Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thoái hóa điểm vàng là bệnh gì? Những dấu hiệu thoái hóa điểm vàng

Ngày 26/02/2022
Kích thước chữ

Trong giai đoạn đầu của bệnh thoái hóa điểm vàng, bạn sẽ không dễ dàng nhận ra vì triệu chứng khá mờ nhạt. Dưới đây là những dấu hiệu thoái hóa điểm vàng mà bạn có thể tham khảo.

Thoái hóa điểm vàng là một bệnh lý tuy không nguy hiểm nhưng lại rất khó điều trị hoàn toàn, và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Thị lực của bạn sẽ bị giảm sút nhanh chóng, tầm nhìn xung quanh không rõ ràng và bị méo mó. Thông thường, bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng rất khó nhận ra bệnh. Chỉ đến khi bệnh diễn biến nặng thì mới phát hiện là đã quá muộn. Vậy những dấu hiệu thoái hóa điểm vàng bao gồm những biểu hiện nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Thoái hóa điểm vàng là bệnh gì?

Bộ phận nằm tận sâu bên trong ở trung tâm võng mạc sẽ được gọi là điểm vàng, hoặc hoàng điểm của mắt. Vị trí này là vùng nhạy cảm và dễ tổn thương nhất của võng mạc. Tại đây sẽ tập trung vô số tế bào cảm quan, giữ nhiệm vụ ghi lại hình ảnh, nhận biết màu sắc và độ sắc nét của hình ảnh. Nói một cách dễ hiểu hơn, điểm vàng là một bộ phận cực kỳ quan trọng đối với "cửa sổ tâm hồn" của chúng ta.

Thoái hóa điểm vàng là bệnh gì? Những dấu hiệu thoái hóa điểm vàng 1 Điểm vàng là bộ phận nằm sâu bên trong trung tâm võng mạc, khi các tế bào của bộ phận này xuống cấp, chúng ta sẽ gọi là thoái hóa điểm vàng.

Khi các tế bào của bộ phận này bị thoái hóa, người ta sẽ gọi là thoái hóa điểm vàng hoặc thoái hóa hoàng điểm. Lúc bấy giờ, thị lực của bạn sẽ giảm sút, tầm nhìn bị cản trở, hình ảnh thực tế khi được mắt thu nhận sẽ trở nên mờ ảo, méo mó, biến dạng,... Tuy rằng thoái hóa điểm vàng không làm bạn mù hoàn toàn, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt như khả năng đọc, lái xe, nhận dạng màu sắc,... Khi điểm vàng bị thoái hóa nghiêm trọng sẽ tăng 50% nguy cơ mất thị lực.

Những dấu hiệu thoái hóa điểm vàng

Như đã nói ở trên, ở giai đoạn đầu của bệnh, chúng ta sẽ rất khó nhận ra. Chỉ đến khi bệnh diễn biến nặng thì mới có những dấu hiệu rõ ràng. Cụ thể một số dấu hiệu thoái hóa điểm vàng như sau:

  • Khó đọc sách báo vì chữ bị nhòe.
  • Không nhìn rõ gương mặt của người đối diện.
  • Thị lực giảm ở một hoặc hai mắt.
  • Khó nhìn xa hoặc phải có nhiều ánh sáng mới nhìn rõ được.
  • Hình ảnh sự vật bị méo mó, biến dạng, đường thẳng thành đường cong.
Thoái hóa điểm vàng là bệnh gì? Những dấu hiệu thoái hóa điểm vàng 2 Dấu hiệu thoái hóa điểm vàng có thể nhận biết như khó nhìn xa, hình ảnh nhìn thấy bị méo mó, chữ bị nhòe khi đọc sách,...
  • Khó khăn khi di chuyển trong môi trường thiếu ánh sáng.
  • Thị lực suy giảm đột ngột, bất ngờ.
  • Cảm giác có một điểm trống hoặc điểm tối ở giữa tầm mắt của mình.
  • Khả năng nhận biết màu sắc và các chi tiết trên hình ảnh giảm sút.

Những ai dễ bị thoái hóa điểm vàng?

Theo các nghiên cứu, tình trạng thoái hóa điểm vàng phần lớn sẽ thường gặp ở người cao tuổi. Tuổi tác càng lớn thì tỷ lệ mắc thoái hóa điểm vàng càng tăng cao. Những người trên 65 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh là 10% đến 12%. Con số này ở người trên 75 tuổi sẽ tăng lên 30%. Trong đó, phụ nữ sẽ bị thoái hóa điểm vàng gấp đôi đàn ông. Đặc biệt là những chị em có thời gian mãn kinh sớm. Đây là một trong những nguyên nhân gây suy giảm thị lực ở người cao tuổi.

Một số đối tượng dễ bị thoái hóa điểm vàng khác như:

  • Màu da: Nhiều kết quả đã cho thấy rằng, những đối tượng có da màu tối sẽ ít bị thoái hóa điểm vàng hơn người sở hữu làn da sáng.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị thoái hóa điểm vàng thì khả năng cao bạn cũng sẽ dễ bị mắc bệnh này. Vì vậy, bạn cần điều chỉnh sinh hoạt khoa học để giảm tình trạng bệnh.
  • Người hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá sẽ tăng gấp 2 lần nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Bởi lẽ, trong khói thuốc lá có các thành phần khiến điểm vàng bị xuống cấp nhanh chóng dẫn đến thoái hóa.
  • Tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử: Có thể bạn không biết rằng, ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử hắc ra sẽ làm thoái hóa điểm vàng nhanh chóng. Điều này cũng lý giải vì sao thời gian gần đây nhiều người còn trẻ nhưng đã mắc phải căn bệnh này. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen "nghiện" điện thoại, máy tính bảng, tivi,...

Phòng tránh thoái hóa điểm vàng như thế nào?

Tuy rằng không đem đến nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh, nhưng khi bị thoái hóa điểm vàng, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt thường ngày. Trong tình trạng bệnh diễn biến nặng sẽ gây mất thị giác hoàn toàn, khó hồi phục hoặc điều trị. Vì thế, bạn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh ngay từ bây giờ. 

Thoái hóa điểm vàng là bệnh gì? Những dấu hiệu thoái hóa điểm vàng 3 Tăng cường thêm các thực phẩm tốt cho mắt vào khẩu phần ăn hàng ngày để phòng tránh thoái hóa điểm vàng.

Để phòng tránh thoái hóa điểm vàng, bạn cần tăng cường thực phẩm tốt cho sức khỏe đôi mắt như trái cây, rau có lá màu xanh đậm, thịt cá, thức ăn giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, khi đi ra ngoài nắng, bạn nên đeo kính mát để hạn chế ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, đừng quên điều chỉnh thói quen sử dụng điện thoại, tivi, laptop,... hợp lý.

Trong bài là những thông tin cần thiết về thoái hóa điểm vàng là bệnh gì. Hy vọng chúng tôi đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức y khoa để chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nếu như cảm thấy bản thân đang có các dấu hiệu thoái hóa điểm vàng, thì bạn nên đi đến gặp bác sĩ sớm để được điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh nặng hơn.

Bảo Vân

Nguồn: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin