Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh tuyến giáp là gì? Người mắc bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì?

Ngày 15/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện nay trên thế giới có khoảng 42 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Trong đó có 4 bệnh chính là bướu giáp đơn thuần, suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp Hashimoto. Về vấn đề dinh dưỡng, mọi người thường thắc mắc bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì?

Trong việc điều trị bệnh tuyến giáp, chế độ ăn uống rất quan trọng và được nhiều người quan tâm. Vậy bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé.

Bệnh tuyến giáp là gì?

Trước khi tìm hiểu người bị bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì thì hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin về căn bệnh này nhé.

Tuyến giáp có chức năng sản xuất các hormone duy trì việc trao đổi chất cho cơ thể. Bệnh tuyến giáp xảy ra khi có sự thay đổi cấu trúc mô học dẫn đến chức năng bị rối loạn.

Bệnh tuyến giáp là gì? Người mắc bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì? 1
Bệnh tuyến giáp xảy ra khi có sự rối loạn chức năng tuyến giáp

Nếu tuyến giáp tạo ra quá ít hormone sẽ gây ra bệnh suy giáp. Người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, tăng cân, kém chịu với nhiệt độ lạnh.

Ngược lại, khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, cơ thể sẽ bị cường giáp. Người bệnh sử dụng năng lượng quá nhanh cũng khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, nhịp tim nhanh và sụt cân. Hai rối loạn chính này của tuyến giáp do các nguyên nhân khác nhau gây ra.

Người mắc bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì?

Người mắc bệnh tuyến giáp nên xây dượng một chế độ ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng, ngăn chặn bệnh tái phát và tiến triển nặng. Dưới đây là một số thực phẩm nếu bị bệnh tuyến giáp nên kiêng ăn.

Bệnh tuyến giáp là gì? Người mắc bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì? 2
Người bị bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì?

Đậu nành

Đậu nành và các thực phẩm được chế biến từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hũ, nước tương… thường không tốt cho người có bướu giáp. Trong đậu nành có chất goitrogens, cản trở sự xâm nhập của i-ốt vào tuyến giáp khiến cổ phình to.

Hơn nữa, chất này còn làm giảm hấp thu thuốc điều trị tuyến giáp ở ruột. Ngoài ra, đậu nành cũng chứa thành phần phytoestrogen, có khả năng tương tự như estrogen, do đó chúng can thiệp vào hoạt động bình thường của tuyến giáp. Các thành phần khác như isoflavone trong đậu nành cũng có thể gây hại cho sức khỏe người bệnh.

Các loại thực phẩm đông lạnh hoặc được chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn có thể gây hại cho cả người khỏe mạnh và người bệnh tuyến giáp. Nguyên nhân là các thực phẩm này chứa calo rỗng, một số chất phụ gia không tốt cho cơ thể.

Thức ăn nhanh chứa một lượng lớn chất béo, làm quá trình sản xuất thyroxin ở tuyến giáp bị chậm lại hoặc cản trở tác dụng của một số loại thuốc điều trị. Hơn nữa, thực phẩm chế biến sẵn cũng không mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy, người mắc bệnh tuyến giáp không nên lựa chọn đồ chế biến sẵn.

Bệnh tuyến giáp là gì? Người mắc bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì? 3
Người bị bệnh tuyến giáp không nên ăn đồ đông lạnh

Các loại rau họ cải

Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, cải xoăn, củ cải… chứa nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên các chất này có thể cản trở quá trình sản xuất hormone tuyến giáp, ngăn chặn tuyến giáp sử dụng i-ốt.

Tuy nhiên, cơ thể người cũng cần tiêu thụ một lượng rau họ cải nhất định để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu người bệnh mắc cả chứng suy giáp và thiếu i-ốt thì phải nấu chín các loại rau này để làm giảm tác dụng của chúng đối với tuyến giáp. Để tuyến giáp không bị ảnh hưởng, mỗi ngày nên bổ sung khoảng 142 gram rau họ cải.

Thực phẩm chứa nhiều đường

Thực phẩm chứa hàm lượng đường rất cao như kẹo, bánh ngọt, bánh quy, đồ uống có ga… gây ảnh hưởng nhiều đến bệnh tuyến giáp. Chúng khiến lượng đường trong máu tăng cao, dẫn đến tăng cân và một số bệnh lý khác. Ngoài ra, tuyến tụy, gan cũng có thể bị ảnh hưởng nếu ăn quá nhiều đường tinh luyện.

