Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thông tin cần biết liên quan đến quy trình xạ trị

Ngày 27/11/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, điều trị ung thư có 3 phương pháp chính, đó là hóa trị, phẫu thuật và xạ trị. Trong đó, xạ trị được xem là phương pháp khá phổ biến và mang lại hiệu quả đối với nhiều loại ung thư. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm một vài thông tin cần biết về quy trình xạ trị thông qua bài viết dưới đây nhé!

Ung thư là một trong những gánh nặng lớn mà đa số quốc gia trên thế giới đang gặp phải. Theo số liệu thống kê năm 2018 về bệnh ung thư, tại Việt Nam ghi nhận hơn 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư và hơn 164.000 trường hợp mắc mới với 114.871 ca tử vong. Đa số người bệnh đến thăm khám ở giai đoạn khá muộn nên việc điều trị cũng trở nên tốn kém và khó khăn hơn. 

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, giai đoạn bệnh và loại ung thư mà bệnh nhân mắc phải, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Bên cạnh hóa trị và phẫu thuật, xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất. Mời bạn tìm hiểu rõ hơn về quy trình xạ trị trong bài viết ngay sau đây.

Tổng quan về phương pháp xạ trị

Trên thực tế, xạ trị là phương pháp vừa có thể sử dụng đơn lẻ, vừa có thể phối hợp cùng các phương pháp điều trị ung thư khác, chẳng hạn: Hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch,… Liệu pháp xạ trị có cơ chế hoạt động là dùng những chùm tia hoặc hạt có năng lượng lớn như tia gamma, tia X, chùm tia điện tử hay proton nhằm tác động đến các tế bào ung thư, từ đó làm chậm sự phát triển cũng như phá hủy các tế bào này.

Thong-tin-can-biet-lien-quan-den-quy-trinh-xa-tri 2.png
Xạ trị có nguyên lý hoạt động ra sao?

Nhìn chung, mục đích chính mà quy trình xạ trị được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân, có thể kể đến như:

  • Thu nhỏ hoặc chữa lành khối u đối với những trường hợp ở giai đoạn đầu.
  • Điều trị và ngăn chặn việc ung thư tái phát.
  • Cải thiện các triệu chứng do ung thư tiến triển gây ra.
  • Phối hợp với liệu pháp hóa trị để tiêu diệt triệt để tế bào ung thư.

Liệu pháp xạ trị tiềm ẩn những nguy hiểm gì?

Bên cạnh việc tiêu diệt các tế bào ung thư, liệu pháp xạ trị còn có khả năng phá hủy cả các tế bào lành nằm bên cạnh. Một khi việc xạ trị ảnh hưởng đến các mô lành có thể làm chậm quá trình liền vết thương hay thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Vì thế, việc lựa chọn liệu pháp điều trị này cần được cân nhắc giữa lợi ích mà xạ trị mang lại và nguy cơ mô lành bị tổn thương.

Một số tác dụng phụ của quy trình xạ trị bao gồm:

  • Mệt mỏi, li bì, cơ thể suy nhược, rụng tóc;
  • Viêm niêm mạc, viêm thực quản, viêm phổi, viêm gan;
  • Biểu hiện ngoài da (ngứa, ban đỏ, bong da).
  • Ở vùng đầu, cổ hay vòm họng: Khó nuốt, khô miệng, đau họng,...
  • Ở vùng bụng: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy,...
  • Ở vùng xương chậu: Kích thích bàng quang, chức năng cơ quan sinh sản bị rối loạn,...

Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng về những tác dụng phụ này bởi chúng thường chỉ mang tính tạm thời và có thể được kiểm soát cũng như biến mất sau quá trình xạ trị kết thúc.

Thong-tin-can-biet-lien-quan-den-quy-trinh-xa-tri 3.png
Rụng tóc là một trong những tác dụng phụ hay gặp ở bệnh nhân sau xạ trị

Các bước trong quy trình xạ trị như thế nào?

Quy trình xạ trị thường diễn ra các bước cơ bản như sau:

Thăm khám lần đầu

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, phân tích kết quả xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán về diễn biến cũng như giai đoạn bệnh. Từ những dữ liệu phân tích được, bác sĩ sẽ cân nhắc liệu pháp xạ trị có phù hợp với bệnh nhân không và cung cấp những nhược điểm, ưu điểm của quy trình xạ trị để bệnh nhân nắm rõ thông tin.

Thực hiện mô phỏng xạ trị thông qua chụp CT

Dựa trên kết quả CT, các bác sĩ sẽ có thể mô phỏng được kích thước, hình dáng của khối u và kết quả là xác định được khu vực cần xạ trị.

Lập kế hoạch xạ trị

Kế hoạch xạ trị được bác sĩ thiết kế chi tiết về liều lượng, lịch trình, phân bố liều, cấu hình chùm tia xạ và thời gian của quy trình xạ trị nhằm hạn chế tối đa những tác động đến các mô lành và tăng cường tác dụng tiêu diệt khối u một cách triệt để. Khi kế hoạch điều trị hoàn thành và đảm bảo chất lượng, bác sĩ điều trị sẽ thông báo cho bệnh nhân và đặt hẹn cho buổi điều trị đầu tiên.

Quá trình điều trị

Thực hiện xạ trị lần đầu tiên để giúp bác sĩ theo dõi sự đáp ứng của cơ thể người bệnh, từ đó giúp kiểm soát và điều chỉnh lộ trình xạ trị cho phù hợp với bệnh nhân.

Một lần xạ trị thông thường sẽ kéo dài 10 - 30 phút. Hầu hết trường hợp, các buổi trị liệu sẽ diễn ra vào những ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu. Quá trình điều trị có thể kéo dài vài tuần. Điều này giúp người bệnh có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi tế bào bình thường bị ảnh hưởng sau trị liệu.

Giống với buổi điều trị đầu tiên, các buổi điều trị sau thường giống nhau nhưng thời gian điều trị sẽ ngắn hơn. Trong mỗi buổi điều trị thì bệnh nhân được đặt chính xác với vị trí lúc chụp CT mô phỏng. Trong cả quá trình điều trị, kỹ thuật viên có thể sẽ chụp lại X-quang cho bệnh nhân để đảm bảo vị trí đặt bệnh là chính xác nhất có thể.

Theo dõi quá trình điều trị

Mặt khác, trong thời gian điều trị, bạn có thể liên lạc với bác sĩ bất kỳ lúc nào thông qua hệ thống liên lạc trong phòng. Các chuyên gia luôn quan sát bạn ở một phòng kế bên để có thể can thiệp kịp thời nếu có bất kỳ biến cố nào phát sinh trong lúc này.

Thong-tin-can-biet-lien-quan-den-quy-trinh-xa-tri 4.png
Cần làm gì để hạn chế tối đa tác dụng phụ sau quy trình xạ trị?

Cách để hạn chế các tác dụng phụ của quy trình xạ trị

Bạn không nhất định phải nhập viện trong quá trình điều trị ung thư bằng liệu pháp xạ trị. Sau mỗi đợt trị liệu, bạn có thể về nhà và tiếp tục công việc thường ngày. 

Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những biểu hiện như: Mệt mỏi, hạy cảm ở khu vực tiếp nhận điều trị, dễ cáu gắt, khó chịu,... Để khắc phục những tác dụng phụ mà quy trình xạ trị đem lại, bạn nên:

  • Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân nên bỏ các phụ kiện, trang sức bằng kim loại để tránh việc cơ thể hấp thụ tia xạ.
  • Nghỉ ngơi hợp lý và xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
  • Đảm bảo tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Ngoài ra, đừng ngần ngại về việc trò chuyện với bác sĩ điều trị về các tác dụng phụ mà bạn gặp phải để họ có thể nắm rõ về tình trạng của bạn. Điều này sẽ giúp bác sĩ kiểm soát và đưa ra những phương pháp kịp thời để cải thiện những triệu chứng một cách tốt nhất.

Mong rằng thông qua những chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp bạn đọc nắm được những thông tin tổng quan về quy trình xạ trị. Mặc dù liệu pháp này có khả năng giúp bệnh nhân điều trị ung thư nhưng cũng mang lại không ít tác dụng phụ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy lắng nghe ý kiến từ bác sĩ để được tư vấn về các rủi ro, lợi ích có thể gặp phải và lựa chọn phương pháp điều trị, phương pháp hỗ trợ phù hợp nhất cho bản thân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin