Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Vòi tử cung là một phần quan trọng trong hệ thống sinh sản nữ. Tìm hiểu chi tiết về giải phẫu vòi tử cung nữ giới hiểu rõ hơn về cơ thể mình, từ đó có những biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt nhất.
Vòi tử cung, hay còn gọi là ống dẫn trứng, là một phần của giải phẫu buồng trứng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản. Vòi tử cung kết nối từ buồng tử cung đến buồng trứng, góp phần quyết định khả năng thụ thai và mang thai của phụ nữ. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về giải phẫu vòi tử cung và các bệnh lý thường gặp liên quan đến vòi tử cung.
Vòi tử cung, còn gọi là ống dẫn trứng, là một bộ phận quan trọng trong hệ thống sinh sản nữ. Vậy cấu tạo, chức năng của ống dẫn trứng hay vòi tử cung như thế nào? Vòi tử cung có hình dạng ống dài và mảnh, nối liền buồng trứng với tử cung. Mỗi phụ nữ có hai vòi tử cung, nằm ở hai bên tử cung và chạy dọc từ mỗi buồng trứng đến tử cung.
Vai trò chính của vòi tử cung là dẫn trứng từ buồng trứng đến tử cung. Khi trứng được phóng ra từ buồng trứng trong quá trình rụng trứng, nó sẽ được vòi tử cung bắt giữ và dẫn vào tử cung. Đây cũng là nơi mà quá trình thụ tinh diễn ra khi tinh trùng gặp trứng. Nếu trứng được thụ tinh, phôi sẽ tiếp tục di chuyển qua vòi tử cung đến tử cung để làm tổ và phát triển thành thai nhi.
Sự hẹp hòi hoặc tắc nghẽn của vòi tử cung có thể dẫn đến vô sinh hoặc thai ngoài tử cung, một tình trạng nguy hiểm cần được can thiệp y tế kịp thời. Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến vòi tử cung khá cao, đặc biệt là trong các trường hợp vô sinh. Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2020, khoảng 20 - 25% các trường hợp vô sinh ở phụ nữ là do vấn đề ở vòi tử cung.
Vòi tử cung có cấu tạo chi tiết như sau:
Phễu vòi là phần đầu tiên của vòi tử cung, nằm gần buồng trứng. Nó có hình dạng phễu và là phần rộng nhất trong các đoạn của vòi tử cung. Phễu vòi có tua vòi, là những sợi nhỏ giúp bắt trứng khi trứng được phóng ra từ buồng trứng. Tua vòi hoạt động như những cánh tay nhỏ, quét qua bề mặt buồng trứng để bắt giữ trứng và đưa vào trong vòi tử cung. Nhờ vào tua vòi, phễu vòi đảm bảo rằng trứng không bị lạc vào khoang bụng và có cơ hội tiếp xúc với tinh trùng để thụ tinh.
Đoạn loa là phần dài nhất và rộng nhất của vòi tử cung, nằm ngay sau phễu vòi. Đây là nơi thường diễn ra quá trình thụ tinh, khi tinh trùng gặp trứng. Đoạn loa có thành mỏng và rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di chuyển của trứng và tinh trùng. Có thể coi đây là nơi bắt đầu sự sống mới sau khi trứng được thụ tinh.
Đoạn eo là phần hẹp và ngắn nhất của vòi tử cung, nằm giữa đoạn loa và đoạn tử cung. Nó có thành dày hơn và hẹp hơn so với đoạn loa, tạo ra sự co bóp giúp đẩy trứng hoặc phôi về phía tử cung. Việc này đảm bảo rằng trứng hoặc phôi đến đúng vị trí trong tử cung để tiếp tục phát triển.
Đoạn tử cung là phần cuối cùng của vòi tử cung, nằm bên trong thành tử cung. Đây là phần nối liền vòi tử cung với buồng tử cung, nơi mà trứng hoặc phôi sẽ được đưa vào tử cung để làm tổ, bắt đầu quá trình phát triển thành thai nhi.
Mỗi phần trong giải phẫu vòi tử cung đều có vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản nữ. Từ việc bắt giữ trứng, tạo điều kiện cho thụ tinh, đến dẫn trứng/phôi vào tử cung, các phần của vòi tử cung hoạt động một cách hài hòa để đảm bảo quá trình sinh sản diễn ra một cách hiệu quả.
Trong giải phẫu vòi tử cung, chúng ta không thể không kể đến 2 thành phần quan trọng là mạch máu và các dây thần kinh.
Động mạch vòi tử cung là nguồn cung cấp máu chính cho vòi tử cung. Động mạch này thường bắt nguồn từ động mạch tử cung và động mạch buồng trứng. Nó cung cấp máy để đảm bảo rằng vòi tử cung nhận được đủ máu và chất dinh dưỡng cần thiết. Động mạch tử cung và động mạch buồng trứng phân bố các nhánh nhỏ vào vòi tử cung, tạo nên mạng lưới mạch máu phong phú.
Hệ thống tĩnh mạch dẫn lưu máu từ vòi tử cung bao gồm tĩnh mạch buồng trứng và tĩnh mạch tử cung. Máu sau khi cung cấp dưỡng chất cho vòi tử cung sẽ được dẫn lưu qua các tĩnh mạch này trở về hệ tuần hoàn chung. Hệ thống mạch máu này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống và hoạt động bình thường của vòi tử cung.
Giải phẫu vòi tử cung cũng bao gồm các dây thần kinh chi phối vòi tử cung như các nhánh từ đám rối thần kinh tử cung - buồng trứng và đám rối thần kinh hạ vị. Các dây thần kinh này có chức năng điều điều phối các cử động nhu động và sự vận chuyển của lông chuyển, giúp trứng di chuyển từ buồng trứng qua vòi tử cung đến tử cung một cách hiệu quả. Đồng thời, các dây thần kinh cũng giúp cảm nhận các kích thích đau và áp lực từ cơ quan sinh sản.
Vòi tử cung có chức năng quan trọng trong hệ thống sinh sản nữ giới. Nhưng cũng có rất nhiều vấn đề liên quan đến vòi tử cung, có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của bộ phận này. Điển hình nhất có thể kể đến:
Viêm vòi tử cung hay còn được gọi là viêm ống dẫn trứng: Tình trạng viêm nhiễm của vòi tử cung thường do vi khuẩn gây ra, đặc biệt là các loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như: Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae. Triệu chứng của viêm vòi tử cung bao gồm đau bụng dưới, sốt, ra khí hư bất thường, đau khi giao hợp hoặc khi đi tiểu. Điều trị viêm vòi tử cung chủ yếu bằng kháng sinh, và cần điều trị cả bạn tình để tránh tái nhiễm.
Viêm vòi tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: Dính vòi tử cung, tắc nghẽn vòi tử cung và làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của phụ nữ, gây khó có thai hoặc vô sinh.
Thai ngoài tử cung là tình trạng phôi thai phát triển bên ngoài buồng tử cung, thường là trong vòi tử cung. Nguyên nhân của thai ngoài tử cung bao gồm viêm nhiễm, tắc nghẽn vòi tử cung hoặc các vấn đề về cấu trúc giải phẫu vòi tử cung. Điều trị thai ngoài tử cung thường áp dụng phương pháp loại bỏ phôi thai và có thể cần cắt bỏ vòi tử cung bị ảnh hưởng.
Tắc nghẽn vòi tử cung hay tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh ở phụ nữ. Nguyên nhân gây tắc nghẽn có thể do viêm nhiễm, sẹo từ các phẫu thuật trước đó hoặc do các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung. Chụp tử cung vòi trứng sẽ cho biết tình trạng này. Điều trị tắc nghẽn vòi tử cung bao gồm dùng thuốc kháng viêm, phẫu thuật thông vòi tử cung thậm chí phải cắt bỏ vòi tử cung khi tắc nghẽn nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, các vấn đề về vòi tử cung đóng góp một phần đáng kể trong tỷ lệ vô sinh nữ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu giải phẫu vòi tử cung, chẩn đoán và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến vòi tử cung để cải thiện khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.