Việc giảm đồ ăn chứa nhiều đường không phải dễ. Tuy nhiên người bệnh nên sử dụng các đồ ăn lành mạnh, có hàm lượng đường thấp. Một số thực phẩm mọi người có thể tham khảo là trái cây, rau, protein nạc trong ức gà, cá…

Lúa mạch, lúa mì, mì ống

Gluten có hàm lượng lớn trong các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen... Người mắc bệnh suy giáp nên giảm lượng gluten nạp vào cơ thể. Gluten có thể gây kích ứng ruột non dẫn đến cản trở sự hấp thụ thuốc. Bên cạnh đó, chế độ ăn không có gluten sẽ mang lại hiệu quả tốt cho phụ nữ đang điều trị bệnh tuyến giáp.

Ngoài ra, nếu người bệnh đang uống thuốc điều trị suy giáp thì cần ăn các thực phẩm giàu chất xơ trước vài giờ để ngăn sự hấp thụ hormone tuyến giáp tổng hợp.

Các loại đậu và rau

Ăn đủ chất xơ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên khi ăn quá nhiều chất xơ có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị suy giáp. Những người có độ tuổi từ 50 trở xuống nên bổ sung từ 25 – 40 gram chất xơ mỗi ngày. Lượng chất xơ đến từ các nguyên liệu như ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và các loại đậu.

Nếu cần phải ăn kiêng nhiều chất xơ, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để tăng liều thuốc cao hơn vì có thể cơ thể đang không hấp thụ thuốc tốt.

Đồ uống và các chất kích thích

Đồ uống, thực phẩm chứa caffeine như cà phê, trà, socola… có thể làm các triệu chứng của bệnh cường giáp nặng lên. Người bệnh có triệu chứng tim đập nhanh và cảm thấy khó chịu. Mọi người có thể thay thế các đồ uống trên bằng nước ép, trà thảo mộc tự nhiên…

Rượu có thể ức chế chức năng của tuyến giáp và giảm sản xuất hormone. Uống rượu nhiều cũng sẽ làm hỏng các tế bào tuyến giáp, dẫn đến giảm tổng lượng hormone tuyến giáp (T3, T4) trong máu, gây ra chứng suy giáp.

Người bệnh tuyến giáp nên ăn gì?

Ngoài vấn đề bị bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì, mọi người cũng quan tâm đến các thực phẩm nên bổ sung cho người bệnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp, người bệnh có thể lựa chọn:

Thực phẩm giàu i-ốt

I-ốt giúp cân bằng hoạt động tuyến giáp bằng cách kích thích tuyến này sản sinh các hormone và giảm sự hình thành các khối u.

Mặc dù những thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, hải sản rất tốt cho người bị bướu giáp nhưng không nên dùng cho bệnh nhân cường giáp. I-ốt cần thiết cho tuyến giáp nhưng nó chỉ mang lại lợi ích khi sử dụng hợp lý trong bữa ăn hàng ngày.

Với người bệnh đang điều trị bằng i-ốt phóng xạ nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ điều trị để bổ sung lượng i-ốt phù hợp.

Bệnh tuyến giáp là gì? Người mắc bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì? 4
Những người bị bướu giáp nên bổ sung thực phẩm giàu i-ốt như rong biển

Rau lá xanh

Chế độ ăn của người bệnh ung thư tuyến giáp cũng cần bổ sung các loại rau lá xanh vì đây là những thực phẩm chứa nhiều magie, khoáng chất. Rau xanh cung cấp các loại dưỡng chất, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp và cơ thể diễn ra tốt hơn.

Các loại rau có màu xanh đậm người bệnh nên bổ sung như rau muống, rau mồng tơi, rau diếp cá… Khi cơ thể được bổ sung magie thì các triệu chứng nhịp tim không đều, đau cơ, mệt mỏi, sẽ được cải thiện. Ngoài ra các loại rau xanh cũng chứa nhiều vitamin, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và tăng đề kháng cho cơ thể.

Các loại hạt

Ngoài rau xanh, các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, hạt bí… cũng là nguồn cung cấp magie rất tốt cho cơ thể. Hơn nữa, trong các loại hạt này cũng chứa nhiều protein thực vật, vitamin E, vitamin B và khoáng chất, hỗ trợ tuyệt vời cho hoạt động của tuyến giáp.

Để việc điều trị có kết quả tốt nhất, mọi người phải chú ý rất nhiều đến chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, luôn vui vẻ, lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Hy vọng bài viết đã mang lại nhiều kiến thức cho người đọc về vấn đề bị bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì. Mọi người hãy đón chờ các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập các thông tin bổ ích khác nhé.

Xem thêm: Những loại trái cây tốt cho tuyến giáp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm