Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh lý thuyên tắc phổi (tắc động mạch phổi) là gì? Triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sự xuất hiện của vật lạ, thường là cục máu đông tại động mạch phổi làm ngăn chặn dòng chảy bình thường từ tim lên phổi được gọi là bệnh lý thuyên tắc phổi (tắc động mạch phổi). Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Khoảng một phần ba bệnh nhân bị thuyên tắc phổi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ tử vong. Cần lưu ý các dấu hiệu gợi ý thuyên tắc phổi như: đau ở ngực hoặc đau ở vùng lưng trên, khó thở, ho ra máu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc động mạch phổi là gì?

Máu nghèo oxy được tim bơm đến phổi thông qua động mạch phổi để trao đổi oxy và sau đó mang máu giàu oxy trở về tim để nuôi cơ thể. Khi có sự xuất hiện của vật lạ, thường là cục máu đông tại động mạch phổi sẽ làm ngăn chặn dòng chảy bình thường từ tim lên phổi. Đây được gọi là bệnh lý thuyên tắc phổi (tắc động mạch phổi).

 Mục đích điều trị thuyên tắc phổi là giữ cho cục máu đông không lớn hơn và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý thuyên tắc phổi có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra và giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc động mạch phổi

Sự tắc nghẽn tại động mạch phổi có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như tổn thương phổi và làm giảm lượng oxy trong máu. Tuy nhiên các triệu chứng thuyên tắc phổi có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn, kích thước của cục máu đông và tiền căn bệnh phổi hoặc bệnh tim của người bệnh. 

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Khó thở: Triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và nặng hơn khi bệnh nhân gắng sức.

  • Đau ngực: Triệu chứng đau này khá giống với cơn đau do nhồi máu cơ tim với tính chất đau nhói, đau nhiều khi hít sâu và giảm khi thở ra. Cơn đau có thể tăng khi người bệnh cúi người, ho hoặc hắt hơi.

  • Ho: Người bệnh có thể ho ra máu hoặc vệt máu.

  • Các triệu chứng khác: Nhịp tim nhanh hoặc không đều, choáng váng, chóng mặt, vã mồ hôi, sốt, đau hoặc sưng phù cẳng chân, tím tái.

Biến chứng có thể gặp khi bị tắc động mạch phổi

Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng. Khoảng một phần ba bệnh nhân bị thuyên tắc phổi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ tử vong.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, tắc các động mạch phổi nhỏ có thể xảy ra thường xuyên, tái phát và tiến triển theo thời gian dẫn đến tăng huyết áp động mạch phổi mạn tính.

Thuyên tắc phổi làm tăng huyết áp động mạch phổi khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu qua các mạch máu tắc nghẽn và cuối cùng gây suy tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần lưu ý các dấu hiệu gợi ý thuyên tắc phổi như: Đau ở ngực hoặc đau ở vùng lưng trên, khó thở, ho ra máu. Đây có thể là các triệu chứng của thuyên tắc phổi.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có triệu chứng kèm theo khác như sưng, đau, đỏ ở một bên chân (thường là bắp chân). Đây là các triệu chứng gợi ý có tình trạng tắc nghẽn do cục máu đông ở tĩnh mạch chân (huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân).

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tắc động mạch phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra khi một vật lạ, thường là cục máu đông đi đến và tắc nghẽn tại các động mạch trong phổi. Những cục máu đông này thường có nguồn gốc từ các tĩnh mạch sâu của chân do tình trạng được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Những cục máu đông được hình thành ở chân sẽ di chuyển trở về tim bên phải và được bơm lên phổi gây tắc nghẽn tại phổi.

Đôi khi, các vật lạ khác có thể gây tắc nghẽn nhưng không phải là cục máu đông, chẳng hạn như:

  • Thuyên tắc mỡ từ tủy xương do gãy xương lớn;

  • Thuyên tắc do khối u;

  • Thuyên tắc khí.

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị tắc động mạch phổi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thuyên tắc động mạch phổi, bao gồm:

  • Bệnh lý tim mạch: Đặc biệt là suy tim có thể thúc đẩy việc hình thành cục máu đông dễ dàng hơn.

  • Một số bệnh ung thư - đặc biệt là ung thư não, buồng trứng, tụy, đại tràng, dạ dày, phổi, thận và các bệnh ung thư di căn - có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông (cục huyết khối) và hóa trị liệu ung thư sẽ càng làm gia tăng nguy cơ hơn. Phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị ung thư vú đang dùng tamoxifen hoặc raloxifene cũng có nguy cơ hình thành cục huyết khối rất cao.

  • Phẫu thuật: Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra huyết khối do tình trạng nằm lâu/bất động kéo dài gây tắc nghẽn lưu thông dòng máu.

  • Rối loạn đông máu: Một số rối loạn di truyền làm cho cục máu đông dễ hình thành hơn. 

  • Ngồi lâu ở 1 tư thế chật chội (ví dụ như trong những chuyến bay hoặc ngồi ô tô dài ngày) làm chậm lưu lượng máu ở chân, góp phần hình thành các cục máu đông.

  • Bệnh COVID-19: Bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ thuyên tắc phổi cao hơn người không mắc.

  • Các yếu tố nguy cơ khác: Phụ nữ có thai, hút thuốc lá, béo phì, người sử dụng estrogen trong các chế phẩm thuốc tránh thai hoặc hormone thay thế ở phụ nữ mãn kinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc động mạch phổi

Thuyên tắc phổi rất khó chẩn đoán. Bác sĩ có thể dựa vào khám lâm sàng với những triệu chứng điển hình gợi ý kèm theo các xét nghiệm khác hỗ trợ như:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm sản phẩm phân huỷ từ cục máu đông là D-dimer hoặc đo nồng độ Oxy hoặc CO2 trong máu.

  • X-quang ngực: Mặc dù X-quang không hiệu quả trong chẩn đoán thuyên tắc phổi nhưng có thể giúp loại trừ các bệnh lý khác tương tự.

  • Siêu âm: Siêu âm duplex tại mạch máu vùng chân, đùi, gối có thể giúp phát hiện cục máu đông trong trường hợp nghi ngờ.

  • Các xét nghiệm chuyên sâu khác: Chụp CT động mạch phổi, chụp mạch máu phổi, V/Q scan hoặc MRI. 

Phương pháp điều trị thuyên tắc phổi hiệu quả

Mục đích điều trị thuyên tắc phổi là giữ cho cục máu đông không lớn hơn và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Cần điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và giảm nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân có thể được bác sĩ cho sử dụng các thuốc chống đông (thuốc làm loãng máu) để ngăn ngừa cục máu đông lớn hơn và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới.

Trong những trường hợp biến chứng nghiêm trọng: Các thuốc ly giải cục huyết khối có thể được cân nhắc sử dụng.

Các biện pháp phẫu thuật được để dành cho những trường hợp cục huyết khối to và tình trạng bệnh nhân nguy kịch.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc động mạch phổi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn có thể có nguy cơ bị huyết khối tái phát nên điều quan trọng là phải tiếp tục điều trị, chẳng hạn như tiếp tục sử dụng thuốc làm loãng máu tái khám định kỳ theo đề nghị của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa thuyên tắc phổi hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên vận động nếu có thể, tránh bất động trong thời gian dài.

  • Sử dụng thuốc phòng ngừa đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pulmonary-embolism/diagnosis-treatment/drc-20354653

2. https://www.webmd.com/lung/what-is-a-pulmonary-embolism

3. https://www.nhs.uk/conditions/pulmonary-embolism/