Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Bị đau ruột thừa nên làm gì? Có chữa tại nhà được không?

Ngày 25/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau ruột thừa là bệnh lý cấp tính có thể gặp với bất kỳ ai mà không hề báo trước. Nếu không được can thiệp kịp thời, đau ruột thừa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vậy khi bị đau ruột thừa nên làm gì?

Đau ruột thừa hay viêm ruột thừa không phải là thuật ngữ xa lạ, căn bệnh này rất phổ biến trong độ tuổi từ 10 đến 30 tuổi. Dấu hiệu khởi phát của đau ruột thừa là đau bụng. Tuy nhiên, có rất nhiều người chủ quan nghĩ rằng đau bụng do rối loạn tiêu hóa nên tự ý dùng thuốc giảm đau, trì hoãn thời gian đến bệnh viện hoặc không biết bị đau ruột thừa nên làm gì. Điều này khiến tình trạng viêm tiến triển nặng, nguy cơ biến chứng cao.

Tìm hiểu chung về đau ruột thừa

Ruột thừa là cơ quan thuộc hệ tiêu hóa dưới đáy manh tràng, nằm ở vị trí tiếp nối ruột non và đại tràng phải. Nhiều người nghĩ rằng ruột thừa không có vai trò gì như tên gọi, điều này chỉ đúng với người trưởng thành. Còn với trẻ em, ruột thừa có nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Do đó, trong hầu hết các trường hợp đau ruột thừa thì phương án cắt bỏ ruột thừa bị viêm vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Bị đau ruột thừa nên làm gì? Có chữa tại nhà được không? 1
Đau ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

Đau ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm gây ra các triệu chứng điển hình như đau bụng, sốt, rối loạn tiêu hóa. Bệnh đau ruột thừa có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi thời điểm nhưng tỷ lệ nam giới bị đau ruột thừa thường cao hơn. Đáng chú ý, phẫu thuật đau ruột thừa chiếm tới 40% số ca phẫu thuật cấp cứu bụng.

Nguyên nhân và triệu chứng của đau ruột thừa

Nguyên nhân

Ngoài vấn đề đau ruột thừa nên làm gì thì nguyên nhân gây viêm cũng rất quan trọng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa do sỏi, phân, dị vật, khối u,... Một số trường hợp ít gặp hơn người bệnh có thể bị đau ruột thừa do phì đại mô bạch huyết, do nhiễm giun đũa,... Tình trạng này sẽ khiến các vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, gây ra tình trạng viêm, sưng, hóa mủ ở ruột thừa.

Triệu chứng

Tùy vào cơ địa của người bệnh và vị trí ruột mà mà các triệu chứng của đau ruột thừa có thể khác nhau. Trong đó, hầu hết người bệnh đều có dấu hiệu đau bụng, cơn đau thường bắt đầu ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn. Lúc đầu đau âm ỉ ở mức nhẹ rồi đau quặn thành cơn dữ dội hơn. Sau khoảng 2 đến 12 giờ, cơn đau sẽ lan dần xuống vùng hố chậu phải và mức độ đau tăng dần và đau quặn thắt khi thay đổi tư thế. Thông thường, cơn đau ruột thừa sẽ có xu hướng tiến triển nặng trong vòng 24 giờ. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình và dễ nhận biết của đau ruột thừa.

Bị đau ruột thừa nên làm gì? Có chữa tại nhà được không? 2
Đau bụng do đau ruột thừa dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác

Tuy nhiên, dấu hiệu đau bụng cũng có thể khiến người bệnh nhầm lẫn với các các trường hợp ngộ độc, dị ứng. Đồng thời, vị trí và tính chất của cơn đau cũng bị ảnh hưởng bởi vị trí ruột thừa, sức chịu đựng, sức đề kháng, thuốc đang sử dụng và tình trạng bệnh lý hiện có của người bệnh. Có nhiều trường hợp đau ruột thừa 2 đến 3 ngày sau mới chẩn đoán được bệnh. Khi bị đau ruột thừa nên làm gì cũng cần dựa vào triệu chứng cụ thể của người bệnh.

Ngoài đau bụng, người bệnh thường bị sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy vào tình trạng viêm nhiễm ruột thừa. Cơn sốt do đau ruột thừa thường dao động từ 37,5 đến hơn 38,5 độ C, kèm theo một số dấu hiệu khác như chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,...

Trên thực tế, không có triệu chứng lâm sàng hay xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán chính xác đau ruột thừa. Vì thế, các bác sĩ thường phải kết hợp bệnh cảnh lâm sàng và các xét nghiệm để đưa ra kết luận. Một số xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hay được sử dụng trong chẩn đoán đau ruột thừa như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT,...

Bị đau ruột thừa nên làm gì? Có chữa tại nhà được không? 3
Siêu âm bụng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng đau ruột thừa

Biến chứng nguy hiểm của đau ruột thừa

2 biến chứng nguy hiểm do đau ruột thừa gây ra gồm:

  • Vỡ ruột thừa gây ra viêm phúc mạc: Đây là biến chứng nặng nhất của đau ruột thừa, nếu ruột thừa bị viêm và vỡ chảy vào ổ bụng sẽ dẫn đến viêm phúc mạc. Tình trạng này khiến người bệnh bị nhiễm trùng, sốt, mạch nhanh, tụt huyết áp,... Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.
  • Áp xe ruột thừa: Trường hợp này xảy ra khi ruột thừa bị vỡ nhưng chưa tràn vào ổ bụng mà tạo thành khối áp xe ruột thừa. Khi gặp biến chứng áp xe, người bệnh vẫn có các triệu chứng của đau ruột thừa như sốt cao, đau hố chậu phải,... Đồng thời, khi khám hố chậu sẽ thấy khối không di động, ấn thấy đau, đó chính là khối áp xe ruột thừa. Nếu không được xử trí đúng, khối áp xe sẽ vỡ và gây viêm phúc mạc.

Bị đau ruột thừa nên làm gì để không biến chứng?

Việc phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác đau ruột thừa để can thiệp kịp thời là rất quan trọng. Có rất nhiều trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo đau ruột thừa nhưng người bệnh lại tự ý mua thuốc giảm đau về uống gây ra nhiều biến chứng khôn lường.

Vậy bị đau ruột thừa nên làm gì? Theo các chuyên giá, khi có các dấu hiệu nghi ngờ đau ruột thừa, người bệnh cần:

  • Nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp sớm, tránh nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Điều trị kịp thời trước 24 đến 48 giờ kể từ khi cơn đau đầu tiên xuất hiện là tốt nhất. Bởi khi đau ruột thừa đã có biến chứng thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và tính mạng của người bệnh cũng bị đe dọa.
  • Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà bởi đau ruột thừa là bệnh lý ngoại khoa, cần được theo dõi và điều trị bởi nhân viên y tế chuyên khoa.

Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị thích hợp. Người bệnh có thể phải phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi. Trong đó, nội soi là phương pháp được ưu tiên lựa chọn trong những trường hợp người bệnh lớn tuổi, người bị béo phì, viêm ruột thừa chưa tiến triển nặng,... Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm vượt trội như ít xâm lấn, ít đau, để lại sẹo nhỏ, thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên, với các trường hợp ruột thừa bị vỡ và có nhiễm trùng, áp xe thì thường được chỉ định mổ mở.

Bị đau ruột thừa nên làm gì? Có chữa tại nhà được không? 4
Mổ nội soi sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn

Bên cạnh những việc nên làm khi bị đau ruột thừa kể trên, người bệnh có thể áp dụng một số cách sau để giảm cơn đau ruột thừa:

  • Uống nước ấm: Không chỉ có lợi đối với sức khỏe của người bệnh nói chung, nước ấm còn giúp làm sạch ruột, hỗ trợ giảm bớt sự tích tụ chất độc ở ruột thừa.
  • Mát-xa: Việc này có thể giúp giảm cơn đau do đau ruột thừa gây ra ở vùng bụng dưới.

Tóm lại đau ruột thừa rất thường gặp với diễn biến nhanh và nguy hiểm. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về đau ruột thừa, đồng thời giải đáp được thắc mắc đau ruột thừa nên làm gì.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin