Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu các phương pháp tán sỏi thận phổ biến hiện nay

Ngày 23/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong cơ thể, thận là cơ quan đảm nhận các vai trò như lọc máu, duy trì điện giải và muối trong cơ thể ở mức ổn định. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân từ thức ăn, lối sống sinh hoạt mà tỉ lệ mắc các bệnh lý về thận tăng cao. Tán sỏi thận là một trong các phương pháp điều trị sỏi thận. Vậy khi nào thì cần tán sỏi thận?

Tán sỏi thận là một trong những phương pháp điều trị sỏi tiết niệu hữu hiệu nhất hiện nay và được nhiều người quan tâm đến. Tuy nhiên, có bao nhiêu phương pháp tán sỏi thận? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé! 

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận hay còn được gọi là sạn thận, gồm sỏi đài thận và sỏi bể thận, kích thước to hay nhỏ sẽ phụ thuộc vào thời gian và nồng độ các chất khoáng trong nước tiểu. Khi có quá nhiều các chất khoáng như canxi, oxalate và acid uric tích tụ, lắng đọng lại ở thận, kết tinh và tạo thành các tinh thể nhỏ. Theo thời gian lâu dần sẽ hình thành sỏi. Những viên sỏi này có thể gây ra cảm giác đau, cản trở nước tiểu lưu thông, gây ứ nước tiểu, giãn phình cơ quan phía trên vị trí sỏi gây nghẽn.

Nhung-dieu-can-biet-ve-tan-soi-than 2.png
Sỏi thận gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh

Khi có sỏi thận trên đường tiết niệu, cơ thể sẽ có các triệu chứng sau:

  • Có thể gây ra những cơn đau dữ dội ở vùng hố thắt lưng, một bên hoặc hai bên, sau đó lan ra các vùng xung quanh;
  • Tiểu ra máu: Nếu viên sỏi có bề mặt nhám hoặc gai, việc người bệnh hoạt động mạnh và nhiều có thể làm cho viên sỏi ma sát với đường tiết niệu, gây tiểu ra máu;
  • Đau buốt khi đi tiểu (tiểu buốt);
  • Buồn nôn, nôn;
  • Bí tiểu hoặc tiểu són.

Nguyên nhân gây sỏi thận

Các nguyên nhân gây sỏi thận bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Tiêu thụ nhiều thức ăn giàu oxalate (như cà chua, cacao, rau bina), muối và đường có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi. Uống không đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ làm tăng nồng độ của các chất gây nên sỏi thận và gây nên sỏi trong nước tiểu.
  • Tình trạng sức khoẻ: Bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền luyệt, bệnh gout, viêm ruột, nhiễm trùng vùng sinh dục tái lại nhiều lần hoặc phẫu thuật dạ dày có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận.
  • Dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu: Làm cho nước tiểu không thoát ra bình thường được, tích trữ lâu dần hình thành sỏi.
  • Chế độ sinh hoạt: Lười vận động, thường xuyên nhịn tiểu, mất ngủ kéo dài,...

Các phương pháp tán sỏi thận phổ biến hiện nay

Trong điều trị sỏi thận có hai hình thức thường dùng là mổ nội soi hoặc mổ mở. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương thức nào là hợp lý. Cả quá trình thao tác thông qua một vết rạch rất nhỏ hoặc theo đường từ nhiên không vết mổ và mọi thao tác sẽ được thực hiện thông qua màn hình bên ngoài.

Nhung-dieu-can-biet-ve-tan-soi-than 3.png
Tán sỏi thận là một phương pháp điều trị sỏi thận ngoại khoa

Trước khi tiến hành thực hiện thủ thuật tán sỏi thận, bệnh nhân sẽ cần được kiểm tra kỹ lưỡng và tư vấn để chắc chắn rằng đây là lựa chọn tốt nhất. Quá trình thực hiện thủ thuật thường không đau và không cần gây mê toàn thân, giúp giảm thiểu cảm giác lo lắng cho người bệnh. Hiện nay có các phương pháp tán sỏi thận như sau:

Phương pháp mổ nội soi tán sỏi thận

Mổ nội soi thường được cân nhắc ưu tiên hơn vì sự an toàn, hiệu quả và là một trong những phương pháp can thiệp tối thiểu hiện đại.

  • Tán sỏi ngoài cơ thể: Phù hợp với sỏi có kích thước nhỏ hơn 2 cm (ngoại trừ sỏi cystin và sỏi canxi oxalat). Thành công khoảng 70 - 80%, có thể phải thực hiện lần 2 hoặc nhiều hơn gây tốn thời gian, chi phí.
  • Tán sỏi nội soi niệu quản: Dùng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo lên để đến vị trí của viên sỏi, dùng laser để phá sỏi. Người bệnh có thể xuất viện trong vòng 24 giờ, ưu tiên sỏi ở 1/3 niệu quản. Tuy nhiên, có thể có một số biến chứng như thủng niệu quản,...
  • Tán nội soi qua da: Có thể áp dụng được với sỏi to bằng cách tạo một đường nhỏ từ da vào thận, sau đó dùng laser phá sỏi thành từng mảnh nhỏ rồi hút ra khỏi cơ thể. Phương pháp này có thể lấy sỏi ra khỏi cơ thể khoảng 95% sỏi. Nhược điểm của phương pháp này là có thể bị chảy máu, cần nằm viện khoảng 3 đến 5 ngày. 

Lưu ý: Sau khi được thực hiện thủ thuật tán sỏi thận thì điều quan trọng là phải uống đủ nước để hỗ trợ quá trình đào thải sỏi khỏi cơ thể. Đồng thời, tuân thủ chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh là cần thiết để hạn chế nguy cơ tái phát sỏi thận.

Phương pháp mổ mở tán sỏi thận

Phương pháp mổ mở hầu như chỉ áp dụng cho những trường hợp sỏi lớn, kích thước từ 2cm trở lên hoặc sỏi san hô cứng, phức tạp, có quá nhiều sỏi. Tuy phương pháp này có thể lấy hết sỏi trong một lần nhưng người bệnh phải mở phúc mạc, gây đau đớn và có nguy cơ nhiễm trùng cao. Trong trường hợp sẹo bị xơ hóa còn có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và làm suy giảm các chức năng của thận. 

Những điều cần lưu ý sau khi tán sỏi thận

Phòng tránh sỏi thận không chỉ dựa vào việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống mà còn cần sự kiểm tra và theo dõi sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng cơ thể. Hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp sẽ giúp người bệnh giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh và duy trì một cuộc sống khỏe mạnh.

  • Uống đủ nước: Cách tính lượng nước phải uống dựa vào cân nặng của cơ thể là cân nặng (kg) x 40 = lượng nước (cc) cần uống (1000cc = 1 lít nước).
  • Hạn chế các thực phẩm làm tăng nguy cơ hình thành sỏi như soda, dâu tây, các loại kẹo sô cô la, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol, thực phẩm chiên rán nhiều dầu, mỡ,...
  • Ưu tiên cách chế biến tốt cho sức khoẻ như hấp, luộc, ít muối, ít đường,...
  • Duy trì cân nặng lý tưởng so với chiều cao của bản thân.
  • Tập thể dục hằng ngày, không nhịn tiểu, ngủ sớm và đủ giấc, không hút thuốc lá hay sử dụng rượu bia,...
Nhung-dieu-can-biet-ve-tan-soi-than 4.png
Uống đủ và nhiều nước là một điều cần thiết trong việc phòng ngừa và điều trị sỏi thận

Trên đây là các phương pháp tán sỏi thận phổ biển được áp dụng trong điều trị sỏi thận hiện nay. Tán sỏi thận mang lại cơ hội giúp loại bỏ sỏi một cách an toàn và hiệu quả cho nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, lựa chọn này không phải là phù hợp nhất đối với tất cả các trường hợp. Nên ngay khi thấy có các triệu chứng của sỏi thận, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ chỉ định thực hiện những xét nghiệm cần thiết. 

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm