.
  • Reverse triiodothyronine (RT3): Tuyến giáp tạo ra một lượng rất nhỏ RT3 với chức năng làm đảo ngược tác dụng của T3.
  • Calcitonin: Là hormone với chức năng điều chỉnh mức độ canxi trong máu. Khi các tế bào hủy xương phá vỡ xương, canxi từ xương sẽ được giải phóng vào máu. Do đó, việc ngăn chặn tạm thời các tế bào hủy xương bằng calcitonin sẽ làm giảm lượng canxi đi vào máu. Bên cạnh đó, calcitonin có thể làm giảm lượng canxi mà thận tái hấp thu và giải phóng trở lại vào máu, do đó làm giảm lượng canxi trong máu.

Điều hòa sự trao đổi chất và tác động đến các cơ quan khác

Cơ thể là một hệ thống phức tạp để kiểm soát mức độ hormone tuyến giáp. Đầu tiên, vùng dưới đồi (một phần não nằm ở bề mặt dưới não) tiết ra hormone giải phóng tuyến giáp (TRH), kích thích một phần tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH). TSH sau đó sẽ kích thích các tế bào nang tuyến giáp giải phóng thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) nếu cơ thể bạn có đủ lượng iốt.

the-nao-la-dau-hieu-tuyen-giap-co-van-de 2
Tuyến giáp có tác động đến hệ tim mạch

Tuyến giáp và các hormone có sự ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể, bao gồm:

  • Hệ tim mạch: Tuyến giáp giúp điều chỉnh lượng máu mà tim bơm qua hệ thống tuần hoàn (cung lượng tim), nhịp tim, lực và cường độ co bóp của tim.
  • Hệ thần kinh: Khi tuyến giáp không hoạt động bình thường có thể gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh bao gồm: Tê, ngứa ran, đau hoặc cảm giác nóng rát ở các bộ phận bị ảnh hưởng trên cơ thể. Ngoài ra, suy giáp có thể gây trầm cảm và cường giáp có thể gây lo lắng.
  • Hệ thống tiêu hóa: Tuyến giáp được ghi nhận có liên quan đến cách thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa. Các triệu chứng như thèm ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng và co bóp của nhu động ruột đều bị ảnh hưởng các hormone tuyến giáp.
  • Hệ thống sinh sản: Nếu tuyến giáp không hoạt động bình thường có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều và các vấn đề về khả năng sinh sản.
the-nao-la-dau-hieu-tuyen-giap-co-van-de 3
Thèm ăn là một trong những tác động của tuyến giáp

Thế nào là dấu hiệu tuyến giáp có vấn đề?

Theo nghiên cứu, khoảng 30% dân số từ 18 - 65 tuổi mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Đặc biệt, gần 50% trường hợp bệnh lý tuyến giáp không được chẩn đoán kịp thời dẫn đến tình trạng khó khăn trong quá trình điều trị và dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn khi phát hiện. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu khi tuyến giáp đang gặp vấn đề là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số dấu hiệu bạn nên chú ý, bao gồm:

Viêm sưng ở cổ

Viêm sưng ở cổ thường là một trong những biểu hiện rõ ràng của các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp như bướu giáp hoặc viêm giáp. Các bệnh nêu trên có thể gây ra cảm giác khó thở hoặc khó nói.

the-nao-la-dau-hieu-tuyen-giap-co-van-de 4
Thế nào là dấu hiệu tuyến giáp có vấn đề?

Đau cơ khớp và hội chứng viêm cánh tay

Đau cơ khớp là một trong những dấu hiệu của bệnh tuyến giáp. Người mắc bệnh suy giáp thường cảm thấy tê ngứa ở cánh tay do thiếu hormone tín hiệu, trong khi người mắc cường giáp có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển và cảm giác cứng khớp.

Tình trạng tóc và da yếu

Bệnh tuyến giáp có thể làm cho tóc trở nên giòn, xơ và da khô, bong tróc do sự thay đổi hormone, từ đó dẫn đến rụng tóc và làm da trở nên nhạy cảm hơn.

Rối loạn kinh nguyệt và nguy cơ vô sinh

Sự rối loạn về kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều, hay quá ngắn hoặc quá dài, có thể bạn đang gặp vấn đề về tuyến giáp. Bên cạnh đó, sự thay đổi hormone cũng có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến vô sinh.

Giảm ham muốn tình dục

Bệnh tuyến giáp có thể làm mất cân bằng hormone, đặc biệt là estrogen, từ đó gây ra tình trạng giảm ham muốn tình dục và vô sinh đồng thời là sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.

the-nao-la-dau-hieu-tuyen-giap-co-van-de 5
Giảm ham muốn tình dục là một trong những dấu hiệu nên được chú ý

Thay đổi lượng cholesterol

Người mắc bệnh tuyến giáp thường có tỷ lệ cholesterol không bình thường trong máu. Nếu bạn không kiểm soát được nồng độ cholesterol mặc dù đã điều trị, bạn nên thăm vấn ý kiến của bác sĩ.

Các vấn đề về đường ruột

Hormone tuyến giáp cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dẫn đến vấn đề về đường ruột. Người mắc bệnh tuyến giáp thường gặp các vấn đề như táo bón hoặc tiêu chảy.

Tăng huyết áp

Hormone từ tuyến giáp cũng có thể gây ra tăng huyết áp, ảnh hưởng đến tim mạch. Nếu bạn có vấn đề với huyết áp, hãy cân nhắc khả năng mắc bệnh tuyến giáp.

Mệt mỏi và tình trạng tâm thần

Bệnh tuyến giáp có thể gây ra các vấn đề về tâm thần như trầm cảm và lo âu. Sự thay đổi hormone có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc của bạn.

Thay đổi cân nặng

Bệnh tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Người mắc cường giáp thường cảm thấy đói và sụt cân, trong khi người mắc suy giáp có thể tăng cân mặc dù không ăn nhiều.

Bài viết đã cung cấp các thông tin xung quanh câu hỏi “Thế nào là dấu hiệu tuyến giáp có vấn đề?”. Qua bài viết, việc nhận biết các dấu hiệu bất thường của tuyến giáp là vô cùng quan trọng để duy trì và bảo vệ sức khỏe. Do đó, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tự ý sử dụng thuốc điều trị nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về tuyến giáp của mình. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin