Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tim đập nhanh khi mang thai có đáng lo không?

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ

Bất kỳ thay đổi bất thường nào trong cơ thể khi mang thai cũng khiến bà bầu lo lắng bất an. Một trong những trường hợp có thể khiến mẹ bầu mất ăn mất ngủ là tim đập nhanh khi mang thai.

Không ít phụ nữ khi mang bầu khó thở tim đập nhanh hơn bình thường. Đây cũng là điều dễ hiểu vì khi mang thai, lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng lên đáng kể. Tim của mẹ phải hoạt động nhiều hơn để có thể bơm máu đi khắp cơ thể và bơm máu đi nuôi thai nhi. Công việc “bận rộn” hơn khiến tim đập nhanh hơn. Nhưng liệu tim đập nhanh khi mang thai có đáng lo hơn? Khi nào cần đến sự kiểm tra và theo dõi y tế.

Thế nào là tim đập nhanh khi mang thai?

Nhịp tim đập nhanh trong giới hạn bình thường là một hiện tượng sinh lý phổ biến, thường gặp ở các mẹ bầu. Ở một mức độ nào đó, nhịp tim khi mang thai đập nhanh hơn lúc bình thường là một hiện tượng sinh lý phổ biến. Thậm chí đây còn được xem là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ cả mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh.

Ở một phụ nữ trưởng thành và khỏe mạnh, nhịp tim bình thường khoảng 70 lần/phút. Khi mang thai được 10 tuần trở đi, nhịp tim của bà bầu có thể tăng lên 80 - 100 nhịp/phút. Đây là nhịp tim tăng ở mức bình thường. Tim đập nhanh giúp đáp ứng đủ nhu cầu máu của cơ thể mẹ và thai nhi. Thai nhi càng lớn, nhu cầu máu nuôi càng tăng. Lúc đó, trái tim của mẹ sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn và nhịp tim có thể tăng thêm khoảng 10 nhịp/phút. Mỗi khi tim đập nhanh, mẹ bầu có thể cảm thấy hơi khó thở, cảm giác hồi hộp và đôi chút không thoải mái.

Tim đập nhanh khi mang thai có đáng lo không 1
Cảm giác đôi chút khó chịu khi tim đập nhanh hơn bình thường

Tim đập nhanh khi mang thai có đáng lo không?

Vài cảm giác không mấy dễ chịu lúc tim đập nhanh khi mang thai có thể khiến mẹ bầu lo lắng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, mẹ bầu nên thư giãn và yên tâm nếu nhịp tim trong khoảng 80 - 100 nhịp/phút. Vì con số này chứng tỏ trái tim của mẹ đang làm rất tốt công việc của mình để cung cấp dưỡng chất và oxy cho thai nhi. Càng về cuối thai kỳ, nhịp tim của mẹ bầu càng tăng. Thời gian đầu, có thể cơ thể mẹ chưa thích ứng nhưng chắc chắn sẽ quen dần theo thời gian.

Tuy nhiên, nếu tim đập nhanh quá giới hạn bình thường trên đây, mẹ bầu hết hết sức cẩn thận. Mẹ bầu có thể lắng nghe cơ thể, theo dõi các triệu chứng khi tim đập nhanh. Nếu thấy các dấu hiệu dưới đây, mẹ bầu cần kiểm tra y tế ngay:

  • Mẹ bầu đo nhịp tim và thấy nhịp tim trên 100 nhịp/phút.
  • Tim đập liên hồi, tần suất thường xuyên và có xu hướng tăng dần theo thời gian.
  • Tim đập nhanh kèm triệu chứng ho nhiều, thậm chí ho ra máu.
  • Tim đập nhanh khiến mẹ bầu cảm thấy quá khó thở, khó ăn uống, rối loạn nhịp tim, mạch không ổn định.
  • Tim đập nhanh kèm triệu chứng nóng bức, ra nhiều mồ hôi, cơ thể mệt mỏi ngay cả khi ngồi nghỉ.
Tim đập nhanh khi mang thai có đáng lo không 2
Mẹ bầu cần tìm sự trợ giúp y tế của bác sĩ khi triệu chứng quá khó chịu

Tim đập nhanh khi mang thai do đâu?

Tim đập nhanh khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài việc tim đập nhanh để đáp ứng nhu cầu oxy và dinh dưỡng cho cơ thể mẹ và thai nhi, còn những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này như:

  • Mẹ bầu bị thiếu máu khi mang thai. Thiếu máu do thiếu sắt cũng có triệu chứng là tim đập nhanh. Nguyên nhân là khi hồng cầu thấp, tim sẽ phải làm việc gấp gáp hơn để vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể mẹ và thai nhi. Điều này khiến tim đập nhanh hơn mức bình thường. Mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt có thể gặp triệu chứng cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, hay buồn ngủ, da xanh xao, đau thắt ngực thậm chí có thể ngất xỉu.
  • Tim đập nhanh hơn mức bình thường cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Cơn tiền sản giật sẽ đến cùng các triệu chứng như tim đập nhanh, thở hụt hơi, hổn hển và khó thở. Tiền sản giật cần được cấp cứu kịp thời để tránh đe dọa đến tính mạng của mẹ và con.
  • Mẹ bầu bị cường giáp, hàm lượng hormone T3 và T4 tăng cao đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Hoạt động của tim cũng bị ảnh hưởng theo cách có thể đập nhanh hơn và mạnh hơn bình thường.
  • Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan khác khiến tim đập nhanh khi mang thai như: Mẹ bầu sử dụng các loại đồ uống chứa caffein hay đồ uống có cồn, mẹ bầu hút thuốc lá,… Những thói quen này không tốt cho sức khỏe tổng thể của mẹ và cũng không hề tốt cho thai nhi. Ví dụ, mẹ uống nhiều rượu khi mang thai có thể dẫn đến hội chứng rối loạn cồn trong thai nhi.
  • Một số loại thuốc mẹ bầu sử dụng trong thai kỳ cũng có thể khiến tim đập nhanh như: Thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs, thuốc chữa hen suyễn, thuốc chữa nghẹt mũi, thuốc kháng Cholinergic, thuốc kháng Histamin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chứa cocain, sắt,...
Tim đập nhanh khi mang thai có đáng lo không 3
Có nhiều lý do khiến phụ nữ gặp tình trạng tim đập nhanh khi mang thai

Cần làm gì nếu tim đập nhanh khi mang thai?

Tim đập nhanh khi mang thai nếu trong giới hạn bình thường là hiện tượng sinh lý thường gặp, mẹ bầu không cần làm gì để khắc phục. Nhưng nếu nhịp tim đập quá nhanh kèm những triệu chứng bất thường kể trên, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để có thể tìm ra chính xác nguyên nhân. Căn cứ vào từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định cách khắc phục hay biện pháp điều trị cụ thể.

Ngoài ra, mẹ bầu hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng tim đập nhanh bằng cách:

  • Không sử dụng các chất kích thích, không uống rượu bia, không hút thuốc lá khi mang thai. Mẹ bầu cũng nên hạn chế tiếp xúc với khói thuốc hoặc ở trong không gian có người hút thuốc. Khoa học đã chứng minh hút thuốc thụ động còn có thể hít phải lượng chất độc nhiều gấp 3 - 4 lần người hút thuốc chủ động.
  • Khi đang dùng thuốc chữa bệnh và nhận thấy các triệu chứng tăng nhịp tim, mẹ bầu cần nói rõ với bác sĩ để được tư vấn đổi thuốc nếu cần thiết.
  • Mẹ bầu nên ưu tiên việc nghỉ ngơi, không lao động, làm việc quá sức.
  • Lựa chọn các môn thể dục nhẹ nhàng sẽ phù hợp và an toàn hơn cho phụ nữ mang thai.
  • Một số bộ môn có tác dụng điều hòa hơi thở, ổn định nhịp tim như yoga cũng là bộ môn rất đáng thử. Mẹ bầu có thể tập bài tập yoga cho phụ nữ mang thai hàng ngày để kiểm soát tình trạng tim đập nhanh.
Tim đập nhanh khi mang thai có đáng lo không 4
Tập yoga bầu để điều hòa hơi thở, ổn định nhịp tim

Tim đập nhanh khi mang thai có thể là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng y tế nào đó. Vì vậy, mẹ bầu nên theo dõi nhịp tim, lắng nghe cơ thể, phát hiện các triệu chứng bất thường và đến gặp bác sĩ khi cần thiết. 

Xem thêm: Mách nhỏ mẹ bầu cách chữa mùi hôi vùng kín khi mang thai

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin