Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thuốc lá - Thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Ngày 11/02/2022
Kích thước chữ

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Thuốc lá chính là thủ phạm gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiều bệnh liên quan đến phổi khác.

Thuốc lá gây tác động tiêu cực cho phổi của chúng ta. Nó không những gây ung thư phổi mà còn gây ra nhiều bệnh phổi khác như: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp,...

Những bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nếu kéo dài, thậm chí còn dẫn đến tử vong. Nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện nay là thuốc lá. 

Tìm hiểu chung

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có đến khoảng 80 - 90% người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguyên nhân là từ thuốc lá. Hằng năm trên thế giới phát hiện hơn 300 triệu người mắc COPD. Việt Nam cũng có tỷ lệ bệnh nhân mắc COPD không nhỏ (4,1% ở người trên 40 tuổi) và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

Thuốc lá - Thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 1 Có đến khoảng 80-90% người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguyên nhân là từ thuốc lá.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh lý đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra. Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà nguyên nhân hàng đầu chính là do sử dụng thuốc lá, thuốc lào quá nhiều (bao gồm cả hít thuốc lá thụ động và chủ động).

Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi

Khói thuốc đi vào qua miệng người hút thuốc là đã bỏ qua quá trình lọc ở mũi - cơ chế bảo vệ đầu tiên. Ở người hút thuốc sẽ bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn (do hệ thống lông chuyển bị liệt, thậm chí bị phá hủy). 

Khói thuốc lá còn làm thay đổi cấu trúc tuyến tiết nhầy cũng như thành phần chất nhầy. Trường hợp tuyến tiết nhầy bị tắc đôi khi khiến khả năng bài tiết đờm bị giảm sút, hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc sẽ dễ bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Phổi người hút thuốc thường bị giảm diện tích bề mặt và giảm mao mạch, làm cho dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho cả nhu môi phổi và các tổ chức khác trong cơ thể. Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng tăng tính đáp ứng đường thở (do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc), gây co thắt đường thở. Nhiều thông số chức năng thông khí ở người hút lá thay đổi, trong đó thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1) giảm rất nhiều.

Thuốc lá - Thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 2 Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây khó thở do đường thở bị hẹp lại.

Khói thuốc làm giảm sự phát triển của phổi và gây viêm tổ chức phổi ở trẻ nhỏ và thiếu niên, biểu hiện bằng tốc độ tăng FEV1 chậm lại. Ở lứa tuổi từ 20 – 30, các bệnh lý gây ra do hút thuốc xuất hiện sớm. Ở lứa tuổi trên 30, nếu hút thuốc thì tốc độ giảm FEV1 sẽ tăng gấp đôi so với người không hút thuốc. Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây khó thở do đường thở bị hẹp lại. Căn bệnh quái ác này có hai loại chính và một số người có thể mắc cùng lúc cả hai loại dưới đây:

  • Viêm phế quản mạn tính: Tình trạng viêm lớp niêm mạc của các ống phế quản. Các lớp lót trong các ống phế quản phổi bị đỏ, sưng và chứa đầy các chất nhầy. Chất nhầy này làm hẹp đường thở của bệnh nhân.
  • Khí phế thũng: Khí phế thũng sẽ gây tổn hại các túi khí (phế nang) trong phổi và làm cho bệnh nhân dần khó thở hơn. Khi mất phế nang trong phổi, quá trình thải CO2 và hấp thu O2 sẽ trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở hơn.

Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 

Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Số liệu cho thấy, khoảng 15% những người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng với COPD và khoảng 80 - 90% người mắc COPD là nghiện thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này, dưới tác động của hút thuốc lá cũng trở nên mạnh hơn. 

Đặc biệt, so với người không hút thuốc, những người hút thuốc lá sẽ dễ bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc hơn. 

Ngoài ra, tỉ lệ tử vong do bệnh COPD ở người hút thuốc lá còn cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. 

Thuốc lá - Thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 3 Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, dẫn đến dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở.

Triệu chứng và biến chứng thường gặp 

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, dẫn đến dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở như ho kéo dài, ho có đàm, đường hô hấp nhiễm trùng tái đi tái lại (cúm và cảm lạnh), khó thở (đặc biệt khi gắng sức), cảm giác thắt chặt ở ngực, thở khò khè, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh. Một số triệu chứng nặng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện, như: Bệnh nhân cảm thấy khó thở đến nỗi không thể nói chuyện được, môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh hoặc màu xám, rơi vào trạng thái lơ mơ, nhịp tim nhanh. 

COPD có nguy cơ bị các biến chứng sau:

Rối loạn nhịp tim, suy tim, cao áp phổi, nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi nặng do virus hoặc nấm). Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, cách tốt nhất cần làm là phòng ngừa và làm giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng. 

Chế độ sinh hoạt phù hợp phòng ngừa COPD

Thay đổi lối sống và tuân thủ các phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân giảm triệu chứng, lấy lại khả năng hoạt động bình thường và làm chậm tiến triển của bệnh. 

Bỏ hút thuốc là việc cần làm đầu tiên để tránh kích thích phổi. Ngoài ra, xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ calo, tích cực hoạt động (thường xuyên tập thể dục) cũng là những cách giúp bạn có sức khỏe đầy đủ để chống lại bệnh tật, trong đó có bệnh COPD.

Một số yếu tố nguy cơ khác

Ngoài nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chủ yếu do thuốc lá còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COPD bạn có thể tham khảo:

Yếu tố di truyền

Theo nghiên cứu, người bị thiếu hụt α1-antitrypsine bẩm sinh dễ dẫn đến phát triển khí thũng phổi toàn tuyến nang khiến chức năng phổi suy giảm nhanh chóng. Ngoài ra, người bị thiếu hụt globulin miễn dịch (IgA) bẩm sinh ở thành phế quản cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do bị nhiễm khuẩn phế quản.

Thuốc lá - Thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 4Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện nay khá phổ biến. 

Yếu tố môi trường

Môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi cũng có thể khiến bạn bị phổi tắc nghẽn mãn tính khi tiếp xúc. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, bạn cần đeo khẩu trang khi ra ngoài để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, các yếu tố như khói thải, nước thải, mùi sơn hay mùi nước hoa,... cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Làm gì nếu bị COPD?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện nay đã khá phổ biến nên nếu mắc phải, bạn không nên quá lo lắng vì bạn không phải là người duy nhất mắc bệnh này.

Tuy hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng bác sĩ có thể giúp bạn làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một khi tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ bớt khó thở, ít ho hơn, cơ thể dần khỏe mạnh hơn. 

Lời khuyên cho bệnh nhân COPD

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh bị hạn chế trong công việc, lao động, sinh hoạt vì khó thở. Ngoài ra, nếu không điều trị, người bệnh sẽ có những đợt bệnh trở nặng gọi là đợt kích phát, làm cho người bệnh khó thở nhiều hơn, có thể dẫn đến nhập viện và tử vong.

Thuốc lá - Thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 5 Việc từ bỏ thói quen hút thuốc là rất cần thiết trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Dưới đây là bảy lời khuyên dành cho bệnh nhân COPD:

  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh như ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng hãy tìm gặp ngay bác sĩ để có sự tư vấn cụ thể.
  • Dùng thuốc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.
  • Cai hút thuốc lá, thuốc lào là việc quan trọng đầu tiên cần làm nếu bạn là người hút thuốc lá, thuốc lào. Hạn chế tối đa nơi có nhiều người hút thuốc và những vật dụng liên tưởng đến thuốc lá. Nếu cần hãy dùng đến thuốc giúp cai thuốc.
  • Giữ môi trường sống trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh đến những nơi khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.
  • Siêng năng tập thể dục để giữ cho thân thể khỏe mạnh: Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
  • Nếu bạn bị COPD mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khoẻ cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.
  • Nếu tình trạng bệnh của bạn diễn tiến theo chiều hướng xấu, hãy đến bệnh viện hay bác sĩ ngay.

Trên đây là một số thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thuốc lá. Việc từ bỏ thói quen hút thuốc là rất cần thiết trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, điều này giúp làm giảm nguy cơ cũng như làm chậm các tổn thương ở phổi. Biện pháp sử dụng thuốc, phục hồi chức năng hô hấp,… là bắt buộc để điều trị COPD, kéo dài cuộc sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Như Quỳnh 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin