Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Thuốc chống co thắt cơ trơn và một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn

Ngày 02/01/2025
Kích thước chữ

Thuốc chống co thắt cơ trơn là một trong 2 loại thuốc giãn cơ, được sử dụng trong điều trị các cơn đau co thắt nội tạng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại thuốc này, trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất.

Vậy thuốc chống co thắt cơ trơn là thuốc gì? Thuốc chống co thắt cơ trơn bao gồm các loại thuốc nào? Cần lưu ý những gì khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn? Theo dõi ngay những thông tin Nhà thuốc Long Châu chia sẻ dưới đây để giải đáp những thắc mắc nêu trên bạn nhé.

Thuốc chống co thắt cơ trơn là gì?

Cơ thể con người có ba loại cơ chính bao gồm cơ vân, cơ tim và cơ trơn. Mỗi loại cơ sẽ có cấu tạo và đảm nhận các chức năng khác nhau. Trong đó, cơ trơn là loại cơ cấu tạo nên các cơ quan nội tạng và mạch máu, như thực quản, dạ dày, ruột, phế quản, tử cung và thành mạch máu. Hoạt động của cơ trơn hoàn toàn không theo ý muốn, được điều khiển bởi hệ thần kinh tự chủ và các tín hiệu hóa học từ cơ thể. Vậy thuốc chống co thắt cơ trơn là gì?

Thuốc chống co thắt cơ trơn là các loại thuốc được sử dụng để giảm hoặc ngăn chặn tình trạng co thắt không mong muốn của cơ trơn trong cơ thể. Những cơn co thắt này thường gây ra đau đớn hoặc khó chịu, đặc biệt ở các cơ quan nội tạng như hệ tiêu hóa, đường tiết niệu hoặc tử cung.

Các loại thuốc chống co thắt cơ trơn thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, đau bụng kinh hoặc co thắt đường mật, niệu quản.

Thuốc chống co thắt cơ trơn và một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn 1
Thuốc chống co thắt cơ trơn là thuốc gì?

Các thuốc thuộc nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn

Nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn bao gồm rất nhiều các loại thuốc khác nhau. Dưới đây là một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn, bạn đọc có thể tham khảo:

Alverin Citrate

Alverin Citrate là loại thuốc chống co thắt tác dụng trực tiếp lên cơ trơn, thường được chỉ định trong các trường hợp đau do co thắt cơ trơn, chẳng hạn như viêm viêm dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng co thắt, bệnh túi thừa, đau bụng kinh ở nữ giới…

Những trường hợp bị tắc ruột, tắc bán ruột, liệt ruột thường không được chỉ định điều trị bằng Alverin Citrate. Đối với các vận động viên đang thi đấu cần tránh sử dụng thuốc vì Alverin Citrate có thể phản ứng dương tính khi kiểm tra doping.

Khi sử dụng Alverin Citrate, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng bất thường như đi ngoài ra máu, sốt hoặc táo bón nặng, chảy máu âm đạo hoặc âm đạo tiết dịch bất thường… bạn cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.

Drotaverin

Drotaverin là thuốc chống co thắt cơ trơn, được bào chế dưới dạng viên uống và dung dịch tiêm, với tác dụng tương tự ở cả hai dạng. Drotaverin thường được chỉ định trong điều trị các cơn đau do co thắt cơ trơn trong các trường hợp:

  • Bệnh dạ dày - ruột: Viêm đại tràng, loét dạ dày - tá tràng, hội chứng ruột kích thích.
  • Bệnh đường mật: Co thắt đường mật do viêm nhiễm, cơn đau quặn mật, sỏi mật, giun chui ống mật và túi mật.
  • Bệnh tiết niệu: Cơn đau quặn thận, co thắt đường tiết niệu (do sỏi, viêm nhiễm hoặc ứ nước tiểu).
  • Bệnh đường sinh dục: Đau bụng kinh, co cứng tử cung, dọa sảy thai.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, Drotaverin dạng viên uống sẽ hấp thu hoàn toàn sau 12 phút từ khi uống. Đối với dạng tiêm, thuốc sẽ có tác dụng sau 2 - 4 phút và tác dụng tối đa đạt được sau 30 phút.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Drotaverin như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, hạ huyết áp (đặc biệt khi tiêm tĩnh mạch nhanh). Do đó, khi sử dụng dạng tiêm, tiêm tĩnh mạch phải thật chậm để tránh hạ huyết áp.

Drotaverin chống chỉ định đối với những trường hợp đang điều trị bệnh Parkinson bằng Levodopa bởi Drotaverin có thể làm giảm tác dụng của Levodopa.

Thuốc chống co thắt cơ trơn và một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn
Drotaverin là một trong các loại thuốc chống co thắt cơ trơn

Buscopan

Buscopan là thuốc chống co thắt cơ trơn, được sử dụng trong điều trị các triệu chứng đau liên quan đến loét dạ dày - tá tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm đường dẫn mật, viêm túi mật, viêm bể thận, viêm bàng quang, sỏi thận, đau bụng kinh…

Khi sử dụng Buscopan, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc bao gồm rối loạn bài tiết mồ hôi, khô miệng, tim đập nhanh, bí tiểu…

Về chống chỉ định:

  • Đối với thuốc dùng đường uống, không sử dụng cho người bệnh tăng nhãn áp góc đóng, tắc ruột, tắc nghẽn đường tiểu, rối loạn nhịp tim.
  • Đối với thuốc tiêm, không sử dụng đối với các trường hợp tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt kèm bí tiểu, nhịp tim nhanh hẹp cơ học đường tiêu hóa hoặc nhược cơ (yếu cơ).

Atropin

Atropin là một thuốc có tác dụng ức chế hệ thần kinh đối giao cảm, được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Loét dạ dày - tá tràng: Giảm tiết dịch dạ dày, làm giảm đau do loét.
  • Rối loạn bộ máy tiêu hóa: Hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích và các rối loạn tiêu hóa có liên quan đến co thắt cơ trơn.
  • Điều trị tiêu chảy: Cả tiêu chảy cấp tính và mãn tính do rối loạn tăng nhu động ruột.
  • Các rối loạn co thắt cơ trơn: Đau quặn thận, đau co thắt đường mật.
  • Ngộ độc phospho hữu cơ: Giảm tác dụng độc hại do ngộ độc.
  • Nhịp tim chậm do ngộ độc Digitalis: Điều chỉnh nhịp tim.
  • Phòng say tàu xe: Giảm cảm giác buồn nôn, chóng mặt.
  • Cơn co thắt phế quản: Hỗ trợ trong điều trị các vấn đề hô hấp.

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng Atropin có thể kể đến như:

  • Khó nuốt, khô miệng, khó phát âm do giảm tiết dịch.
  • Sốt, tăng cảm giác khát do tác dụng giảm tiết mồ hôi và dịch cơ thể.
  • Giảm tiết dịch ở phế quản có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Có thể gây hoang tưởng, lú lẫn, và dễ bị kích thích.
  • Ngộ độc toàn thân (đặc biệt khi dùng nhỏ mắt ở trẻ em): Dùng kéo dài có thể gây kích ứng tại chỗ, phù, sung huyết và viêm kết mạc.

Spamaverine

Spamaverine là một thuốc chống co thắt cơ trơn, chủ yếu được sử dụng để điều trị các triệu chứng đau do co thắt cơ trơn trong một số tình huống như rối loạn chức năng đường mật, rối loạn chức năng đường tiêu hóa, đau do co thắt vùng tiết niệu – sinh dục, đau khi sinh, đau bụng kinh, đau quặn thận, dọa sảy thai hoặc sinh khó. Ngoài ra, Spamaverine còn được chỉ định trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt và tăng nhãn áp.

Thuốc chống co thắt cơ trơn và một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn 3
Atropin là thuốc chống co thắt cơ trơn được dùng trong điều trị loét dạ dày tá tràng

Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn

Khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn, để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Tuân thủ đúng chỉ định và liều lượng.
  • Theo dõi tác dụng phụ.
  • Các đối tượng đặc biệt bao gồm người có bệnh về tim mạch, tăng nhãn áp, tiền sử phì đại tuyến tiền liệt… cần thận trọng khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn. Tốt nhất, để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Thuốc chống co thắt cơ trơn chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn và dưới sự giám sát của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc sự phụ thuộc thuốc.
  • Tương tác với thuốc khác: Một số thuốc có thể tương tác với thuốc chống co thắt cơ trơn, làm tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc. Do đó, bạn cần thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc bạn đang sử dụng để bác sĩ nắm được và lựa chọn cho bạn loại thuốc điều trị phù hợp.
  • Không sử dụng thuốc cho trẻ em nếu không có sự chỉ định cụ thể: Dạng nhỏ mắt của các thuốc chống co thắt có thể gây ngộ độc nếu dùng cho trẻ em. Nên sử dụng thuốc cẩn thận và chỉ khi bác sĩ yêu cầu.
  • Thuốc cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và độ ẩm cao và xa tầm tay trẻ em.
Thuốc chống co thắt cơ trơn và một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn 4
Bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc chống co thắt cơ trơn

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về thuốc chống co thắt cơ trơn mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về loại thuốc này, nắm được một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn và một số lưu ý khi sử dụng thuốc. Cảm ơn các bạn đã luôn tin tưởng và dõi theo Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin