Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khó thở nên làm gì? Những điều bạn cần chú ý khi bị khó thở

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khó thở có thể do hoạt động gắng sức nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây khó thở và khó thở nên làm gì để đảm bảo an toàn.

Triệu chứng khó thở có thể ập đến bất ngờ hay từ từ xuất hiện. Cơn khó thở có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi gặp tình trạng này, những thông tin bạn nên tìm hiểu sẽ gồm nguyên nhân gây khó thở, khó là là biểu hiện của bệnh lý nào và khi bị khó thở nên làm gì.

Tình trạng khó thở là gì? Ai dễ bị khó thở?

Khó thở là gì? Khó thở là cảm giác thấy khó khăn khi hít thở. Khi đó, quá trình trao đổi oxy với môi trường bị ảnh hưởng làm người bệnh thấy hụt hơi, nghẹt thở, phải gắng sức để thở. Một số người gặp triệu chứng tức ngực, khò khè, thở dốc, vã mồ hôi, tim đập nhanh, da xanh tái, thiếu tỉnh táo.

Khó thở nên làm gì? Những điều bạn cần chú ý khi bị khó thở 1
Khó thở có nguy hiểm không còn tùy trường hợp cụ thể

Ở một người khỏe mạnh, nhịp thở mỗi phút thường đạt 16 - 20 lần. Nhưng ở những người khó thở, nhịp thở sẽ tăng nhanh nhanh lại có hiện tượng thở gấp, thở hụt hơi. Triệu chứng khó thở có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta và xảy ra vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng được cho là dễ bị khó thở hơn những người khác như:

  • Người đang vận động với cường độ cao như lao động gắng sức, đang tập thể dục, đang di chuyển trên địa hình khó,…
  • Khó thở khi nằm xảy ra với những người đang gặp các vấn đề về đường thở, hệ hô hấp.
  • Những ai phải sống trong môi trường ngột ngạt, không khí ô nhiễm cũng thường xuyên bị khó thở.
  • Thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ môi trường quá lạnh, không khí quá loãng cũng gây khó khăn cho việc hít thở. Những người sinh sống ở địa hình này sẽ bị khó thở khá thường xuyên.
  • Người thừa cân béo phì hay bị khó thở.

Nguyên nhân thường gặp gây tình trạng khó thở

Trước khi giải đáp thắc mắc khó thở nên làm gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lý do dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân gây khó thở rất đa dạng và sẽ khác nhau trong các trường hợp khó thở cấp tính và khó thở mãn tính.

Nguyên nhân thông thường

Có thể kể đến những nguyên nhân thường gặp nhất khiến ai đó bị khó thở như:

  • Nếu cơ thể đang trong trạng thái lo lắng, căng thẳng, hồi hộp quá mức, bạn cũng dễ bị khó thở tạm thời.
  • Các dị vật bị mắc kẹt trong đường hô hấp có thể cản trở đường lưu thông của không khí gây khó thở.
  • Một số trường hợp bị dị ứng thức ăn, dị ứng hóa chất, dị ứng phấn hoa, lông thú,… Khi đó, đường thở cũng có thể bị sưng phù, làm cản trở đường đi của không khí dẫn đến khó thở.
  • Những người bị ngộ độc khí CO (Cacbon Monoxit) sẽ có triệu chứng khó thở và những triệu chứng khác như: Buồn nôn, nhức đầu, tức ngực, co giật, mất ý thức,...
  • Nếu bị thừa cân béo phì, quanh khu vực đường hô hấp sẽ có lượng mỡ đáng kể phân bố. Chúng làm hẹp đường thở và khiến người béo phì thường xuyên cảm thấy khó thở.
Khó thở nên làm gì? Những điều bạn cần chú ý khi bị khó thở 2
Khó thở có thể xuất phát từ tình trạng nghẹt đường thở

Khó thở do nguyên nhân bệnh lý

Chứng khó thở diễn ra trong thời gian hơn 1 tháng có thể đã diễn tiến thành mãn tính. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể xuất phát từ bệnh lý và câu trả lời cho câu hỏi khó thở nên làm gì sẽ khác nhiều. Có thể kể đến các bệnh liên quan gây khó thở như:

  • Thiếu máu: Bệnh thiếu máu khiến tim, phổi phải làm việc liên tục để cung cấp đủ máu và oxy nuôi cơ thể. Điều này khiến tim, phổi chịu nhiều áp lực và dẫn đến khó thở.
  • Tình trạng khó thở ở người già có thể xuất phát từ các bệnh tim mạch hay huyết áp như: Tăng huyết áp, viêm cơ tim, bệnh mạch vành, giãn cơ tim, suy tim, viêm màng tim,…
  • Một số bệnh lý liên quan trực tiếp đến phổi thường gây khó khăn khi hít thở như: Bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi kẽ, thuyên tắc phổi do cục máu đông, vỡ phổi, viêm màng phổi, ung thư phổi, lao phổi, phù phổi, bệnh u hạt trên phổi,…
  • Người bị thoát vị hoành cũng bị khó thở vì một phần của dạ dày nhô lên lồng ngực, chèn ép vào phổi.
Khó thở nên làm gì? Những điều bạn cần chú ý khi bị khó thở 3
Cần cẩn trọng với khó thở do bệnh lý

Khó thở nên làm gì để đảm bảo an toàn?

Những người thường xuyên bị khó thở hoặc khó thở mãn tính nên tìm hiểu khó thở nên làm gì để chủ động bảo vệ sức khỏe. Nếu khó thở mức độ nhẹ và mới xuất hiện thoáng qua, người bệnh có thể áp dụng các cách trị khó thở​ tại nhà như:

Nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái

Ngay khi thấy khó thở, việc người bệnh cần làm là chọn tư thế nghỉ ngơi thoải mái nhất. Cụ thể là:

  • Bạn nên ngồi thả lỏng vai, tay đặt lên đùi, lưng thẳng, ngực hơi ưỡn về trước. Ngoài ra, bạn có thể ngồi tựa lưng vào tường, cơ thể thả lỏng, đầu hơi cúi về trước. Các tư thế này giúp giảm áp lực ở vùng ngực và việc hít thở sẽ dễ dàng hơn.
  • Nhẹ nhàng nằm xuống nghỉ, gối kê cao với độ dốc từ 30 - 60 độ.

Hít sâu, điều chỉnh nhịp thở

Khi khó thở và thở nông, bạn nên điều chỉnh nhịp thở bằng cách thở sâu. Bạn có thể ngồi hoặc nằm khi tập thở sâu. Một tay bạn đặt lên ngực, 1 tay đặt lên bụng sẽ giúp cảm nhận nhịp thở dễ hơn. Bạn hít vào bằng mũi hết sức để hơi căng phồng bụng, sau đó thở ra bằng miệng để bụng xẹp hết sức có thể. Bài tập thở sâu và hít bằng mũi, thở bằng miệng thực hiện trong 10 phút sẽ giúp ổn định lại nhịp thở bình thường.

Khó thở nên làm gì? Những điều bạn cần chú ý khi bị khó thở 4
Hít sâu là bài tập tốt cho những ai chưa biết khó thở nên làm gì

Xông mũi để cảm thấy dễ thở

Bị khó thở nên làm gì nếu nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý đường hô hấp? Cách được chuyên gia gợi ý chính là xông mũi bằng các loại tinh dầu. Lựa chọn tốt nhất là tinh dầu bạc hà, tinh dầu tràm trà. Những giọt tinh dầu tí hon sẽ theo hơi nước đi lên đường hô hấp, làm thông thoáng đường thở. Những thành phần kháng khuẩn, kháng nấm, ngừa viêm trong tinh dầu thiên nhiên cũng hỗ trợ giảm các triệu chứng khác của bệnh.

Dùng thực phẩm chữa khó thở

Một số loại thực phẩm tốt cho những ai bị khó thở như gừng, sả, cà phê,… Cafein được chứng minh có tác dụng làm giãn phế quản tương tự methylxanthines. Gừng, sả cũng có tinh dầu thiên nhiên có tác dụng làm thông thoáng đường thở, kháng khuẩn ngừa viêm, tăng cường đề kháng. Bạn có thể uống một tách trà gừng ấm, trà sả ấm mỗi ngày để giảm triệu chứng khó thở.

Chữa khó thở theo từng bệnh lý

Những bệnh nhân bị hen suyễn nên luôn mang theo bình xịt giãn phế quản bên mình để dùng khi cơn hen ập đến. Ngoài ra, khó thở đến từ những bệnh lý nghiêm trọng khác cần có cách điều trị khác nhau. Nếu khó thở kéo dài, bạn nên đi khám để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan. Chỉ khi các bệnh lý này được điều trị triệt để, chứng khó thở mới không tái phát.

Khó thở do nguyên nhân nào? Khi khó thở nên làm gì 5
Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra bệnh lý gây khó thở

Khi biết nguyên nhân gây khó thở, bạn sẽ bình tĩnh hơn khi xử lý cơn khó thở tại nhà. Nếu cơn khó thở đến đột ngột, dữ dội kèm theo triệu chứng buồn nôn, ngất xỉu, tím tái, không thể nói chuyện, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức. Một số trường hợp, người bị khó thở cần được cấp cứu kịp thời để tránh gặp tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Với bài viết trên đây, hy vọng bạn đã biết nguyên nhân gây khó thở thường gặp nhất là gì? Khi bị khó thở nên làm gì để ổn định lại nhịp thở. Nhịp thở là một trong những dấu hiệu sinh tồn quan trọng nhất của con người bên cạnh huyết áp, mạch, chỉ số bão hòa oxy trong máu, nhiệt độ cơ thể. Vì vậy, dù là người khỏe mạnh, cũng đừng quên theo dõi nhịp thở.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm