Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thở bằng miệng có hại không? Làm sao để khắc phục?

Ngày 28/09/2024
Kích thước chữ

Bạn có thường xuyên bị khô miệng, họng, hoặc cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi ngủ? Nếu vậy, có thể bạn đang có thói quen thở bằng miệng. Liệu việc thở bằng miệng có gây hại cho sức khỏe hay không? Cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết này.

Thở bằng miệng là thói quen phổ biến ở rất nhiều người nhưng không phải ai cũng nhận biết được. Thói quen tưởng chừng như vô hại này lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể, gây ra các vấn đề về răng miệng và làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Đừng lo lắng! Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng thở bằng miệng. Nhờ đó, mang lại hơi thở thơm tho và nâng cao chất lượng cuộc sống nhé!

Nguyên nhân gây thở bằng miệng

Người bình thường dù là khi thức hay ngủ thì đều duy trì được nhịp thở đều, ổn định, hơi thở đi vào từ mũi, đi qua các phòng tuyến bảo vệ là: Lông mũi, cuống mũi, xoang mũi, rồi mới đến phổi. Tuy nhiên, vẫn có không ít người sử dụng miệng như một cơ quan để hô hấp. Điều này bắt nguồn từ một số nguyên nhân phổ biến là:

Nghẹt mũi

Theo các chuyên gia sức khỏe, lý do tiêu biểu nhất lý giải cho tình trạng thở bằng miệng là mũi bị tắc. Trường hợp này thường xảy ra ở những người mắc bệnh viêm xoang mãn tính, bị cảm lạnh hoặc nghẹt mũi dai dẳng. 

Ngoài ra, khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng như: Phấn hoa, thức ăn, không khí ô nhiễm,... người bệnh cũng có xu hướng thở bằng miệng trong vô thức do các chất này đi vào đường hô hấp gây tắc mũi.

Thở bằng miệng có hại không? Làm sao để khắc phục? 1
Người bị nghẹt mũi thường có xu hướng thở bằng miệng

Bệnh hen suyễn

Hen suyễn xảy ra khi lớp niêm mạc của ống phế quản bị sưng, viêm do phản ứng lại với những tác nhân kích thích. Lúc này, ống phế quản sẽ thu nhỏ lại để ngăn chặn sự xâm nhập của các yếu tố có hại, nhưng đồng thời lại làm giảm lượng không khí lưu thông, gây khó thở ở người bệnh. Do đó, để thích ứng với cơ chế của cơ thể, họ buộc phải thở bằng miệng.

Lệch vách ngăn

Vách ngăn có cấu tạo gồm sụn và xương, chia mũi thành hai bên đều nhau. Khi vách ngăn bị lệch hoặc nghiêng sang một bên, đường thở sẽ ngay lập tức bị chặn lại.

Polyp mũi

Polyp mũi thường phát triển trong đường mũi nên sẽ cản trở không khí lưu thông qua mũi. Đây là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh lý viêm đường hô hấp, hen suyễn, dị ứng và rối loạn miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, kích thước của polyp mũi sẽ to lên nhanh chóng, hình thành nên thói quen thở bằng miệng ở người bệnh.

Mắc dị vật trong mũi

Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ, khi trẻ tò mò, hiếu động, vô tình tự làm tắc mũi bằng cách đút các loại hạt nhỏ hoặc các vật thể lạ vào trong lỗ mũi.

Thở bằng miệng có hại không? Làm sao để khắc phục? 2
Mắc dị vật trong mũi thường gặp ở trẻ em, khiến trẻ phải thở bằng miệng

Sưng vòm họng

Vòm họng được hiểu đơn giản là các tuyến gồm các cục mô nhỏ nằm phía trên vòm miệng và phía sau mũi. Chức năng chính của cơ quan này là bảo vệ hệ hô hấp khỏi sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Do đó, khi tiếp xúc với các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài, vòm họng có thể bị sưng hoặc nhiễm trùng, dẫn đến chặn đường thở.

Mặc dù vậy, tình trạng này thường chỉ xuất hiện ở trẻ em do cơ chế thu hẹp dần của vòm họng khi con người bước vào độ tuổi trưởng thành.

Sứt môi, hở hàm ếch

Đây là những dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc của miệng. Nếu không tiến hành phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ phải kéo dài tình trạng thở bằng miệng suốt đời.

Thở bằng miệng có hại không?

Việc thở bằng miệng quả thực không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, nhưng thói quen này lại để lại những hậu quả khôn lường về lâu dài. Cụ thể:

Gây khô miệng, hôi miệng

Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất để phát hiện thói quen thở bằng miệng là tình trạng khô miệng, khô cổ họng và hôi miệng sau khi ngủ dậy. Theo Hiệp hội Nha khoa, thở bằng miệng còn làm tăng nguy cơ sâu răng, do khoang miệng bị thiếu hụt nước bọt để rửa sạch vi khuẩn khỏi răng. Điều này đồng nghĩa với việc mảng bám trên răng sẽ tích tụ nhanh chóng, dẫn đến phá hủy cấu trúc răng.

Thở bằng miệng có hại không? Làm sao để khắc phục? 3
Thở bằng miệng gây khô miệng, hôi miệng

Làm sai lệch khớp cắn ở trẻ em

Theo thống kê của các trung tâm chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ trẻ em thở bằng miệng đã tăng lên đến 25%. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sức khỏe Răng miệng Quốc tế cũng đã chỉ ra rằng, trẻ em thở bằng miệng thường có răng cửa mọc lệch về trước nhiều hơn so với trẻ thở bằng mũi bình thường.

Lâu dần, thói quen này sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng là sai lệch khớp cắn, là tình trạng hàm trên và hàm dưới của răng không khớp nhau. Từ đó, gây khó khăn cho trẻ trong việc giao tiếp, nhai, cắn hàng ngày và làm giảm tính thẩm mỹ trên khuôn mặt.

Gây viêm nướu

Khi thở bằng miệng, không khí đi vào khoang miệng có thể khiến nướu bị khô và dẫn tới viêm, sưng nướu. Dấu hiệu để nhận biết tình trạng này là nướu sưng đỏ và che mất một phần răng.

Thở bằng miệng có hại không? Làm sao để khắc phục? 4
Viêm nướu cũng là một hậu quả của việc thở bằng miệng

Chứng ngưng thở khi ngủ

Những người thở bằng miệng không chỉ dễ dàng bị rối loạn giấc ngủ, mà còn phải đối mặt với chứng ngưng thở khi ngủ. Cũng bởi khi thở bằng miệng, não sẽ cho rằng cơ thể đang bị mất carbon dioxide (CO2) quá nhanh. Vì vậy mà não bộ sẽ ra lệnh ức chế trung tâm hô hấp, dẫn đến ngưng thở khi ngủ.

Cách khắc phục tình trạng thở bằng miệng

Việc khắc phục tình trạng thở bằng miệng sao cho hiệu quả, triệt để còn phụ thuộc vào từng nguyên nhân hình thành nên thói quen này. Đó là:

  • Đối với nguyên nhân bệnh lý, người bệnh cần thăm khám kỹ càng và điều trị theo phác đồ của các bác sĩ.
  • Sử dụng miếng dán mũi để chống nghẹt mũi, hoặc miếng dán miệng nếu thở bằng miệng khi ngủ bắt nguồn từ cấu trúc hàm.
  • Nằm nghiêng khi ngủ hoặc dùng gối kê cao đầu để đường thở được thông thoáng.
  • Lưu ý đặt lưỡi chạm mặt sau của răng cửa trên.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã nắm rõ được những nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục thói quen thở bằng miệng. Việc nhận thức và thay đổi thói quen tưởng chừng nhỏ bé này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn đấy! 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin