Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tìm hiểu 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa và quy trình thực hiện

Ngày 27/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mổ nội soi ruột thừa là phương pháp điều trị trong các trường hợp viêm ruột thừa cấp với nhiều ưu điểm so với mổ mở. Phương pháp này thực hiện trên 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa nên độ an toàn cao, ít xâm lấn, ít đau, thời gian hồi phục nhanh và vết sẹo sau mổ nhỏ.

Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa phổ biến, nếu không xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa,... Bên cạnh phương pháp mổ mở cắt ruột thừa truyền thống với thì mổ nội soi với công nghệ hiện đại được ưu tiên lựa chọn với nhiều ưu điểm vượt trội như ít xâm lấn, nhờ đó người bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp này cũng như 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa.

Khi nào cần mổ cắt ruột thừa?

Ruột thừa là bộ phận thuộc đường tiêu hóa, dính vào manh tràng và nằm ở phần bụng dưới bên phải, vị trí tiếp nối giữa ruột non và ruột già. Khi ruột non bị tắc nghẽn do ứ đọng phân, khối u, ký sinh trùng,... sẽ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra tình trạng nhiễm trùng và tăng tiết dịch tại đây. Lúc này, ruột thừa sẽ bị viêm dẫn đến sưng to và chứa nhiều dịch mủ bên trong.

Tìm hiểu 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa và quy trình thực hiện 1
Mổ nội soi thường được chỉ định khi ruột thừa bị viêm nhưng chưa vỡ

Viêm ruột thừa hay đau ruột thừa là bệnh cấp tính nguy hiểm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và không có biện pháp phòng ngừa tối ưu. Đáng nói, viêm ruột thừa diễn biến rất nhanh nhưng ở giai đoạn khởi phát thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác khiến người bệnh chủ quan không thăm khám và điều trị. Tình trạng viêm ruột thừa diễn tiến nặng không mổ cắt ruột thừa kịp thời có thế dẫn đến biến chứng như vỡ ruột thừa, áp xe ruột thừa, hình thành đám quánh ruột thừa, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

Ruột thừa thường nằm ở vị trí bụng dưới bên phải nên các triệu chứng cũng diễn ra xung quanh vị trí này. Thông thường, người bị viêm ruột thừa sẽ bị đau bụng từ âm ỉ đến dữ dội, đặc biệt cơn đau quặn bụng và tăng lên khi người bệnh di chuyển, thay đổi tư thế hay bệnh vào giai đoạn nặng. Vị trí đau bụng có thể ở quanh rốn, vùng hố chậu phải hoặc xung quanh khu vực này. Triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa, tiết niệu, phụ khoa như viêm đại tràng, viêm buồng trứng hay các bệnh lý về gan mật. Vùng bụng cũng là nơi bác sĩ đặt 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa. Ngoài triệu chứng đau bụng điển hình, người bị viêm ruột thừa có thể kèm theo dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy và các dấu hiệu khác như buồn nôn, nôn, sốt,...

Tìm hiểu 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa và quy trình thực hiện 2
Bị viêm ruột thừa thường khiến người bệnh đau bụng dưới bên phải

Vậy khi nào nên mổ ruột thừa? Đa số các trường hợp viêm ruột thừa đều cần mổ ruột thừa bởi đây là phương pháp điều trị triệt để và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh. Mổ ruột thừa cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh biến chứng, thời gian tối ưu nhất là trong vòng 6 đến 24 giờ đầu tiên. Nếu mổ ruột thừa sau 72 giờ, nguy cơ biến chứng sẽ rất cao. Lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, phức tạp và người bệnh cũng sẽ lâu hồi phục hơn.

Ngoài ra, mổ cắt ruột thừa cũng có thể thực hiện ngay cả khi không bị viêm để dự phòng nguy cơ viêm ruột thừa ở những đối tượng như thuyền viên, người lao động ở các vùng xa xôi, hẻo lánh không đáp ứng điều kiện y tế,... Việc này sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi chức năng ruột thừa ở người trưởng thành đến nay vẫn chưa được xác định.

Hiện nay, có 2 phương pháp mổ cắt ruột thừa bao gồm mổ mở và mổ nội soi. Trong đó, mổ nội soi được đánh giá cao với nhiều ưu điểm hơn so với mổ mở. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị bằng phương pháp này.

Các phương pháp mổ ruột thừa

Mổ nội soi

Đây là phương pháp mổ viêm ruột thừa tối ưu nhất hiện nay với nhiều ưu điểm so với mổ mở truyền thống. Với phương pháp này bác sĩ sẽ tạo 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa trên vùng bụng để luồn ống thông và các dụng cụ nội soi qua vết mổ vào bên trong. Bác sĩ sẽ quan sát ổ bụng thông qua hình ảnh từ camera. Sau mổ nội soi 1 đến 2 ngày người bệnh có thể ra viện nếu không có triệu chứng bất thường.

Tìm hiểu 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa và quy trình thực hiện 3
Mổ nội soi ít xâm lấn giúp rút ngắn thời gian nằm viện

Mổ mở

Mổ mở cắt ruột thừa là phương pháp mổ truyền thống. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch một vùng da bụng dài khoảng 5 đến 10cm để tiếp cận vị trí viêm thay vì 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa. Phương pháp này thường được chỉ định thay thế trong những trường hợp người bệnh không thể mổ nội soi như:

  • Vỡ ruột thừa và nhiễm trùng đã lan ra ngoài;
  • Đã có áp xe ruột thừa;
  • Người bệnh có tiền sử mở mở;
  • Người bệnh có bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp nặng không thể thực hiện mổ nội soi.

Quá trình mổ mở thường kéo dài khoảng 1 tiếng và người bệnh cần theo dõi sau mổ tối thiểu 1 tuần trước khi ra viện. Phương pháp này cũng khiến người bệnh đau đớn và nguy cơ biến chứng vết mổ cao hơn.

3 vị trí mổ nội soi ruột thừa trên ổ bụng và quy trình thực hiện

Mổ nội soi là phương án tối ưu trong các trường hợp viêm ruột thừa ở giai đoạn sớm khi ruột thừa chưa vỡ. Trong quá trình thăm khám trước mổ, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu nghi ngờ mang thai, đang mang thai, tiền sử dị ứng, tiền sử rối loạn đông máu, các loại thuốc đang dùng,... Một số trường hợp thăm khám sớm bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng, chụp CT.

3 vị trí mổ nội soi ruột thừa chính là 3 lỗ mở trên bụng để đặt trocar. 3 lỗ này nằm ở gần rốn, hố chậu phải cạnh xương hông và hố chậu trái trên xương mu. Trong đó, 1 trocar gắn camera, 2 trocar còn lại sẽ chứa dụng cụ mổ.

Tìm hiểu 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa và quy trình thực hiện 4
3 vị trí trong mổ nội soi ruột thừa

Quy trình mổ nội soi ruột thừa 3 lỗ như sau:

  • Trước mổ: Yêu cầu người bệnh nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước giờ mổ, đồng thời được đặt đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch và dùng thuốc kháng sinh.
  • Trong quá trình mổ: Người bệnh sẽ được gây mê và đặt ống nội khí quản. Bác sĩ sẽ rạch 3 lỗ để đặt trocar vào bên trong. Sau đó bơm CO2 để làm phồng bụng giúp quan sát rõ hơn, đồng thời thực hiện thao tác cắt bỏ ruột thừa thông qua hình ảnh phóng đại từ camera trên màn hình quan sát. Trường hợp vỡ ruột thừa bác sĩ sẽ rửa sạch và đặt ống dẫn lưu để dẫn dịch ra ngoài. Kết thúc quá trình mổ, bác sĩ sẽ khâu lại các vết nội soi trên thành bụng.

Sau mổ người bệnh sẽ được đưa về phòng hồi tỉnh để theo dõi trong vài giờ. Thông thường, người mổ nội soi ruột thừa sẽ phải nằm viện trong 1 đến 2 ngày nếu sức khỏe ổn định. Trong những ngày đầu sau mổ, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp, mì,... và tập đi lại để tránh dính ruột và tụ dịch.

Trên đây là những thông tin chi tiết về quy trình thực hiện mổ viêm ruột thừa. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp này cũng như nắm được 3 vị trí mổ nội soi ruột thừa thường gặp hiện nay. Mổ nội soi viêm ruột thừa đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm và máy móc hiện đại. Vì thế, nếu nghi ngờ bị viêm ruột thừa, hãy đến ngay các cơ sở y tế đảm bảo chuyên môn và kỹ thuật để được điều trị càng sớm càng tốt nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin