Ăn dặm là một cột mốc vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và lớn lên của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ hiện nay lại đang loay hoay không biết làm thế nào để lên thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đầy đủ chất. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp ích cho bạn.
Những nguyên tắc khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi
Để có thể xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đầy đủ chất thì bạn cần nắm vững những nguyên tắc sau:
-
Trong thời điểm này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, do đó không nên cho trẻ bỏ bú hoàn toàn. Cần kết hợp giữa ăn dặm và duy trì bú sữa mẹ khoảng 600 - 800ml ngày.
-
Cần hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều protein phức tạp khó tiêu hóa như: Thịt, cá, trứng... để tránh việc gan, thận phải làm việc quá tải, gây ảnh hưởng xấu đến các chức năng.
-
Khi chế biến đồ ăn không nên chế biến quá nhiều để giữ vị nguyên bản của món ăn. Bên cạnh đó là không cho thêm gia vị để giúp trẻ phát triển vị giác, cảm nhận được trọn vẹn hương vị của thức ăn cũng như rèn luyện thói quen ăn nhạt, bảo vệ sức khoẻ và thận của trẻ.
-
Quy tắc nấu cháo chuẩn chính là 10g gạo với 70ml nước đảm bảo đủ lượng tinh bột.
-
Thêm một chút chất béo vào đồ ăn cho trẻ sẽ giúp bổ sung đủ lượng cần thiết. Tuy nhiên, các cha mẹ cũng cần lưu ý không lạm dụng quá nhiều.
-
Xây dựng thực đơn đa dạng các món ăn với 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết: Nhóm đường bột giúp cung cấp năng lượng cơ bản và chuyển hóa các chất trong cơ thể; nhóm đạm giúp tăng đề kháng, tạo cơ bắp; nhóm chất béo để dự trữ năng lượng cũng như hòa tan các vitamin tan trong dầu: A, E, K, D; nhóm khoáng chất, vitamin, và các chất xơ giúp chuyển hóa chất.
-
Lượng thức ăn cho trẻ cần phù hợp với cân nặng và độ tuổi. Tránh ép trẻ ăn quá no gây cảm giác chán ăn, lười ăn.
- Nên để trẻ tập tự cầm nắm để ăn, giúp trẻ cảm nhận thức ăn tốt hơn.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đầy đủ chất 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_thang_tuoi_1_d70abf9e71.jpg)
Nên để trẻ tự tập cầm nắm đồ ăn
Thành phần dinh dưỡng cho trẻ 7 tháng tuổi
Chất đạm
Bắt đầu từ tháng thứ 7 trở đi, mẹ có thể xem xét bổ sung thêm chất đạm vào thực đơn ăn dặm. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý về số lượng cũng như phương pháp chế biến. Tốt nhất là khoảng 8g protein mỗi ngày, đến từ: thịt heo, xương heo, trứng, đậu phụ… hay một vài loại cá trắng.
Vitamin
Trái cây chính là nguồn bổ sung các Vitamin, đặc biệt là Vitamin C tốt nhất cho trẻ. Hơn nữa nhóm thực phẩm này cũng có cách chế biến rất đơn giản, chỉ cần loại bỏ vỏ, hạt, rồi nghiền nhỏ là trẻ đã có thể ăn được.
Chất xơ, khoáng chất
Bên cạnh vitamin, khoáng chất và chất xơ là những chất rất cần thiết cho cơ thể của bé. Những yếu tố vi lượng này mặc dù chiếm hàm lượng nhỏ trong khẩu phần nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, chúng có nhiều nhất trong các loại rau xanh. Có thể kể đến là: Rau ngót, rau lang, rau dền, rau cải bó xôi, rau bắp cải... Mẹ có thể luộc, hấp rồi nghiền nhỏ để trộn vào cháo cho bé.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đầy đủ chất 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_thang_tuoi_2_ed1bacc1e8.jpg)
Các chất xơ và khoáng chất nên bổ sung vào thực đơn cho trẻ
Gợi ý một vài thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi
Thực đơn 1
-
Sáng sớm: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa sáng: Cháo yến mạch.
-
Bữa phụ buổi sáng: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa trưa: Bí đỏ nghiền cùng với rau chân vịt.
-
Bữa chiều: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa tối: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
Thực đơn 2
-
Sáng sớm: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa sáng: Cháo với đậu (đậu xanh, đậu hà lan, đậu đỏ,...).
-
Bữa phụ buổi sáng: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa trưa: Cháo cà rốt.
-
Bữa chiều: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa tối: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
Thực đơn 3
-
Sáng sớm: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa sáng: Cháo yến mạch nước rau củ.
-
Bữa phụ buổi sáng: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
-
Bữa trưa: Lòng đỏ trứng đã luộc chín.
-
Bữa chiều: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
- Bữa tối: Sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đầy đủ chất 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_thang_tuoi_3_c91dadd7ff.jpg)
Cháo yến mạch bí đỏ cho trẻ ăn dặm
Mẹo cho bé 7 tháng tuổi ăn
Quá trình cho các bé tập ăn dặm và làm quen với các loại thực phẩm mới là không dễ dàng. Tuy nhiên, có thể áp dụng một số mẹo như sau để giúp giờ ăn của bé được vui vẻ và thoải mái hơn:
-
Không ép buộc trẻ ăn. Nếu như bé ăn dặm ít, mẹ có thể cho uống thêm để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho con.
-
Quan sát phản ứng của trẻ trong khoảng 3 ngày mỗi khi cho thử đồ ăn mới để kịp thời phát hiện các triệu chứng dị ứng. Nếu thấy trẻ dị ứng với một loại thức ăn nào đó, bạn cần lập tức ngừng cho ăn và ghi chép rồi cho trẻ thử lại sau vài tháng.
-
Cho bé ăn ở một vị trí cố định để thiết lập được thói quen ăn uống thích hợp. Điều này sẽ giúp hình thành phản xạ liên kết giữa địa điểm và hoạt động ăn, giúp quá trình ăn uống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
- Cho bé tập bốc ăn bằng tay để khám phá kết cấu cũng như hương vị của các loại thức ăn khác nhau một cách trực tiếp.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đầy đủ chất 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_thang_tuoi_4_f435694682.jpeg)
Việc cầm nắm trực tiếp giúp trẻ cảm nhận tốt hơn kết cấu và hương vị món ăn
-
Tránh tình trạng cho trẻ xem điện thoại, tivi, chơi đồ chơi khi ăn bởi có thể gây mất tập trung và làm giảm niềm vui thưởng thức món ăn.
-
Luôn luôn để ý bé trong bữa ăn để xử lý kịp thời khi gặp trường hợp nghẹn khi thử các món mới.
-
Rửa rau và trái cây thật sạch trước khi cho trẻ ăn.
-
Làm sạch và tiệt trùng cẩn thận các dụng cụ dùng trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ.
- Xây dựng thực đơn phong phú để trẻ có cơ hội thử nhiều kết cấu, hương vị của đồ ăn, bên cạnh đó là đảm bảo việc cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện.
![Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đầy đủ chất 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuc_don_an_dam_cho_be_7_thang_tuoi_5_42ac66609f.jpg)
Xây dựng thực đơn phong phú cho trẻ
Kết luận
Trên đây chính là gợi ý một vài thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi và những yêu cầu về dinh dưỡng liên quan. Quá trình làm quen với các thực phẩm mới có thể sẽ khó khăn cho cả mẹ và bé, tuy nhiên hãy kiên trì và theo dõi biểu hiện của trẻ để có phương pháp phù hợp nhất nhé!
Thảo My
Nguồn tham khảo: Tổng hợp