Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Thị giác là gì? Những đặc điểm cơ bản của thị giác

Ngày 20/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mắt là bộ phận chính để thực hiện giác quan thị giác, được con người sử dụng để quan sát thế giới xung quanh. Đằng sau đó là một hệ thống thần kinh phức tạp để nhanh chóng cảm nhận được những chi tiết quan trọng. Để hiểu rõ thị giác là gì? Những đặc điểm cơ bản của thị giác, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.

Mắt là cửa sổ tâm hồn và là một trong 5 cơ quan quan trọng trong cơ thể, cụ thể là thị giác. Thị giác giữ vai trò quan trọng trong việc nhìn, quan sát, thu nhận hình ảnh và gửi thông tin đến não bộ. Để hiểu rõ hơn về thị giác là gì? Những đặc điểm cơ bản của thị giác sẽ được trình bày cụ thể trong bài viết dưới đây.

Thị giác là gì?

Thị giác là bộ phận quan trọng hàng đầu trong giác quan của con người, là khả năng tiếp nhận và diễn giải thông tin từ ánh sáng truyền vào mắt. Thị giác được cấu thành từ nhiều bộ phận khác nhau tạo thành một tổng thể gọi là hệ thị giác. Thị giác hay còn được gọi là thị lực, sự nhìn và bộ phận đảm nhiệm chức năng này là mắt.

Thị giác là gì? Những đặc điểm cơ bản của thị giác 1
Thị giác là một trong 5 giác quan cơ bản của con người

Hệ thị giác hoạt động bắt đầu khi thấu kính của mắt điều chỉnh để thu được hình ảnh của sự vật hay cảnh vật xung quanh vào một màng lưới nhạy cảm ánh sáng nằm ở phía sau mắt hay còn gọi là võng mạc. Võng mạc được cấu tạo từ nhiều tế bào nhạy với tác nhân ánh sáng và hoạt động tách biệt so với não bộ, đảm nhiệm vai trò chuyển đổi hình ảnh từ ảnh sáng thành các tín hiệu thần kinh. Thông qua các dây thần kinh thị giác võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích ở não.

Đặc điểm giải phẫu của thị giác

Mắt là bộ phận đảm nhiệm hoạt động của thị giác. Cấu tạo của mắt bao gồm các bộ phận:

  • Mống mắt: Đây là bộ phận nằm ở phía sau giác mạc và quyết định màu sắc của mắt. Một số màu mắt phổ biến như đen, nâu, xanh dương, xanh lục...
  • Giác mạc: Đây là lớp trong suốt kéo dài trên mống mắt.
  • Đồng tử: Hay còn gọi là tròng đen hoặc con ngươi, là vòng tròn nằm giữa trung tâm của mống mắt với khả năng co hoặc giãn ra để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt.
  • Củng mạc: Đây là lớp màu trắng bao quanh mống mắt.
  • Kết mạc: Là lớp mô mỏng, trong suốt nằm ở bên trong mí mắt và bao phủ củng mạc.
  • Thuỷ tinh thể: Là bộ phận nằm ở phía sau đồng tử với chức năng như một thấu kính hội tụ ánh sáng và đưa đến võng mạc.
  • Võng mạc: Bộ phận này tập hợp các tế bào hình que (giúp mắt nhìn được trong điều kiện thiếu sáng) và tế bào hình nón (là những tế bào phát hiện màu sắc) nằm ở bên trong đáy mắt giúp cảm nhận ánh sáng và chuyển nó thành xung điện hoặc tín hiệu thần kinh.
  • Điểm vàng: Đây là một phần của võng mạc, đảm nhiệm vai trò chịu trách nhiệm về tầm nhìn trung tâm, đồng thời giúp nhìn rõ các chi tiết cũng như màu sắc đẹp.
  • Dây thần kinh thị giác: Nằm ở phía sau võng mạc với chức năng mang tín hiệu đến não và phân tích những thông tin hình ảnh này để biết đang diễn ra điều gì.
  • Các cơ kiểm soát chuyển động của mắt: Giúp kiểm soát lượng ánh sáng đi vào và khả năng tập trung của mắt.
  • Dịch kính: Là một loại gel trong suốt phủ đầy toàn bộ mắt với chức năng bảo vệ và duy trì hình dạng của mắt.
Thị giác là gì? Những đặc điểm cơ bản của thị giác 2
Đặc điểm cấu tạo của mắt

Hoạt động của mắt

Các bộ phận cấu tạo của mắt sẽ phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ thị giác, quan sát hình ảnh và gửi thông tin đến não bộ. Quá trình này diễn ra nhanh chóng và nhịp nhàng.

Bắt đầu bằng việc ánh sáng đi vào mắt qua giác mạc và đến thuỷ tinh thể. Đồng tử lúc này sẽ giãn lớn hơn để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt. Đồng thời giác mạc và thuỷ tinh thể sẽ khúc xạ ánh sáng để tập trung vào những gì cần nhìn thấy. Khi ánh sáng được truyền tới võng mạc sẽ được biến đổi thành các tín hiệu xung điện. Dây thần kinh sau đó sẽ mang tín hiệu này từ mắt đến phần não chịu trách nhiệm về thị giác, cụ thể là vỏ não thị giác. Não bộ sẽ có nhiệm vụ giải thích những thông tin thu nhận được và giải mã, phân tích chúng để hiểu rõ những gì mắt đã nhìn thấy.

Một số bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng thị giác

Đục thuỷ tinh thể

Là hiện tượng thuỷ tinh thể của mắt bị mờ, làm ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt. Đây là một trong những nguyên nhân gây mù loà hàng đầu trên thế giới. Đục thuỷ tinh thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và phổ biến nhất là đối tượng người lớn trên 50 tuổi.

Một số triệu chứng của đục thuỷ tinh thể bao gồm:

  • Tầm nhìn bị mờ, có mây;
  • Khó nhìn vào ban đêm;
  • Nhạy cảm với ánh sáng mạnh và có thể làm thay đổi cách nhìn thấy màu sắc.

Một phương pháp điều trị phổ biến đó là phẫu thuật để loại bỏ hoặc thay thế thuỷ tinh thể bằng thuỷ tinh thể nhân tạo, tỷ lệ thành công lên đến hơn 90%.

Thị giác là gì? Những đặc điểm cơ bản của thị giác 2
Đục thuỷ tinh thể là một trong những bệnh lý hàng đầu gây đục thuỷ tinh thể

Bệnh võng mạc

Đây là một bệnh lý phổ biến ở những người bệnh đái tháo đường. Khi lượng đường trong máu tăng cao trong một khoảng thời gian dài khiến các mạch máu ở võng mạc bị tổn thương.

Triệu chứng của bệnh bao gồm tầm nhìn mờ hoặc bị méo mó, mù màu sắc hoặc nhìn màu sắc nhạt dần, tầm nhìn vào ban đêm kém, có đốm hoặc vệt tối nhỏ trong tầm mắt, khó đọc chữ hoặc nhìn vật ở xa… Điều trị bệnh lý này bằng thuốc hoặc phẫu thuật để điều chỉnh hoặc thu nhỏ mạch máu ở võng mạc.

Tăng nhãn áp Glaucoma (thiên đầu thống, cườm nước)

Tăng nhãn áp do áp suất chất lỏng ở trong mắt tăng cao hơn bình thường, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác và ảnh hưởng đến đường truyền thông tin, hình ảnh đến não. Nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, Glaucoma có thể làm giảm thị lực, hay thậm chí là mù ở một hoặc cả hai mắt.

Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm đau mắt, nhức mắt, đỏ mắt, thị lực kém, có quầng sáng xung quanh đèn trong tầm nhìn, buồn nôn và ói mửa. Phương pháp điều trị bệnh là tập trung vào việc làm giảm nhãn áp bằng thuốc nhỏ mắt, liệu pháp laser và phẫu thuật.

Có hai loại bệnh tăng nhãn áp chính, bao gồm:

  • Tăng nhãn áp góc mở: Bệnh tiến triển âm thầm, không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, khi phát hiện bệnh hầu hết đã trở nặng.
  • Tăng nhãn áp góc đóng: Bệnh xảy ra đột ngột, cấp tính, gây đau đớn và mất thị lực nhanh chóng.
Thị giác là gì? Những đặc điểm cơ bản của thị giác 3
Bệnh thường chỉ được phát hiện trong các buổi khám mắt định kỳ hoặc khi bệnh đã tiến triển, ảnh hưởng đến thị lực

Viêm dây thần kinh thị giác

Là tình trạng dây thần kinh ở mắt bị viêm hoặc kích ứng. Viêm dây thần kinh thị giác xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 20 - 40. Bệnh thường xảy ra ở một bên mắt, gây mất thị lực trong vài ngày và có thể ngừng tiến triển sau 1 - 2 tuần. Một số triệu chứng của bệnh, bao gồm nhìn mờ, mất một phần hoặc toàn bộ thị lực, làm giảm khả năng phân biệt màu sắc, khiến mắt khó nhìn hơn vào buổi tối.

Ngoài những bệnh trên, một số bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến thị giác của con người như viễn thị, cận thị, loạn thị,thoái hoá võng mạc, teo dây thần kinh thị giác, xuất huyết võng mạc, quáng gà, khô mắt, lác mắt…

Bài viết vừa rồi đã cung cấp những thông tin cơ bản về thị giác là gì. Những đặc điểm cơ bản của thị giác. Nhờ có thị giác mà con người có thể hoạt động và thực hiện nhiều yêu cầu trong cuộc sống. Hãy chú ý chăm sóc cũng như kiểm tra sức khoẻ của mắt định kỳ để đảm bảo chức năng của mắt.

Xem thêm: Khứu giác là gì? Những bệnh lý ảnh hưởng đến khứu giác?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin