Thời điểm uống phù hợp quyết định hiệu quả của thuốc, giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ. Dưới đây là thông tin về thời điểm uống thuốc thích hợp cho từng loại thuốc phổ biến.
Mỗi loại thuốc sẽ có một thời điểm uống thuốc phù hợp. Thời điểm đó có thể là khi bụng đói, khi ăn no, trước bữa ăn, trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn. Thời điểm uống thuốc liên quan đến hiệu quả của thuốc cũng như tác dụng phụ mà người uống có thể gặp phải. Nếu muốn biết đâu là thời điểm uống thuốc thích hợp với một số loại thuốc phổ biến, đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé!
Xác định đúng thời điểm uống thuốc quan trọng thế nào?
Trong hướng dẫn sử dụng của tất cả các loại thuốc đều có thông tin về thời điểm thích hợp để uống thuốc. Việc uống thuốc đúng thời điểm thực sự quan trọng vì:
Thuốc khi vào dạ dày có thể tương tác với đồ ăn, thức uống có trong dạ dày. Sự tương tác này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự chuyển hóa của các thành phần, khả năng thẩm thấu của thuốc qua thành ruột vào máu và ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Uống thuốc đúng cách, đúng thời điểm như hướng dẫn sử dụng cũng giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc giảm nhẹ triệu chứng tác dụng phụ của thuốc nếu có. Ngược lại, nếu uống thuốc sai thời điểm, tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh.
Uống thuốc đúng thời điểm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn không gây lãng phí thuốc một cách vô ích.
Thời điểm uống thuốc trước bữa ăn 30 phút
Một số thuốc nên uống trước bữa ăn 30 phút để thuốc được hấp thụ tốt nhất như:
Thuốc bổ sung sắt nên uống trước khi ăn và tốt nhất có thể uống cùng một ly nước cam bởi môi trường acid giúp sắt hấp thụ tốt nhất.
Thuốc chữa tăng huyết áp thường được kê uống vào buổi sáng trước bữa ăn vì huyết áp của chúng ta có xu hướng cao hơn vào buổi sáng.
Thuốc chữa ợ nóng, trào ngược acid dạ dày cũng nên uống trước khi ăn.
Thuốc loãng xương hầu hết thường được chỉ định dùng liều đầu tiên trước khi ăn sáng. Một số ít loại được kê uống trước khi đi ngủ.
Các loại vitamin tổng hợp như vitamin A, D, E, K uống sau khi ăn no bởi chúng là loại vitamin hòa tan trong chất béo. Dầu mỡ trong đồ ăn sẽ giúp thuốc được hấp thụ tốt hơn.
Thuốc như Sulfamid, Griseofulvin, Phenytoin trị động kinh tan mạnh trong dầu mỡ nên cần được uống trong các bữa ăn giàu chất béo.
Hầu hết thuốc kháng nấm Ketoconazol nên uống khi mới ăn no để giảm tình trạng không dung nạp và cải thiện khả năng hấp thụ.
Thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng chữa nghẹt mũi uống sau khi ăn xong bữa sáng để giúp xoang, mũi thông thoáng cả ngày.
Các thuốc Aspirin, Ibuprofen, Ketoprofen, Diclofenac,… cần uống sau khi ăn no để tránh làm tổn hại dạ dày.
Thời điểm uống thuốc cần cách xa bữa ăn 1 - 2 giờ
Thời điểm uống thuốc được nhà sản xuất quy định cách xa bữa ăn, có thể trước hoặc sau bữa ăn từ 1 - 2 giờ đồng hồ thường là:
Các loại thuốc giảm hấp thụ bởi thức ăn, thuốc dạng bao tan như Aspirin pH8,...
Thuốc như Ampicillin, Erythromycin… yếu trong môi trường acid dạ dày.
Thuốc chữa loét dạ dày như Sucralfat.
Thuốc kháng sinh Tetracyclin, Ampicillin, Cefalexin, Oxacilin dễ bị mất tác dụng khi tương tác với thức ăn nên cần uống cách xa bữa ăn.
Các loại thuốc có cơ chế trung ương như opiat, thuốc chống ung thư… sẽ có tác dụng phụ là gây nôn nên cần uống xa bữa ăn.
Thuốc nhuận tràng làm trơn uống xa các bữa ăn và nên uống vào buổi sáng để không làm ảnh hưởng đến sự hấp thu các vitamin A, D, E, K.
Thời điểm uống thuốc buổi tối phù hợp với thuốc nào?
Một số thuốc cần dùng vào buổi tối để phát huy hiệu quả tối đa như:
Thuốc dự phòng hen phế quản nên uống buổi tối vì triệu chứng bệnh xuất hiện nhiều vào ban đêm. Uống thuốc vào buổi tối giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn.
Thuốc chữa bệnh tăng huyết áp hay dự phòng nhồi máu cơ tim cũng cần uống buổi tối vì các cơn tăng huyết áp hay nhồi máu cơ tim thường xuất hiện vào buổi sáng khi bệnh nhân mới thức dậy.
Thời điểm uống thuốc buổi tối cũng phù hợp với thuốc chữa viêm khớp dạng thấp để tránh việc bệnh nhân bị đau nhức vào buổi sáng.
Thuốc chữa bệnh tăng mỡ máu uống vào buổi tối vì giữa đêm là thời điểm cholesterol được sản sinh nhiều nhất.
Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng có thể gây buồn ngủ, uống vào buổi tối sẽ thích hợp hơn.
Uống thuốc ngủ đúng cách là uống trước khi đi ngủ 30 phút. Sau khi uống thuốc xong cần chờ ít nhất 5 phút rồi mới nằm.
Thuốc nên uống vào thời điểm buổi sáng
Thời điểm uống thuốc buổi sáng phù hợp với các loại thuốc như:
Viên uống bổ sung sắt nên uống khi đói và uống vào buổi sáng. Sắt không uống cùng lúc với thực phẩm giàu Canxi hay viên uống bổ sung Canxi.
Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp nên uống khi đói và uống vào buổi sáng.
Thuốc lợi tiểu uống vào buổi sáng kích thích tiểu nhiều vào ban ngày. Nếu uống vào buổi tối có thể gây tiểu đêm nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Thuốc kích thích thần kinh trung ương nên uống buổi sáng, tránh uống buổi tối vì có thể gây khó ngủ, mất ngủ.
Thuốc nên uống trong lúc bụng đói
Thuốc đặc biệt nên uống lúc đói vì hiệu quả của thuốc có thể bị giảm đáng kể khi tương tác với đồ ăn, thức uống trong dạ dày. Đó là các thuốc như:
Thuốc kháng sinh nhóm Tetracyclin và Macrolid;
Thuốc điều trị tuyến giáp Levothyroxine;
Thuốc ức chế bơm Proton;
Thuốc trị viêm loét đường tiêu hóa Sucralfat;
Thuốc Sildenafil điều trị rối loạn cương dương.
Uống thuốc khi bụng đói có sao không? Một số loại thuốc cần phải uống khi đói bụng và nhà sản xuất chắc chắn đã cân nhắc lợi - hại khi đưa ra hướng dẫn thời điểm uống thuốc. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
Uống thuốc vào ban đêm có tốt không cũng là thắc mắc của nhiều người. Thực tế, có nhiều trường hợp chúng ta buộc phải uống thuốc vào ban đêm như: Thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc hạ cholesterol…
Thời điểm uống thuốc rất quan trọng, thường được quy định trong hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc được bác sĩ tư vấn. Khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cũng nên tuân thủ quy định về thời điểm uống thuốc để thuốc phát huy tối đa tác dụng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.